7 vấn đề pháp lý quan trọng cần tìm hiểu, chuẩn bị trước khi khởi kiện vụ án dân sự để đảm bảo cho việc thắng kiện!

01 /082021

7 vấn đề pháp lý quan trọng cần tìm hiểu, chuẩn bị trước khi khởi kiện vụ án dân sự để đảm bảo cho việc thắng kiện!

Bất kỳ một công việc nào muốn thành công phải có sự chuẩn bị một cách tốt nhất trước khi thực hiện. Abraham Lincoln vị tổng thống nổi tiếng của nước Mỹ đã đúc kết lại bằng một câu nói nổi tiếng: “Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu”. 
Việt Nam chúng ta có câu “khôn ngoan ra trước cửa quan mới biết” điều này càng khẳng định tính phức tạp của một vụ kiện, một vụ đáo tụng đình nên việc chuẩn bị khởi kiện một vụ án cần phải cẩn thận, kỹ càng hơn so với bất kỳ công việc nào khác. 
Khi tham gia luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong vụ án dân sự tôi nhận ra một điều là hầu như các đương sự không có sự chuẩn bị thật tốt cho một vụ kiện dân sự, các đương sự vẫn còn mắc những sai lầm cơ bản như xác định sai mối quan hệ pháp luật tranh chấp, khởi kiện nhưng không đủ chứng cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện, hoặc khởi kiện khi đã hết thời hiệu khởi kiện. Điều này xuất phát do nhiều nguyên nhân như nhận thức và trình độ của các đương sự chưa cao, sự vội vàng trong việc đưa ra quyết định khởi kiện cũng như các quyết định khác trong quá trình tố tụng của một vụ án, hoặc quá chủ quan, tin tưởng, phụ thuộc vào việc xét xử của tòa án hoặc phụ thuộc vào mối quan hệ với cơ quan tố tụng. Tuy nhiên tất cả những nguyên nhân trên đều dẫn đến một kết quả là việc khởi kiện hoặc bảo vệ quyền lợi của các bên đều thất bại, không đạt được mong muốn. Nói cách khác nếu bạn không có sự chuẩn bị kỹ lưởng cho một vụ kiện thì bạn đang chuẩn bị cho việc thất bại vụ kiện đó.
Do vậy, trong nội dung bài viết này tôi nêu ra bảy (7) nội dung cần chuẩn bị cẩn trọng trước khi tiến hành khởi kiện một vụ án nhằm giúp đỡ bạn đọc nắm bắt được những nội dung cần thiết phải chuẩn bị và có sự lựa chọn phù hợp trước khi thực hiện khởi kiện một vụ án.
1.    Thứ nhất. Xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp để khởi kiện đạt được mục tiêu tốt nhất.
Một người khởi kiện khôn ngoan trước hết phải là người biết, lựa chọn đúng mối quan hệ pháp luật tranh chấp của mình cần khởi kiện. Việc lựa chọn mối quan hệ tranh chấp để khởi kiện phù hợp nhằm đạt được lợi ích tối đa, giảm được các rủi ro pháp lý trong việc giải quyết vụ án. Xác định đúng mối quan hệ tranh chấp là tiền đề cho việc tìm hiểu quy định pháp luật và áp dụng quy định pháp luật, nếu không thể xác định đúng, phù hợp nhất thì khi khởi kiện sẽ bị gặp nhiều kho khăn dẫn đến vụ án kéo dài gây thiệt hại cho các bên tranh chấp, đặc biết cho bên khởi kiện. 
