Nhằm mục đích giúp đỡ nhà đầu tư nắm bắt được chính sách đầu tư của Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực ưu đãi đầu tư của Việt Nam. Công ty Luật IPIC tiến hành hệ thống lại các quy định của pháp luật liên quan đến điều kiện đầu tư và ưu đãi đầu tư và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam đến thời điểm 2020.
Những nội dung chúng tôi viết là những nội dung đã được chúng tôi tìm hiểu và hế thống lại quy định pháp luật Việt Nam liên quan: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác. Công ty Luật IPIC dành nhiều tâm huyết để thực hiện các bài viết này không nằm ngoài mục đích là giúp đỡ nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về môi trường đầu tư của Việt Nam, qua đó góp phần vào việc thu hút đầu tư tại Việt Nam.
Sau đây là nội dung chi tiết về đến điều kiện đầu tư, ưu đãi đầu tư, thủ tục ưu đãi đầu tư liên quan lĩnh vực “Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển” theo quy định của pháp luật Việt Nam:
Lĩnh vực đầu tư Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục Công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển bao gồm 58 ngành nghề công nghệ cao:
STT NGÀNH NGHỀ CÔNG NGHỆ CAO
1 Công nghệ thiết kế, chế tạo các vi mạch điện tử tích hợp (IC);
2 Công nghệ thiết kế, chế tạo màn hình độ phân giải cao;
3 Công nghệ phát triển hệ điều hành cho máy tính và các thiết bị di động, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, phần mềm nền tảng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng;
4 Công nghệ thiết kế, chế tạo các hệ thống nhúng;
5 Công nghệ đảm bảo an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin;
6 Công nghệ trí tuệ nhân tạo;
7 Công nghệ tính toán phân tán và tính toán hiệu năng cao;
8 Công nghệ dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn;
9 Công nghệ mạng thế hệ sau (NGN, 4G, 5G);
10 Công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây;
11 Công nghệ truyền hình số thế hệ thứ 2 và các thế hệ sau;
12 Công nghệ truyền hình tương tác, công nghệ truyền hình lai ghép;
13 Công nghệ điện tử linh hoạt (FE);
14 Công nghệ tin sinh học;
15 Công nghệ thiết kế, chế tạo các thiết bị điều khiển, bộ biến đổi điện tử công suất dùng cho ngành điện, ngành cơ khí chế tạo;
16 Công nghệ chuyển hóa và lưu trữ các nguồn năng lượng tái tạo;
17 Công nghệ hàng không, vũ trụ;
18 Công nghệ thiết kế, chế tạo các cơ cấu chấp hành, các bộ điều khiển và giám sát tự động cho các hệ thống thiết bị đồng bộ trong các nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy điện, nhà máy xi măng, dây chuyền sản xuất thực phẩm, dược phẩm, phân bón, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản và công trình thủy;
19 Công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị và dụng cụ đo lường thế hệ mới;
20 Công nghệ thiết kế, chế tạo robot;
21 Công nghệ thiết kế và sản xuất nhờ máy tính (CAD/CAM/CAE), công nghệ sản xuất linh hoạt (FMS), công nghệ sản xuất tích hợp (CIM) để sản xuất sản phẩm có độ phức tạp cao;
22 Công nghệ điều khiển độ chính xác gia công cơ khí;
23 Công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp ráp hạ thủy giàn khoan và các kết cấu siêu trường siêu trọng phục vụ ngành dầu khí;
24 Công nghệ khoan thế hệ mới trong thăm dò dầu khí;
25 Công nghệ thiết kế, chế tạo tàu thủy cỡ lớn và tàu có tính năng phức tạp;
26 Công nghệ thiết kế, chế tạo máy nông nghiệp thế hệ mới;
27 Công nghệ thiết kế, chế tạo khuôn mẫu kỹ thuật độ chính xác cao;
28 Công nghệ thiết kế, chế tạo các hệ thống thiết bị quang học tiên tiến;
29 Công nghệ thiết kế, chế tạo các thiết bị phục vụ chẩn đoán và điều trị bằng hình ảnh dùng trong y tế, thiết bị y tế sử dụng công nghệ hạt nhân, thiết bị tiêm truyền dịch tự động;
