Đăng ký vốn điều lệ, quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp

23 /032020

Đăng ký vốn điều lệ, quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp

Vai trò của vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp qua vụ đăng ký vốn siêu khủng 144.000 tỷ đồng

MC

Kính chào Luật sư, thời gian gần đây dư luận đang xôn xao về việc có một doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn điều lệ khủng 144.000 tỷ đồng, không biết Luật sư có nghe về việc này chưa?

Luật sư

Vâng tôi có biết về việc này. Theo Báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 1 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp thành lập mới tháng 1/2020 đã tăng đột biến vì một doanh nghiệp mới lập với số vốn 144.000 tỷ đồng (tương đương gần 6,5 tỷ USD)

Đây là số vốn khủng tương đương với tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng lớn Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cộng lại và lớn hơn vốn điều lệ của Viettel (hiện khoảng 141.000 tỷ đồng) thậm chí là gấp 4 lần vốn điều lệ của Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (hơn 34.000 tỷ đồng).

Xét trong bối cảnh thực tế nước ta hiện nay thì nếu doanh nghiệp này góp đủ vốn đã đăng ký thì đây thực sự là một “siêu doanh nghiệp”.

MC

Vâng, nhưng qua nguồn tin mà phóng viên của chúng tôi tìm hiểu thì có những điều rất lạ ở doanh nghiệp này, từ việc công ty chỉ có 3 thành viên góp vốn là cá nhâ, trụ sở công ty nằm trong ngôi nhà riêng tại một con ngõ nhỏ của quận Hoài Đức, cho đến việc một trong ba cổ đông, người cam kết góp 43.200 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn) thì lại trả lời rằng bà đang không hề biết về việc này, chỉ cho mượn tên để thành lập doanh nghiệp chứ không có tiền để góp vốn .

Và cũng từ sự việc này dấy lên mối quan tâm của dư luận về vấn đề pháp lý trong việc đăng ký vốn điều lệ của doanh nghiệp, xin luật sư cho biết ý kiến của mình về vấn đề này.

 

Luật sư

Trước hết tôi phải khẳng định rằng, việc doanh nghiệp đăng ký số vốn điều lệ lên tới 144.000 tỷ đồng tuy là bất thường nhưng vẫn hợp pháp.

Để mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề tính pháp lý của việc đăng ký và góp vốn, trong buổi chia sẻ ngày hôm nay, tôi xin nói đến 4 vấn đề pháp lý mà theo quan điểm của tôi đây là các vấn đề mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần quan tâm.

  1. Thế nào là vốn điều lệ?
  2. Mức vốn điều lệ?
  3. Thời hạn góp vốn? Trách nhiệm pháp lý và phương án khi không góp/ góp không đủ vốn.
  4. Vai trò của vốn điều lệ?

Luật sư

Thế nào là vốn điều lệ?

Theo quy định tại Khoản 29 Điều 5 Luật doanh nghiệp 2014, Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.

Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

 

MC

Vậy còn về mức vốn điều lệ thì pháp luật quy định như thế nào thưa Luật sư?

Luật sư

Mức vốn điều lệ?

Hiện tại luật không quy định doanh nghiệp phải có bao nhiêu vốn tối thiểu và tối đa trừ doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề bắt buộc phải có vốn pháp định tối thiểu. Trước đây, Luật doanh nghiệp 2005 quy định: “Vốn pháp định là số vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp”. Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp 2014 đã bỏ việc xác định vốn pháp định với mục đích hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Và chúng ta có thể thấy được quy định về vốn pháp định giờ nằm trong các văn bản quy định điều kiện kinh doanh của một số ngành nghề cụ thể. Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định thì các bạn lưu ý khi đăng ký doanh nghiệp vốn điều lệ đăng ký của doanh nghiệp cần bằng hoặc lớn hơn so với vốn pháp định.

