Sáu vấn đề cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

02 /112021

Sáu vấn đề cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

          Thời hiệu khởi kiện là một trong những vấn đề pháp lý cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cần quan tâm khi tiến hành khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Tuy nhiên các quy định pháp luật liên quan đến thời hiệu khởi kiện là những quy định pháp luật phức tạp nếu không có sự tìm hiểu chi tiết và cẩn trọng thì khó có thể hiểu và áp dụng chính xác được. Trong quá trình tham gia các vụ án tranh chấp chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp, cá nhận đã tự đánh mất quyền khởi kiện do đã hết thời hiệu khởi kiện hoặc thời hiệu khởi kiện vẫn còn nhưng tự cho rằng không còn thời hiệu khởi kiện nên đã không khởi kiện. Biết được tâm quan trọng của thời hiệu khởi kiện chúng tôi Công ty Luật IPIC tìm hiểu và hệ thống lại các quy định thời hiệu khởi kiện liên quan đến các tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa để mọi ngươi biết và áp dụng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

I.         Thời hiệu khởi kiện là gì?

          Khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện” và theo khoản 4 Điều 150 Bộ Luật dân sự 2015 thì “Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu”.

          Như vậy, theo quy định khoản 3 và khoản 4 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện chính là khoảng thời gian mà chủ thể được quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho mình nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

II.      Áp dụng quy định về thời hiệu trong vụ án dân sự:

          Căn cứ theo Khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự thì : “1. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự; 2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.”

          Như vậy, nếu đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng một bên vẫn đi kiện và bên kia không yêu cầu thì Tòa vẫn sẽ giải quyết vụ án bình thường. Và nếu tại cấp sơ thẩm mà vấn đề thời hiệu chưa được đặt ra thì tại cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm sẽ không được đặt ra nữa. Mặt khác nếu có một hoặc các bên đương sự trong vụ án yêu cầu áp dụng thời hiệu thì nếu thời hiệu đã hết, Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó : “1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:…e) Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết”

          Trong trường hợp nếu hết thời hiệu khởi kiện mà các bên không yêu cầu về việc áp dụng thời hiệu khởi kiện thì tòa án vẫn giải quyết vụ án bình thường. Tuy nhiên thường thì các bên bị kiện họ tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật hoặc họ có Luật sư tư vấn nên việc họ có yêu cầu xem xét thời hiệu khởi kiện là bình thường, trong trường hợp này vụ án bị đình chỉ giải quyết như quy định tại điểm e điều 217 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.

          Thiết nghĩ để bảo vệ được quyền lợi của mình thì các bên tranh chấp cần phải lưu ý về thời hiệu khởi kiện cũng như về quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhất tránh trường hợp đến lúc tòa đã xử xong mới biết đến việc đã hết thời hiệu khởi kiện.

            Tham khảo Giao dịch vượt quá thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật

III.      Những trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự:

          Căn cứ theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì những trường hợp sau đây không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong vụ án dân sự: Thứ nhất, Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; Thứ hai, Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; Thứ ba, Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai; Thứ tư, Trường hợp khác do luật quy định.

          Trên thực tế có nhiều trường hợp theo thực tiễn xét xử và hướng dẫn của tòa tối cao thì không xem xét thời hiệu khởi kiện như trường hợp yêu cầu thanh toán tiền theo thỏa thuận hợp đồng, những trường hợp tương tự như trên thì phải có kinh nghiệm thì có thể nắm bắt được, hoặc chỉ cần xác định lại quan hệ tranh chấp là có thể rơi vào trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện thì việc khởi kiện sẽ không rơi vào trường hợp hết thời hiệu khởi kiện. Do vậy cần nhờ luật sư tư vấn để bảo vệ quyền lợi của mình được tốt hơn.

IV.     Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:

          Căn cứ theo Điều 156 của BLDS năm 2015 có quy định như sau: Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

          Thứ nhất, Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;

          Thứ hai, Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

          Thứ ba, Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:

+       Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;

+       Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

          Như vậy, trường hợp đã hết thời hiệu khởi kiện thì một trong những việc cần làm là xem trong khoản thời hạn của thời hiệu khởi kiện có thời gian nào đáp ứng trường hợp thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện hay không, nếu có thì thời gian đó không tính vào thời gian tính thời hiệu khởi kiện. Do vậy cần phải xem xét cẩn thận quá trình này để tính lại thời hiệu khởi kiện một cách chính xác tránh hiểu sai làm mất thời hiệu khởi kiện của mình.