30 Công nghệ gia công vật liệu bằng siêu âm, tia lửa điện, plasma, laser;
31 Công nghệ xử lý bề mặt và hàn trong môi trường đặc biệt;
32 Công nghệ tiệt khuẩn nhiệt độ thấp; công nghệ xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng microwave, plasma;
33 Công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống vi cơ điện tử (MEMS), hệ thống nanô cơ điện tử (NEMS) và cảm biến theo nguyên lý mới;
34 Công nghệ gen ứng dụng trong chẩn đoán, giám định, điều trị;
35 Công nghệ chế tạo, sản xuất vắc-xin tái tổ hợp, protein tái tổ hợp;
36 Công nghệ tế bào gốc ứng dụng trong tái tạo mô và cơ quan;
37 Công nghệ tế bào mô, phôi động vật; công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật;
38 Công nghệ chế tạo, sản xuất kháng thể đơn dòng;
39 Công nghệ Genomics, Proteomics, Metabolomics;
40 Công nghệ vi sinh phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường;
41 Công nghệ chế tạo, sản xuất các chế phẩm sinh học thế hệ mới phục vụ bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và dược liệu;
42 Công nghệ sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích dục tố thủy sản, phân bón thế hệ mới đạt tiêu chuẩn quốc tế;
43 Công nghệ chế tạo vật liệu bán dẫn, quang điện tử, quang tử và siêu vật liệu biến hóa (metamaterials);
44 Công nghệ chế tạo vật liệu từ cao cấp;
45 Công nghệ sản xuất hợp kim đặc biệt;
46 Công nghệ điện phân nhôm với dòng điện 500 KA;
47 Công nghệ chiết trong sản xuất vật liệu siêu sạch ở quy mô công nghiệp;
48 Công nghệ chế tạo vật liệu siêu bền, siêu nhẹ, thân thiện với môi trường hoặc sử dụng trong môi trường khắc nghiệt;
49 Công nghệ sản xuất vật liệu polyme tổ hợp và composite nền cao phân tử chất lượng cao, bền với khí hậu nhiệt đới;
50 Công nghệ sản xuất polyme sinh học có khả năng tự phân hủy;
51 Công nghệ chế tạo sơn chuyên dụng cao cấp, thân thiện với môi trường;
52 Công nghệ vật liệu xúc tác, hấp thụ để tái chế cặn dầu và dầu thải tạo ra các sản phẩm dầu gốc có phẩm cấp từ API nhóm II (hoặc tương đương) trở lên;
53 Công nghệ chế tạo cao su kỹ thuật cao cấp chuyên dụng cho chế tạo máy, điện, điện tử, an ninh quốc phòng;
54 Công nghệ sản xuất gốm sứ kỹ thuật cao cấp cho công nghiệp điện, điện tử, chế tạo máy;
55 Công nghệ chế tạo vật liệu sợi thủy tinh đặc biệt, sợi cácbon;
56 Công nghệ vật liệu nanô;
57 Công nghệ chế tạo vật liệu và sản phẩm cấy ghép can thiệp vào cơ thể con người;
58 Công nghệ sản xuất hóa chất, sinh phẩm phục vụ cho các hệ thống xét nghiệm tự động và đồng bộ.
Nội dung tư vấn liên quan:
1. Điều kiện đầu tư thuộc lĩnh vực “Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển” theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lĩnh vực Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được quy định tại:
- Luật Công nghệ cao năm 2008;
- Thông tư 32/2011/TT-BKHCN Quy định về việc xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao;
- Quyết định 66/2014/QĐ-TTg Về việc phê duyệt danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;
Theo quy định của pháp luật, trong danh mục các ngành nghề Ứng dụng công nghệ cao, nếu muốn rở thành dự án án ứng dụng công nghệ cao thì phải đáp ứng các điều kiện cụ thể sau:
- Sử dụng kết quả nghiên cứu về công nghệ cao để đổi mới công nghệ, đổi mới và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm góp phần hiện đại hóa hoặc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới tại Việt Nam;
- Sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao nhằm hoàn thiện công nghệ;
- Làm chủ, thích nghi công nghệ cao nhập từ nước ngoài vào điều kiện thực tế Việt Nam, có sử dụng nguyên liệu, vật liệu, linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu.
