Hiện nay có nhiều bài viết hướng dẫn viết đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Tuy nhiên các bài Viết chỉ chú tâm vào việc hướng dẫn ghi đúng nội dung của đơn kiện theo Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Cách hướng dẫn như trên thức chất là cách sử dụng mẫu theo hướng dẫn của Tòa tối cao chứ không phải là cách hướng dẫn viết đơn khởi kiện. Do vậy, hiểu được tầm quan trọng của đơn khởi kiện Công ty Luật IPIC tiến hành hướng dẫn chi cách viết đơn khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa để quý khách hàng biết được phục vụ cho mục đích đơn khởi kiện của mình.
Thứ nhất. Việc viết đơn khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa cần đáp ứng Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
Trong đó mẫu của Tòa án đã thể hiện hình thức, nội dung cơ bản của đơn khởi kiện và có hướng dẫn áp dụng mẫu. Trong mẫu hội đồng thẩm phán tối cao đã có 6 hướng dẫn chi tiết về cách áp dụng mấu như sau:
Hướng dẫn sử dụng mẫu số 23-DS:
(1) Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hà Nội, ngày….. tháng….. năm……).
(2) Ghi tênTòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu làTòa án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Tòa án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ:Tòa án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B), nếu làTòa án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõTòa án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ:Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên) và địa chỉ củaTòa án đó.
(3) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi họ tên; đối với trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.
(4) Ghi nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại thôn B, xã C, huyện M, tỉnh H); nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty TNHH Hin Sen có trụ sở: Số 20 phố LTK, quận HK, thành phố H).
(5), (7), (9) và (12) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (3).
(6), (8), (10) và (13) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (4).
(11) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầuTòa án giải quyết.
(14) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có: bản sao hợp đồng mua bán nhà, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …).
(15) Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án (ví dụ: Người khởi kiện thông báo choTòa án biết khi xảy ra tranh chấp một trong các đương sự đã đi nước ngoài chữa bệnh…).
(16) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ; trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện. Nếu là cơ quan tổ chức khởi kiện, thì người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp. Nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Đây là 16 nội dung áp dụng mẫu, tuy nhiên như chúng tôi nói đây là cách thức áp dụng mẫu đơn khởi kiện chứ không phải là cách thức viết đơn khởi kiện sao cho tốt nhất. Vì 16 nội dung trên chủ yếu chú trọng về chủ thể tham gia vào vụ án gồm người tiến hành tố tụng là Tòa án có thẩm quyền, các đương sự tham gia vụ án gồm nguyên đơn; bị đơn, người có quyền nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và địa chỉ liên hệ với họ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của một đơn khởi kiện đó chính là trình bày nội dung tranh chấp và yêu cầu khởi kiện thì hướng dẫn áp dụng mẫu không có hướng dẫn cụ thể, trong khi đó đây mới là nội dung quan trọng nhất của một đơn khởi kiện. Nếu không trình bày rõ nội dung tranh chấp và yêu cầu khởi kiện thì tòa án không thể hiểu được vụ việc, không biết quan hệ pháp luật cần xem xét và cũng không biết được yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.
Thứ hai, Trình bày nội dung đơn khởi kiện và yêu cầu khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa phải trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng nhất trong đơn khởi kiện.
Để trình bày được nội dung yêu cầu khởi kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thì nội dung yêu cầu giải quyết trong đơn khởi kiện tối thiểu phải trình bày được những điểm cơ bản sau.
+ Phải trình bày được nội dung diễn biến chính của vụ việc, giao dịch, quan hệ pháp luật mua bán từ giai đoạn xác lập, thực hiện, phát sinh tranh chấp, giải quyết tranh chấp đến lý do phải khởi kiện.
Nội dung này cần phải trình bày mạch lạc, ngắn gọn để tòa án nắm được nội dung xảy ra trên thực tế để làm cơ sở tiền đề cho việc giải quyết vụ án. Chúng ta biết rằng việc khởi kiện một vụ án ra tòa án thường là phương thức cuối cùng do quan hệ tranh chấp đó không thể nào giải quyết được bằng hình thức hòa giải, thương lượng được. Do vậy, trong đơn khởi kiện nên viết làm sao để tòa án họ hiểu rằng việc khởi kiện tranh chấp mua bán hàng hóa là giải pháp tốt nhất cho việc giải quyết tranh chấp hiện tại mặc dù không mong muốn điều này, như thành ngữ chúng ta có câu “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, đây là một cách viết nhằm mục đích giải thích lý do khởi kiện để gây thiện cảm cho hội đồng xét xử cũng như người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng khác. Tuy nhiên, cách viết như trên chỉ là quan điểm cá nhân của Luật sư trên cơ sở kinh nghiệm tham gia các vụ án, có nhiều Luật sư có quan điểm về cách viết khác nên cách viết của chúng tôi không phải là một chân lý mà chỉ là góc nhìn riêng của chúng tôi.
