Gần đây, chúng tôi vừa nhận được một vụ án liên quan đến tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS, điều đặc biệt trong vụ án lần này là tại Kết luận điều tra, đối tượng bị cáo buộc đối với hành vi phạm tội không chỉ là những cán bộ nhà nước – những người rõ ràng đang thực hiện công vụ mà không có gì để tranh luận - mà còn có đối tượng khác, đó chính là doanh nghiệp tư nhân. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn cho đội ngũ luật sư chúng tôi khi tiếp nhận vụ án. Sau một khoảng thời gian nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi phát hiện ra những điểm đặc biệt đáng lưu ý liên quan đến tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ muốn chia sẻ ngay đến quý độc giả. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh, một vấn đề pháp lý gây ra nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến hồ sơ vụ án mà chúng tôi đang tiếp cận.
Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Điểm đặc biệt đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
a. Mặt chủ thể của tội phạm
Ngoài những yếu tố cơ bản chung về chủ thể của tội phạm như độ tuổi, năng lực chịu trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, Điều 13 BLHS thì chủ thể của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ được coi là chủ thể đặc biệt, bởi người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện công vụ.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 352 Bộ luật Hình sự 2015: “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.”.
b. Mặt khách quan của tội phạm
Thứ nhất, người phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân" có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tức là người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao như là một phương tiện để thực hiện tội phạm, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn mà họ đang đảm nhiệm thì họ khó có thể thực hiện được hành vi phạm tội. Nói cách khác, chức vụ, quyền hạn chính là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi sai phạm; nếu hành vi phạm tội không liên quan đến chức vụ, quyền hạn thì cho dù được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn thì cũng không cấu thành tội danh này.
Thứ hai, phải xảy ra hành vi “làm trái công vụ” của người phạm tội.
Để hiểu rõ hơn về điều này, chúng ta cần hiểu rõ về công vụ. Pháp luật Việt Nam không định nghĩa chính thức và thống nhất về công vụ, tuy nhiên, khái niệm công vụ được đề cập gián tiếp thông qua một số quy định liên quan.
Tại Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ quy định tại khoản 1 Điều 3: “Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhà nước, nhân dân và xã hội”. Bên cạnh đó, còn có Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2019 quy định tại Khoản 1, Điều 3: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án”.
Như vậy, công vụ là hoạt động mang tính quyền lực được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức hay tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhân danh Nhà nước theo quy định và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhân dân và xã hội. Hoạt động công vụ được sử dụng quyền lực và các nguồn lực công, tiến hành trên cơ sở pháp luật nhằm thực hiện các chức năng của Nhà nước.[1]
Vậy, để xảy ra hành vi “làm trái công vụ” thì người phạm tội phải đang thực hiện công vụ, thực hiện nhiệm vụ quyền hạn mà Nhà nước giao phó.
Tình huống pháp lý thực tế
Trong vụ án đội ngũ luật sư IPIC tiếp nhận lần này, một trung tâm dạy nghề lái xe thực hiện đào tạo lái xe trái quy định pháp luật do vi phạm các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, sân tập lái… Theo Kết luận điều tra các bị can thuộc trung tâm này phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS.
Trung tâm đào tạo lái xe này là một doanh nghiệp tư nhân, hoạt động nhằm mục đích thu lợi nhuận của doanh nghiệp. Luật sư cho rằng ở đây cần phải làm rõ trung tâm dạy nghề thực hiện hoạt động đào tạo lái xe thì đào tạo lái xe có được coi là công vụ hay không?
Tư duy pháp lý của luật sư
Có thể thấy rằng hiện tại ở Việt Nam có rất nhiều văn bản quy định liên quan về công vụ tuy nhiên lại không có sự thống nhất giữa các văn bản này. Điều này dẫn đến những cách hiểu và áp dụng khác nhau trong thực tế về hoạt động công vụ.
Nếu chỉ xét theo những khái niệm về người thi hành công vụ tại mục b. Mặt khách quan của tội phạm đã nêu trên, có thể hiểu rằng công vụ chỉ được thực hiện bởi “cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn” hay là “người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước”. Đồng thời, thực hiện công vụ phải vì phục vụ cho lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng tội danh này không xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước (lĩnh vực tư).
Tuy nhiên, công vụ hoàn toàn có thể được Nhà nước giao cho cá nhân, tổ chức khác ngoài nhà nước. Ví dụ: Theo Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới tại khoản 3 Điều 3 quy định: “Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (sau đây gọi tắt là đơn vị đăng kiểm) là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ công thực hiện công tác kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới.” Thông qua điều khoản này, có thể hiểu là Nhà nước đang trao quyền thực hiện dịch vụ công cho đơn vị đăng kiểm xe cơ giới. Vậy, một doanh nghiệp tư nhân hay một hợp tác xã khi đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức nhân lực sẽ được hoạt động kiểm định xe cơ giới – cung cấp dịch vụ công. Đơn vị có hoạt động thu giá dịch vụ, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động kiểm định xe cơ giới, các khoản thu khác (nếu có) và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo đúng quy định của pháp luật. Lúc này, những đơn vị kiểm định xe cơ giới rõ ràng đang thực hiện công vụ, thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước trao quyền, đồng thời tại đây cũng có sự giao thoa giữa hoạt động kinh doanh dịch vụ vì lợi ích cá nhân doanh nghiệp và lợi ích của Nhà nước, của nhân dân liên quan đến việc thu phí, lệ phí, cấp giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới.