     Ví dụ 1: Trong quan hệ pháp luật về thừa kế việc yêu cầu khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật, hay chia thừa kế theo di chúc, hay đòi lại tài sản đã được tặng cho, hay đã được chia là một vấn đề phức tạp cần được tìm hiểu và lựa chọn trước khi khởi kiện. Thực tiễn xét xử cho thấy việc tranh chấp thừa kế trên thực tế diễn ra phong phú, đa dạng mỗi vụ án có tính chất, đặc điểm, chứng cứ khác nhau. Nhiều thẩm phán có kinh nghiệm từ 10 năm xét xử tranh chấp về thừa kế thì đút rút kinh nghiệm là  không có vụ tranh chấp thừa kế nào giống nhau cả, điều này nói lên mỗi vụ án có tình tiết và đặc điểm khác nhau. Lúc khởi kiện vụ án nếu không xem xét kỹ chắc chắn sẽ xác định sai mối quan hệ pháp luật tranh chấp cần khởi kiện, vì khi xác định sai mối quan hệ pháp luật thì chắc chắn dẫn đến đánh giá chứng cứ sai và áp dụng pháp luật sai, và không thể bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho bên khởi kiện. Án Lệ số 24 của Hội đồng thẩm phán tòa án tối cao đã chứng minh cho việc trên, tôi trích lục nội dung Án lệ để bạn đọc tham khảo như sau: “24. Án lệ 24/2018/AL về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân
Khái quát Án lệ: Nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng mà một người chết trước. Người còn lại và các thừa kế của người chết trước đã thống nhất phân chia nhà, đất. Thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào. Việc phân chia nhà, đất đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai. Sau khi người còn lại chết mới phát sinh tranh chấp thì di sản thừa kế chuyển thành quyền sử dụng đất hợp pháp của các cá nhân. Trường hợp này, phải xác định nhà, đất đó đã chuyển thành quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân. Những người này chỉ có quyền khởi kiện đòi lại nhà, đất được chia đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp mà không có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà, đất.
”  Trong vụ án trên bên khởi kiện đã xác định sai mối quan hệ tranh chấp nên đã khởi kiện yêu cầu tòa án chia di sản thừa kế là nhà đất theo pháp luật, tuy nhiên như trong Án lệ đã nêu thì di sản thừa kế đã được chia nên quan hệ tranh chấp trường hợp này là quan hệ đòi lại nhà đất đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp. Do vậy, bên khởi kiện và tòa án sơ thẩm, phúc thẩm xác định sai mối quan hệ pháp lý nên đã bị hủy án. Vụ án phải được giải quyết lại từ đầu mất rất nhiều thời gian và công sức cho bên khởi kiện.
Ví dụ 2: Tranh chấp về thanh toán của hợp đồng có trường hợp yêu cầu khởi kiện tiếp tục thực hiện thanh toán, trường hợp thì đòi lại tài sản, hoặc có thể yêu cầu tuyên vô hiệu, tuyên hủy hợp đồng hoặc tuyên đình chỉ, đơn phương chấm dứt hợp đồng, hoặc đòi lại tài sản do chiếm hữu hưởng lợi không có căn cứ pháp luật.
Như vậy, rõ ràng trong việc khởi kiện vụ án dân sự nếu lựa chọn đúng quan hệ pháp luật tranh chấp thì mình mới có tiền đề để bảo vệ tốt nhất. Người khởi kiện đầu tiên phải xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp thì mới có thể bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho minh được. Nếu xác định sai mối quan hệ pháp luật tranh chấp khi khởi kiện ví như con ngựa đã đi sai đường thì nó đi càng nhanh thì càng xa với đích đến của nó.

2.    Thứ hai. Xem xét việc đáp ứng điều kiện cơ bản của việc khởi kiện, tránh trường hợp bị trả đơn, tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án.

Việc khởi kiện vụ án dân sự cần xem xét toàn diện về điều kiện cơ bản để khởi kiện một vụ án. Một vụ án dân sự khởi kiện tối thiểu phải được tòa án thụ lý và không rơi vào các trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện hoặc bị đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án dân sự. Như vậy khi khởi kiện cần tìm hiểu các quy định về trả lại đơn khởi kiện và hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện theo Điều 192; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo Điều 214; Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự để chuẩn bị tốt nhất cho vụ án, tránh rơi vào các trương hợp này. 
Nhiều trường hợp khi khởi kiện vụ án không tìm hiểu rõ các quy định trên dẫn đến việc quá trình khởi kiện và thụ lý vụ án giải quyết gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt các Thầm Phán nắm rất rõ tố tụng, nên một sơ suất, sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến việc bị trả lại đơn khởi kiện hoặc bị tạm đình chỉ vụ án dẫn đến việc khởi kiện không thành công.
Trong năm 2017 tôi có nhận một vụ án Ly hôn, vụ án này đã được các luật sư khác tư vấn, quá trình giải quyết ly hôn kéo dài hơn 2 năm trong đó có những lần bên Nguyên đơn phải rút đơn khởi kiện lý do quá trình giải quyết quá vất vả, gian nan. Bên phía gia đình Bị đơn liên tục tác động tâm lý, thách thức, tuyên bố với bên Nguyên đơn là không thể nào ly hôn được vì họ đã lo hết quan hệ với tòa án làm Nguyên đơn mất hết niềm tin vào pháp luật. Tuy nhiên do quan hệ hôn nhân ngày càng trầm trọng không thể kéo dai nên bên Nguyên đơn đã tìm gặp tôi và nhờ giúp đỡ thông qua một khách hàng củ của tôi là giám đốc một doanh nghiệp địa ốc lớn Hà Nội. Sau khi tôi trao đổi công việc và nhận thấy đây là vụ án ly hôn với nhiều tình tiết phức tạp cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Có thể nói đây là trường hợp hy hữu trong quan hệ pháp luật về vụ án ly hôn bởi các yếu tố sau: 1. Trước khi đăng ký kết hôn với bên Nguyên đơn thì bên Bị đơn đã đăng ký kết hôn với người nước ngoài, mục đích là để nhập cảnh cư trú tại Úc, thủ tục đăng ký kết hôn thực hiện tại TP HCM, tại thời điểm kết hôn với Nguyên đơn thì Bên Bị đơn chưa làm thủ tục pháp lý để chấm dứt quan hệ hôn nhân với người nước ngoài đã đăng ký tại TP HCM. 2. Mặc du đã đăng ký kết hôn với người nước ngoài nhưng Bị đơn vẫn đăng ký kết hôn với Nguyên đơn tại địa phương và có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. 3. Nguyên đơn mong muốn nuôi cả hai người con đều dưới 6 tuổi vì lý do là Bị đơn không có công ăn việc làm nghiện rượu và có hành vi bạo lực gia đình không chỉ đối với Nguyên đơn mà đối với các con của Bị đơn. 4. Việc chia tài sản chung thì Nguyên đơn không cần yêu cầu giải quyết. 5 Nguyên đơn công việc thiếu ổn định, chỉ sống với bố mẹ đẻ. Mục tiêu Nguyên đơn đặt ra là phải giải quyết sớm việc ly hôn đồng thời đảm bảo quyền nôi con cho bên Nguyên đơn. Sau khi phân tích vụ án xong tôi trao đổi với Nguyên đơn là yếu tố quan trọng của vụ án là cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để chuẩn bị cho việc giải quyết vụ án ly hôn. Do vậy, tôi đã trao đổi với Nguyên đơn những công việc cần phải thực hiện từ việc xác nhận quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh; Cho đến trích lục bệnh án điều trị tại Bệnh Viện Bạch Mai; Yêu cầu chính quyền địa phương lập biên bản hành vi bạo hành trẻ em và thực hiện biện pháp khẩn cấp bảo vệ quyền lợi trẻ em; xác nhận tình trạng hôn nhân tại địa phương. Do việc chuẩn bị tốt nên quá trình tố tụng diễn ra nhanh chóng đúng mong muốn. Bên phía Bị đơn không có bất kỳ sự phản kháng nào khắc hẵn với lần khởi kiện thất bại trước đây, quá trình chuẩn bị khởi kiện vụ án tốt nên Bị đơn nhận thấy việc thua kiện là rõ ràng những chứng cứ trong vụ án được làm sáng tỏ không thể chối cãi. Sau khi tòa án sơ thẩm tuyên án xong, bản án sơ thẩm không có kháng cáo nên có hiệu lực. Nguyên đơn đã gặp luật sư và cảm ơn luật sư, Nguyên đơn nhật xét là không hiểu vì sao từ lúc có luật sư giúp đỡ thì việc gì cũng giải quyết nhanh, thuận lợi ngoài sự mong đợi của Nguyên đơn và gia đình, bố của Nguyên đơn cũng nhận xét như vậy (việc thuận lợi quá trình giải quyết vụ án có sự đóng góp lớn của hội đồng xét xử, thẩm phán và rút kinh nghiệm từ việc thất bại của những lần khởi kiện trước). Đây là vụ án Ly hôn có nhiều tình tiết phức tạp nếu không có sự chuẩn bị chu đáo thì vụ án sẽ kéo dài làm Nguyên đơn mệt mỏi, nhụt chí mà rút đơn khởi kiện, hoặc tòa án có thể có các quyết định trả lại đơn khởi kiện, tạm đình chỉ giải quyết vụ án. 
Như vậy, việc chuẩn bị khởi kiện vụ án rất quan trọng, trong đó có việc cung cấp, củng cố chứng cứ để đáp ứng điều kiện cơ bản khi khởi kiện một vụ án để tránh trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện, đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án dẫn đến không đạt được mục tiêu khởi kiện của vụ án.

3.    Thứ ba. Xem xét thời hiệu khởi kiện để đảm bảo khởi kiện đúng thời hiệu.
Thực tiễn giải quyết vụ án dân sự cho thấy việc xác định thời hiệu khởi kiện rất quan trọng. Bên khởi kiện thường mắc sai lầm trong việc xác định thời hiệu khởi kiện hoặc nóng vội nộp đơn khởi kiện dẫn đến cơ hội lấy lại thời hiệu khởi kiện không thực hiện được. Việc tìm hiểu và xác định đúng thời hiệu khởi kiện là rất quan trọng, nếu xác định không đúng có thể đánh giá thời hiệu khởi kiện không còn dẫn đến việc bỏ mất quyền khởi kiện chính đáng của mình và ngược lại nếu thời hiệu khởi kiện không còn mà tiến hành khởi kiện ngay có thể dẫn đến bên bị kiện đề phòng dẫn tới khó lấy lại thời hiệu khởi kiện. Do vậy, trước khi khởi kiện cần xem xét thận trọng thời hiệu khởi kiện, trong trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện thì cần phải nắm vững các quy định pháp luật về việc tính lại thời hiệu khởi kiện để vận dụng linh hoạt lấy lại được thời hiệu khởi kiện rồi mới tiến hành khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Khi xem xét thời hiệu khởi kiện cần tìm hiểu quan hệ pháp luật tranh chấp có áp dụng thời hiệu không? Nếu áp dụng thời hiệu khởi kiện thì bao nhiêu năm? Nếu hết thời hiệu cần xem thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện để trừ đi thời gian đó? Trường hợp nếu hết thời hiệu khởi kiện thì xem xét các sự kiện tính lại thời hiệu khởi kiện để tính toàn phù hợp để sự kiện đó xảy ra.
Ví dụ 1: Trong trường hợp tranh chấp hợp đồng đặt cọc thực tiễn tư vấn cho thấy nhiều trường hợp xác định tranh chấp hợp đồng đặt cọc có thời hiệu 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm nên hết thời hạn đó người có quyền lợi ích bị xâm phạm không có quyền khởi kiện. Tuy nhiên trong trường hợp này mặc dù hết thời hạn 3 năm nhưng bên đặt cọc vẫn có quyền khởi kiện đòi lại tiền đặt cọc của mình vì tiền đặt cọc vẫn thuộc sở hữu của bên đặt cọc, việc đòi lại tài sản thuộc sở hữu của bên đặt cọc từ người đang chiếm hữu trái pháp luật là bên nhận cọc thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định điều 155 Bộ Luật dân sự 2015.
Ví dụ 2: Khởi kiện đòi tiền thanh toán theo hợp đồng. Việc yêu cầu thanh toán nếu xác định đó là quan hệ tranh chấp thanh toán trong hợp đồng và buộc bên vi phạm nghĩa vụ tiếp tục thanh toán thì thời hiệu khởi kiện được xác định 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, hết thời hạn 3 năm trên thì bên có quyền không có quyền khởi kiện. Tuy nhiên thực tiễn xét xử nếu nghĩa vụ thanh toán mà các bên đã xác nhận rõ ràng thì việc đòi tiền thanh toán được Tòa Án xác định là quan hệ đòi lại tài sản và không tính vào thời hiệu khởi kiện. Do vậy mặc dù đã hết thời hiệu 3 năm nhưng bên có quyền vẫn khởi kiện yêu cầu đòi tiền thanh toán nếu xác định lại mối quan hệ tranh chấp là tranh chấp về đòi lại tài sản. 
Nói như vậy để thầy rằng nhiều trường hợp trên thực tế đã không hiểu đúng thời hiệu khởi kiện nên dẫn đến tự cho mình không có quyền khởi kiện và ngược lại nếu đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng vẫn tiến hành khởi kiện dẫn đến mất thời gian, tiền bác cho vụ kiện đáng lẽ không nên xãy ra.
4.    Thứ tư. Chuẩn bị chứng cứ, tài liệu chứa đựng chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.
Chúng ta đã từng nghe câu “tình ngay nhưng lý gian”, hay nói cách khác là bản chất sự việc thì đúng nhưng không có chứng cứ chứng minh. Nói như vậy để thấy rằng không phải sự việc nào đúng thì có thể khởi kiện thành công.
Rất nhiều vụ án được khởi kiện chỉ dựa trên nội dung trình bày của người khởi kiện mà không có tài liệu hay nguồn chứng cứ nào chứng minh cho nội dung và yêu cầu khởi kiện là đúng. Nhiều người khởi kiện thường suy nghĩ một cách đơn giản là Tòa án xét xử thì phải có trách nhiệm thu thấp chứng cứ, tin tưởng quá vào năng lực của tòa án trong vấn đề thu thập chứng cứ và củng cố chứng cứ. Tuy nhiên theo quy định tại điều 91 Bộ Luật tố tụng thì “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”. Như vậy theo quy định điều 91 Bộ Luật tố tụng dân sự thì trách nhiệm chứng minh thuộc về các đương sự. Nếu không có chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình thì tốt nhất không nên khởi kiện. Một số trường hợp nguồn chứng cứ lưu giữ trong cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bên thư ba khác lưu giữ, việc thu thập sẽ không thực hiện được nếu không có yêu cầu từ tòa án, tuy nhiên kể cả trong trường hợp này cũng phải rất thận trọng không vội vàng khởi kiện để yêu cầu tòa án thu thập nếu nó là nguồn chứng cứ duy nhất.
Theo quy định tại điều 93 Bộ luật tố tụng thì “Chứng cứ trong vụ án dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”. Chứng cứ được thu thập từ các nguồn chứng cứ theo quy định tại điều 94 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 chi tiết như sau: “1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử. 2. Vật chứng; 3. Lời khai của đương sự; 4. Lời khai của người làm chứng; 5. Kết luận giám định; 6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; 7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; 8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập; 9. Văn bản công chứng, chứng thực;10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định”. Như vậy, việc thu thập chứng cứ chính là thu thập các nguồn chứng cứ theo quy định điều 94 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015. 
Tòa án xét xử trên cơ sở chứng cứ của vụ án, quy định của pháp luật và theo đúng trình tự tố tụng chặt chẽ. Việc xét xử phải đảm bảo phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, áp dụng đúng quy định pháp luật và tuân thủ quy trình tục tố tụng trong bộ luật tố tụng dân sự. Do vậy, người khởi kiện cần phải có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là đúng, không phụ thuộc vào việc thu thập chứng cứ của tòa án. “Nói có sách mách có chứng” lúc khởi kiện phải có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình thì mới khởi kiện, không nên khởi kiện theo kiểu “nhắm mắt đưa chân” vì quá trình khởi kiện là quá trình mất nhiều công sức, tâm huyết, thời gian, tiền bạc, cần phải có tinh thần “chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”.
Do vậy, việc khởi kiện vụ án dân sự mà không chuẩn bị chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình thì nó chỉ là trò may rủi mà phần thua chắc chắn thuộc về bên khởi kiện. Nếu không có chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện thì tốt nhất không khởi kiện mà cần lựa chọn biện pháp khác phù hợp hơn để đạt được mục đích của mình. 
5.    Thứ 5. Cần tìm hiểu toàn diện quy định pháp luật liên quan yêu cầu khởi kiện.