+ Phải nêu được yêu cầu khởi kiện cách rõ ràng, ngắn gọn, toàn diện, trong tâm để thuận lợi nhất cho việc giải quyết vụ án và đạt được mục đích khởi kiện.
Yêu cầu khởi kiện là vấn đề, mong muốn của bên khởi kiện yêu cầu bên Tòa án giải quyết. Yêu cầu khởi kiện thể hiện rõ việc lựa chọn quan hệ tranh chấp cần giải quyết của bên khởi kiện, mục tiêu, mục đích của việc khởi kiện, mong muốn, nghĩa vụ, chế tài tòa án buộc bên Bị kiện. Việc thể hiện yêu cầu phải cụ thể, rõ ràng. Nếu đòi tiền thì số tiền là bao nhiêu, tính lãi thì cần ghi rõ số lãi, thời gian tính lãi, nếu bồi thường thì cần phải ghi rõ số tiền bồi thường. Tùy theo từng trường hợp có thể yêu cầu giải quyết một số tiền phù hợp, khả thi theo chứng cứ vụ án hoặc có thể yêu cầu số tiền lớn hơn nhiều lần để tạo tiền đề tâm lý cho việc thỏa thuận thương lượng trong quá trình giải quyết vụ án.
Yêu cầu giải quyết cần toàn diện, đầy đủ tránh bỏ sót quyền lợi chính đáng của mình vì tòa án chỉ được phép giải quyết vụ án trong phạm vi yêu cầu khởi kiện. Trong phạm vi yêu cầu khởi kiện tùy theo từng trường hợp mình nên đưa toàn bộ yêu cầu vào đơn khởi kiện hoặc mình sẽ bổ sung nội dung đơn khởi kiện vào trong quá trình giải quyết của tòa án tại cấp sơ thẩm. Tuy nhiên yêu cầu khởi kiện nên toàn diện để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho bên khởi kiện, tránh trường hợp phải khởi kiện nhiều lần, giải quyết nhiều vụ án tốn kém thời gian tiền bạc của bên khởi kiện.
Yêu cầu khởi kiện nên trọng tâm đúng mục đích mong muốn của mình tránh trường hợp lan man quán nhiều nội dung dẫn đến khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Trong vụ án dân sự chúng ta nên xác định được các yêu cầu chính, yêu cầu trọng tâm để lấy đó làm mục tiêu giải quyết vụ án. Tránh trường hợp vì có quá nhiều yêu cầu không cần thiết hoặc phức tạp làm cho mục đích chính khó giải quyết hoặc không thể giải quyết được dẫn tới mục tiêu khởi kiện không đạt được. Tránh trường hợp có nhiều bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án đặc biệt làm mất thiện cảm của Tòa án khi giải quyết vụ án.
Ví dụ đây là đơn khởi kiện đáp ứng điều kiện trên:
“Do vậy, căn cứ vào quy định tại Điều 430, Điều 434, Điều 440 Bộ luật dân sự 2015 chúng tôi yêu cầu Tòa án giải quyết những nội dung sau:
1. Buộc Công ty Cổ phần A phải thanh toán cho Công ty Cổ phần B số tiền chưa thanh toán là 100.000.000.000 VNĐ, gồm:
- Số tiền 40 tỷ đồng trong đợt thanh toán thứ ba theo Phụ lục hợp đồng số 3 số …….kí ngày…./…../2020 của hợp đồng mua bán hàng hóa số …../2020/….. ngày …/…/2020 giữa Chúng tôi với Công ty Cổ phần A;
- Số tiền 40 tỷ đồng trong đợt thanh toán thứ tư theo Phụ lục hợp đồng số 4 số …….kí ngày…./…../2020 của hợp đồng mua bán hàng hóa số …../2020/….. ngày …/…/2020 giữa chúng tôi với Công ty cổ phần A;
- Số tiền 20 tỷ đồng trong đợt thanh toán thứ năm theo Phụ lục hợp đồng số 5 số …….kí ngày…./…../2020 của hợp đồng mua bán hàng hóa số …../2020/….. ngày …/…/2020 giữa Chúng tôi với Công ty Cổ phần A;…”
Thứ ba, Cần phải nêu rõ được căn cứ pháp luật áp dụng cho việc khởi kiện trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
Việc khởi kiện phải có căn cứ pháp luật, việc viện dẫn căn cứ pháp luật khởi kiện là rất quan trọng qua đó thể hiện được việc chuẩn bị, tìm hiểu chu đáo của bên khởi kiện cũng như là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên khởi kiện. Do vậy cần phải nêu căn cứ chính, trong tâm để bảo vệ quyền lợi cho bên khởi kiện. Tuy nhiên, không nên viện dẫn quá nhiều điều luật, nhiều văn bản luật cho các yêu cầu khởi kiện mà hãy lựa chọn điều luật có hiệu lực cao nhất, nếu có Án lệ thì trích dẫn Án lệ hoặc nếu có hướng dẫn xét xử của Hội đồng thẩm phán tối cao thì trích dẫn ngắn gọn nội dung hướng dẫn để làm căn cứ pháp luật khởi kiện. Nói có sách mách có chứng là lý do trên, chúng ta nói mình đúng, yêu cầu của mình là hợp pháp thì cần trích dẫn các quy định đó để làm căn cứ cho yêu cầu của mình. Do vậy, đây là nội dung rất quan trọng thể hiện được sự hiểu biết, hợp lý, hợp pháp của yêu cầu khởi kiện của mình nó là tiền đề quan trọng để Tòa án xét xử có quyết định có lợi cho bên khởi kiện.
