Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 08 (Tám) vấn đề pháp lý cần quan tâm

19 /032021

Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 08 (Tám) vấn đề pháp lý cần quan tâm

Thư tư vấn: 2024.03.06/ Letter-Ipic
V/v: Tư vấn thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (08 vấn đề pháp lý cần quan tâm). 
Download Thư tư vấn (Song ngữ)

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2024
CÔNG TY LUẬT TNHH IPIC 
Địa chỉ: Phòng 401, Tòa nhà đa năng số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Tel: (024) 7301 8886 – Fax: (024) 7302 8886
Email: duc.nguyen@ipic.vn – Hotline: 0936.342.668
CHI NHÁNH CÔNG TY LUẬT TNHH IPIC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ: Sảnh C, Richmond City, 207C Nguyễn Xí, Phường 26, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Tel: (028) 35127666 – Fax: (028) 35127666
Email: duc.nguyen@ipic.vn – Hotline: 0936.342.668
Kính gửi    :    Quý Khách Hàng

Gửi bằng thư điện tử

Qua trao đổi trực tiếp với Quý khách hàng, chúng tôi hiểu rằng Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (08 vấn đề pháp lý cần quan tâm) và cần sự tư vấn cũng như hỗ trợ của chúng tôi về mặt pháp lý. IPIC trân trọng gửi tới Quý khách hàng Thư tư vấn và đề xuất dịch vụ tư vấn sau:
I.    YÊU CẦU TƯ VẤN
Tư vấn thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (08 vấn đề pháp lý cần quan tâm) và quy trình pháp lý và hồ sơ cần thiết các dịch vụ trên.
II.    VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC TRA CỨU
(1)    Biểu cam kết Thương mại và Dịch vụ WTO;
(2)    Điều ước quốc tế về đầu tư mà Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam là thành viên;
(3)    Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 06 năm 2020;
(4)    Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 06 năm 2020;
(5)    Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26 tháng 03 năm 2021, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
(6)    Nghị định số 47/2021/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 01 tháng 04 năm 2021, hướng dẫn Luật Doanh nghiệp;
(7)    Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04 tháng 01 năm 2021, về đăng ký doanh nghiệp.
III.    Ý KIẾN TƯ VẤN
Dựa trên yêu cầu của Quý khách hàng cùng với các văn bản pháp luật liên quan được tra cứu, IPIC đưa ra ý kiến tư vấn như sau: 
Việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là vấn đề pháp lý được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam. Do đặc thù của các quy định pháp luật riêng của từng quốc gia, nên việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng khác so với việc thành lập công ty tại các nước khác trên thế giới.
Hiểu được điều đó, chúng tôi- Công ty Luật có kinh nghiệm trên 10 năm trong lĩnh vực tư vấn thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tổng hợp chi tiết 08 vấn đề pháp lý cần quan tâm khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà nhà đầu tư cần lưu ý, chi tiết như sau:

