Không có hóa đơn hiểu như thế nào, tội trốn thuế ra sao?

03 /072024

Không có hóa đơn hiểu như thế nào, tội trốn thuế ra sao?

Quy định pháp luật

Trong vụ án Trốn thuế A như đã trình bày ở phần Có vi phạm pháp luật không, có trái quy định pháp luật không, biết rồi khổ lắm hỏi mãi”, để hiểu hơn về tội trốn thuế tôi sẽ trình bày ngắn gọn các quy định pháp luật liên quan.

Thuế

Thuế được hiểu là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.

Trách nhiệm nộp thuế

Mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật.

Hồ sơ thuế

Hồ sơ thuế được hiểu là hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế, hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, miễn tiền chậm nộp, không tính tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ, không thu thuế; hồ sơ hải quan; hồ sơ khoanh tiền thuế nợ; hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Hồ sơ khai thuế

Hồ sơ khai thuế được hiểu là tờ khai thuế và các chứng từ, tài liệu liên quan làm căn cứ để xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế với ngân sách nhà nước do người nộp thuế lập và gửi đến cơ quan quản lý thuế bằng phương thức điện tử hoặc giấy. Người nộp thuế phải khai tờ khai thuế, bảng kê, phụ lục (nếu có) theo đúng mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế, bảng kê, phụ lục; nộp đầy đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế. Đối với một số loại giấy tờ trong hồ sơ khai thuế mà Bộ Tài chính không ban hành mẫu nhưng pháp luật có liên quan có quy định mẫu thì thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Kê khai thuế

Kê khai thuế là việc người nộp thuế cung cấp, trình bày các hồ sơ, số liệu liên quan đến những nghĩa vụ thuế của mình, sau đó nộp cho cơ quan quản lý thuế. Người nộp thuế phải khai đầy đủ, chính xác, trung thực các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu quy định. Nộp đủ các loại tài liệu, chứng từ quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế. Người nộp thuế có nghĩa vụ tự tính toán số thuế phải nộp. Tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực, kịp thời về các nội dung đã kê khai với cơ quan thuế. 

Hóa đơn giá trị gia tăng

Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. hóa đơn hợp pháp là hóa đơn đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định. Hóa đơn giá trị gia tăng là một loại chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho bên mua, sử dụng dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động quản lý thuế quy định thế nào

Các hành vi nghiêm cấm như sau:

  • Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.
  • Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế.
  • Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.
  • Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.
  • Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.
  • Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật.
  • Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
  • Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế.

Tội trốn thuế

Tội trốn thuế được quy định tại điều 200 Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định dấu hiệu cấu thành tội phạm như sau: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

  1. Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
  2. Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
  3. Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
  4. Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

g) Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

h) Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;

i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.”

Tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 gồm có 5 khoản, khoản 1 quy định về dấu hiệu cấu thành tội phạm và hình phạt cho khoản 1, các khoản 2,3 là khung hình phạt tăng nặng và khoản 4 quy định hình phạt bổ sung và khoản 5 quy định hình phạt đối với pháp nhân. Trong bài viết này chỉ phân tích dấu hiệu cấu thành tội phạm cụ thể: Dấu hiệu mặt khách quan của tội trốn thuế là thực hiện một trong số các hành vi quy định từ điểm a đến điểm i trên và có giá trị trốn thuế từ 100.000.000 đồng đồng trở lên hoặc có tiền án, tiền sự về các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích đối với các tội được liệt kê như trên, Về mặt chủ thể phải là người từ 16 tuổi trở lên hoặc là pháp nhân về mặt chủ quan thì tội này thuộc tội lỗi cố ý. Tội trốn thuế bảo vệ trật tự quản lý nhà nước về thu thuế, và quản lý kinh tế.

Việc xác định số tiền trốn thuế cần phải được giám định và thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc giám định tư pháp về thuế.

Giám định tư pháp

Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

Giám định tư pháp thuế

Giám định tư pháp thuế là hoạt động giám định tư pháp “số thuế phải nộp” của người nộp thuế. Là công việc của Tổng cục Thuế và các Cục thuế, được thực hiện theo trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc theo phân công của Bộ Tài chính.

Trên đây là một số nội dung cơ bản để các bạn đọc hiểu về tội trốn thuế. Tuy nhiên để hiểu một sâu sắc hơn về tội trốn thuế thì chúng ta cần phải tìm hiểu thêm nhiều quy định chi tiết khác về luật quản lý thuế, luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế tiêu thụ đặc biệt; luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, luật thuế thu nhập doanh nghiệp…., tìm hiểu thêm về các bài viết chuyên ngành, các bản án, các văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền. Thực tiễn tranh tụng trong các vụ án Hình sự thì vẫn có ý kiến mâu thuẫn giữa cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ tài chính và Tổng cục thuế với cơ quan tư pháp thậm chí còn có việc áp dụng cả công văn hướng dẫn nghiệp vụ để giải thích cho hành vi làm trái trong hoạt động quản lý thuế (tôi sẽ trình bày ở các nội dung sau để các bạn tham khảo) nói như vậy để bạn đọc hiểu được tính phức tạp của các quy định pháp luật về thuế.

Tình huống pháp lý

Như trình bày ở vụ án Trốn thuế A (các bạn có thể đọc lại nội dung tôi đã tóm tắt ở ở phần “Có vi phạm pháp luật không, có trái quy định pháp luật không, biết rồi khổ lắm hỏi mãi): Vụ án Trốn thuế (tội trốn thuế được quy định tại Điều 200 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017) hơn 15,2 tỷ đồng diễn ra tại tỉnh A và tỉnh lân cận .. vụ án có 32 bị cáo là thuyền viên, người lao động và chủ trong Công ty LH. Vụ án này được tách ra từ vụ án Buôn lậu xăng dầu lớn nhất Việt Nam năm 2021 và được dư luận quan tâm. Tôi là luật sư được mời bảo vệ quyền lợi cho một bị cáo là thuyền trưởng một trong 4 còn tàu vận chuyển xăng dầu trong vụ án và 2 người là thuyền viên có quyền nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Vụ án được khởi tố vào tháng 10 năm 2021 của cơ quan cảnh sát điều tỉnh A với tội “Buôn lậu” đến tháng 9 năm 2022 cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh A Quyết định chuyển tội danh sang tội “Trốn thuế”. Cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2024 tòa án tỉnh A đưa vụ án ra xét xử và tuyên án, hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Lê Đức C (62 tuổi) 16 tháng tù và vợ là Mạc Thị D (57 tuổi) mức phạt tiền 1 tỷ đồng. Cùng tội danh trên, Lê Đức C (37 tuổi) 24 tháng tù; 29 bị cáo khác bị tuyên mức án phạt tiền hoặc mức án bằng thời gian tạm giam.

Như đã trình bày trước tôi may mắn được tham gia vụ án này do giới thiệu từ Công ty Luật trên để bảo vệ cho một bị cáo và hai người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn điều tra và truy tố, giai đoạn xét xử tôi không tham gia. Hình vi đặc trưng trong tối trốn thuế có hơn 9 loại hành vi nó cũng thể hiện tính phong phú và phức tạp của các hoạt động trốn thuế trên thực tế. Tuy nhiên trong Vụ án Trốn thuế A thì hành vi khách quan “mua bán, giao nhận hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, khi bán xăng dầu không có hóa đơn chứng từ, không kê khai thuế, không nộp thuế cho nhà nước”, hành vi này vi phạm điểm a, khoản 1 Điều 200 Bộ Luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi bổ sung 2017.

Là luật sư bảo vệ cho các thuyền viên, các thuyền viên đã tham gia đưa thuyền ra khu vực phao số 0 ở vùng biển tỉnh B (thuộc vùng nước nội thủy của Việt Nam) để mua và giao nhận hàng hóa không có hóa đơn chứng từ là hành vi khởi điểm cho hoạt động bán hàng hóa không có hóa đơn và không nộp thuế cho nhà nước, các thuyền viên tham gia vụ án với vai trò giúp sức. Như vậy, mấu chốt đối với việc bảo vệ các thuyền viên là việc giao nhận xăng dầu trên biển có hóa đơn chứng từ không?

Như các bạn đã biết đối với vụ án Trốn thuế A ban đầu khởi tố tội Buôn lậu, tuy nhiên với dấu hiệu và thông tin ít ỏi từ ban đầu tôi và các Luật sư Công ty Luật tại TP Hồ Chí Minh xác định dấu hiệu khách quan phù hợp với tội “Trốn thuế” do yếu tố qua biên giới không có, đặc biệt không bắt quả tang hành vi mua bán, giao nhận xăng dầu trên biển mà chỉ khởi tố phát sinh trên cơ sở lời khai từ vụ án Buôn lậu xăng dầu trước đó (thậm chí có nhiều ý kiến còn cho rằng không có dấu hiệu tội phạm). Và như vậy ngoài dấu hiệu Buôn lậu, chúng tôi còn phải bảo vệ cả trường hợp dấu hiệu phạm tội “trốn thuế”. Là luật sư chúng tôi biết rằng bảo vệ được chuyển tội danh từ “Buôn lậu” sang tội “Trốn thuế” đã là một thành công lớn (từ tội đặc biệt nghiêm trọng sang tội nghiêm trọng), tuy nhiên trách nhiệm của Luật sư là bảo vệ thân chủ được tốt nhất, theo hướng không có tội và đặc biệt chứng minh tội phạm trách nhiệm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.

