Thư tư vấn: 020815/Letter-Ipic
V/v: Tư vấn thành lập bệnh viện thẩm mỹ 100% vốn nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty Luật TNHH IPIC (“IPIC GROUP”) cám ơn Ông (Bà) đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn “Thủ tục thành lập bệnh viện thẩm mỹ” của Công ty chúng tôi.
Qua trao đổi chúng tôi hiểu rằng Ông (Bà) đang có nhu cầu thành lập bệnh viện thẩm mỹ 100% vốn nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh và cần sự tư vấn cũng như hỗ trợ của chúng tôi về mặt pháp lý.
I. YÊU CẦU TƯ VẤN CỦA ÔNG (BÀ)
- Các khía cạnh pháp lý trong vấn đề thành lập bệnh viện thẩm mỹ 100% vốn nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Quy trình pháp lý và hồ sơ cần thiết cần chuẩn bị để thực hiện việc thành lập bệnh viện thẩm mỹ được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Tham khảo dịch vụ: Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
II. VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC TRA CỨU
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12;
- Nghị định 87/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
- Thông tư 41/2011/TT-BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Luật Đầu tư số 67/2014/QH13;
- Luật Đất đai;
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai;
- Thông tư 30/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất;
- Cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO.
>>> Tham khảo : Mở nhà hàng có yếu tố nước ngoài
III. Ý KIẾN TƯ VẤN
Dựa trên yêu cầu của Ông (Bà) cùng với các văn bản pháp luật liên quan được tra cứu, IPIC GROUP đưa ra nhận định như sau:
3.1 Về ngành nghề đăng ký đầu tư
Theo quy định của pháp luật đầu tư thì thành lập bệnh viện thẩm mỹ là ngành nghề có điều kiện, vì vậy nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư theo quy định của pháp luật (Các điều kiện này được quy định cụ thể bên dưới).
3.2 Về vốn đầu tư
- CPC 9311 trong cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO có quy định “Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu đô la Mỹ…”
Như vậy nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để thành lập bệnh viện phải có vốn đầu tư tối thiểu là 20 triệu đô la Mỹ.
3.3 Về địa điểm đầu tư
Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;
Như vậy để có đất thực hiện xây dựng bệnh viện thẩm mỹ thì nhà đầu tư phải tiến hành ký hợp đồng thuê đất từ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các công việc có liên quan đến vấn đề thuê đất của nhà đầu tư sẽ được chi tiết trong phần dưới liên quan đến quá trình xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3.4 Về quy mô bệnh viện
Bệnh viện chuyên khoa phải có ít nhất 20 giường bệnh.
3.5 Về cơ sở vật chất
- Được thiết kế, xây dựng theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số 365:2007. Riêng đối với các khoa phẫu thuật thì việc thiết kế, xây dựng phải thực hiện đúng các quy định tại Quyết định số 34/2005/QĐ - BYT ngày 31 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Trường hợp bệnh viện được xây dựng trên địa bàn quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương mà không bảo đảm diện tích đất xây dựng theo quy định của Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số 365:2007 thì có thể được thiết kế, xây dựng theo hình thức nhà hợp khối, cao tầng nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau:
+, Bố trí các khoa, phòng, hành lang bảo đảm hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, liên hoàn, khép kín trong phạm vi khuôn viên của bệnh viện; bảo đảm điều kiện vô trùng và các điều kiện vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật;
+, Bảo đảm diện tích sàn xây dựng ít nhất là 50 m2/giường bệnh trở lên; chiều rộng mặt trước (mặt tiền) bệnh viện phải đạt ít nhất 10 m;
+, Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, quản lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;
+, Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.
3.6 Về nhân sự
- Số lượng nhân viên hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số nhân viên hành nghề trong khoa;
- Định mức biên chế, tỷ lệ cơ cấu bộ phận, chuyên môn thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 và 4 Mục II Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT - BYT - BNV ngày 05 tháng 6 năm 2007 của liên bộ: Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước;
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện phải đáp ứng các điều kiện sau:
+, Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa mà bệnh viện đăng ký hoạt động;
+, Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện phải được thể hiện bằng văn bản;
+, Là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện.
- Trưởng khoa lâm sàng phải đáp ứng các điều kiện sau:
+, Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa đó;
+, Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh tại chuyên khoa đó ít nhất là 36 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm trưởng khoa phải được thể hiện bằng văn bản;
+, Là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện.
- Trưởng khoa khác phải đáp ứng các điều kiện sau:
+, Tốt nghiệp đại học và có thời gian làm việc tại chuyên khoa đó ít nhất là 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đại học đến ngày được phân công, bổ nhiệm làm trưởng khoa;
+, Việc phân công, bổ nhiệm trưởng khoa phải được thể hiện bằng văn bản;
+, Là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện;
+, Trưởng khoa dược là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện và phải đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 22/2011/TT-BYT ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tổ chức và hoạt động của khoa Dược bệnh viện.