Tìm hiểu quy định pháp luật, áp dụng đúng quy định pháp luật là điều quan trọng nhất cho việc chiến thắng một vụ án. Thực tế cho thấy không chỉ người khởi kiện mà hội đồng xét xử, luật sư, Kiểm sát viên trong quá trình giải quyết vụ án dân sự đều có thể sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Nói như vậy để biết được tính phức tạp của việc áp dụng đúng quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho người khởi kiện là rất quan trọng. Nếu người khởi kiện không có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong việc áp dụng pháp luật thì tốt nhất không nên tự mình đi kiện mà nên tìm hiểu, tham khảo ý kiến người có kiến thức kinh nghiệp trong lĩnh vực này trước khi khởi kiện.
Tìm hiểu quy định pháp toàn diện thực hiện như sau:
a.    Người khởi kiện cần nắm rõ quy định Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo điều 156 Luật ban hành các văn bản pháp luật năm 2015 để lựa chọn đúng văn bản pháp luật cần áp dụng. Khi chọn đúng văn bản pháp luật cần áp dụng cần tìm hiểu chi tiết gồm Luật, nghị định, thông tư quy định về quan hệ đang tranh chấp để hiểu một cách cặn kẻ về các quy định pháp luật . 
b.    Tìm hiểu nội dung Án lệ, Bản án tương tự của Tòa án Cấp cao; Tòa án tối cao, Tòa án Tp Hà Nội, Tòa án Tp HCM để hiểu được cách áp dụng pháp luật, quan điểm xét xử của tòa án đối với những vụ án tương tự. Trong trường hợp nếu có Án lệ thì việc tìm hiểu Án lệ rất quan trọng cho việc khởi kiện. Trên thực tế có nhiều bản án có tình huống pháp lý tương tự nhưng kết quả giải quyết trái ngược nhau điều này hết sức bình thường nên khi nghiên cứu các bản án trên ta cần đánh giá khách quan, chắt lọc tinh túy để vận dụng vào việc khởi kiện của mình. 
c.    Tìm hiểu Nghị quyết hướng dẫn xét xử, công văn, giải đáp nghiệp vụ của Tòa án tối cao, những văn bản rút kinh nghiệm trong ngành của Viện Kiểm Sát, Tòa Án Nhân Dân để hiểu hơn về việc hiểu và áp dụng pháp luật của các cơ quan trên.
d.    Tìm hiểu công văn, nội dung trả lời có nội dung tương tự quan hệ pháp luật đang tranh chấp của các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực liên quan để hiểu hơn việc áp dụng pháp luật của các cơ quan quản lý chuyên ngành đó;
e.    Tìm hiểu đọc các bài viết nghiên cứu, bài viết chuyên ngành như Tạp chí tòa án; Tạp chí viện kiểm sát, Tạp chí luật học, Tạp chí luật sư và từ các bài viết của các luật sư tương tự như trường hợp đang tranh chấp và yêu cầu khởi kiện của mình để hiểu hơn về quy định pháp luật cũng như những vướng mắc thực tiễn;
f.    Tìm hiểu tờ trình Quốc hội thông qua luật để hiểu rõ hơn về tinh thần của từng nội dung điều luật trong trường hợp nếu nội dung điều luật đó còn nhiều cách hiểu, nhiều tranh cãi.
g.    Hỏi ý kiến những người mình quen biết đang hoạt động trong lĩnh vực tương tự, có liên quan đến quan hệ đang tranh chấp.
Như vậy, trước khi khởi kiện một vụ án thì việc tìm hiểu quy định pháp luật toàn diện, chi tiết rất cần thiết, người khởi kiện nên tổng hợp và tóm tắt ngắn gọn nhất những điều khoản và nội dung án lệ mình áp dụng để bảo vệ quan điểm pháp luật của mình. Đồng thời nên lưu trữ lại toàn bộ tài liệu mình đả thu thập để sử dụng cho suốt quá trình giải quyết của vụ án cũng như sử dụng cho trường hợp tương tự về sau. Nếu việc nghiên cứu không đầy đủ toàn diện thì mình dễ mắc sai lầm, đánh giá không đúng khả năng thắng kiện một vụ án do đó dẫn tới việc khởi kiện vụ án không đạt được mục đích khởi kiện của mình.

