4 BƯỚC GÓP VỐN BẰNG MÁY MÓC VÀO DOANH NGHIỆP VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN

14 /112020

4 BƯỚC GÓP VỐN BẰNG MÁY MÓC VÀO DOANH NGHIỆP VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN

Theo quy định tại Điều 34 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 “Tài sản góp vốn trong doanh nghiệp là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam”. Vậy máy móc thiết bị cũng có thể là một loại tài sản góp vốn vào doanh nghiệp nếu máy móc, thiết bị. Trong phạm vi bài viết này IPIC sẽ cung cấp cho quý khách hàng điều kiện và trình tự thủ tục cũng như các vấn đề pháp lý liên quan đến nội dung góp vốn bằng tài sản máy móc thiết bị.
Thứ nhất, để đưa tài sản là máy móc thiết bị góp vốn vào doanh nghiệp, cần phải thực hiện 4 bước sau:
Bước 1: Định giá tài sản
Máy móc khi đưa vào làm tài sản của công ty thì tùy thuộc vào từng loại máy móc mà tiến hành thủ tục khác nhau. Tuy nhiên vì máy móc không phải là Đồng Việt Nam, vàng hay ngoại tệ tự do chuyển đổi nên trước khi đưa vào làm tài sản của công ty thì cần phải định giá tài sản và được thể hiện bằng đơn vị là Đồng Việt Nam.
Máy móc góp vốn khi thành lập công ty thì phải được các thành viên/cổ đông sáng lập nhất trí định giá giá trị của máy móc đó hoặc công ty có thể thuê một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. 
Nếu máy móc để góp vốn mà được định giá cao hơn so với giá trên thực tế thì các thành viên/cổ đông liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá thực tế; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Tham khảo về góp vốn bằng quyền sủ dụng đất:

Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
-    Trường hợp máy móc không phải đăng ký quyền sở hữu
Đối với máy móc mà không phải đăng ký quyền sở hữu thì việc góp vốn sẽ được thực hiện bằng biên bản góp vốn có xác nhận việc giao nhận tài sản là máy móc, thiết bị của thành viên/cổ đông công ty.
Biên bản giao nhận máy móc phải đảm bảo thể hiện được các nội dung như: tên, trụ sở công ty; họ tên, địa chỉ và các giấy tờ chứng thực tư cách cá nhân hoặc tư cách pháp lý của chủ thể góp vốn; loại máy móc và số lượng chi tiết; tổng giá trị máy móc khi góp vốn; tỷ lệ giá trị của máy móc trong tổng giá trị vốn điều lệ công ty; ngày giao nhận máy móc; chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty và người vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn.
-    Trường hợp máy móc phải đăng ký quyền sở hữu
Đối với những máy móc đăng ký quyền sở hữu người đứng tên đăng ký máy móc đó phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu từ tài sản của mình sang sở hữu cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp máy móc phải đăng ký quyền sở hữu thì phải có các giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc tài sản, chứng minh việc chủ thể góp vốn là chủ sở hữu hợp pháp tài sản. 
Theo Công văn của Bộ Tài chính thì các máy móc mà phải đăng ký quyền sở hữu thì phải xuất hóa đơn, trong hóa đơn thì phải ghi giá trị của máy móc đúng bằng giá trị góp vốn theo biên bản họp của cơ quan quyết định cao nhất của công ty, ở dòng thuế giá trị gia tăng thì không được ghi vào gạch chéo. Hóa đơn được xuất đó sẽ là căn cứ để tiến hành chuyển quyền sở hữu máy móc tại cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp này thì máy móc đó không phải chịu lệ phí trước bạ.
Bước 2: Soạn thảo hồ sơ góp vốn bằng tài sản cố định
Hồ sơ góp vốn bằng tài sản cố định được chia làm hai loại phụ thuộc vào chủ thể góp vốn:
Trường hợp cá nhân, tổ chức góp vốn không kinh doanh:
Theo khoản 13 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì trường hợp cá nhân, tổ chức góp vốn bằng tài sản vào công ty TNHH, công ty Cổ phần thì chứng từ đối với tài sản góp vốn bao gồm:
+ Biên bản chứng nhận góp vốn;
+ Biên bản giao nhận tài sản.
Trường hợp cá nhân, tổ chức góp vốn kinh doanh:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì hồ sơ góp vốn bằng tài sản cố định phải có:
+ Biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh;
+ Hợp đồng liên doanh liên kết;
+ Biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá tài sản của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật);
+ Hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
Bước 3: Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn
Theo quy định của Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thì thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
Đối với máy móc không đăng ký quyền sở hữu thì chỉ cần có biên bản giao nhận tài sản chứ không cần tiến hành thủ tục chuyển quyền sở hữu. Công ty có thể yêu cầu bên góp máy móc cung cấp các tài liệu chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với máy móc như Hợp đồng mua bán máy móc.
Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải không phải kê khai, nộp thuế (Theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành);
Bước 4: Cấp giấy chứng nhận vốn góp, cổ phần
Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp.
Thứ hai, một số vấn đề pháp lý liên quan đến góp vốn bằng máy móc, thiết bị mà nhà đầu tư và quý doanh nghiệp cần lưu ý:
-    Thời hạn góp vốn bằng máy móc, thiết bị:
Nếu như Luật doanh nghiệp 2014 chỉ quy định thời hạn góp vốn, thanh toán cổ phần của chủ sở hữu, thành viên góp vốn và cổ đông của các doanh nghiệp là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Trừ trường hợp đối với công ty cổ phần: Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần cua quy định một thời hạn khác ngắn hơn 90 ngày) thì Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có hiệu lực từ 01/01/2021 đã có sự điều chỉnh, cụ thể như sau:
Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên: Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. (Điều 47)
Đối với công ty TNHH một thành viên: Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết (Điều 75).
Đối với CTCP: Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này (Điều 113).
Như vậy, nhận thấy việc góp vốn bằng máy móc, thiết bị ngày càng phổ biến hơn, Luật doanh nghiệp 2020 đã có những quy định cụ thể và cởi mở hơn về vấn đề này, trong đó có xác định thời hạn góp vốn bằng máy móc, thiết bị. Vì trên thực tế nhiều nhà đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp bằng máy móc nhập khẩu từ nước ngoài hoặc phải làm thủ tục chuyển nhượng đối với các máy móc có đăng ký quyền sở hữu, thủ tục này có thể mất nhiều thời gian và nếu không loại trừ thời gian này rất có thể nhà đầu tư sẽ vi phạm thời hạn góp vốn vào doanh nghiệp.
-    Góp vốn bằng tài sản là máy móc, thiết bị nhập khẩu:
Thiết bị, máy móc nhập khẩu góp vốn để tạo tài sản cố định của công ty nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì được miễn thuế nhập khẩu:
1) Phù hợp với lĩnh vực đầu tư, mục tiêu, quy mô của dự án đầu tư;
2) Đáp ứng các quy định về tài sản cố định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2013 của Bộ Tài chính;
-    Góp vốn bằng tài sản là máy móc, thiết bị nhập khẩu đã qua sử dụng: yêu cầu chung, yêu cầu cụ thể và hồ sơ nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng thực hiện theo quy định tại Quyết định 18/2019/QĐ-TTG quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do thủ tướng chính phủ ban hành.
Pháp luật nước ta chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu khi đáp ứng các tiêu chí sau:
- Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm; đối với máy móc, thiết bị thuộc một số lĩnh vực cụ thể thì có thể trên 10 năm nhưng không vượt quá 15 năm hoặc 20 năm (quy định tại Phụ lục I Quyết định 18/2019/QĐ-TTG).
(Quyết định 18 đã quy định chi tiết hơn về tuổi thiết bị đối với máy móc, thiết bị thuộc một số lĩnh vực cụ thể so với Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015).
- Được sản xuất theo tiêu chuẩn:
+ Phù hợp với quy định của QCVN về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường;
+ Trường hợp không có QCVN liên quan đến, thì máy móc, thiết bị nhập khẩu phải được:
Sản xuất phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của TCVN của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong các trường hợp sau:
a) Các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường;
b) Không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. 
Như vậy, có thể nói các hình thức góp vốn theo quy định của pháp luật hiện nay tương đối đa dạng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn của IPIC về góp vốn bằng tài sản là máy móc, thiết bị. Mọi thắc mắc, yêu cầu tư vấn, thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến góp vốn vào dự án đầu tư, vào doanh nghiệp bằng máy móc, thiết bị xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.

Tham khảo nội dung tư vấn của IPIC:

Tư vấn đề pháp lý và những tranh chấp trong hợp đồng xây dựng thường gặp.

Tham nhũng trong lĩnh vực tư có thể bị xử lý hình sự.

Đăng ký vốn điều lệ, quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp.

Công ty Luật IPIC tư vấn thành công dự án đốt rác phát điện đầu tiên ở Hà Nội của tập đoàn Hitachi Zosen và Tập đoàn T&T.

Công ty Luật IPIC tư vấn thành công Giấy phép Nhà Thầu cho Công ty SAMSUNG ENGINEERING tại tổ hợp hóa dầu miền nam.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.