LỘ TRÌNH LOẠI BỎ KIỂM TRA NHU CẦU KINH TẾ ENT TẠI VIỆT NAM

17 /122024

LỘ TRÌNH LOẠI BỎ KIỂM TRA NHU CẦU KINH TẾ ENT TẠI VIỆT NAM

ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) là một thuật ngữ không còn xa lạ đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. Sắp tới đây, Việt Nam sẽ tiến tới loại bỏ ENT trong khuôn khổ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (“CPTPP”) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (“EVFTA”) hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong ngành bán lẻ tại Việt Nam, đặc biệt mở ra những cơ hội hấp dẫn chưa từng thấy đối với các nhà đầu tư nước ngoài về lĩnh vực đầy tiềm năng này.

I. ENT LÀ GÌ? QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN NAY VỀ ENT

ENT, viết tắt của Economic Need Test, là hoạt động kiểm tra nhu cầu kinh tế, áp dụng đối với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thành lập cơ sở bán lẻ thứ hai trở lên tại Việt Nam.

Mặc dù trong các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (“WTO”) từ đầu năm 2007 đã đề cập đến hoạt động ENT khi thành lập cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất) khi quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: “Việc xin phép thành lập nhiều hơn một cơ sở bán lẻ phải tuân thủ quy trình đã có và được công bố công khai và việc cấp phép phải dựa trên các tiêu chí khách quan. Các tiêu chí chính để kiểm tra nhu cầu kinh tế là số lượng các nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và và quy mô địa lý.” Tuy nhiên cho đến khi Nghị định 09/2018/NĐ-CP được ban hành, Nghị định này mới cụ thể hóa các quy định về ENT, giúp nhà đầu tư nước ngoài nhận biết rõ hơn về hoạt động này, để chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết đồng thời giúp các cơ quan có thẩm quyền có căn cứ rõ ràng để kiểm tra nhu cầu kinh tế.

Tham khảo thêm tại:

Quy định mới của pháp luật về thành lập cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Trong đó, Điều 23 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định:

Điều 23. Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT)

1. Trường hợp phải thực hiện ENT

Lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, trừ trường hợp cơ sở bán lẻ đó có diện tích dưới 500 m2, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.

2. Tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế

a) Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động;

b) Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý;

c) Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý;

d) Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý;

đ) Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực thị trường địa lý, cụ thể:

- Tạo việc làm cho lao động trong nước;

- Đóng góp cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý;

- Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý;

- Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Có thể thấy, ENT là công cụ hữu hiệu để chính phủ Việt Nam thành công kiểm soát mạng lưới bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chính vì vậy, ENT luôn là một rào cản, thách thức cho các nhà bán lẻ nước ngoài khi muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam.

IILỘ TRÌNH LOẠI BỎ ENT TẠI VIỆT NAM

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Việt Nam tích cực tham gia ký kết các thỏa ước quốc tế nhằm mở cửa thị trường và thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong đó nổi bật là những cam kết loại bỏ thủ tục đánh giá ENT trong ngành bán lẻ.

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đều cam kết loại bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế ENT sau 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Thời điểm Việt Nam chính thức loại bỏ yêu cầu ENT như sau:

- Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ ngày 14/01/2019. Đối với các nước tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), loại bỏ yêu cầu ENT có hiệu lực từ ngày 14/1/2024. 

- Việt Nam gia nhập Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) từ ngày 01/8/2020. Đối với các nước tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), loại bỏ yêu cầu ENT có hiệu lực từ ngày 01/08/2025. 

Như vậy, kể từ thời điểm trên, nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước tham gia các hiệp định tương ứng được miễn trừ thực hiện đánh giá ENT khi thực hiện mở cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất tại Việt Nam. Theo đó, khi thực hiện thành lập bất kể cơ sở bán lẻ nào tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần thực hiện các thủ tục tục xin cấp Giấy phép kinh doanh và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP.

Tham khảo thủ tục lập cơ sở bán lẻ tại:

Tư vấn về việc xin cấp Giấy phép kinh doanh về bán lẻ và lập cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

III. Ý NGHĨA CỦA VIỆC LOẠI BỎ ENT ĐỐI VỚI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Với quy mô dân số lớn và sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, Việt Nam vốn luôn là thị trường hấp dẫn đối với các thương hiệu bán lẻ nước ngoài. Với ưu thế sẵn có về nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài sẽ thuận lợi đầu tư mở rộng thị trường mà không vướng phải các rào cản trong việc kiểm tra nhu cầu kinh tế tại Việt Nam. 

Đối với các nhà đầu tư không thuộc các hiệp định này như Hàn Quốc, quốc gia có nguồn vốn đầu tư đáng kể vào Việt Nam, họ vẫn phải chịu ENT.

Việt Nam đã nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việc hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế trên toàn thế giới, vì vậy, việc loại bỏ dần các rào cản kinh tế là điều tất yếu mà mọi quốc gia hướng đến. 

Theo thông tin IPIC được biết, sắp tới đây Việt Nam sẽ tiến tới loại bỏ hoàn toàn ENT đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện mở cơ sở bán lẻ, dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 09/2018/NĐ-CP đang được các nhà làm luật xây dựng và chúng ta hãy cùng mong chờ  những bước đi tiếp theo của Việt Nam liên quan đến việc loại bỏ ENT tại Việt Nam.

Trên đây là một số nội dung chia sẻ kiến thức kinh nghiệm của Công ty Luật TNHH IPIC. Nếu quý khách hàng cần tư vấn chi tiết, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.

Luật sư Nguyễn Trinh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH IPIC

Điện thoại: 0936342668

Email: infor@ipic.vntrinhduclawyer@gmail.com

Trân trọng!

Người thực hiện:Chuyên viên pháp lý - Nguyễn Yến

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.