Ví dụ đây là đơn khởi kiện đáp ứng điều kiện trên:
“ Do vậy, căn cứ vào quy định tại Điều 430, Điều 434, Điều 440 Bộ luật dân sự 2015 chúng tôi yêu cầu Tòa án giải quyết những nội dung sau:
Buộc Công ty Cổ phần A phải thanh toán cho Công ty Cổ phần B số tiền chưa thanh toán là 100.000.000.000 VNĐ …”
Thứ tư, Trong đơn khởi kiện phải nêu rõ được các chứng cứ quan trọng để chứng minh việc khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa của mình là có cơ sở.
Chứng cứ là căn cứ để chứng minh những nội dung khởi kiện của mình đúng thực tế. Có sao nói thế không bịa đặt. Nếu không có chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện của mình thì tốt nhất không khởi kiện, vì theo quy định pháp luật trách nhiệm chứng minh thuộc về các đương sự. Khi đọc nội dung đơn khởi kiện và chứng cứ tài liệu kèm theo thì tòa án và các đương sự có thể nắm được căn cứ chứng cứ khởi kiện của bên Nguyên đơn và có nhìn nhận đánh giá về khả năng thắng kiện của bên nguyên đơn. Quá trình tố tụng bản chất là quá trình chứng minh cho những nội dung, yêu cầu khởi kiện của mình đúng pháp luật. Quá trình đó phải đáp ứng đủ ba tiêu chuẩn là phải phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án đó chính là chứng cứ, nguồn chứng cứ trong vụ án. Phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với trình tự thủ tục pháp luật. Nói như vậy để thấy rằng chứng cứ là một phần đặc biệt quan trọng để chứng minh cho việc khởi kiện của mình là đúng. Ví dụ như trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa có tài liệu chứng minh bên vi phạm không thanh toán hàng hóa, giao hàng không đúng chất lượng số lượng sản phẩm, không giao hàng hóa đúng tiến độ như trong hợp đồng…. những tài liệu này là cơ sở cho việc xác định nghĩa vụ, giải quyết tranh chấp của bên bị đơn nên cần phải nêu trong đơn khởi kiện để cơ quan tiến hành tố tụng nắm bắt được.
Ví dụ đây là đơn khởi kiện đáp ứng điều kiện trên:
“Danh mục tác tài liệu kèm theo: Chúng tôi gửi kèm theo danh mục tài liệu kèm theo đơn khởi kiện.
1. Hợp đồng mua bán cà phê ngày… tháng…. năm….;
2. Biên bản giao nhận hàng hóa;
3. Hóa đơn bán hàng;
4. Phụ lục hợp đồng mua bán cà phê ngày….tháng…..năm….;
5. Yêu cầu thanh toán lần 1, lần 2;
6. Biên bản xác nhận công nợ lần 1, lần 2;…”
Trên đây là cách viết đơn khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa mà chúng tôi tổng hợp được từ quá trình tham gia vụ án, kinh nghiệp thực tiễn trong việc giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng. Có nhiều Luật sư có quan điểm về cách viết đơn khởi kiện khác quan điểm của chúng tôi, nên cách viết của chúng tôi không phải là một chân lý mà chỉ là góc nhìn riêng, quan điểm riêng. Mọi thắc mắc, yêu cầu tư vấn, thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.
Trân trọng!
Luật sư Nguyễn Trinh Đức
Tham khảo các bài viết liên quan:
Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thường gặp và các phương thức giải quyết tranh chấp
Sáu vấn đề cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Năm vấn đề pháp lý về thẩm quyền cần lưu ý trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại Tòa án