V.        Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự:

          Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây: Thứ nhất, Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; Thứ hai, Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; Thứ ba, Các bên đã tự hòa giải với nhau.

          Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện theo các trường hợp nêu trên.

          Đây là một quy định rất thuận lợi cần được vận dụng và tính thời hiệu khởi kiện có lợi nhất cho bên khởi kiện. Nếu xác định thời hiệu khởi kiện tính thời điểm quyền nghĩa vụ bị xâm phạm thì thời điểm tính lại thời hiệu khởi kiện lại là thời điểm phát sinh một trong các sự kiện nêu trên. Thực tế quan hệ dân sự luôn dựa trên nguyên tắc trung thực, thiện chí. Do vậy, nếu trước khi khởi kiện các bên thường làm việc trực tiếp với nhau để giải quyết các tranh chấp, kết quả buổi làm việc có thể là biên bản làm việc, biên bản xác nhận nghĩa vụ, hoặc là cam kết thực hiện hợp đồng, cam kết hoàn trả tài sản…. tất cả nội dung này đều là cơ sở để tính lại thời hiện khởi kiện. Do vậy trước khi khởi kiện mà xác định thời hiệu khởi kiện đã hết thì cần làm việc lại với bên có nghĩa vụ để đạt được một trong ba trường hợp xảy ra trên để làm căn cứ tính lại thời hiệu khởi kiện, do quan hệ dân sự trên nguyên tắc thiện chí, trung thực nên các sự kiện tính lại thời hiệu khởi kiện vẫn thường thực hiện được. Đây là công việc có tính chuyên môn và đòi hỏi tế nhị, khôn khéo để tránh trường hợp bên có nghĩa vụ đề phòng cũng như thiếu thiện chí hợp tác trong việc xác định lại sự kiện trên. Khi làm việc nên lập văn bản để xác định lại nội dung làm việc nó là chứng cứ, cơ sở tính lại thời hiệu khởi kiện. Việc lấy lại thời hiệu khởi kiện nên thực hiện trước khi khởi kiện lên tòa án hoặc trọng tài tránh trường hợp bên có nghĩa vụ họ không thiện chí hợp tác từ chối nghĩa vụ của mình dẫn đến việc lấy lại thời hiệu không thể thực hiện được.

VI.    Thời hiệu khởi kiện tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa:

1.       Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu

          Theo quy định tại khoản 1 Điều 132 của BLDS năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu đối với: [1] giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; [2] giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn; [3] giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; [4] giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và [5] giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức  là 02 năm, kể từ ngày:

-        Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

-        Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

-        Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

-        Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

-        Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

          Như vậy, đối với yêu cầu tuyên hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu vì lý do [1] giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; [2] giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn; [3] giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; [4] giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và [5] giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức là 02 năm.

          Đối với giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

2        Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa:

         Theo quy định tại Điều 429 của BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

3        Thời hiệu khởi kiện về thanh toán; đặt cọc; đòi tiền tạm ứng liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa:

          Theo quy định tại Điều 155 của BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây: Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

          Như vậy đối với việc đòi thanh toán; đòi tiền tạm ứng; đòi tiền đặt cọc liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa thì không xác định thời hiệu khởi kiện.

          Kết luận: Thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Trong thời hiệu khởi kiện tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa sẽ có các thời hiệu khởi kiện liên quan đến việc  yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu, Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, Thời hiệu khởi kiện về thanh toán; đặt cọc; đòi tiền tạm ứng liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa. Đối với từng tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa sẽ có thời hiệu khởi kiện khác nhau.

             Tham khảo các bài viết liên quan:

            Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường gặp và các phương thức giải quyết tranh chấp

            Năm vấn đề cần lưu ý về thẩm quyền trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại Tòa án

          Trên đây là Sáu vấn đề cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Mọi thắc mắc, yêu cầu tư vấn, thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.

          Trân trọng!

          Luật sư Nguyễn Trinh Đức

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.