Bảy vấn đề pháp lý liên quan cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam về dịch vụ mua bán hàng hóa và dịch vụ liên quan (phân phối) theo cam kết WTO và quy định của Pháp luật Việt Nam

15 /102018

Bảy vấn đề pháp lý liên quan cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam về dịch vụ mua bán hàng hóa và dịch vụ liên quan (phân phối) theo cam kết WTO và quy định của Pháp luật Việt Nam

Thư tư vấn: 2024.03.13/ Letter-Ipic
V/v: Bảy vấn đề pháp lý liên quan cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam về dịch vụ mua bán hàng hóa và dịch vụ liên quan (phân phối) theo cam kết WTO và quy định của Pháp luật Việt Nam. 
 Download Thư tư vấn (Song ngữ)

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2024
CÔNG TY LUẬT TNHH IPIC 
Địa chỉ: Phòng 401, Tòa nhà đa năng số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tel: (024) 7301 8886 – Fax: (024) 7302 8886
Email: duc.nguyen@ipic.vn – Hotline: 0936.342.668
CHI NHÁNH CÔNG TY LUẬT TNHH IPIC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Địa chỉ: Sảnh C, Richmond City, 207C Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Tel: (028) 35127666 – Fax: (028) 35127666
Email: duc.nguyen@ipic.vn – Hotline: 0936.342.668
Kính gửi    :    Quý Khách Hàng

Gửi bằng thư điện tử
Qua trao đổi trực tiếp với Quý khách hàng, chúng tôi hiểu rằng Quý khách hàng có nhu cầu được tư vấn về các vấn đề pháp lý liên quan cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam về dịch vụ mua bán hàng hóa và dịch vụ liên quan (phân phối) theo cam kết WTO và quy định của Pháp luật Việt Nam và cần sự tư vấn cũng như hỗ trợ của chúng tôi về mặt pháp lý. IPIC trân trọng gửi tới Quý khách hàng Thư tư vấn và đề xuất dịch vụ tư vấn sau:
I.    YÊU CẦU TƯ VẤN
Tư vấn các đề pháp lý liên quan cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam về dịch vụ mua bán hàng hóa và dịch vụ liên quan (phân phối) theo cam kết WTO và quy định của Pháp luật Việt Nam và quy trình pháp lý và hồ sơ cần thiết các dịch vụ trên.
II.    VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC TRA CỨU
(1)    Biểu cam kết Thương mại và Dịch vụ WTO.
(2)    Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005;
(3)    Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 06 năm 2017;
(4)    Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
(5)    Thông tư số 34/2013/TT-BCT ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công thương công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
III.    Ý KIẾN TƯ VẤN
Nhằm hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài trong việc tìm hiểu quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết WTO của Việt Nam khi thực hiện đầu tư, thành lập công ty tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng hóa và dịch vụ liên quan đến mua bán hàng hóa. Các bài viết trước trước đây liên quan lĩnh vực này của cơ quan nhà nước đã lỗi thời do việc thay đổi các quy định của pháp luật, hoặc chưa đầy đủ.  Chính vì thế Công ty Luật IPIC đã thực hiện hệ thống lại chi tiết hơn 07 vấn đề pháp lý về  mua bán hàng hóa và dịch vụ liên quan đến mua bán hàng hóa theo cam kết WTO và quy định của Pháp luật Việt Nam. Chi tiết nội dung tư vấn như sau:
3.1    Những dịch vụ Việt Nam cam kết mở cửa thị trường khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa và hoạt động liên quan:
Gia nhập WTO, Việt Nam cam kết mở cửa tất cả các phân ngành dịch vụ phân phối theo phân loại của WTO:
- Dịch vụ đại lý hoa hồng (CPC 621, 61111, 6113, 6121);
- Dịch vụ bán buôn (CPC 622, 61111, 6113, 6121);
- Dịch vụ bán lẻ (CPC 631 + 632, 61112, 6113, 6121); 
- Dịch vụ nhượng quyền thương mại (CPC 8929).
* Lưu ý: cần tra cứu biểu dịch vụ CPC để biết chi tiết nội dung cam kết.
Lĩnh vực kinh doanh mua bán hàng hóa đối với nhà đầu tư nước ngoài và công ty có vốn đầu tư nước ngoài là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, được quy định cụ thể tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 15 tháng 01 năm 2018 về quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Xem thêm Tư vấn về thủ tục đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam

3.2    Những hàng hóa và dịch vụ mà nhà đầu tư nước ngoài, công ty có vốn đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh mua bán hàng hóa và hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam
Theo cam kết WTO của Việt Nam đối với dịch vụ phân phối, nhà đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh với tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam kể từ ngày 11/1/2007 ngoại trừ 02 nhóm sản phẩm, gồm nhóm mặt hàng nhà phân phối có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền phân phối và nhóm mặt hàng nhà phân phối có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được quyền phân phối theo lộ trình nhất định.
Nhóm hàng hóa mà nhà phân phối có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền phân phối (ở cả 04 hình thức phân phối ((1) Cung cấp qua biên giới (2) Tiêu dùng ở nước ngoài (3) Hiện diện thương mại (4) Hiện diện của thể nhân)) bao gồm một số mặt hàng (được liệt kê chi tiết) thuộc các nhóm sau đây:
- Lúa gạo
- Đường mía, đường củ cải
- Thuốc lá và xì gà
- Dầu thô, dầu đã qua chế biến
- Dược phẩm
- Thuốc nổ
- Kim loại quý, đá quý
- Sách, báo, tạp chí
- Vật phẩm đã ghi hình trên mọi chất liệu
Nhóm hàng hóa mà nhà phân phối có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được quyền phân phối theo lộ trình (lộ trình riêng cho mỗi loại hàng hóa) bao gồm một số mặt hàng thuộc các nhóm sau đây:
- Rượu
- Xi măng, clanke
- Phân bón
- Lốp
- Giấy
- Sắt thép
- Thiết bị nghe nhìn 
- Máy kéo, phương tiện cơ giới, ô tô con, xe máy
Ngoại lệ:
Hạn chế về loại hàng hóa được phép phân phối (cấm hoặc chỉ mở theo lộ trình) này không áp dụng đối với các nhà phân phối có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam trước ngày 11/1/2007 (thời điểm Việt Nam gia nhập WTO) nếu giấy phép đầu tư cho phép họ phân phối các mặt hàng này.
Trên cơ sở cam kết WTO, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 34/2013/TT-BCT về việc công bố lộ trình hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, do vậy cần xem chi tiết nội dung Thông tư 34/2013/TT-BCT để biết sản phẩm và dịch vụ mà nhà đầu tư nước ngoài có được phép phân phối tại Việt Nam.
3.3    Hình thức đầu tư mà Nhà đầu tư nước ngoài có lựa chọn để đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan tại Việt Nam.
Theo cam kết WTO của Việt Nam và Luật đầu tư 2020 thì nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài; góp vốn thành lập công ty với nhà đầu tư Việt Nam (thành lập công ty liên doanh); góp vốn, mua lại phần vốn góp, cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI).
Như vậy, Nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế về hình thức đầu tư tại Việt Nam đối với lĩnh vực kinh doanh phân phối tại.
Trình tự thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối theo ba bước như sau:
- Bước 1: Đăng ký đầu tư dự án về kinh doanh phân phối tại Việt Nam (thời gian 15 ngày làm việc).
- Bước 2: Đăng ký thành lập doanh nghiệp (thời gian 3 ngày làm việc).
- Bước 3: Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh phân phối đối với các hoạt động bán lẻ, lập cơ sở bán lẻ, cung cấp các dịch vụ trung gian thương mại theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
3.4    Những hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa và hoạt động liên quan nào cần phải xin giấy phép kinh doanh theo quy định của Pháp luật Việt Nam
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh trước khi thực hiện các hoạt động sau:
a) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa;
b) Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa đối với các sản phẩm: Dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí;
c) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa: Dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí;
d) Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
e) Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
f) Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
g) Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
h) Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
i) Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
j) Giấy phép lập cơ sở bán lẻ được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để lập cơ sở bán lẻ.
3.5    Thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
3.5.1. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có quyền xuất khẩu, được xuất khẩu: Hàng hóa mua tại Việt Nam; hàng hóa do tổ chức kinh tế đó đặt gia công tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam ra nước ngoài và khu vực hải quan riêng, theo các điều kiện sau:
- Hàng hóa xuất khẩu không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu; danh mục hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu; danh mục hàng hóa không được quyền xuất khẩu trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép, theo điều kiện, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải có giấy phép hoặc đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
3.5.2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có quyền nhập khẩu, được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài và khu vực hải quan riêng vào Việt Nam, theo các điều kiện sau:
- Hàng hóa nhập khẩu không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu; danh mục hàng hóa tạm ngừng nhập khẩu; danh mục hàng hóa không được quyền nhập khẩu trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải có giấy phép hoặc đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
3.5.3. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa để thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý xuất nhập khẩu.
3.5.4. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có quyền phân phối bán buôn, quyền phân phối bán lẻ, được bán buôn, bán lẻ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam.
3.5.5. Đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện hoạt động kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