3.1    Vấn đề thứ nhất: Quyền thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài
Theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp. Trước khi thực hiện việc thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục đăng ký cấp; điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Khi thực hiện thủ tục đầu tư và thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư cần phải đáp ứng các điều kiện về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các vấn đề tiếp cận thị trường thông thường được Việt Nam cam kết mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư theo các hiệp định thương mại và đầu tư trong các cam kết song phương và đa phương như Cam kết về dịch vụ trong hiệp định gia nhập WTO của Việt Nam; Hiệp định CPTTP hay các hiệp định song phương như Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam và Nhật Bản; Hiệp định thương mại Việt Nam và  Hàn Quốc; Hiệp định thương mại Việt Nam và Singapore…
Các điều kiện tiếp cận thị trường đó được tổng kết lại cụ thể trong Điều 9 của Luật Đầu tư năm 2020 như sau: “Điều kiện tiếp cận thị trường đối với ngành nghề đầu tư gồm ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành nghề tiệp cận thị trường có điều kiện. Ngoài hai ngành nghề trên thì nhà đầu tư được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước của Việt Nam.”.
Đối với ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường, nhà đầu tư nước ngoài không được phép đầu tư và thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam để hoạt động kinh doanh.
Đối với ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện, nhà đầu tư bị ràng buộc những điều kiện sau:
a, Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
b, Hình thức đầu tư;
c, Phạm vi hoạt động đầu tư;
d, Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
đ, Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
=> Như vậy, từ các cơ sở pháp lý nêu trên nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực Việt Nam cam kết, cho phép tiếp cận thị trường. Đồng thời, nhà đầu tư cần lưu ý điều kiện về lĩnh vực đầu tư, để biết được những điều kiện về đầu tư qua đó xem xét khả năng cũng như sự phù hợp với mục tiêu kế hoạch đầu tư của mình. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần quan tâm nội dung cam kết WTO của Việt Nam, các Hiệp định song phương được ký kết giữa nhà nước Việt Nam và quốc gia là quốc tịch của nhà đầu tư là cá nhân, hoặc nơi đặt trụ sở của nhà đầu tư là pháp nhân.

