Giãn tiến độ đầu tư là việc nhà đầu tư kéo dài thời hạn thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật từ sau khi dự án được quyết định đầu tư đến thời điểm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác, sử dụng.
Khi nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì trong hồ sơ chuẩn bị để gửi cho cơ quan đăng ký đầu tư phải có đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án. Sau khi dự án được sự chấp thuận và nhà đầu tư nhận được kết quả thì trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng thể hiện những thông tin như trong đề xuất dự án đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung này. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án vì các lý do khác nhau mà nhà đầu tư khó có thể thực hiện đúng với nội dung, tiến độ đầu tư như đã đăng ký. Theo quy định của Luật đầu tư 2014, trong trường hợp này nhà đầu tư có thể lựa chọn chuyển nhượng dự án đầu tư một phần hoặc toàn bộ dự án cho nhà đầu tư khác để có thể xúc tiến tốc độ thực hiện dự án nhanh hơn cho kịp tiến độ dự án hoặc nhà đầu tư có thể lựa chọn đề xuất giãn tiến độ dự án đầu tư với cơ quan đăng ký đầu tư.
Luật Đầu tư 2014 quy định về giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư như sau:
Đối với dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải đề xuất bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư khi giãn tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng và đưa công trình chính vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư. Trong đó, nội dung đề xuất giãn tiến độ bao gồm:
- Tình hình hoạt động của dự án đầu tư và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư đến thời điểm giãn tiến độ;
- Giải trình lý do và thời hạn giãn tiến độ thực hiện dự án;
- Kế hoạch tiếp tục thực hiện dự án, bao gồm kế hoạch góp vốn, tiến độ xây dựng cơ bản và đưa dự án vào hoạt động;
- Cam kết của nhà đầu tư về việc tiếp tục thực hiện dự án.
Tổng thời gian giãn tiến độ đầu tư không quá 24 tháng. Trường hợp bất khả kháng thì thời gian khắc phục hậu quả bất khả kháng không tính vào thời gian giãn tiến độ đầu tư. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề xuất, cơ quan đăng ký đầu tư có ý kiến bằng văn bản về việc giãn tiến độ đầu tư. Nay quy định này đã được bãi bỏ.
Theo đó, kể từ khi Luật đầu tư 2020 có hiệu lực từ 01/01/2021, đã chính thức bãi bỏ quy định về giãn tiến độ dự án đầu tư. Tuy nhiên có thể thấy nội dung về giãn tiến độ đầu tư vẫn được quy định tại một số điều khác của Luật đầu tư 2020, cụ thể như sau:
Tại điểm d, Khoản 3, Điều 41 Luật đầu tư 2020 về Điều chỉnh dự án đầu tư thì Nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp, trong đó có trường hợp “Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu”.
Ngoài ra, Luật đầu tư 2020 cũng quy định: “Đối với dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư không được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư quá 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Để khắc phục hậu quả trong trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai;
b) Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư do nhà đầu tư chậm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
c) Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính;
d) Điều chỉnh dự án đầu tư do cơ quan nhà nước thay đổi quy hoạch;
đ) Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
e) Tăng tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư.”
Có thể nói, trước khi đăng ký đầu tư nhà đầu tư đã tính toán thời gian hợp lý để thực hiện dự án và đăng ký tiến độ đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án không tránh khỏi những trường hợp xảy ra nằm ngoài dự liệu của nhà đầu tư khiến dự án không thể thực hiện như đúng tiến độ đã cam kết. Quy định cho phép nhà đầu tư giãn tiến độ thực hiện dự án là một trong những biện pháp giúp đỡ nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những dự án chậm tiến độ do những nguyên nhân và mục đích tiêu cực, vụ lợi đến từ nhà đầu tư và tình trạng dự án chậm tiến độ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Có thể nói hiện nay, việc xử lý tình trạng các dự án treo, dự án chậm tiến độ là vấn đề hết sức nan giải tại nhiều địa phương trên cả nước. Tuy rằng các địa phương đã luôn chú trọng đến việc giám sát, kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án nhằm kịp thời xử lý những dự án chậm triển khai hoặc triển khai cầm chừng, gây lãng phí tài nguyên đất và làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống của người dân nhưng thực trạng dự án chậm triển khai, triển khai chậm tiến độ, dự án treo tồn tại rất nhiều. Do vậy việc thắt chặt hơn quy định về giãn tiến độ dự án đầu tư là hết sức cần thiết để nhà nước kiểm soát được tình trạng này.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà đầu tư thực sự gặp khó khăn trong việc triển khai dự án theo đúng tiến độ, đặc biệt là trước tình hình dịch COVID19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Vậy nên, nhà đầu tư cần xem xét việc thực hiện thủ tục giãn tiến độ dự án đầu tư để tránh việc vi phạm tiến độ dự án đã cam kết và phải chịu chế tài của cơ quan chức năng.
Trên đây là những quy định pháp luật cơ bản về giãn tiến độ của dự án đầu tư theo Luật đầu tư 2020. IPIC hân hạnh được đưa đến các thông tin pháp luật về đầu tư chính xác và kịp thời để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Với đội ngũ luật sư, tư vấn viên có năng lực và nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn và thực thiện thủ tục lĩnh vực đầu tư, Công ty Luật TNHH IPIC sẵn sàng cung cấp cho nhà đầu tư những tư vấn cùng giải pháp thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ dự án đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Xin vui lòng liên hệ với chúng tôi tại:
Luật Sư Nguyễn Trinh Đức - Giám đốc.
Điện Thoại: (04) 73018886 - (04) 73028886; Mobile: 0936342668.
Mail: info@ipic.vn; trinhduclawyer@gmail.com.
Địa chỉ trụ sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
LUẬT ĐẦU TƯ 2020 QUY ĐỊNH VỀ GIÃN TIẾN ĐỘ DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN