Những tranh chấp thường gặp trong hợp đồng xây dựng?

05 /072019

Những tranh chấp thường gặp trong hợp đồng xây dựng?

Những tranh chấp thường gặp trong hợp đồng xây dựng.


PV: Thưa Luật sư, xin Luật sư cho biết hiện nay, pháp luật quy định về “Hợp đồng xây dựng” như thế nào?
LS Nguyễn Trinh Đức: 

Theo quy định tại Điều 138 Luật Xây dựng năm 2014: “Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng”. 
PV: Thưa Luật sư, thực tế hiện nay những tranh chấp nào về Hợp đồng xây dựng thường hay gặp phải nhất?
LS Nguyễn Trinh Đức: Vâng, có lẽ đây là câu hỏi vấn đề thực tiễn trong buổi trao đổi ngày hôm nay. Theo số liệu trên trang Thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án nhân dân Tối cao. Tính từ đầu năm 2018 đến tháng 07 năm 2019 đã có 128 bản án, quyết định về lĩnh vực Tranh chấp xây dựng, chủ yếu là Tranh chấp về hợp đồng xây dựng liên quan đến Thanh toán hợp đồng xây dựng (121 bản án) – chưa kể các vụ án được giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.
Song song với đó, cũng có những vấn đề tranh chấp (nhưng ít xảy ra): về thời gian và tiến độ thực hiện công việc (03 bản án); chất lượng sản phẩm và nghiệm thu, bàn giao sản phẩm (04 bản án);
Các địa phương xảy ra nhiều tranh chấp nhất trên trang Bản án như: Thành phố Hà Nội (42 bản án), Thành phố Hồ Chí Minh (21 bản án), còn lại là các địa phương khác như: Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thanh Hóa,….
PV: Như Luật sư có nói, hiện nay việc tranh chấp về việc thanh toán trong Hợp đồng xây dựng diễn ra rất nhiều. Vậy Luật sư có thể nói rõ hơn về việc tranh chấp về thanh toán trong hợp đồng xây dựng lại diễn ra nhiều như vây?
LS Nguyễn Trinh Đức:
    Như tôi đã nói ở trên. Từ đầu năm 2018 đến tháng 07/2019. Có khoảng 128 bản án tranh chấp về xây dựng được Tòa án nhân dân các cấp tuyên (chưa kể các vụ án được giải quyết tại trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam). Trong đó có khoảng 121 bản án giải quyết tranh chấp về Thanh toán trong hợp đồng xây dựng. 
Theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 19 Nghị định 37/2015/NĐ-CP: 
“1. Việc thanh toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng mà các bên đã ký kết. Khi thanh toán theo các thỏa thuận trong hợp đồng các bên không phải ký phụ lục hợp đồng, trừ trường hợp bổ sung công việc chưa có trong hợp đồng.
2. Các bên thỏa thuận trong hợp đồng về số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán, thời hạn thanh toán, hồ sơ thanh toán và điều kiện thanh toán.
3. Bên giao thầu phải thanh toán đầy đủ (100%) giá trị của từng lần thanh toán cho bên nhận thầu sau khi đã giảm trừ tiền tạm ứng, tiền bảo hành công trình theo thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
    Như vậy, pháp luật cũng quy định rõ về việc thanh toán được các bên tự thỏa thuận và được ghi nhận trong hợp đồng xây dựng. 
Tuy nhiên, hiện nay, các tranh chấp thường gặp phải nhất trong Thanh toán hợp đồng xây dựng phải kể đến là:
Tranh chấp về thanh toán liên quan đến khối lượng cuối cùng khi bàn giao công trình:
Đây là tranh chấp phổ biến nhất về nghĩa vụ thanh toán hợp đồng. Tranh chấp này diễn ra theo các hình thức sau:
+     Bên nhận thầu muốn bên giao thầu thanh toán khi đã hoàn tất khối lượng công trình. Tuy nhiên bên giao thầu lại không muốn thanh toán cho bên nhận thầu. 
+     Nhà thầu phụ muốn nhà thầu chính thanh toán khi đã hoàn tất khối lượng công trình. Tuy nhiên bên giao thầu lại chưa thanh toán với nhà thầu chính nên nhà thầu chính không thanh toán với nhà thầu phụ. 
