Tư vấn nhà đầu tư nước ngoài mua lại khách sạn tại Việt Nam

07 /042018

Tư vấn nhà đầu tư nước ngoài mua lại khách sạn tại Việt Nam

Công ty Luật TNHH IPIC (“IPIC”) xin cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. 
I.    YÊU CẦU TƯ VẤN
Thủ tục chuyển nhượng (mua lại) khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh (Khách sạn 4~5 sao) cho nhà đầu tư Nhật Bản để cải tạo lại theo phong cách Nhật Bản và tiếp tục kinh doanh khách sạn, nhà hàng, bar, massage…

II.    VĂN BẢN PHÁP LUẬT

(1)    Biểu Cam kết dịch vụ của WTO;
(2)    Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;
(3)    Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;
(4)    Luật du lịch số 09/2017/QH14 năm 2017;
(5)    Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp  ngày 14 tháng 09 năm 2015; 
(6)    Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

THAM KHẢO NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT KHI THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NHẬT BẢN TẠI VIỆT NAM

III.     Ý KIẾN TƯ VẤN

3.1.    Liên quan đến lĩnh vực kinh doanh khách sạn 
Lĩnh vực kinh doanh khách sạn được ghi nhận trong Biểu Cam kết WTO tại CPC 64110 Dịch vụ xếp chỗ ở khách sạn. Cam kết về dịch vụ theo CPC 64110 được hiểu là “Các dịch vụ ăn nghỉ và các dịch vụ liên quan do các khách sạn cung cấp. Các dịch vụ liên quan bao gồm các dịch vụ thường được cung cấp và tính cả vào giá ăn nghỉ và bao gồm dịch vụ phòng, dịch vụ về bàn ghế, thư từ và người trực. Các khách sạn thường cũng có các dịch vụ khác như đỗ xe, đồ ăn, uống, giải trí, bể bơi, tiệc tùng, họp hành và hội nghị. Các khách sạn nghỉ mát còn có thể có các tiện nghi giải trí đa dạng hơn. Các dịch vụ này cũng nằm trong phân nhóm này nếu được tính là 1 phần của giá ăn nghỉ. Nếu chúng được tính riêng, chúng sẽ được phân loại theo loại dịch vụ cung cấp. Các dịch vụ do các khách sạn cung cấp thường đầy đủ hơn các dịch vụ do các nhà nghỉ nơi ăn nghỉ khác cung cấp”.
Như vậy, nhà đầu tư quốc tịch Nhật Bản được phép đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn tại Việt Nam, việc mua lại khách sạn của nhà đầu tư để cải tạo tiếp tục hoạt động là phù hợp theo quy định của Pháp luật.
3.2.     Các dịch vụ khác liên quan đến hoạt động kinh doanh khách sạn
Dịch vụ xếp chỗ ở khách sạn theo CPC 64110, đã bao gồm dịch vụ ngủ nghỉ và các dịch vụ khác liên quan được tính vào phí chung khi khách đăng ký nghỉ lại khách sạn. Ngoài ra, đối với các dịch vụ đi kèm tại khách sạn, khách hàng không sử dụng dịch vụ phòng tại khách sạn vẫn có thể sử dụng các dịch vụ liên quan như massage (xoa bóp), giải trí, nhà hàng, bể bơi,… và các dịch vụ này được tính phí riêng.
Đối với các dịch vụ như nhà hàng, bể bơi, giải trí,… pháp luật không hạn chế gì trong việc nhà đầu tư tiến hành kinh doanh các dịch vụ này. 
Riêng đối với dịch vụ massage (xoa bóp) trong khách sạn, mặc dù trong Biểu cam kết không có ghi nhận về dịch vụ này. Tuy nhiên, IPIC đã tiến hành hỏi ý kiến bằng văn bản đến cơ quan ban ngành về việc “Nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào ngành nghề xoa bóp (massage)” và nhận được công văn chấp thuận (IPIC sẽ tiến hành gửi kèm công văn theo thư tư vấn này đến quý khách). 
3.3.     Điều kiện để kinh doanh khách sạn
Theo quy đinh của Luật du lịch năm 2017 thì Khách sạn thuộc loại cơ sở cư trú du lịch. Do đó, để kinh doanh khách sạn, cần đáp ứng về điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch như sau:
-  Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
-  Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Cụ thể: 
3.3.1.    Có đăng ký kinh doanh lưu trú du lịch
Đối với điều kiện này, doanh nghiệp chỉ cần có ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày, với mã ngành là 5510, được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3.3.2.   Có các loại Giấy phép có liên quan
a.     Giấy phép đủ điều kiện Phòng cháy chữa cháy
-    Thời gian thực hiện: 15 ngày có giấy phép Phòng cháy chữa cháy.
-    Cơ quan cấp:  Phòng cháy chữa cháy quận/ huyện hoặc tỉnh, thành phố tùy quy mô và số tầng xây dựng. 
-    Hồ sơ gồm: 
•    Bản sao Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh (công chứng).
•    Đơn đề nghị cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC” (theo mẫu); Xin giấy phép phòng cháy chữa cháy
•    Bản sao “Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC” và văn bản nghiệm thu về PCCC đối với cơ sở xây dựng mới hoặc cải tạo;
•    Bảng thống kê các phương tiện PCCC, phương tiện thiết bị cứu người đã trang bị theo mẫu;
•    Quyết định thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở;
•    Danh sách những nhân viên đã qua huấn luyện về PCCC kèm theo “Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC”;
•    Phương án chữa cháy của cơ sở.
-    Cơ quan cảnh sát PCCC sẽ thường xuyên kiểm tra khách sạn để đảm bảo luôn duy trì mọi  điều kiện tốt nhất về phòng cháy chữa cháy.
b.    Giấy chứng nhận an ninh trật tự
-    Thời gian thực hiện: 7 – 10 ngày cấp giấy chứng nhận.
-    Hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự bao gồm:
•    Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
•    Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trừ hộ gia đình kinh doanh chưa được cấp giấy chứng nhận này); Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (đối với chi nhánh doanh nghiệp); Giấy chứng nhận đăng ký thuế (đối với các tổ chức sự nghiệp có thu);