6.    Thứ 6. Đặt mình vào vị trí Bị đơn để xem xét khả năng phản tố, quan điểm bảo vệ quyền lợi của Bị đơn.
Thông thường khi khởi kiện vụ án bên khởi kiện luôn có cái nhìn lạc quan và phiếm diện về khả năng thắng kiện của vụ án. Tuy nhiên thực tế thì một vụ án thường kéo dài, trải quả nhiều thủ tục tố tụng. Trong quá trình đó các bên tranh tụng liên tục từ giai đoạn thụ lý vụ án cho đến khi diễn ra phiên tòa sở thẩm; phúc thẩm. Pháp luật quy định việc tranh tụng kéo dài, liên tục như trên nhằm mục đích để làm rõ nội dung vụ án. Hay nói cách khác là sự thật của vụ án chỉ được tìm thấy qua quá trình tranh tụng của vụ án. Nếu anh chỉ đứng góc nhìn của bên Nguyên đơn thì việc đánh giá vụ án thường phiếm diện và sai lệch, nên bên khởi kiện cần phải đặt mình vào trường hợp là bên bị khởi kiện để xem xét đánh giá khả năng phản tố cũng như bảo vệ quan điểm của Bị đơn. 
Khi làm luật sư tôi thường thích bảo vệ quyền lợi cho Bị đơn hơn là bảo vệ cho Nguyên đơn vì việc phản biện bảo vệ quyền lợi cho Bị đơn xét góc độ nào đó dễ hơn là bảo vệ quyền lợi cho Nguyên đơn. Nói như vậy để thấy rằng người khởi kiện nếu không có cái nhìn đa chiều vào vụ án thì chưa chắc đã chiếm được ưu thế hay chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. 
Khi đặt mình là bên Bị đơn hoặc người có quyền nghĩa vụ liên quan thì phải khách quan, cẩn trọng, tỷ mỉ như là đang bảo vệ quyền lợi cho chính mình thì mới đạt được hiệu quản cao nhất. Các Văn phòng luật sư họ thường phân vai cho các luật sư để có thể phản biện một cách tốt nhất nhằm giúp đỡ luật sư phụ trách vụ án có được cách nhìn toàn diện vụ án để bảo vệ khach hàng tốt nhất.   
Như vậy, “một nửa sự thật không phải là sự thật”, nên tìm hiểu toàn diện, nhiều bên, nhiều chiều để làm sáng tỏ sự thật qua đó đánh giá khách quan toàn điện vụ việc tranh chấp, khả năng thắng kiện trước khi khởi kiện. Không nên có cái nhìn phiếm diện, đánh giá về khả năng thắng kiện của mình khi mà chưa xem xét thấu đáo, toàn diện vụ án.
7.    Thứ 7. Tìm hiểu thủ tục giải quyết một vụ án dân sự để biết được từng giai đoạn, tiến độ giải quyết của một vụ án.
Giải quyết một vụ án dân sự là một quá trình tố tụng chặt chẽ, phức tạp, một giai đoạn tố tụng có các nhiệm vụ khác nhau. Bên khởi kiện hay các đương sự trong vụ án cần tìm hiểu cơ bản để biết được từng giai đoạn tố tụng của vụ án qua đó cần làm gì cho từng giai đoạn đó. Một vụ án dân sự thường diễn ra các bước cơ bản sau: Bước 1. Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự; Bước 2 Thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử; Bước 3 Xét xử sơ thẩm; Bước 4 Xét xử phúc thẩm nếu có kháng cáo; Bước 5 các công việc sau khi bản án có hiệu lực: Yêu cầu thi hành án; Đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Mỗi một giai đoạn vụ án thì có những nội dung và công việc phải làm khác nhau, nên cần sự tập trung công việc trong từng giai đoạn vụ án để đạt được hiệu quả cao nhất. Thông thường bên khởi kiện không chủ động tìm hiểu quy trình tố tụng mà phụ thuộc hoàn toàn vào hướng dẫn và công việc phát sinh của cơ quan tố tụng trong từng giai đoạn đó nên thường bị động. Thực trạng xét xử tại Việt Nam thì quá trình chuẩn bị xét xử vụ án là quan trọng nhất chứ không phải là quá trình xét xử tại phiên tòa. Nói cách khác hội đồng xét xử và thẩm phán họ nghiên cứu vụ án và thường có đường lối xét xử rồi mới đưa vụ án ra xét xử. Vì vậy bên khởi kiện nên tranh luận, trình bày căn cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình trong giai đoạn chuẩn bị xét xử của vụ án để thẩm phán cũng như hội đồng xét xử họ biết được quan điểm của mình qua đó sẽ bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của các bên đượng sự. Quan điểm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bên Nguyên đơn nên được thể hiện rõ ràng trong đơn khởi kiện, lời khai, bản trình bày ý kiến hay kiến nghị của mình, quan điểm này nên xuyên suốt trong quá trình tố tụng. Cần trình bay khôn khéo, kịp thời, phù hợp để hội đồng xét xử, thẩm phán, kiểm sát viên vụ án họ nắm bắt được có thiện chí trong việc giải quyết. 
Bên khởi kiện không nên chỉ phụ thuộc vào một giai đoạn tố tụng nào đó và càng không nên chỉ phụ thuộc vào diễn biến tại phiên tòa để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho mình, do vậy bên khởi kiện cần phải tìm hiểu quy trình tố tụng để có kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn tố tụng qua đó để bảo vệ quyền lợi của mình một cách phù hợp, kịp thời và đạt hiệu quả cao nhất.
Trên đây là bảy (7) vấn đề pháp lý quan trọng cần chuẩn bị, tìm hiểu để khởi kiện và đảm bảo chiến thắng một vụ án. Nên lưu ý rằng để dành chiến thắng trong một vụ kiện thì quá trình chuẩn bị chiếm đến 70% khả năng chiến thắng. Do vậy trước khi khởi kiện các bạn cần đọc kỹ những nội dung trên và có sự chuẩn bị tốt nhất cho một vụ kiện. Chúng tôi Công ty Luật IPIC luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ cho các bạn để có sự chuẩn bị tốt nhất cho một vụ kiện.