Bản chất của việc thanh toán này là sự giao kết giữa các bên. Các bên cần phải nắm rõ và đặt mình vào từng hoàn cảnh cụ thể phù hợp với thực tiễn thanh toán. Không tự đặt mình vào thế bị động. Ví dụ: Như bên nhận thầu khi giao kết hợp đồng với các nhà thầu phụ khác, cần chú ý tới việc khả năng thanh toán của mình đến đâu. Khi nhà thầu phụ hoàn thành công việc và thanh lý hợp đồng liệu có thanh toán được không? Đối với những trường hợp nhà thầu chính không có khả năng thanh toán với nhà thầu phụ khi nhà thầu phụ thanh lý hợp đồng thì nhà thầu chính khi ký kết hợp đồng xây dựng với bên giao thầu cần quy định rõ về việc thanh toán, cần phải ghi rõ trong hợp đồng về việc thanh toán ngay sau khi hoàn thành từng giai đoạn của công trình. Vấn đề thanh toán còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của nhà thầu chính (nên nhà thầu chính cần cân nhắc đến vấn đề này).
Tranh chấp thanh toán về hồ sơ, thủ tục thanh toán:  
Về tranh chấp này, thường xảy ra đối với bên nhà thầu chính. Việc bên nhà thầu không thực hiện hồ sơ thanh toán theo đúng quy định của hợp đồng. Cho nên chủ đầu tư không thể thanh toán cho bên nhà thầu. 
Ví dụ: Khi bàn giao công trình, bên nhà thầu không lập biên bản nghiệm thu, dẫn đến việc không xác định được ngày tháng cụ thể, khối lượng công việc; đề nghị thanh toán của nhà thầu không đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 20 Nghị định 37/2015/NĐ-CP. Việc nhà thầu không thể xuất hóa đơn cũng ảnh hưởng đến việc thanh toán. 
=> Dựa vào hai nội dung trên, ta có thể nhận thấy bản chất của vấn đề là bên nhà thầu luôn là bên yếu thế hơn. Nên không thể tự giải quyết được các tranh chấp và thường sẽ phải khởi kiện ra cơ quan giải quyết tranh chấp (Tòa án hoặc Trọng tài). Một vấn đề khác nữa là do việc thanh toán ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của của nhà thầu nên đó là động lực để khởi khiện. Còn các vấn đề về thời gian hay chất lượng thì đều có chế tài thưởng, phạt quy định trong hợp đồng nên ít xảy ra khởi kiện.
Bài học rút ra: 
-     Các bên phải cân nhắc kỹ trong việc ký kết hợp đồng xây dựng, các điều khoản phải quy định chính xác, rõ ràng,…
-     Soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, rõ ràng, mang tính khả thi cao, đúng với điều kiện thực tế, không nên tự ràng buộc mình vào các vấn đề gây khó khăn cho mình.
=>     Để tránh các tranh chấp xảy ra, các công ty xây dựng nên nhờ các Luật sư tư vấn trong bước soạn thảo hợp đồng xây dựng và tư vấn pháp lý cho công trình xây dựng, tạo một vành đai pháp lý đầy đủ để bảo vệ cho chủ đầu tư, nhà thầu, ….
PV: Luật sư có thể nói rõ hơn về các quy định pháp luật về thời gian và tiến độ thực hiện công việc; chất lượng sản phẩm và nghiệm thu, bàn giao sản phẩm trong hợp đồng xây dựng?
LS Nguyễn Trinh Đức: 
Hai vấn đề bạn nói ở phần trên thì ít xảy ra tranh chấp, sau đây tôi xin nói qua về những vấn đề pháp lý của hai nội dung trên: 
-     Thứ nhất, về thời gian và tiến độ thực hiện công việc: 
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định rất rõ: “Thời gian thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến khi các bên đã hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng xây dựng đã ký”. Tuy nhiên, tùy vào từng loại hợp đồng mà có thể quy định các phương thức tính thời gian thực hiện hợp đồng. Ví dụ như: 
+     Đối với hợp đồng thi công xây dựng của gói thầu có quy mô nhỏ, thời gian thực hiện ngắn thì có thể lập tiến độ thi công tổng thể cho một dự án.
