5 ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ KHÔNG THUỘC DIỆN CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ THEO LUẬT ĐẦU TƯ 2020

20 /112020

5 ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ KHÔNG THUỘC DIỆN CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ THEO LUẬT ĐẦU TƯ 2020

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư, do cơ quan đăng ký đầu tư cấp, điều chỉnh và thu hồi. Đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải đáp ứng những điều kiện nhất định để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đây là nội dung mới được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 38 Luật đầu tư 2020 có hiệu lực từ 01/01/2021.

Tham khảo nội dung tư vấn chuyển nhượng dự án đầu tư bất động sản:

Luật đầu tư 2014 không quy định về nội dung này tuy nhiên Công văn 5122/BKHĐT-PC năm 2015 triển khai thi hành Luật đầu tư 2014 do Bộ Kế hoạch và đầu tư ban hành có hướng dẫn cơ quan đăng ký đầu tư về điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể như sau: Điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài (điều kiện gia nhập thị trường) là điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng tại thời điểm thành lập tổ chức kinh tế, thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần của tổ chức kinh tế.
Cơ quan đăng ký đầu tư căn cứ điều kiện đầu tư theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (bao gồm Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, các Hiệp định đầu tư song phương và khu vực) để xem xét cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư 2014.
Đối với ngành, nghề mà Việt Nam chưa cam kết hoặc ngành, nghề dịch vụ không quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi xem xét, quyết định.
Đến Luật đầu tư 2020 đã dành một nội dung quy định cụ thể và rõ ràng vấn đề này đó là đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật đầu tư 2020, nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng 05 điều kiện sau đây:
Thứ nhất, dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ các quy định cúa Pháp luật về đầu tư hiện hành. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam bảo lưu quyền quốc gia trong việc cấm hoặc hạn chế đầu tư vào một số lĩnh vực nhạy cảm. 
Theo quy định mới nhất tại Luật đầu tư 2020 có hiệu lực từ 01/01/2020 thì hiện nay, có 08 ngành nghề thuộc danh mục cấm đầu tư kinh doanh và 227 ngành nghề thuộc danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện. Dự án đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước hết phải không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm: 
a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật đầu tư 2020;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật đầu tư 2020;
c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật đầu tư 2020;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ;
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Như vậy, so với quy định hiện hành, Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung thêm hai trường hợp cấm hoạt động đầu tư kinh doanh là kinh doanh pháo nổ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Luật mới cũng quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn trước về cấm hoạt động đầu tư kinh doanh liên quan đến con người (đó là cấm mua, bán xác người, bào thai người).
Luật đầu tư 2020 cũng quy định trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Thứ hai, có địa điểm thực hiện dự án đầu tư.
Về địa điểm thực hiện dự án đầu tư, hiện nay do Luật đầu tư 2020 chưa chính thức có hiệu lực nên chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, nhìn nhận từ quy định về nội dung văn bản “Đề xuất thực hiện dự án đầu tư” và nội dung “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” phải có địa điểm thực hiện dự án đầu tư có thể thấy đây là điều kiện bắt buộc mà dự án phải có để nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 11 Luật đầu tư 2020, Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, lựa chọn địa điểm thực hiện dự án đầu tư là một nội dung quan trọng mà các nhà đầu tư phải thực hiện, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài việc xem xét các khía cạnh về địa lý, tự nhiên, kinh tế, xã hội, kỹ thuật… có liên quan đến sự hoạt động và hiệu quả hoạt động sau này thì Nhà đầu tư cần lựa chọn địa điểm phù hợp với các quy điịnh của pháp luật
Căn cứ vào ngành nghề kinh doanh và mục tiêu hoạt động là điều hết sức quan trọng để nhà đầu tư lựa chọn địa điểm thực hiện dự án, không chỉ bởi sự phù hợp để có thể phát triển hoạt động kinh doanh, tạo ra lợi nhuận lâu dài mà bởi tính bắt buộc trong các Quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện địa điểm của một số ngành nghề nhất định.
Ví dụ: Tại thành phố Hà Nội, đối với dự án sản xuất hóa chất sẽ không thực hiện được trong nội thành thành phố Hà Nội, dù cho Nhà đầu tư có thuê được nhà xưởng thỏa mãn yêu cầu hoạt động. Dự án hoạt động sản xuất cũng không thể sử dụng một diện tích nhỏ vài chục m2 để hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ vào hồ sơ giấy tờ để có căn cứ cấp cũng như từ chối cấp chứng nhận cho dự án thành lập. Hoặc kinh doanh dịch vụ trông giữ xe, phương tiện thì đại điểm thực hiện dự án phải nằm trong quy hoạch về bãi đỗ xe của từng địa phương, không phải đại điểm thuê nào cũng được phép thực hiện. 