- Phẫu thuật viên phải đáp ứng các điều kiện sau:
+, Là bác sỹ chuyên khoa ngoại hoặc bác sỹ đa khoa có chứng nhận đào tạo chuyên khoa ngoại của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trở lên hoặc trường đại học chuyên ngành y khoa hoặc tại Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến thuộc các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 trực thuộc Bộ Y tế. Trường hợp được đào tạo ở nước ngoài, phẫu thuật viên phải có chứng nhận chuyên khoa;
+, Có văn bản cho phép thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa của người đứng đầu bệnh viện theo đề nghị của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện.
- Ngoài các đối tượng quy định tại các điểm trên này, các đối tượng khác làm việc trong bệnh viện nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Việc phân công phải được thể hiện bằng văn bản và phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.
3.7 Về thiết bị y tế
- Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà bệnh viện đăng ký (Tùy vào chuyên môn về bộ phận phẫu thuật trên cơ thể mà cần phải chuẩn bị các dụng cụ phù hợp, ví dụ như: Cán dao số 3; Chén đựng dung dịch sát khuẩn; Kẹp cầm máu Halsted-mosquito thẳng dài 12,5cm; Nhíp phẫu tích Adson dài 12cm; Kẹp mạch máu Crile cong dài 14cm, kẹp ruột Babcock dài 16cm; Kim khâu chỉ Deschamps dài 20cm nhọn cong sang trái; Nâng xương Freer hai đầu nhọn/tù dài 18cm; Móc rễ thần kinh Cushing dài 19cm,…)
- Có đủ phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài bệnh viện. Trường hợp không có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện, bệnh viện phải có hợp đồng với cơ sở có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện.
3.8 Về tổ chức
- Có ít nhất một khoa lâm sàng phù hợp đối với bệnh viện chuyên khoa.
- Khoa khám bệnh (gồm có nơi tiếp đón người bệnh, buồng cấp cứu - lưu bệnh, buồng khám, buồng tiểu phẫu).
- Khoa cận lâm sàng: Có ít nhất hai bộ phận xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Riêng đối với bệnh viện chuyên khoa mắt nếu không có bộ phận chẩn đoán hình ảnh thì phải có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có bộ phận chẩn đoán hình ảnh đã được cấp giấy phép hoạt động.
- Khoa dược.
- Các khoa, phòng chuyên môn khác trong bệnh viện phải phù hợp với quy mô, chức năng nhiệm vụ.
- Có các phòng chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, điều dưỡng, tài chính kế toán.
3.9 Về phạm vi hoạt động chuyên môn
Thực hiện các kỹ thuật chuyên môn theo danh mục được Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh phê duyệt.
3.10 Quy trình thực hiện
Để thành lập Bệnh viện thẩm mỹ cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
Bước 2: Xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Bước 3: Xin Giấy phép hoạt động.
>>> Tham khảo : thành lập công ty xây dựng 100 vốn nước ngoài
IV. DỊCH VỤ IPIC GROUP CUNG CẤP
4.1 Phạm vi công việc
a) Tư vấn các quy định của pháp luật có liên quan đến việc xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép hoạt động.
b) Soạn thảo hồ sơ được quy định tại mục 4.2 kể từ ngày Quý khách hàng cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định tại mục 4.3.
c) Đại diện Quý khách hàng nộp hồ sơ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện trình tự thủ được nêu tại mục 4.2 dưới đây.
d) Đại diện Quý khách hàng giao dịch với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện trình tự thủ tục được nêu tại mục 4.2 dưới đây.
e) Đại diện Quý khách hàng nhận kết quả với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện trình tự thủ tục được nêu tại mục 4.2 dưới đây.
4.2 Trình tự thủ tục
a) Trình tự thủ tục
- Bước 1: Tiến hành nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Bước 2: Tiến hành nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Bước 3: Tiến hành nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép hoạt động.
b) Soạn thảo các hồ sơ cần thiết để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
- Đề xuất dự án đầu tư;
- Giải trình các điều kiện đáp ứng khả năng đầu tư;
- Giấy ủy quyền cho IPIC GROUP.
b) Soạn thảo các hồ sơ cần thiết để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ Công ty;
- Danh sách thành viên (Đối với Công ty TNHH)/Danh sách cổ đông (Đối với Công ty cổ phần);
- Giấy ủy quyền cho IPIC GROUP.