+     Đối với hợp đồng thi công xây dựng của gói thầu có quy mô lớn, thời gian thực hiện dài, thì tiến độ thi công có thể được lập cho từng giai đoạn.
+     Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị, tiến độ cung cấp thiết bị phải thể hiện các mốc bàn giao thiết bị, trong đó có quy định về số lượng, chủng loại thiết bị cho từng đợt bàn giao.
+     Đối với hợp đồng EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay, ngoài tiến độ thi công cho từng giai đoạn còn phải lập tiến độ cho từng loại công việc (lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng). 
Như vậy, việc nắm rõ các quy định pháp luật về giao kết thời gian và tiến độ thực hiện công việc giúp cho bên nhận thầu tránh được các rủi ro gặp phải trong quá trình thực hiện công việc. 
Đặc biệt, trong hợp đồng xây dựng, luật cũng quy định về việc thưởng, phạt theo thỏa thuận hợp đồng (trong trường hợp bên nhận thầu hoàn thành trước tiến độ hợp đồng những vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm của hợp đồng).
Ví dụ quy định về thưởng, phạt hợp đồng phải được quy định trong hợp đồng. Theo quy định tại Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014: “Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác”.
-     Về thưởng hợp đồng: Các bên được quyền thỏa thuận về tiền thưởng hợp đồng để khuyến khích thực hiện tốt hợp đồng trong kinh doanh. Trong trường hợp cần khuyến khích thực hiện hợp đồng, các bên có quyền thỏa thuận mức tiền thưởng theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng hoặc bằng một số tiền giá trị tuyệt đối.
-     Về phạt hợp đồng: Thỏa thuận về mức tiền phạt trong hợp đồng kinh doanh phải phù hợp với khung hình phạt của từng loại như sau: 
+    Vi phạm về thời hạn thực hiện hợp đồng: phạt 2% giá trị hợp đồng xây dựng bị vi phạm thời hạn thực hiện là mười ngày lịch đầu tiên; phạt từ 0,5 đến 1% cho mỗi đợt mười ngày tiếp theo cho đến mức tổng số các lần phạt không quá 8% giá trị hợp đồng đã ký bị vi phạm ở 10 ngày lịch đầu tiên; nếu hoàn toàn không thực hiện hợp đồng đã ký thì phạt 12% giá trị hợp đồng đã ký. 
Như vậy, việc quy định về thưởng và phạt hợp đồng trong hợp đồng xây dựng gắn liền với thời gian và tiến độ thực hiện công việc giúp cho bên nhận thầu có trách nhiệm với công việc, hoàn thành đúng hoặc sớm tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm) bên giao thầu có thể được hưởng lợi từ việc bên nhận thầu hoàn thành đúng tiến độ đó.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công do tác động của nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau như thời tiết, điều kiện về vốn, nhân lực dẫn đến bên nhận thầu đã thi công công trình không đảm bảo về mặt thời gian. Điều này dẫn tới phát sinh tranh chấp giữa bên giao thầu và bên nhận thầu về việc phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường vi phạm hợp đồng.
-    Thứ hai, về chất lượng sản phẩm và nghiệm thu, bàn giao sản phẩm:
    Trong hợp đồng xây dựng, vấn đề chất lượng sản phẩm có lẽ là vấn đề nhạy cảm nhất. Ở đây ta hiểu như nào là đạt chất lượng sản phẩm? Tại điểm a, khoản 1, Điều 13 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định: “Chất lượng sản phẩm của hợp đồng xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu của hợp đồng, tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo quy định của pháp luật. Các bên tham gia hợp đồng phải thỏa thuận trong hợp đồng về quy chuẩn, tiêu chuẩn (tiêu chuẩn và quy chuẩn Quốc gia), chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho sản phẩm của hợp đồng xây dựng”.
