Giới hạn nào cho thời gian tạm giam của bị can, bị cáo?

19 /082024

Giới hạn nào cho thời gian tạm giam của bị can, bị cáo?

Một ngày trong tù bằng thiên thu ở ngoài/lời nói người xưa thật không sai” hai câu thơ của Chủ Tịch Hồ Chí Minh là chân lý đã được khẳng định. Là luật sư bào chữa trong nhiều vụ án hình sự được gặp gỡ nhiều bị can, bị cáo và nghe họ tâm sự về những kho khăn vất vả trong giai đoạn tạm giam, từ những bị cáo phạm tội hình sự xâm phạm tính mạng, sức khỏe những người được xem ngang tàng, bất hảo “coi trời bằng vung” đến những bị cáo rơi vào vòng lao lý phạm các tội kinh tế, tất cả họ đều khẳng định và công nhận một điều “Một ngày trong tù bằng thiên thu ở ngoài” đúng trong thời gian bị tạm giam. Trong bài viết này tôi cũng không chủ đích miêu tả những khổ cực của những bị cáo phải chịu đựng, hay việc lạm dụng biện pháp tạm giam như một “phương pháp” để buộc tội mà tôi chỉ đề cập đến nội dung pháp lý không mới nhưng nó tồn tại mà bất cứ ai cũng thấy bất cập. Đó chính là "không có giới hạn cho thời gian tạm giam đối với các bị can, bị cáo". Để hiểu rõ nội dung trên các bạn cùng tôi xem xét chi tiết.

Quy định pháp luật

Biện pháp ngăn chặn

Để hiểu về biện pháp tạm giam ta cần phải hiểu thế nào biện pháp ngăng chặn. Biện pháp ngăn chặn là một chế định quan trọng được quy định tại Chương VII “Biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế” của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS). Các biện pháp này góp phần ngăn chặn tội phạm và ngăn ngừa những hành vi gây khó khăn, cản trở đối với quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, việc áp dụng những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự sẽ tước bỏ hoặc hạn chế một số quyền con người, quyền cơ bản của công dân như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại. Các hạn chế này được áp dụng khi mà bị can, bị cáo vẫn chưa có bản án có hiệu lực buộc tội, hay nói cách khác các bị can, bị cáo đang bị tước đoạt các quyền cơ bản quyền con người khi chưa được xem là có tội. Trong các biện pháp ngăn chặn đó thì biện biện pháp tạm giam có tính hà khắc nhất, hà khắc hơn việc thi hành án hình phạt tù.

Biện pháp tạm giam

Bắt bị can để tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng đối với bị can về tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hay bị can phạm tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Về mục đích

Tạm giam áp dụng đối với bị can trong các giai đoạn khác nhau trong tố tụng hình sự nhằm ngăn chặn việc bị can sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố.

Về hậu quả pháp lý

Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn có tính chất nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự. Người bị áp dụng biện pháp tạm giam sẽ bị cách li với xã hội trong một thời gian nhất định, bị hạn chế một số quyền của công dân.

Về căn cứ pháp lý: Tạm giam có thể áp dụng với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng. Trường hợp bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng hoặc tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ xác định người đó ở vào một trong các trường hợp sau: “Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Ngoài ra, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.” (khoản 2, 3 Điều 119 BLTTHS). Khi phạm tội thuộc những trường hợp trên thì bị can bị áp dụng biện pháp tạm giam.

Về thẩm quyền ra lệnh: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSQS các cấp; Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án TAQS các cấp; Hội đồng xét xử.

Thời hạn tạm giam đối với bị can trong vụ án hình sự

Hiện nay pháp luật có quy định thời hạn tạm giam cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Thời hạn này nó được quy định cụ thể và chi tiết theo quy định của bộ luật tố tụng Hình sự. Cụ thể như sau: Quy định tạm giam đối với hoạt động điều tra, theo Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thời hạn tạm giam để điều tra như sau:

Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau: + Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;+ Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;+ Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng; + Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng. Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác”.

Như vậy, thời gian tạm giam đối với hoạt động điều tra có quy định và có giới hạn theo từng hành vi phạm tội và tội phạm thực hiện.