d) Soạn thảo các hồ sơ cần thiết để xin cấp Giấy phép hoạt động
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động;
- Điều lệ tổ chức và hoạt động đối với bệnh viện tư nhân theo mẫu và phương án hoạt động ban đầu đối với bệnh viện;
- Hợp đồng liên doanh (nếu có);
- Hợp đồng với công ty dịch vụ hàng không để vận chuyển người bệnh đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài;
- Hợp đồng vận chuyển người bệnh đối với bệnh viện không có phương tiện vận chuyển cấp cứu;
- Dự kiến phạm vi hoạt động chuyên môn: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất phạm vi hoạt động chuyên môn, danh mục kỹ thuật dự kiến thực hiện trên cơ sở danh mục kỹ thuật chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
4.3 Tài liệu Quý Khách hàng cần cung cấp
- 03 bản sao (Dịch ra tiếng Việt, công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự) hộ chiếu của nhà đầu tư là cá nhân/Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
- 03 bản sao (Dịch ra tiếng Việt, công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự) lý lịch tư pháp của nhà đầu tư;
- 03 bản sao (Dịch ra tiếng Việt, công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự) báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư;
- 03 bản sao hợp pháp hóa lãnh sự xác nhận số dư tài khoản của ngân hàng của nhà đầu tư (không nhỏ hơn số vốn mà nhà đầu tư dự định đầu tư);
- 03 bản sao (Công chứng) Hợp đồng thuê văn phòng được ký giữa Nhà đầu tư và người cho thuê. Hợp đồng thuê văn phòng này phải đính kèm (i) 03 bản sao (Công chứng) Giấy chứng nhận đầu tư và hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của bên cho thuê; (ii) 03 bản sao (Công chứng) Giấy phép xây dựng của bên cho thuê; (iii) 03 bản sao (Công chứng) bản vẽ quy hoạch 1/500 tòa nhà cho thuê; (iv) 03 bản sao (Công chứng) bản vẽ tầng tòa nhà được thuê; (v) 03 bản sao (Công chứng) Chứng nhận phòng cháy chữa cháy của tòa nhà;
Note: Hợp đồng thuê phải có thời hạn ít nhất 05 (Năm) năm.
- 03 bản tài liệu chứng minh kinh nghiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện hoạt động liên quan đến sức khỏe cộng đồng;
- 03 bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu;
- 03 bản Hồ sơ nhân sự của người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề;
- 03 bản sao tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
- 03 tài liệu chứng minh số lượng nhân viên hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số nhân viên hành nghề trong khoa (có thể là hợp đồng làm việc);
- 03 bản sao chứng chỉ hành nghề (của bác sĩ) phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa mà bệnh viện đăng ký hoạt động và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện phải được thể hiện bằng văn bản; Là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện;
- 03 bàn sao bác sỹ (trưởng khoa lâm sàn) có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa đó; Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh tại chuyên khoa đó ít nhất là 36 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm trưởng khoa phải được thể hiện bằng văn bản;Là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện;
- 03 bản sao bằng tốt nghiệp đại học (của trưởng khoa) và có thời gian làm việc tại chuyên khoa đó ít nhất là 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đại học đến ngày được phân công, bổ nhiệm làm trưởng khoa. Việc phân công, bổ nhiệm trưởng khoa phải được thể hiện bằng văn bản; Là người làm việc toàn thời gian tại bệnh viện;
- 03 bản sao có chứng nhận đào tạo chuyên khoa ngoại của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trở lên hoặc trường đại học chuyên ngành y khoa hoặc tại Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến thuộc các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 trực thuộc Bộ Y tế của phẫu thuật viên (bác sĩ) chuyên khoa ngoại hoặc bác sỹ đa khoa. Trường hợp được đào tạo ở nước ngoài, phẫu thuật viên phải có chứng nhận chuyên khoa; Có văn bản cho phép thực hiện phẫu thuật, can thiệp ngoại khoa của người đứng đầu bệnh viện theo đề nghị của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện;
- 03 bản sao chứng chỉ hành nghề đối với các đối tượng khác làm việc trong bệnh viện nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề. Việc phân công phải được thể hiện bằng văn bản và phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.
- Các giấy tờ khác phụ thuộc vào quá trình giải quyết hồ sơ.
4.4 Thời gian thực hiện
- Thời gian chuẩn bị hồ sơ cần thiết sẽ là 06 ngày làm việc kể từ ngày nhà đầu tư cung cấp đủ hồ sơ được yêu cầu;
- Thời gian thực hiện đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 15 ngày làm việc;
- Thời gian thực hiện đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 03 ngày làm việc;
- Thời gian nhận Giấy phép hoạt động là 90 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý:
- Thời gian trên được tính kể từ thời điểm nộp hồ sơ hợp lệ lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Thời gian trên không bao gồm thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có) theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên đây là tư vấn sơ bộ và đề xuất dịch vụ của IPIC GROUP liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng để Quý khách hàng xem xét và quyết định. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Trân trọng!