Ví dụ: Ngành nghề kinh doanh bất động sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện và yêu cầu vốn pháp định của công ty là 20 tỷ đồng (khoản 1 Điều 3 Nghị định số 76/2015/NĐ-CP). Theo đó, mức vốn điều lệ tối thiểu khi công ty đăng ký thành lập là 20 tỷ đồng và không giới hạn số vố tối đa. Theo tôi tìm hiểu, “siêu doanh nghiệp” đăng ký vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng kia đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, do vậy số vốn tối thiểu phải đăng ký là 20 tỷ đồng, còn không có quy định số vốn tối đa, do vậy, đăng ký bao nhiêu là quyền của doanh nghiệp.

 

MC

Vậy làm thế nào để biết doanh nghiệp đã góp đủ số vốn đã cam kết hay chưa thưa Luật sư?

 

Luật sư

Thời hạn góp vốn?

Theo quy định tại Điều 48, 74, 112 Luật doanh nghiệp 2014, thì thời hạn góp vốn/ thanh toán cổ phần đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết/đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp nói chung là trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn thành lập trước ngày 01/7/2015, thời hạn góp vốn thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty.

 

Pháp luật đã có quy định về thời hạn góp vốn, về trách nhiệm góp đủ và đúng số vốn đã cam kết của các thành viên, về trách nhiệm và mức xử phạt trong trường hợp các doanh nghiệp không góp vốn như đã cam kết, tuy nhiên theo quan điểm của tối bằng chứng ghi nhận quyền sở hữu phần vốn góp của thành viên là một vấn đề không rõ ràng theo Luật doanh nghiệp 2005 và vẫn tiếp tục không rõ ràng theo Luật doanh nghiệp 2014.

Chẳng hạn, quy định chỉ khi góp vốn vào doanh nghiệp khác hoặc nhận góp vốn của doanh nghiệp khác mới phải sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.(nghĩa là doanh nghiệp A mua vốn góp hoặc cổ phần của doanh nghiệp B). Còn khi cá nhân góp vốn điều lệ có thể góp bằng Chuyển khoản hoặc Tiền mặt đều được – Theo Thông tư 09/2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 17/03/2015 và Công văn 786/TCT-CS ngày 1/3/2016 của Tổng cục Thuế v/v chính sách thuế. Do vậy, khó có thể kiểm soát được việc các bên liệu đã góp đúng đủ số vốn cam kết trong thời hạn quy định hay chưa.

Tuy nhiên, tôi cho rằng pháp luật cũng rất linh hoạt, khéo léo khi có những cơ chế để ràng buộc giữa quyền lợi và trách nhiệm của các bên tương ứng với số vốn góp. Theo quan điểm của tôi, vốn góp cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông trong công ty do đó tính chất này cũng góp phần gia tăng trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp trong việc góp vốn. Anh muốn che dấu việc góp không đủ/ chưa đủ số vốn đã cam kết thì anh phải chịu trách nhiệm với cả phần nghĩa vụ tương đương với số vốn đã đăng ký góp mặc dù anh chưa góp hay không góp, liên quan đến các khoản nợ nếu có và tôi tin rằng nhiều người sẽ không dám mạo hiểm với điều này.

 

MC

Vậy nếu doanh nghiệp không góp đủ số vốn đã cam kết trong thời hạn quy định thì sẽ như thế nào thưa Luật sư?

 

Luật sư

Tùy từng loại hình công ty mà pháp luật quy định về xử lý việc chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết sau thời hạn quy định.

Về phía thành viên góp vốn/ mua cổ phần, sau thời hạn quy định mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty, thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp.

Về phía doanh nghiệp, họ phải thực hiện điều đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ

Ngoài ra, kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị là các hành vi bị nghiêm cấm theo quy địnhncủa pháp luật, nếu vi phạm doanh nghiệp và thành viên góp vốn sẽ bị xử phạt. Theo nghị định 155/2013/NĐ-CP có HL: 1/1/2014 Tại Điều 23. Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp thì:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

b) Không góp đúng hạn số vốn đã đăng ký.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không góp đủ số vốn như đã đăng ký.

3. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế;

MC

Vậy theo Luật sư, vai trò của vốn điều lệ là gì?

 

 

Vai trò của vốn điều lệ?

Một trong những ý nghĩa lớn nhất của vốn điều lệ là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp hay sở hữu cổ phần của thành viên, cổ đông trong công ty. Thông qua đó làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông trong công ty.