Chuyện cụ thể như sau, lần này tôi tham gia dự cung để bảo vệ cho bị can là thuyền trưởng (thân chủ) của (1) trong bốn (4) con tàu vận chuyển xăng dầu liên quan đến vụ án. Thân chủ tôi sinh 1989 đã bị tạm giam và được thay đổi biện pháp tạm giam sang biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Nội dung dưới đây diễn ra trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc điều tra, nó cũng là buổi hỏi cung tại trụ sở cơ quan điều tra tỉnh A. Theo lịch hỏi cung chúng tôi cũng gặp nhau trước tại quán nước trước trụ sở cơ quan điều tra. Mặc dù quá trình hỏi cung của thân chủ diễn ra nhiều lần trước đó nhưng tôi không tham gia mà được các luật sư khác tham gia. Nên lần đầu gặp trách nhiệm của luật sư tôi phải hướng dẫn cụ thể để thân chủ nắm rõ quyền nghĩa vụ cũng như động viện thân chủ. Tôi động viên thân chủ là bình tỉnh, nghe rõ nội dung hỏi, nội dung nào biết rõ thì trả lời, chưa biết rõ thì chưa trả lời, và nhớ đọc kỹ nội dung biên bản hỏi cung, nội dung nào không hiểu thì trao đổi lại với điều tra viên để được giải thích cụ thể, hoặc hỏi tôi để được giải thích. Tôi giải thích cho thân chủ biết (đây là công việc bình thường của luật sư với thân chủ) trong giai đoạn hỏi cung, luật sư chỉ được nghe và chỉ được tham gia hỏi trao đổi nếu điều tra viên đồng ý. Trong trường hợp biên bản hỏi cung không đúng với nội dung buổi làm việc, luật sư sẽ có ý kiến hoặc sẽ ghi rõ ở cuối biên bản hỏi cung. Sau khi trao đổi xong với thân chủ hai chúng tôi theo lịch đi vào làm việc. Buổi hỏi cung diễn ra tại phòng làm việc của cơ quan điều tra, hôm nay có hai điều tra viên tham gia hỏi. Điều tra viên sau khi giải thích quyền nghĩa vụ của thân chủ và các câu hỏi về tình trạng sức khỏe có đảm bảo cho nội dung buổi hỏi cung xong. Điều tra viên có giải thích là nội dung biên bản hỏi cung hôm nay chủ yếu làm việc kiểm tra quá trình thay đổi biện pháp ngăn chặn (từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú) thì có chấp hành tốt không, và hỏi về tình hình sức khỏe của thân chủ (thân chủ là người có bệnh rối loạn nhịp tim trong quá trình tạm giam đã đi cấp cứu nhiều lần) nên cán bộ điều tra cũng rất quan tâm. Ngoài ra các nội dung khác giống với các nội dung trong buổi hỏi cung trước đây trong đó có nội dung liên quan đến các chuyền đi biển giao nhận hàng hóa không có hóa đơn. Sau khi nghe trao đổi giữa điều tra viên và thân chủ và biên bản cũng được hoàn thành xong. Do lần đầu tôi tham gia hỏi cung nên tôi có đặt vấn đề với điều tra viên như sau. Thưa điều tra viên A do tôi mới được mời làm luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn E, các buổi hỏi cung trước đây tôi không được tham dự nên tôi xin phép được hỏi một vài câu hỏi để làm rõ hơn nội dung trong biên bản hỏi cung. Cả hai điều tra viên lần này rất nhã nhặn và thiện chị giúp đở luật sư liền đồng ý cho Luật sư được đặt câu hỏi và sẽ ghi vào biên bản hỏi cung. Tôi liên đặt câu hỏi “trước đây anh đã thừa nhận là vận chuyển xăng dầu trên biển không có hóa đơn, thế tôi hỏi anh hiểu thế nào là không có hóa đơn? Thân chủ tôi trả lời không có hóa đơn được hiểu là không nhìn thấy hóa đơn. Tôi hỏi tiếp như vậy để xác định chính xác hàng hóa có hóa đơn hay không thì cần xem xét hồ sơ lưu trữ của công ty nữa đúng không? thân chủ tôi trình bày đúng như vậy. Tôi hỏi tiếp anh cam đoan những lời khai của anh như trên là đúng sự thật? Thân chủ trả lời là tôi cam đoan”. Rất may mắn là những nội dung hỏi của tôi đều được các điều tra viên tôn trọng và ghi vào biên bản hỏi cung, mặc dù các nội dung trên không bảo vệ được thân chủ vô tội nhưng đã giải quyết được một vấn đề mà thân chủ rất lo lắng liệu lời khai của mình có phải là căn cứ làm xấu đi tình trạng của công ty cũng như của các bị cáo là người sử dụng lao động công ty.