3.2    Vấn đề thứ hai: Tài liệu nhà đầu tư cần chuẩn bị trước khi thành lập doanh nghiệp
Nhà đầu tư khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư trước, nên nhà đầu tư cần phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tài liệu cho viêc thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư và thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể như sau:
3.2.1. Tài liệu cần chuẩn bị đối với Nhà đầu tư là tổ chức
- Bản gốc đã được hợp pháp hóa lãnh sự dịch công chứng giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác định tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
- Bản sao chứng thực Hộ chiếu của Người đại diện quản lý vốn góp, người đại diện theo pháp luật (Nếu người đại diện quản lý vốn góp không đồng thời là người đại diện theo pháp luật);
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính như: Bản sao dịch công chứng báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư;  Bản sao xác nhận số dư tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư (không nhỏ hơn số vốn mà nhà đầu tư dự định đầu tư);
- Bản sao chứng thực Hợp đồng thuê địa điểm hoặc thỏa thuận nguyên tắc hợp đồng thuê địa điểm để thực hiện dự án. Kèm theo tài liệu này là Giấy chứng nhận đầu tư của bên cho thuê địa điểm (có ngành nghề kinh doanh bất động sản); Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy phép xây dựng; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với địa điểm thuê là nhà); Bản vẽ mặt bằng cho thuê (tùy thuộc vào địa điểm thuê).
3.2.2 Tài liệu cần chuẩn bị đối với Nhà đầu tư là cá nhân
- Bản sao chứng thực Hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân;
- Bản sao chứng thực Xác nhận số dư tài khoản của ngân hàng của nhà đầu tư (không nhỏ hơn số vốn mà nhà đầu tư dự định đầu tư);
- Bản sao chứng thực Hợp đồng thuê địa điểm hoặc thỏa thuận nguyên tắc hợp đồng thuê địa điểm để thực hiện dự án. Kèm theo tài liệu này là Giấy chứng nhận đầu tư của bên cho thuê địa điểm (Có ngành nghề kinh doanh bất động sản); Giấy phép xây dựng; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với địa điểm thuê là nhà); Bản vẽ mặt bằng cho thuê.
3. Vấn đề thứ ba: Hồ sơ thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
3.3.1 Hồ sơ đăng ký đầu tư
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
- Đề xuất dự án đầu tư;
- Thuyết minh năng lực tài chính của Nhà đầu tư;
- Giải trình các điều kiện đáp ứng khả năng đầu tư;
- Bản gốc đã được hợp pháp hóa lãnh sự dịch công chứng giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác định tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
- Bản sao Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên hoặc cổ đông.
- Bản sao chứng thực Hợp đồng thuê địa điểm hoặc thỏa thuận nguyên tắc hợp đồng thuê địa điểm để thực hiện dự án. Kèm theo tài liệu này là Giấy chứng nhận đầu tư của bên cho thuê địa điểm (Có ngành nghề kinh doanh bất động sản); Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy phép xây dựng; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với địa điểm thuê là nhà); Bản vẽ mặt bằng cho thuê (Tùy thuộc vào địa điểm thuê).
- Giấy ủy quyền cho IPIC.
3.3.2 Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên; Danh sách cổ đông sáng lập đối công ty cổ phần;
- Bản sao chứng thực Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hoặc cổ đông.
- Bản sao Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên hoặc cổ đông.
- Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
- Giấy ủy quyền cho IPIC.
3.4    Vấn đề thứ tư: Tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Tài sản góp vốn có thể là: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm: quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.
Lưu ý:
- Thông thường nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính bằng việc xác nhận số dư tài khoản tại Ngân hàng Việt Nam hay ngân hàng nước ngoài chủ tài khoản là Nhà đầu tư.
- Nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam và các hoạt động góp vốn của nhà đầu tư phải thực hiện thông quan tài khoản vốn này. Và được phép mở 01 tài khoản vốn.
- Thời gian góp vốn Điều lệ trong vòng 90 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp góp vốn bằng tài sản thì thời gian có thể kéo dài lâu hơn.
3.5    Vấn đề thứ năm: Tên Công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Các vấn đề khác liên quan đến đặt tên doanh nghiệp:
- Tên thành lập doanh nghiệp bao gồm hai thành tố:
+ Loại hình doanh nghiệp;
+ Tên riêng của doanh nghiệp.
- Trước khi đăng ký tên doanh nghiệp, doanh nghiệp tham khảo tên các doanh nghiệp đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Phòng Đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng.
- Nên trao đổi với luật sư để được tư vấn chi tiết về cách đặt tên của doanh nghiệp do việc quy định tên riêng không được trùng hoặc gây nhầm lẫn, cũng như các quy định hạn chế khác về cách đặt tên của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3.6    Vấn đề thứ sáu: Trụ sở chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm: số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thuê căn hộ chung cư để làm trụ sở chính.
Đồng thời, nhà đầu tư cần lưu ý mục tiêu đầu tư khi thực hiện thuê địa điểm thực hiện dự án cũng như đặt trụ sở chính; vì nhiều lĩnh vực đầu tư khi thực hiện cần phải đáp ứng các quy định về phòng cháy chữa cháy; về xử lý chất thải; môi trường hoặc bị ràng buộc về quy hoạch theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Lưu ý: Việc thuê văn phòng trụ sở chính phải có hợp đồng thuê địa điểm hoặc thỏa thuận nguyên tắc hợp đồng thuê địa điểm để thực hiện dự án. Kèm theo tài liệu này là Giấy chứng nhận đầu tư của bên cho thuê địa điểm là doanh nghiệp (có ngành nghề kinh doanh bất động sản); Giấy phép xây dựng; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với địa điểm thuê là nhà); Bản vẽ mặt bằng cho thuê.
3.7    Vấn đề thứ bảy: Các bước thực hiện việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Theo quy định của Luật đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và đăng ký dự án đầu tư trước khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp do đó trình tự thủ tục đầu tư gồm hai bước như sau:
- Bước 1: Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Bước 2: Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3.8    Vấn đề thứ tám: Các thủ tục sau khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài cần thực hiện
- Treo biển tại trụ sở công ty;
- Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
- Mua chữ ký số điện tử;
- Đăng ký nộp thuế điện tử;
- Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và thông báo mẫu hóa đơn;
- Kê khai và nộp thuế môn bài;
- Thực hiện góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp đăng ký kinh doanh.
Trên đây là tư vấn sơ bộ và đề xuất dịch vụ của IPIC liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng để Quý khách hàng xem xét và quyết định. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Download Thư tư vấn (Song ngữ)
 

Trân trọng./.
CÔNG TY LUẬT TNHH IPIC
Luật sư
(Đã ký)

Nguyễn Trinh Đức    

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.