Cụ thể, thành viên, cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ một số trường hợp quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Đồng thời, Luật Doanh nghiệp cũng quy định thành viên, cổ đông có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp cũng như được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Có thể nói rằng việc Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã thay đổi bản chất của vốn điều lệ trở thành vốn thực góp đã xử lý được những bất cập về vốn “ảo” cũng như tạo ra cơ sở pháp lý để doanh nghiệp có thể điều chỉnh được vốn điều lệ về đúng với số vốn thực góp trong quá trình hoạt động.

MC

Vậy Luật sư có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp/ nhà đầu tư khi đăng ký mức vốn điều lệ không?

Luật sư

Thứ nhất, Pháp luật hiện nay không có quy định bắt buộc về mức vốn tối thiểu hoặc tối đa, ngoại trừ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện về mức vốn tối thiếu. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp không vì thế mà chọn 1 mức vốn quá thấp hoặc quá cao. Vì sao?

 

Vì với số vốn điều lệ quá thấp thì các chủ doanh nghiệp không thể nào thể hiện được tiềm lực tài chính cũng như quy mô của công ty mình cho đối tác thấy, dẫn đến thiếu sự tin tưởng trong hợp tác kinh doanh, thậm chí không tìm được đối tác cho mình. Thêm nữa khi doanh nghiệp cần nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng thì với số vốn quá thấp cũng không tạo được “niềm tin” cho ngân hàng để họ có thể cho chủ doanh nghiệp vay 1 số vốn vượt ngoài khả năng, vượt ngoài vốn điều lệ của họ. Trong thực tế có nhiều đơn vị doanh nghiệp đã đăng ký vốn điều lệ công ty là 1 triệu đồng, điều này hoàn toàn pháp luật không cấm, tuy nhiên khi đăng ký mức vốn điều lệ quá thấp như vậy thì khi đi giao dịch và làm việc với đối tác, các cơ quan ngân hàng, thuế thì họ thường không tin tưởng doanh nghiệp này và rất hạn chế giao dịch và cũng là một trở ngại lớn khi đăng ký mức vốn điều lệ quá thấp.

 

Còn nếu chủ doanh nghiệp đưa ra số vốn cao vượt ngoài khả năng của bản thân thì cái lợi trước mắt là tạo được niềm tin cho đối tác, ngân hàng nhưng cũng không kém phần rủi ro sau này nếu làm ăn thất bại dẫn đến gây nợ cho khách hàng hoặc nặng hơn là giải thể, phá sản hoặc vay ngân hàng quá nhiều dẫn đến không có khả năng chi trả. Chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng đúng với số vốn mà mình đã đăng kí.

 

Tuy nhiên, việc chọn số vốn điều lệ  cũng tùy thuộc vào kinh nghiệm và nền tảng của chủ doanh nghiệp. Nếu chủ doanh nghiệp mới có những bước đầu thành lập công ty, nguồn khách hàng chưa được thiết lập nhiều, chưa có kinh nghiệm trong việc điều hành, quản lý kinh doanh thì nên để số vốn vừa phải, đủ khả năng của mình. Khi việc kinh doanh bắt đầu đi vào hoạt động ổn định, có dấu hiệu phát triển dần dần thì mình đăng kí tăng vốn điều lệ lên cao hơn.

 

Nếu chủ doanh nghiệp đã có công ty, đã từng thành lập công ty, đối tác đã có sẵn thì chủ doanh nghiệp nên mạnh tay chọn vốn điều lệ cao để bước đầu “nâng tầm” công ty của mình so với những công ty thành lập cùng thời điểm và do đã có kinh nghiệm nên cũng không sợ rủi ro nhiều như những chủ doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm khác.

Cho nên cần đăng ký mức tương đối và phù hợp với thực tế để thuận tiện hơn cho việc kinh doanh.

 

Thứ hai, về phía thành viên góp vốn/ mua cổ phần, vốn điều lệ sẽ là cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông trong công ty, do vậy nên góp đúng, đủ số vốn đã cam kết để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong đầu tư kinh doanh.

MC

Cảm ơn nhưng chia sẻ ý nghĩa của Luật sư

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.