Sau kết thúc buổi hỏi cung thân chủ vui mừng cảm ơn luật sư, thân chủ bảo đây là vấn đề mà em đã lo lắng lâu nay do em khai là hàng hóa vận chuyển không có hóa đơn chứng từ, em sợ nội dung lời khai trên sẽ bất lợi cho em, cho cả công ty và các bị cáo khác, hôm nay có anh đã gỡ cho em vấn đề bao nhiêu lâu em trăn trở, em cảm ơn anh nhiều. Và cũng phải nói rằng việc trả lời không có hóa đơn chứng từ là việc không nhìn thấy hóa đơn chứng từ như trên cũng là một tình tiết rất thông minh của thân chủ. Trong hoàn cảnh hỏi cung không phải ai cũng đủ tỉnh táo, thông minh để có những nội dung trả lời như vậy. Nội dung này là một tình tiết quan trọng đánh giá vai trò đồng phạm thứ yếu của thân chủ sau này cũng là căn cứ để tòa tuyên án hình phạt tù bằng thời gian tạm giam cho thân chủ.

Tư duy pháp lý của luật sư

Với tình huống hỏi cung như trên trong trường hợp này vấn đề pháp lý được đặt ra là hiểu thế nào là không có hóa đơn? Đây là vấn đề pháp lý mà luật sư cần phải giải quyết vì nó có ý nghĩa trong việc định tội và định hình phạt đối với thân chủ của tôi trong vụ án.

Thế nào là không có hóa đơn? Hiểu cách thông thường không có hóa đơn có nghĩa là bên bán hàng không xuất hóa đơn, hay hóa đơn không tồn tại. Nếu bản hỏi cung lúc tôi dự cung vẫn giữ nguyên nội dung có nghĩa là thân chủ tôi biết rõ hàng hóa không có hóa đơn nhưng vẫn thực hiện việc giao nhận hàng làm tiền để để cho hoạt động bán hàng không xuất hóa đơn, không đóng thuế để trốn thuế trong vụ án thì vai trò của thân chủ trong vụ án có tính nghiêm trọng, giúp sức tích cực và lỗi cố ý trực tiếp. Trong trường hợp hiểu không có hóa đơn là không nhìn thấy hóa đơn thì lỗi là lỗi cố ý gián tiếp. Nghĩa là thân chủ tôi không nhìn thấy hóa đơn nhưng tin tưởng vào công ty nên vẫn thực hiện việc giao nhận hàng hóa mặc cho có thể hàng hóa không có hóa đơn. Nhận thấy tính chất quan trọng tôi đã quyết định làm rõ nội dung thế nào là không có hóa đơn để bảo vệ thân chủ mình. Trong giai đoạn điều tra bản thân tôi cũng không chắc chắn hàng hóa có hóa đơn hay không vì chúng tôi chưa được tiếp cận hồ sơ vụ án trong giai đoạn này cho nên việc làm rõ là cần thiết tránh trường hợp hiểu không đúng tình tiết khách quan vụ án. Như vậy, từ nội dung ban đầu khẳng định không có hóa đơn, sau khi có sự tham dự và đặt câu hỏi của tôi thì nội dung biên bản được hiểu là không nhìn thấy hóa đơn, chỉ là một tình tiết nhỏ nhưng có ý nghĩa cho việc bảo vệ quyền lợi cho thân chủ cũng như của các bị cáo khác trong vụ án. Như vậy, tôi và thân chủ của mình đã định nghĩa lại không có hóa đơn nghĩa là không nhìn thấy hóa đơn, đúng là một định nghĩa rất mới, tức thì nhưng lại rất đúng cho hoàn cảnh đặc biệt này.

Trong vụ án Trốn thuế A, trong giai đoạn điều tra tôi có tham gia dự cung cho một (1) bị cáo và hai (2) người có quyền nghĩa vụ liên quan, trong quá trình dự cung Công ty và người đại diện công ty liên quan trong vụ án đã đề xuất tôi giúp thêm việc dự cung để bảo vệ cho các bị cáo cũng như người liên quan khác. Do điều kiện khách quan tôi đã không thể nhận thêm, nhưng qua việc đề xuất này tôi cũng hiểu công ty và các thân chủ ghi nhận vai trò của tôi trong việc bảo vệ quyền lợi cho họ.

Câu chuyện nhỏ niềm vui lớn, rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này của tôi, nếu các bạn quan tâm dịch vụ của Công ty Luật IPIC vui lòng liên hệ với chúng tôi.

Trân trọng!

Luật sư, Nguyễn Trinh Đức

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.