3.6.    Điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh đối với lĩnh vực mua bán hàng hòa và liên quan đến mua bán hàng hóa
3.6.1. Nhà đầu tư nước ngoài thuộc quốc gia là thành viên trong tổ chức thương mại thế giới WTO cần phải đáp ứng điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh từ điểm a đến điểm i mục 3.4 nội dung văn bản này:
- Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường quy định mục 3.1, 3.2, 3.3 trong nội dung văn bản này;
- Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
- Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
3.6.2. Điều kiện đối với việc thành lập cơ/ sở bán lẻ
a)     Lập cơ sở bán lẻ thứ nhất
- Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ;
- Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;
- Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý.
b)     Lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất
- Trường hợp không phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế: Đáp ứng các điều kiện quy định như điều kiện lập cơ sở bán lẻ thứ nhất.
- Trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế: Đáp ứng các điều kiện quy định như điều kiện lập cơ sở bán lẻ thứ nhất và phải đáp ứng tiêu chí Kiểm tra nhu cầu kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
3.7.   Kiểm tra nhu cầu kinh tế, trường hợp nào bắt buộc, trình tự và thủ tục
Kiểm tra nhu cầu kinh tế (Economic Need Test - ENT) có thể hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét có cấp phép cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay không.
Đây là một hình thức mang tính hạn chế hoạt động của nhà phân phối FDI (bởi nó phụ thuộc vào tiêu chí và sự xem xét theo từng trường hợp cụ thể của cơ quan có thẩm quyền).
3.7.1. Trường hợp phải thực hiện ENT
Lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, trừ trường hợp cơ sở bán lẻ đó có diện tích dưới 500 m2, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
3.7.2. Tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế
- Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động;
- Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý;
- Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý;
- Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý;
- Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực thị trường địa lý, cụ thể:
+ Tạo việc làm cho lao động trong nước;
+ Đóng góp cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý;
+ Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý;
+ Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.
3.7.3. Hội đồng Kiểm tra nhu cầu kinh tế (Hội đồng ENT)
- Hội đồng ENT do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi lập cơ sở bán lẻ thành lập trên cơ sở đề xuất của Cơ quan cấp Giấy phép.
- Hội đồng ENT gồm: Đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc đại diện cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền làm Chủ tịch Hội đồng ENT; đại diện Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan làm thành viên hội đồng ENT. Trường hợp địa điểm lập cơ sở bán lẻ có vị trí tại khu vực địa lý cấp phường, xã, thị trấn tiếp giáp với tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương khác thì Hội đồng ENT phải có đại diện của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố tiếp giáp.
-    Hội đồng ENT trên cơ sở đánh giá tiêu chí ENT quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này phải làm rõ sự phù hợp hoặc không phù hợp của địa điểm lập cơ sở bán lẻ để Chủ tịch Hội đồng ENT có văn bản kết luận đề xuất cho phép hoặc không cho phép lập cơ sở bán lẻ tại địa điểm đó.
Trên đây là tư vấn sơ bộ và đề xuất dịch vụ của IPIC liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng để Quý khách hàng xem xét và quyết định. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Download Thư tư vấn (Song ngữ)

Trân trọng./.
CÔNG TY LUẬT TNHH IPIC
Luật sư
(Đã ký)

Nguyễn Trinh Đức    

Tham khảo nội dung bài viết liên quan:

Nghị định 108/2018/NĐ-CP của Chính Phủ có nhiều điểm mới nhưng thiếu điểm đột phá.

Làm rõ khái niệm bán buôn, bán lẻ trong nghị định 09/2018/NĐ-CP

Thành lập công ty sản xuất và phân phối mỹ phẩm có vốn đầu tư nước ngoài

Bổ sung mục tiêu hoạt động phân phối hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất mới nhất

Những điểm mới Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, có hiệu lực từ ngày 10/07/2018

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.