Ngày 22 tháng 05 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, có hiệu lực từ ngày 10/07/2018 (Nghị định 82/2018/NĐ-CP). Nghị định này thay thế cho Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Nghị định 164/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Nghị định 114/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
Một số điểm mới quan trọng của Nghị định 82/2018/NĐ-CP:
Thay đổi tên gọi và kết cấu điều luật: Về tên gọi Nghị định 82/2018/NĐ-CP đã có sự thay đổi khi rút gọn tên Nghị định: “quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế” (lược bỏ “khu chế xuất’). Điều này là hợp lý bởi theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngoài khu chế xuất là một trong những loại hình khu công nghiệp thì Nghị định đã bổ sung thêm hai loại hình khu công nghiệp khác là khu công nghiệp hỗ trợ và khu công nghiệp sinh thái. Do đó việc để tên gọi chỉ gồm khu công nghiệp và khu kinh tế là ngắn gọn và hợp lý tránh sự dài dòng không cần thiết khi liệt kê thêm các loại hình mới bởi bản chất đều là loại hình khu công nghiệp. Sự thay đổi về tên gọi dẫn đến việc kết cấu quy định về điều luật cũng trở nên hợp lý và chi tiết hơn. Theo đó nghị định 82/2018/NĐ-CP tại chương 2 đã phân tách và quy định rạch ròi quy hoạch, đầu tư, thành lập khu công nghiệp (từ Điều 3 đến Điều 13) và quy hoạch, thành lập khu kinh tế (Điều 14 đến Điều 23) thay vì quy định chung và xen kẽ theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP trước đây (Điều 4 đến Điều 15).
Nghị định bổ sung quy định khuyến khích thành lập loại hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ mà theo đó Nghị định 29/2008/NĐ-CP không có quy định về các loại hình này, cụ thể:
Khu công nghiệp hỗ trợ là khu công nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thực hiện dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (điểm b khoản 1 Điều 2). Việc khuyến khích thành lập khu công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu nhằm cụ thể hóa và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ trong từng thời kỳ. Các chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp hỗ trợ được quy định cụ thể tại Điều 35, bao gồm: miễn, giảm tiền thuê đất, cho thuê đất trong thời hạn không quá 70 năm; Ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn ODA cho vay lại,…; Được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các hỗ trợ khác theo quy định pháp luật về thuế,…
Khu công nghiệp sinh thái: là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp (điểm c khoản 1 Điều 2). Các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái được quy định tại Điều 43: sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh chứng nhận là doanh nghiệp sinh thái và được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường và các quỹ, ngân hàng, tổ chức trong và ngoài nước.
Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ: Khu công nghiệp là khu chức năng chính; khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp được đầu tư xây dựng để đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của khu công nghiệp (khoản 3 Điều 2). Ưu đãi đầu tư vào khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ được quy định tại Điều 39: các khu chức năng được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi đầu tư khác theo quy định tương ứng với các khu chức năng tại pháp luật về thuế, đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Sửa đổi, bổ sung ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp và khu kinh tế:
Thay đổi phạm vi đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư đối với khu kinh tế, cụ thể: Khu kinh tế là địa bàn ưu đãi đầu tư sẽ được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư (Khoản 2 Điều 24 Nghị định 82/2018). Đối tượng được hưởng ưu đãi giới hạn hơn so với Nghị định 29/2008/NĐ- CP khi quy định nhà đầu tư có dự án đầu tư vào khu kinh tế, kể cả dự án đầu tư mở rộng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đối tượng, nguyên tắc và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư của dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư. Khác với quy định trước đây, các chính sách ưu đãi được quy định cụ thể tại NĐ 29/2008/NĐ-CP. Đây là quy định hợp lý nhằm tạo ra sự thống nhất giữa hệ thống quy định pháp luật tránh tính trạng mâu thuẫn, xung đột khi quy định về chính sách ưu đãi đầu tư giữa Nghị định và Luật.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế được cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án (khoản 5 Điều 24).
Bổ sung phương thức huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp
Nếu như Nghị định 29/2008/NĐ-CP chỉ đặt ra phương thức huy động vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với khu kinh tế thì Nghị định 82/2018/NĐ-CP đã bổ sung phương thức huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (tại Điều 25): Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu công nghiệp;
Tham khảo những bài viết có liên quan:
Nghị định 108/2018/NĐ-CP của Chính Phủ có nhiều điểm mới nhưng thiếu điểm đột phá.
Làm rõ khái niệm bán buôn, bán lẻ trong nghị định 09/2018/NĐ-CP
Thành lập công ty sản xuất và phân phối mỹ phẩm có vốn đầu tư nước ngoài
Bổ sung mục tiêu hoạt động phân phối hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất mới nhất