Ngoài ra các quy định này thường không có trong Luật đầu tư mà được quy định cụ thể trong Luật chuyên ngành liên quan đến từng ngành nghề, do vậy  nhà đầu tư cần có sự tìm hiểu kỹ càng hoặc thông qua các đơn vị tư vấn trước khi quyết định thuê địa điểm để tránh được các rủi ro không đáng có khi ký kết thỏa thuận thuê mà không được phép thực hiện dự án trên diện tích đất thuê.
Thứ ba, dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật này.
Điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật đầu tư 2020 quy định về nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư như sau: “Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có)”. 
Như vậy căn cứ theo quy định này, để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án đầu tư còn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có). Quy định này đã thắt chặt điều kiện để nhà đầu tư được cấp phép đầu tư đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý về việc đánh giá sự phù hợp của dự án trong quy hoạch các cấp. Tuy nhiên, có thể thấy quy định này còn chưa cụ thể và chưa có tính phân loại dự án. Thiết nghĩ, khi Luật đầu tư 2020 có hiệu lực thì các cơ quan có thẩm quyền cần có những hướng dẫn thực hiện chi tiết và cụ thể hơn đối với nội dung này.
Thứ tư, đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);
Đây là quy định mới lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật đầu tư 2020. Trước đây quy định này chỉ được chi tiết trong các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định đối với từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh cụ thể, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Suất vốn đầu tư là thuật ngữ thường sử dụng trong lĩnh vực xây dựng, căn cứ vào suất vốn đầu tư, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng công trình có thể dự tính khoản chi phí để đầu tư xây dựng công trình đó. 
Còn về số lượng lao động, hiện tại thì tại văn bản Đề xuất dự án đầu tư nhà đầu tư trình bày nhu cầu về lao động (nêu cụ thể số lượng lao động trong nước, số lượng lao động là người nước ngoài cần cho dự án theo từng giai đoạn cụ thể) tuy nhiên không có tiêu chí cụ thể để đánh giá mà cơ quan đăng ký đầu tư căn cứ theo các yếu tố của dự án như mục đích, quy mô, vốn... để đưa ra quyết định là quy mô đó có phù hợp hay không. Tiêu chí về quy mô lao động cũng không được ghi nhận cụ thể trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vì về bản chất, số lượng lao động còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khi dự án đi vào hoạt động và số lượng này cũng thường không mang tính ổn định. Luật Đầu tư 2020 cũng ghi nhận một số trường hợp dự án đầu tư được hưởng ưu đãi nếu đạt quy mô sử dụng lao động nhất định, chẳng hạn:
“Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên”
“Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động”
Vậy nên, trước hết việc đưa quy định về suất vốn đầu tư trên một diện tích và số lượng lao động sử dụng vào làm điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì cơ quan ban ngành cần sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, rõ ràng và cụ thể, tránh tình trạng khiến nhà đầu tư hoang mang không biết hướng đề xuất thực hiện dự án cũng như cơ quan quản lý đầu tư không có cơ sở để đánh giá xem nhà đầu tư đã đạt điều kiện này chưa. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện cũng nên xem xét liệu đưa quy định này vào Luật đầu tư 2020 có phù hợp hay không.
Thứ năm, đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật đầu tư 2020, bao gồm:
a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
b) Hình thức đầu tư;
c) Phạm vi hoạt động đầu tư;
d) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
đ) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Có thể thấy Luật đầu tư 2020 đã lần đầu tiên quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư một cách cụ thể và chi tiết vậy nên các nhà đầu tư khi tiến hành đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi Luật đầu tư mới có hiệu lực cần xem xét kỹ các quy định này để có thể đáp ứng được các điều kiện, tạo thuận lợi cho việc thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. 
Công ty Luật TNHH IPIC là đơn vị tư vấn đầu tư thường xuyên cho các nhà đầu tư đến từ các nước đầu tư tại Việt Nam. Với năng lực kinh nghiệm và uy tín nhiều năm qua, IPIC sẵn sàng cung cấp dịch vụ tư vấn và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Quý nhà đầu tư. 

Tham khảo thư tư vấn có liên quan:

Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô.

Thành lập trung tâm giới thiệu việc làm và ngoại ngữ có vốn đầu tư Nhật Bản.

Tư vấn thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động quản lý quỹ đầu tư.

Thành lập công ty sản xuất và phân phối mỹ phẩm có vốn đầu tư nước ngoài.

Để được chúng tôi tư vấn chi tiết Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ:
Luật Sư Nguyễn Trinh Đức - Giám đốc.

Điện Thoại: (04) 73018886 - (04) 73028886; Mobile: 0936342668.
Mail: info@ipic.vn; trinhduclawyer@gmail.com.
Địa chỉ trụ sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

 
 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.