Tư vấn về việc xin cấp Giấy phép kinh doanh về bán lẻ và lập cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

15 /072020

Tư vấn về việc xin cấp Giấy phép kinh doanh về bán lẻ và lập cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Thư tư vấn: 2024.03.06/ Letter-Ipic 
V/v: Tư vấn về việc xin cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hóa và lập cơ sở bán lẻ hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 
Download Thư tư vấn (Song ngữ)

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2024 
CÔNG TY LUẬT TNHH IPIC 
Địa chỉ: Phòng 401, Tòa nhà đa năng số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tel: (024) 7301 8886 – Fax: (024) 7302 8886
Email: duc.nguyen@ipic.vn – Hotline: 0936.342.668
CHI NHÁNH CÔNG TY LUẬT TNHH IPIC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ: Sảnh C, Richmond City, 207C Nguyễn Xí, Phường 26, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Tel: (028) 35127666 – Fax: (028) 35127666
Email: duc.nguyen@ipic.vn – Hotline: 0936.342.668
Kính gửi    :    Quý Khách Hàng

Gửi bằng thư điện tử

Qua trao đổi trực tiếp với Quý khách hàng, chúng tôi hiểu rằng Quý khách hàng có nhu cầu Tư vấn về việc xin cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hóa và Lập cơ sở bán lẻ hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cần sự tư vấn cũng như hỗ trợ của chúng tôi về mặt pháp lý. IPIC trân trọng gửi tới Quý khách hàng Thư tư vấn và đề xuất dịch vụ tư vấn sau:
I.    YÊU CẦU TƯ VẤN
Tư vấn về việc xin cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hóa và Lập cơ sở bán lẻ hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và quy trình pháp lý và hồ sơ cần thiết các dịch vụ trên.
II.    VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC TRA CỨU
(1)    Biểu cam kết Thương mại và Dịch vụ WTO.
(2)    Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 06 năm 2020;
(3)    Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 06 năm 2020;
(4)    Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 03 năm 2021, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
(5)    Nghị định 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021, hướng dẫn Luật Doanh nghiệp;
(6)    Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021, về đăng ký doanh nghiệp;
(7)    Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018, quy định chi tiết Luật thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
(8)    Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018, hướng dẫn Luật quản lý ngoại thương.
III.    Ý KIẾN TƯ VẤN
Dựa trên yêu cầu của Quý khách hàng cùng với các văn bản pháp luật liên quan được tra cứu, IPIC đưa ra ý kiến tư vấn như sau: 


3.1    Xin cấp Giấy phép kinh doanh về bán lẻ hàng hóa
Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì “Bán lẻ là hoạt động bán hàng cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng”. 
=> Như vậy, bản chất của việc bán lẻ hàng hóa chính là việc đưa hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng với mục đích tiêu dùng nội bộ, người tiêu dùng có thể là các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức. Bán lẻ hàng hóa có thể hiểu chính là giai đoạn cuối cùng của hoạt động mua bán hàng hóa.
Căn cứ theo điểm a, c khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định về cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ:
“1. Giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau:
a) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định này;
c) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định này”.
Theo điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định về Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh:
“4. Trường hợp hàng hóa kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí
c) Đối với hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí: Xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó”.

Theo đó, Quý khách hàng muốn bán lẻ các sản phẩm tới người tiêu dùng nên các sản phẩm đó có thể là gạo, đường, sách,…theo điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP hoặc các hàng hóa không thuộc trường hợp quy định theo điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Do đó, căn cứ vào điểm a, c khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì doanh nghiệp muốn bán lẻ hàng hóa tại trụ sở chính phải xin cấp Giấy phép kinh doanh về cơ sở bán lẻ và phải đáp ứng được các điều kiện về cấp Giấy phép kinh doanh theo Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP.
3.2    Xin Giấy phép lập cơ sở bán lẻ hàng hóa tại trụ sở chính
Theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP: “Cơ sở bán lẻ là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ”.
Tương tự như trên, về xin cấp Giấy phép kinh doanh về bán lẻ, căn cứ theo điểm a, c khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, trường hợp doanh nghiệp muốn lập cơ sở bán lẻ tại trụ sở chính phải xin thêm Giấy phép lập cơ sở bán lẻ và phải đáp ứng được các điều kiện lập cơ sở bán lẻ theo Điều 22 Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Theo đó:
“1. Lập cơ sở bán lẻ thứ nhất:
a) Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ;
b) Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;
c) Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý”.