- Số lao động có bằng đại học trở lên trực tiếp tham gia thực hiện nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động của dự án;
- Tổng chi bình quân cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam hàng năm phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu của dự án. Nội dung chi hoạt động nghiên cứu và phát triển bao gồm:
- Tiền lương, tiền công, phụ cấp cho cán bộ nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu; thù lao cho chuyên gia nhận xét, phản biện, đánh giá kết quả nghiên cứu; tiền công cho các đối tượng lao động khác tham gia và phục vụ nghiên cứu; chi hội thảo, hội nghị khoa học liên quan đến nội dung nghiên cứu của dự án; chi cho đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ nghiên cứu;
- Mua và vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hóa chất, nhiên liệu, năng lượng, phục vụ cho nghiên cứu;
- Mua sản phẩm mẫu, tài liệu, số liệu quan trắc, số liệu điều tra, thông tin điện tử, văn phòng phẩm, vật dụng bảo hộ lao động, vật rẻ tiền mau hỏng phục vụ cho nghiên cứu;
- Thuê cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu, thí nghiệm và thử nghiệm.
- Hệ thống quản lý chất lượng của dự án phải đạt các tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2008 , CMM hoặc GMP (tuỳ theo đặc thù dự án ứng dụng công nghệ cao áp dụng tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế);
- Dự án phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong lĩnh vực hoạt động của dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khuyến khích dự án đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường như ISO 14000 hoặc tiêu chuẩn tương đương.
Như vậy, nhà đầu tư cần phải đáp ứng các điều kiện trên để có thể hoạt động trong lĩnh vực vực Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển.
Tin tức công ty Luật IPIC:
Tham nhũng trong lĩnh vực tư có thể bị xử lý hình sự
Đăng ký vốn điều lệ, quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp
2. Quy định về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển:
Đầu tư ngành nghề liên quan đến “Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển” được ưu đãi khi tiến hành đầu tư như sau:
STT |
Hình thức ưu đãi |
Nội dung ưu đãi |
Cơ sở pháp lý |
1 |
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp |
Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm: + Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao; ...... |
Điểm b Khoản 1 Điều 15 Nghị định 218/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp. - Văn bản hợp nhất 09/VBHN-BTC năm 2018 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp |
2 |
Ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu |
Miễn thuế đối với “Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của các dự án đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (trừ các dự án sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, điều hòa, máy sưởi điện, tủ lạnh, máy giặt, quạt điện, máy rửa bát đĩa, đầu đĩa, dàn âm thanh, bàn là điện, ấm đun nước, máy sấy khô tóc, làm khô tay và những mặt hàng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất. Phụ lục I: Bao gồm Ứng dụng công nghệ cao. |
- Khoản 14 Điều 12 Văn bản hợp nhất 09/VBHN-BTC năm 2015 Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật thuế xuất khẩu, thuế nhập |
3 |
Ưu đãi tiền thuê đất |
Tùy thuộc vào Khu vực, thực tế đất trong Khu công nghệ cao mà có những ưu đãi về tiền thuê đất khác nhau. Tham khảo các trường hợp tại các Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15 Nghị định 35/2017/NĐ-CP Quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao |
- Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15 Nghị định 35/2017/NĐ-CP Quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao |
Tham khảo thêm bài viết tương tự:
3. Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển:
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 118/NĐ-CP quy định về Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư:
“1. Ưu đãi đầu tư ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư gồm những nội dung sau đây:
a) Đối tượng và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 16 Nghị định này;
b) Căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai.
2. Đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư căn cứ nội dung ưu đãi đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư để hưởng ưu đãi đầu tư. Căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ”.
Như vậy, Nhà đầu tư chủ động đề nghị xin ưu đãi đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét ghi ưu đãi đầu tư ngay trong giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với Ưu đãi tiền thuê đất: Người sử dụng đất thuê đất trong Khu công nghệ cao thực hiện dự án đầu tư nộp hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất tại Ban quản lý Khu công nghệ cao trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định cho thuê đất trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất, Ban quản lý Khu công nghệ cao xác định và ban hành quyết định miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định. Thời điểm miễn tiền thuê đất tính từ ngày có quyết định cho thuê đất. Trường hợp chậm làm thủ tục miễn, giảm tiền thuê đất thì khoảng thời gian chậm làm thủ tục không được miễn, giảm tiền thuê đất.
Trên đây là một số nội dung chia sẽ kiến thức kinh nghiệm của Công ty Luật TNHH IPIC liên quan đến điều kiện đầu tư, ưu đãi đầu tư, thủ tục ưu đãi đầu tư liên quan lĩnh vực Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu quý khách hàng cần tư vấn chi tiết, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Trân trọng!
Ls. Nguyễn Trinh Đức