    Trong hợp đồng xây dựng, về chất lượng sản phẩm lại được phân ra làm hai loại hợp đồng:
-     Hợp đồng tư vấn xây dựng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 08/2016/TT-BXD: 
    “Chất lượng sản phẩm tư vấn xây dựng phải phù hợp với nội dung hợp đồng tư vấn xây dựng đã ký kết giữa các bên; đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho hợp đồng tư vấn xây dựng. Những sai sót trong sản phẩm của hợp đồng tư vấn xây dựng phải được bên nhận thầu hoàn chỉnh theo đúng các Điều Khoản thỏa thuận trong hợp đồng tư vấn xây dựng”: 
    Như vậy, cũng quy định rõ về trách nhiệm của bên nhận thầu. Điều này tránh sự rủi ro cho bên giao thầu, buộc bên nhận thầu phải thực hiện đúng và đủ các quy định của pháp luật về chất lượng công trình.
-     Hợp đồng thi công xây dựng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 09/2016/TT-BXD:
“a) Công trình phải được thi công theo bản vẽ thiết kế (kể cả phần sửa đổi được chủ đầu tư chấp thuận), chỉ dẫn kỹ thuật được nêu trong Hồ sơ mời thầu (hoặc hồ sơ yêu cầu) phù hợp với hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng cho dự án và các quy định về chất lượng công trình, xây dựng của nhà nước có liên quan; bên nhận thầu phải có sơ đồ và thuyết minh hệ thống quản lý chất lượng thi công, giám sát chất lượng thi công của mình. 
b) Bên nhận thầu phải cung cấp cho bên giao thầu các kết quả thí nghiệm vật liệu, sản phẩm của công việc hoàn thành. Các kết quả thí nghiệm này phải được thực hiện bởi phòng thí nghiệm hợp chuẩn theo quy định. 
c) Bên nhận thầu đảm bảo vật tư, thiết bị được cung cấp có nguồn gốc xuất xứ như quy định của hồ sơ hợp đồng”.
Như vậy, trong hợp đồng thi công xây dựng. Việc chất lượng của sản phẩm phải đúng với bản vẽ thiết kế, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng cho dự án và các quy định về chất lượng công trình, Bên nhận thầu cũng phải cung cấp cho bên giao thầu các mẫu thí nghiệp trong quá trình thi công, về sản phẩm của công việc hoàn thành. Tuy nhiên, có một điểm bất cập trong quy định này, các công đoạn giám sát chất lượng sản phẩm công trình hoàn toàn do bên nhận thầu đứng ra làm. Tôi nhận thấy rằng có nên quy định rõ ràng việc bên giao thầu cùng bên nhận thầu cùng nhau thực hiện các công việc giám sát về chất lượng sản phẩm để tránh việc tranh chấp diễn ra, gây bất lợi cho bên nhận thầu.
    Xin cám ơn Luật sư!

Tham khảo nội dung liên quan:

6 vấn đề pháp lý về thời hiệu khởi kiện cần quan tâm khi khởi kiện vụ án tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng xây dựng.

Năm vấn đề pháp lý về thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng của Tòa án nhân dân cần lưu ý khi khởi kiện 

Trình tự giải quyết vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự 2015

Tổng hợp 4 quyết định về giám đốc thẩm tranh chấp hợp đồng xây dựng mới nhất

Tuyển tập 16 bản án tranh chấp thanh toán trong Hợp đồng xây dựng mới nhất

Cách viết đơn khởi kiện của vụ án đòi nợ theo quy định của pháp luật và thực tiễn tố tụng Việt Nam.

8 Án lệ về giải quyết tranh chấp hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại cần tìm hiểu!

7 vấn đề pháp lý quan trọng cần tìm hiểu, chuẩn bị trước khi khởi kiện vụ án dân sự để đảm bảo cho việc thắng kiện!

5 nội dung cần phải đáp ứng khi viết đơn khởi kiện vụ án dân sự theo thực tiễn tố tụng Việt Nam.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.