Tham khảo bài viết liên quan:

Không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với khởi kiện đòi nợ!

Các tranh chấp nội bộ thường gặp trong doanh nghiệp và các phương thức giải quyết tranh chấp

Tổng hợp 4 quyết định về giám đốc thẩm tranh chấp hợp đồng xây dựng mới nhất

8 Án lệ về giải quyết tranh chấp hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại cần tìm hiểu!

5 nội dung cần phải đáp ứng khi viết đơn khởi kiện vụ án dân sự theo thực tiễn tố tụng Việt Nam.

16 Án lệ về giải quyết tranh chấp đất đai cần đọc, tìm hiểu trước khi khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai.

7 vấn đề pháp lý quan trọng cần tìm hiểu, chuẩn bị trước khi khởi kiện vụ án dân sự để đảm bảo cho việc thắng kiện!

Để được chúng tôi tư vấn pháp luật cho việc chuẩn bị khởi kiện quý khách hàng vui lòng liên hệ với công ty chúng tôi.
Công ty Luật TNHH IPIC chúng tôi chuyên tư vấn pháp luật và cung cấp dịch vụ pháp lý cho việc chuẩn bị khởi kiện một vụ án. Với đội ngũ luật sư, tư vấn viên có năng lực và nhiều năm kinh nghiệm việc tư vấn và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp tại Tòa án các cấp ở Việt Nam và tại Trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam (VIAC), Công ty Luật TNHH IPIC sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng về việc chuẩn bị nội dung khởi kiện tốt nhất, nếu quý khách hàng muốn thắng một vụ kiện, muốn đánh giá khẳ năng thắng một vụ kiện thì vui lòng liên hệ với chúng tôi tại:
Luật Sư Nguyễn Trinh Đức - Giám đốc.
Mobile:0936342668.
Mail:info@ipic.vn;trinhduclawyer@gmail.com.
Địa chỉ trụ sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Địa chỉ chi nhánh: Tầng 8 tòa nhà Thủy Lợi, số 102 Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.