Năm vấn đề cần lưu ý về thẩm quyền trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hòa tại Tòa án

02 /112021

Năm vấn đề cần lưu ý về thẩm quyền trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hòa tại Tòa án

Một trong vấn đề pháp lý cơ bản cần quan tâm khi tiến hành khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa là thẩm quyền giải quyết. Trong thực tiễn tham gia các vụ án tranh chấp liên quan đến quan hệ pháp lý trong hợp đồng mua bán hàng hóa chúng tôi nhận thấy các bên trong quan hệ tranh chấp còn chưa nắm rõ cũng như vận dụng tốt các quy định pháp luật về thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân để áp dụng cho việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Do vậy, chúng tôi Công ty Luật IPIC tổng hợp năm vấn đề pháp lý sau đây để các bên tranh chấp nắm rõ và có sự vận dụng phù hợp nhất để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình, sau đây là nội dung chi tiết.

I.       Quyền khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa:

        Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Bộ Luật Tố Tụng Dân sự 2015 quy định về Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì : “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.”

          Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định về Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự thì : “1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. 2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”

          Như vậy, căn cứ theo các quy định trên thì đối với những tranh chấp trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa thì các bên trong quan hệ tranh chấp đó có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bào vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Tuy nhiên, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Nếu không có yêu cầu khởi kiện của các bên trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa thì tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Các bên trong tranh chấp cần phải chủ động khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình và đồng thời lưu ý về thời hiện khởi kiện là 03 năm đối với các tranh chấp liên quan hợp đồng mua bán hàng hóa trừ yêu cầu khởi kiện về đòi nợ.

II.      Thẩm quyền xét xử của tòa án đối với tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa:

          Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định về Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì : “1. Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân; 2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản; 3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự;…”

        Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án : “1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; 2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.”

          Như vậy, căn cứ theo các quy định trên thì những tranh chấp liên quan đến quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa nếu hợp đồng đó được ký kết giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận thì thuộc tranh chấp về kinh doanh thương mại, còn nếu không thuộc trường hợp trên thì thuộc tranh chấp về dân sự. Việc xác định quan hệ tranh chấp là quan trọng để xác định thẩm quyền của tòa chuyên trách khi xét xử. Do vậy, cần lưu ý đến nội dung này khi tiến hành việc khởi kiện và thụ lý giải quyết vụ án dân sự.

III.     Thẩm quyền xét xử của tòa án các cấp đối với tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa:

          Căn cứ theo quy định Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện thì: “1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.”

          Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì : “  1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ những yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện.”

          Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì Tranh chấp liên quan hợp đồng mua bán hàng hóa thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện. Tòa án nhân dân cấp tỉnh chỉ giải quyết khi khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện. Nên khi khởi kiện các bên trong quan hệ tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa cần khởi kiện ở tòa án nhân dân cấp huyện.

             

IV.      Thẩm quyền xét xử phúc thẩm đối với tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa:

          Căn cứ theo quy định Điều 17 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì : “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm; Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này; Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.”

          Căn cứ theo quy định tại Điều 29 Bộ luật tố tụng 2015 Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao thì : “1. Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; 2. Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.”

         Căn cứ vào Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì : “1. Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật; 2. Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.”

          Như vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 17, Điều 29, Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì đối với bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì được tòa cấp phúc thẩm thụ lý giải quyết. Nếu bản án sơ thẩm tòa án cấp huyện giải quyết thì tòa án cấp tỉnh theo địa giới hành chính giải quyết vụ án cấp phúc thẩm; nếu tòa án sơ thẩm cấp tỉnh giải quyết thì tòa án cấp cao tại khu vực giải quyết (Hiện tại có ba tòa cấp cao khu vực gồm Tòa án cấp cao tại Hà Nội; Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng và Tòa án Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh).

V.      Thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ đối với tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa:

          Căn cứ theo quy định khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dấn sự 2015 quy định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau: “a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này; b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này; c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”.

          Đồng thời theo quy định tại Điều 40 BLTTDS năm 2015 quy định thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu:

          “1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây: a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết; b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết; c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;…g) Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết; h) Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết; i) Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết”…

          Như vậy, trong trường hợp này bên nguyên đơn có quyền khởi kiện tại Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức hoặc khởi kiện tòa án nơi hợp đồng được thực hiện. Đây là quy định rất thuận lợi để các bên có thêm một lựa chọn phù hợp khi tiến hành việc khởi kiện vụ án Dân sự.

          Kết luận: Tranh chấp hợp đông mua bán hàng hóa thuộc thẩm quyền giải quyết tòa án; tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án khi có yêu cầu khởi kiện của các bên trong quan hệ tranh chấp (lưu ý đối với hợp đồng có sự thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thì tòa án nhân dân sẽ từ chối thụ lý giải quyết theo quy định của Luật trọng tài thương mại); thẩm quyền giải quyết cấp sơ thẩm thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện chỉ những trường hợp đặc biệt nếu xét thấy cần thiết thì tòa án cấp tỉnh mới thụ lý giải quyết; các bên có thể lựa chọn tòa án cấp huyện nợi bị đơn cư trú, có địa chỉ trụ sở hoặc nơi hợp đồng mua bán hàng hóa thực hiện để khởi kiện yêu cầu tòa cấp sơ thẩm giải quyết. Tòa cấp phúc thẩm sẽ giải quyết vụ án đối với bản án sơ thẩm bị kháng cáo kháng nghị của tòa cấp sơ thẩm cùng địa phương, khu vực phụ trách giải quyết.

             Tham khảo các bài viết liên quan:

            Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường gặp và các phương thức giải quyết tranh chấp

          Trên đây là năm vấn đề cần lưu ý về thẩm quyền trong giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại Tòa án. Mọi thắc mắc, yêu cầu tư vấn, thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.

          Trân trọng!

          Luật sư Nguyễn Trinh Đức

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.