Luật Cạnh tranh 2018 quy định cụ thể hơn về quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý: Theo đó, Thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận (căn cứ vào Điều 9 Luật Cạnh tranh năm 2018).
Trường hợp doanh nghiệp muốn lập thêm cơ sở bán lẻ thứ hai, thứ ba,…thì doanh nghiệp cần phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) trừ trường hợp cơ sở bán lẻ đó có diện tích dưới 500 m2, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT): Doanh nghiệp cần phải đảm bảo các điều kiện về lập cơ sở bán lẻ thứ nhất và phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;
- Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động;
- Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý;
- Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý;
- Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý;
- Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực thị trường địa lý, cụ thể:
+ Tạo việc làm cho lao động trong nước;
+ Đóng góp cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý;
+ Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý;
+ Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

3.3    Thành phần hồ sơ

3.3.1 Giấy phép kinh doanh về bán lẻ:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh (Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP).
- Bản giải trình có nội dung:
+ Giải trình về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh tương ứng theo quy định tại Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP;
+ Kế hoạch kinh doanh: Mô tả nội dung, phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh; trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của kế hoạch kinh doanh;
+ Kế hoạch tài chính: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính;
+ Tình hình kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh, trong trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này.

- Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
- Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).
3.3.2 Giấy phép lập cơ sở bán lẻ hàng hóa tại trụ sở chính.
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ (Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
- Bản giải trình có nội dung:
+ Địa điểm lập cơ sở bán lẻ: Địa chỉ cơ sở bán lẻ; mô tả khu vực chung, có liên quan và khu vực sử dụng để lập cơ sở bán lẻ; giải trình việc đáp ứng điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Nghị định này; kèm theo tài liệu về địa điểm lập cơ sở bán lẻ;
+ Kế hoạch kinh doanh tại cơ sở bán lẻ: Trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của kế hoạch kinh doanh;
+ Kế hoạch tài chính cho việc lập cơ sở bán lẻ: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính.

- Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
- Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án lập cơ sở bán lẻ (nếu có), Giấy phép kinh doanh.
- Bản giải trình các tiêu chí ENT quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 23 Nghị định này, trong trường hợp phải thực hiện ENT. 
IV.    DỊCH VỤ PHÁP LÝ IPIC CUNG CẤP
4.1.    Phạm vi công việc 
- Tư vấn các quy định pháp luật và các vấn đề pháp lý có liên quan đến thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài kinh doanh du lịch; tư vấn quản lý và đào tạo;
- Soạn thảo hồ sơ xin cấp Giấy phép bán lẻ hàng hóa;
- Soạn thảo hồ sơ xin cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ hàng hóa tại trụ sở chính;
- Đại diện Quý khách hàng nộp hồ sơ và nhận kết quả hồ sơ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy phép bán lẻ hàng hóa; Giấy phép lập cơ sở bán lẻ hàng hóa tại trụ sở chính;
- Đại diện Quý khách hàng làm việc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện trình tự thủ tục nói trên.
4.2.    Tài liệu khách hàng cung cấp
- Bảo sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa;
- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa;
- Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
Trên đây là tư vấn sơ bộ và đề xuất dịch vụ của IPIC liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng để Quý khách hàng xem xét và quyết định. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Trân trọng./.

Download Thư tư vấn (Song ngữ)


CÔNG TY LUẬT TNHH IPIC
Luật sư
(Đã ký)

Nguyễn Trinh Đức    

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.