Thời hạn tạm giam đối với hoạt động điều tra bổ sung

Theo quy định tại Điều 174. Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại

"1. Trường hợp phục hồi điều tra quy định tại Điều 235 của Bộ luật này thì thời hạn điều tra tiếp không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và không quá 03 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra.Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 01 tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;

c) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 03 tháng.

Thẩm quyền gia hạn điều tra đối với từng loại tội phạm theo quy định tại khoản 5 Điều 172 của Bộ luật này.

2. Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.

Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung.

3. Trường hợp vụ án được trả lại để điều tra lại thì thời hạn điều tra và gia hạn điều tra thực hiện theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật này.

Thời hạn điều tra được tính từ khi Cơ quan điều tra nhận hồ sơ và yêu cầu điều tra lại.

4. Khi phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại, Cơ quan điều tra có quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này.

Trường hợp có căn cứ theo quy định của Bộ luật này cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra, điều tra bổ sung không được quá thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam trong trường hợp vụ án được điều tra lại thực hiện theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật này”.

Như vậy, đối với với trường hợp điều tra bổ sung thì thời gian tạm giam lại tương ứng với thời gian điều tra bổ sung. Còn đối với điều tra lại thì thời gian tạm giam được tính lại từ đầu. Cái vòng quay tố tụng này có thể lặp lại nhiều lần mà pháp luật không có giới hạn nào, chưa nói đến cơ quan công tố và tòa án gia hạn thời hạn tạm giam trong quá trình truy tố và xét xử của mình.

Tính huống pháp lý

Đây là một câu chuyện buồn nó cũng làm tôi trăn trở nhiều, tôi quyết định viết và hy vọng trong tương lai chúng ta có những quy định pháp luật mới để những vụ việc tương tự không xảy ra cho bất cứ ai, trong bất cứ vụ án nào. Trong tình huống pháp lý này tôi không muốn miêu tả về tình tiết vụ án mà tôi nói về vấn đề tố tụng của vụ án và trọng tâm là thời gian tạm giam của bị cáo mà tôi là luật sư bào chữa. Câu nói của vợ bị cáo với “luật sư ơi ở tạm giam khổ lắm thế mà anh đã phải chịu đựng 10 năm rồi, làm thế nào để anh bớt khổ, ra thi hành án còn tốt hơn nhiều luật sư” (là luật sư trách nhiệm chúng tôi là tìm các tình tiết bảo vệ cho bị can, bị cáo vô tội, tuy nhiên nó cũng là một rủi ro nếu vụ án cứ kéo dài mà không vô tội thì lại là một thiệt thòi lớn cho bị can, bị cáo). Đây là một vụ án lừa đảo liên quan đến khu đất vàng Hồ Tùng Mậu. Tình tiết vụ án tóm tắt ngắn gọn như sau: Ngày 5 tháng 08 năm 2013 Bộ công an quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với VT về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”  và tội “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” và Quyết định tạm giam cùng ngày; ngày 16 tháng 07 năm 2015 ban hành Kết luận điều tra số 07 lần đầu; và các Bản kết luận điều tra bổ sung số 62 ngày 20 tháng 11 năm 2015; số 26 ngày 21 tháng 03 năm 2026; số 92 ngày 01 tháng 11 năm 2026; số 159 ngày 20/10 năm 2027; số 177 ngày 22 tháng 12 năm 2027; và số 131 ngày 13 tháng 11 năm 2018; Kết luận điều tra số 17 ngày 11 tháng 05 năm 2021 của cơ quan cảnh sát điều tra bộ công an; Như vậy riêng vụ án này có tới hai kết luận điều tra chính và 6 kết luận điều tra bổ sung. Các cáo trạng gồm Cáo trạng số 21 ngày 18 tháng 05 năm 2016; số 37  ngày 07 tháng 02 năm 2028; Cáo trạng số 28 ngày 07 tháng 07 năm 2021 như vậy có tới ba cáo trạng. Bản án hình sự sơ thẩm 142 ngày 26 tháng 04 năm 2019; Bản án hình sự 667 ngày 30 tháng 10 năm 2019 của tòa phúc thẩm; Bản án sơ thẩm số 300 ngày 02 tháng 07 năm 2022; Bản án phúc thẩm 929 ngày 16 tháng 12 năm 2022. Như vậy, có đến 4 bản án và 4 phiên tòa xét xử vụ án chưa nói đến xét xử trả hồ sơ nhiều lần. Ta thấy có đến 8 kết luật điều tra và 3 cáo trạng và 4 bản án cho vụ án này. Bị cáo được bắt tạm giam từ ngày 05 tháng 08 năm 2013 đến ngày 16 tháng 12 năm 2022 thì mới xét xử phúc thẩm lần hai gần 10 năm và  Bị cáo phải chịu biện pháp tạm giam trong suốt quá trình thời gian này.