Vì vậy, để xác định loại tội phạm này thì chỉ xem xét về chủ thể là không đủ, mà còn phải xem xét về mặt khách quan, về hành vi phạm tội có xuất phát từ công vụ được Nhà nước trao quyền hay không.
Quay lại với vụ án thực tế mà IPIC đang xử lý, tại Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe định nghĩa về Cơ sở đào tạo lái xe ô tô như sau:
“Cơ sở đào tạo lái xe ô tô là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng đào tạo nghề lái xe ô tô.”
Khoản 1 Điều 3 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định "Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên."
Tuy nhiên, khi xem xét theo Kết luận điều tra, luật sư nhận thấy trung tâm đào tạo lái xe này là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hình thức xã hội hóa được thành lập theo Quyết định của Ủy Ban Nhân dân tỉnh; hoạt động ngoại hình ngoài công lập (tư thục)……, chịu sự quản lý về chuyên môn đối với hoạt động đào tạo lái xe của Sở giao thông vận tải tỉnh và chịu sự quản lý giáo dục nghề nghiệp của Sở lao động thương binh xã hội tỉnh. Như vậy, đây là đơn vị tư thục thực hiện dịch vụ đào tạo lái xe theo hình thức xã hội hóa không không có chức năng công vụ, hay cung cấp dịch vụ công.
Theo quy định tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Điều 365 BLHS 2015 có Khách thể liên quan đến việc quan hệ công vụ (phải nhân danh nhà nước, thực hiện quyền lực nhà nước, vì trách nhiệm quản lý nhà nước).
Như chúng ta biết tội phạm về chức vụ được quy định trong chương XXIII BLHS 2015 lần đầu tiên chúng ta mở rộng chủ thể trong lĩnh vực tư, tuy nhiên không phải các tội phạm về chức vụ quyền hạn nào nằm trong chương XXIII đều được mở rộng sang lĩnh vực tư. Chỉ những hành vi tham nhũng được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng 2018 quy định trong lĩnh vực tư mới được quy định mở rộng trong chương XXIII của BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Do vậy, đối với Trung tâm dạy nghề lái xe là đơn vị tư thục lại không có hoạt động công vụ hay dịch vụ công nên về chủ thể và khách thể của Điều 356 BLHS 2015 đều không đáp ứng đối với cách hành vi vi phạm xảy ra trong Trung tâm (trong quy định tội phạm tại chương XXIII đối tội phạm về chức vụ trong lĩnh vực tư đều có quy định một khoản riêng, thường nằm khoản 6 để khẳng định hành vi trong lĩnh vực tư của người có chức vụ quyền hạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Tội quy định tại điều 365 lại không không quy định này).
Kết luận: Vụ án liên quan đến tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, mà trong đó doanh nghiệp tư nhân bị cáo buộc, là một ví dụ điển hình về sự phức tạp và những tranh cãi trong việc xác định phạm vi và bản chất của công vụ. Mặc dù theo quy định pháp luật, công vụ chủ yếu là hoạt động do các cơ quan nhà nước thực hiện, nhưng trong trường hợp này, việc Nhà nước giao quyền cho các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công khiến ranh giới giữa công vụ và hoạt động kinh doanh trở nên mờ nhạt. Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự thống nhất và làm rõ hơn về khái niệm công vụ, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao phó. Những tình huống pháp lý phức tạp như vậy đòi hỏi đội ngũ luật sư phải có cái nhìn sâu sắc và chi tiết để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, đồng thời bảo vệ lợi ích chung của xã hội và nhà nước.
Trên đây là một số nội dung chia sẻ kiến thức kinh nghiệm của Công ty Luật TNHH IPIC. Nếu quý khách hàng cần tư vấn chi tiết, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Luật sư Nguyễn Trinh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH IPIC
Điện thoại: 0936342668
Email: infor@ipic.vn; trinhduclawyer@gmail.com
Trân trọng!
Người thực hiện:Chuyên viên pháp lý - Nguyễn Yến
[1] Tham khảo tại: Cải cách công vụ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam – Tạp chí tổ chức Nhà nước – Cơ quan của Bộ Nội vụ
Tham khảo thêm các vấn đề pháp lý hình sự tại:
Xác định thiệt hại liên quan đến khung hình phạt đối với bị can, bị cáo
Giới hạn nào cho thời gian tạm giam của bị can, bị cáo?
Thu thập "tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sư", nhiệm vụ đãi cát tìm vàng của luật sư