•    Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy;
•    Bản khai lý lịch của những người quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này (có dán ảnh và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp). Nếu là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có bản khai nhân sự, bản photocopy hộ chiếu, bản photocopy thẻ cư trú (xuất trình bản chính để kiểm tra).
c.   Giấy phép cam kết bảo vệ môi trường 
-    Thời gian thực hiện: 15 – 20 ngày cấp giấy chứng nhận
-    Cơ quan cấp: Phòng tài nguyên môi trường địa phương.
d.  Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
-    Thời gian thực hiện: 30 – 40 ngày có giấy chứng nhận vệ sinh ATTP
-    Cơ quan cấp: Ban quản lý an toàn thực phẩm cấp giấy chứng nhận (thuộc sở Y tế)
-    Doanh nghiệp phải tổ chức các khóa đào tạo, kiểm tra sức khỏe cho nhân viên.
-    Thời hạn của giấy chứng nhận là 3 năm.
e.  Đối với khách sạn phải bảo đảm yêu cầu tối thiểu về , trang thiết bị, dịch vụ, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của người quản lý và nhân viên phục vụ theo tiêu chuẩn xếp hạng tương ứng đối với mỗi loại, hạng;
Lưu ý: Bạn phải đăng ký xếp hạng sao cho khách sạn tại Sở Văn hóa thể thao và du lịch. Doanh nghiệp của bạn không tiến hành đăng ký xếp hạng sao cho khách sạn có thể bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch và quảng cáo.
*   Lưu ý: Đối với trường hợp của quý khách, nhà đầu tư Nhật Bản mua lại khách sạn, bản chất chính là mua lại doanh nghiệp quản lý  khách sạn đó.  Bởi vậy, các giấy chứng nhận trước đó mà doanh nghiệp đã có để tiến hành hoạt động kinh doanh,  sau khi nhà đầu tư cải tạo  lại khách sạn và trở lại kinh doanh, doanh nghiệp vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng các giấy phép đã được cấp trước đó.
3.4.  Trình tự thủ tục chuyển nhượng khách sạn
Theo Điều 26 – Luật đầu tư năm 2014, Điều 46 – Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế theo luật định nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế thì phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn vào tổ chức kinh tế.
Trong trường hợp của công ty, nhà đầu tư Nhật Bản muốn mua lại khách sạn để trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký mua lại phần vốn góp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thủ tục được tiến hành như sau:
Bước 1: Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký mua lại phần vốn góp tại Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
Bước 2: Doanh nghiệp thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
*    Lưu ý: Trong trường hợp, nhà đầu tư tiến hành  sửa chữa, nâng cấp khách sạn lên hạng sao thì cần được cấp Quyết định công nhận hạng tiêu chuẩn cơ sở lưu trú du lịch.
3.3. Thành phần hồ sơ
3.3.1. Hồ sơ thủ tục đăng ký mua lại phần vốn góp:
a)    Văn bản đăng ký mua lại phần vốn góp;
b)    Bản sao chứng thực hộ chiếu của nhà đầu tư cá nhân.
3.3.2. Hồ sơ thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp:
a)    Quyết định của Chủ sở hữu;
b)    Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
c)    Điều lệ sửa đổi, bổ sung 
d)    Văn bản xác nhận góp vốn của thành viên mới của công ty;
e)    Bản sao chứng thực Hộ chiếu của nhà đầu tư nước ngoài
IV.   TÀI LIỆU KHÁCH HÀNG CẦN CUNG CẤP
-    03 Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
-    03 Bản sao Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của công ty (nếu công ty hoạt động trên 02 năm);
-    03 Bản sao chứng thực hộ chiếu của nhà đầu tư nước ngoài;
-    03 Bản sao hợp pháp hóa lãnh sự xác nhận số dư tài khoản của ngân hàng của nhà đầu tư (không nhỏ hơn số vốn mà nhà đầu tư dự định đầu tư);
-    03 Tài liệu chứng minh năng lực tài chính như: Bản sao dịch công chứng xác nhận số dư tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư.
V.   DỊCH VỤ PHÁP LÝ IPIC CUNG CẤP
5.1. Phạm vi công việc:
-    Tư vấn các quy định pháp luật và các vấn đề pháp lý có liên quan đến việc mua lại vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào công ty;
-    Tư vấn các quy định pháp luật và các vấn đề pháp lý có liên quan đến việc thay đổi đăng ký doanh nghiệp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty;
-    Soạn thảo hồ sơ và thực hiện thủ tục mua lại phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài;
-    Soạn thảo hồ sơ và thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
5.2. Thời gian thực hiện:
-    Thời gian thực hiện thủ tục mua lại phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài: 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Không bao gồm thời gian sửa đổi,  bổ sung hồ sơ nếu có)
-    Thời gian thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Không bao gồm thời gian sửa đổi,  bổ sung hồ sơ nếu có)
    Trên đây là tư vấn sơ bộ và đề xuất dịch vụ của IPIC liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng để Quý khách hàng xem xét và quyết định. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
    Trân trọng!

Lưu ý: Đây chỉ là một nội dung tư vấn trên có sở một yêu cầu cụ thể của khách hàng do vậy chỉ có tính chất tham khảo, nếu các bạn có nhu cầu được tư vấn xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.


 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.