Đối chiếu với quy định pháp luật thì thời gian điều tra tối đa là 12 tháng; thời gian truy tố tối đa là 60 ngày (khoảng 2 tháng ) và thời gian chuẩn bị xét xử tối đa là 60 ngày (khoảng 2 tháng). Tuy nhiên xen kẽ thời gian trên sẽ phát sinh điều tra bổ sung (trong vụ án là 6 lần thời gian điều tra bổ sung); ba lần thực hiện truy tố sau khi có các kết luận điều tra mới 3 bản cáo trạng và bốn lần chuẩn bị xét xử. Do đó quá trình này nó xen kẽ và lặp lại nhiều lần như trên nên dẫn đến vụ án kéo dài quá trình điều tra và xét xử gần 10 năm và bị cáo bị tạm giam đến gần 10 năm trời. Đây là một ví dụ điển hình để chứng minh cho thời gian tạm giam của bị cáo là không có giới hạn, chưa nói đề các vụ án mà bị cáo phạm nhiều tội khác nhau thời gian điều tra kéo dài thì thời gian tạm giam cũng kéo dài.

Có thể nói vụ án trên là một trong những vụ án có thời gian điều tra và xét xử và bị cáo bị tạm giam lâu nhất.

Qua vụ án này để ta thấy rằng thời gian tạm giam có thể kéo dài nếu vụ án phức tạp và quá trình điều tra, truy tố xét xử kéo dài. Vấn đề pháp lý đặt ra ở đây là Biện pháp tạm giam là biện pháp ngăn chặn chưa phải là hình phạt, tuy nhiên tính hà khắc hơn cả việc chấp hành hình phạt tù vì nó tước bỏ quyền tự do, quyền sức khỏe của bị can, thậm chí có nhiều bị can, bị cáo còn bị chết trong thời gian tạm giam. Nhưng tại sao pháp luật chúng ta lại không có quy định nào giới hạn thời gian tạm giam. Đây liệu có phải là một lỗ hổng pháp lý.

Tư duy pháp lý của luật sư

Khi đứng trước tình huống pháp lý trên chắc chắn có nhiều bạn đọc sẻ suy nghĩ tại sao luật sư không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để yêu cầu tuyên vô tội cho bị cáo. Tuy nhiên thực tế trong vụ án này bản thân bị cáo bị điều tra truy tố đến ba hành vi lừa đảo và một hành vi cố ý làm trái. Nên việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội là một điều không phù hợp với thực tiễn. Trong vụ án này mục đích của luật sư bảo vệ cho các bị cáo là chuyển xuống hình phạt có thời hạn và trong ba hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ít nhất phải chứng minh hai hành vi là vô tội để đình chỉ điều tra. Thực tế trong vụ án các bị hại là phía Ngân hàng, cũng như bị hại bên nhận chuyển nhượng tòa nhà đất vàng đều xin giảm án cho bị cáo và cho rằng hành vi không cấu thành tội phạm. Không chỉ bị cáo và các bị hại cũng bảo vệ quyết liệt vì việc xem xét hành vi phạm tội của bị cáo sẽ bất lợi hơn trong việc giải quyết quyền lợi cho bị hại. Đây là một vấn đề pháp lý phức tạp và xuyên suốt vụ án, việc tranh chấp quyền lợi liên quan tài sản cũng làm cho vụ án kéo dài suốt thời gian dài như vậy. Hiện tại vụ án cũng đang có kháng nghị để xem xét lại vấn đề dân sự trong vụ án. Trong bài viết này tôi không tập trung vào nội dung, tôi sẽ trình bày từng khía cạnh pháp lý khác ở nội dung chia sẻ sau để các bạn nắm bắt được vụ việc qua đó hiểu hơn về vụ án và công việc của tôi với tư cách là một luật sư bào chữa cho bị cáo.

Liên quan đến thời gian tạm giam trong vụ án này không thể giải quyết độc lập riêng lẻ được vì việc xin thay đổi biện pháp tạm giam sang biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú cũng không thể thực hiện được trong vụ án này vì bản thân bị cáo cũng đang chịu hình phạt do hành vi lừa đảo từ bản án của tòa quân sự trung ương. Để giải quyết việc này cần phải giải quyết tổng thể chứ không thể xử lý trong một vụ án, cụ thể.

Một là, cần phải chuyển tổng cục trại giam từ Bộ công an sang thuộc Bộ tư pháp

Việc Tổng cục trại giam thuộc Bộ công an chỉ có lợi cho Tổng cục trại giam và  cơ quan điều tra, cơ quan truy tố mà không có lợi cho các bị can, bị cáo, không có lợi cho nguyên tắc "pháp quyền xả hội chủ nghĩa". Nội dung đề nghị chuyển Tổng cục trại giam sang Bộ tư pháp cũng đã được bàn đền nhiều nhưng chúng ta vẫn không muốn chuyển vì nhiều lý do. Thiết nghĩ chúng ta nên xem xét lại việc này vì nó có nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người cho các bị can, bị cáo và tránh lạm dùng biện pháp tạm giam như hiện nay.

Hai là, đầu tư cải thiện điều kiện sinh hoạt của người bị tạm giam

Phải xem lại cơ sở vật chất, hạ tầng, chế độ cho người bị tạm giam. Hiện này cần đầu tư thêm cơ sở vật chất ít nhất cũng phải được như khi thực hiện hình phạt tù có thời hạn. Phải đảm bảo cho bị can, bị cáo lao động, nắm bắt thông tin, được sinh hoạt thể dục, thể thao, chăm sóc y tế và các quyền khác ít nhất cũng tương đương như khi thi hành án hình phạt tù. Điều này đảm bảo hơn về quyền con người, quyền công dân cho các bị can, bị cáo khi bị áp dụng biện pháp tạm giam

Ba là, nên giới hạn thời gian tạm giam

Cần có quy định giới hạn thời gian tạm giam tối đa không quá bao nhiêu năm đối một vụ án, không nên để thời gian tạm giam kéo dài mãi không có hồi kết như vậy. Nên quy định thời gian tạm giam đối với một vụ án  tối đa không quá 12 tháng nếu hết thì buộc phải thay đổi biện pháp tạm giam sang hình thức khác.

Bốn là, nên áp dụng triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội

Nếu không thể buộc tội được trong thời hạn điều tra thì phải tuyên vô tội, như vụ án trên có 8 kết luận điều tra nhưng không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội nên vụ án mới kéo dài quá lâu như vậy.

Năm là, hn chế tối đa việc áp dụng biện pháp tạm giam

Việc buộc tội và bảo vệ quyền con người đối với bị can, bị cáo theo tôi đều quan trọng như nhau, chỉ nên áp dụng biện pháp tạm giam đối với đối với tội phạm nguy hiểm có mức hình phạt cao và căn cứ phạm tội rõ ràng. Tránh trường hợp như trên việc áp dụng biện pháp tạm giam đến gần 10 năm trời là không cần thiết. Không nên có quan điểm điều tra buộc tội bằng mọi giá mà phải xem xét cả quyền con người đối với bị can, bị cáo để không một ai bị xâm hại vì việc lạm dụng áp dụng biện pháp tạm giam.

Trân trọng!

Luật sư Nguyễn Trinh Đức

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.