Có vi phạm pháp luật không, có trái quy định pháp luật không, biết rồi khổ lắm hỏi mãi!

03 /072024

Có vi phạm pháp luật không, có trái quy định pháp luật không, biết rồi khổ lắm hỏi mãi!

Quy định pháp luật

Để hiểu tính phức tạp của khái niệm “thế nào là vi phạm pháp luật” các bạn có thể tra cứu trên trang tìm kiếm Google để tìm hiểu. Kết quả của tìm kiếm cho ta hiển thị hơn 1 triệu thông tin được viết bởi các luật sư, nhà báo, giảng viên trên các trang của Công ty Luật; Tạp chí Luật sư; Tạp chí Luật học; Tạp chí Tòa án; Tạp Chí Viện Kiểm Sát… đọc kỹ các bài viết trên chúng ta nhận thấy mỗi bài viết đều có cách giải thích, góc nhìn khác nhau. Khái niệm “thế nào là vi phạm pháp luật” là một khái niệm quan trọng nhưng về mặt khoa học hay quy định pháp luật đều chưa thống nhất. Tuy nhiên trong nội dung bài viết này tôi không đi sâu vào việc làm sáng tỏ khái niệm trên mà chỉ muốn trình bày một cách ngắn gọn để bạn đọc có thể hiệu cơ bản, nhưng quan trọng hơn bạn đọc cần biết đây là một khái niệm phức tạp cả về khoa học pháp lý lẫn quy định pháp luật. Mặc dù là một khái niệm phức tạp nhưng khi làm luật sư tôi lại thường gặp các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán đặt ra các câu hỏi như “bị cáo có vi phạm pháp luật không? vậy bị cáo có thừa nhận mình vi phạm pháp luật không? .....”, theo quan điểm riêng của tôi không nên đặt những câu hỏi như vậy vì trong trường hợp này người dân, bị can, bị cáo trả lời có hay không có đều sai. Bản chất bị can, bị cáo không thể hiểu “thế nào là vi phạm pháp luật” thì làm sao có thể trả lời được câu hỏi đó. Để chứng minh cho việc này chúng ta cùng làm rõ vấn đề pháp lý sau:

Thế nào là vi phạm pháp luật

Hiện nay không có văn bản pháp luật nào quy định thế nào là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên qua tìm hiểu và thực tiễn giải quyết có thể hiểu vi phạm pháp luật là hành vi làm trái luật, có lỗi và do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện. Hành vi này xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Tiếp tục làm rõ khái niệm “thế nào là vi phạm pháp luật” ta cần phải làm rõ ba khái niệm sau: Thế nào là hành vi trái pháp luật? thế nào là có lỗi? thế nào là chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý?

Không chỉ có vậy vi phạm pháp luật có nhiều mức độ khác nhau gồm vi phạm pháp luật hình sự; vi phạm pháp luật hành chính; vi phạm pháp luật dân sự…. kéo theo đó là trách nhiệm do vi phạm pháp luật hình sự; trách nhiệm do vi phạm pháp luật về hành chính và trách nhiệm vi phạm pháp luật về dân sự….

Thế nào là hành vi trái pháp luật

Hiện nay không có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể thế nào là hành vi trái pháp luật, tuy nhiên chúng ta có thể hành vi trái pháp luật là thực hiện hành vi không đúng quy định của pháp luật, được biểu hiện dưới dạng: Làm một việc mà luật cấm, không làm một việc mà pháp luật buộc phải làm, làm một việc vượt quá giới hạn pháp luật cho phép.

Như vậy, để làm rõ khái niệm “thế nào là trái pháp luật” thì cần tiếp tục làm rõ ba khái niệm tiếp theo gồm: thế nào là điều cấm của luật? thế nào là pháp luật buộc phải làm? Thế nào vượt quá giới hạn cho phép?

Thế nào là điều cấm của luật

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Thế nào là làm một việc pháp luật buộc phải làm

Là quy định bắt buộc chủ thể phải tiến hành khi họ ở trong điều kiện mà pháp luật quy định thì phải làm những việc mà nhà nước yêu cầu, họ không thể viện lý do để từ chối.

Ví dụ: Người lớn phải cứu trẻ em bị đuối nước trong hoàn cảnh biết bơi giỏi hoặc độ sâu của ao hồ, sông suối có thể cứu được mà không ảnh hưởng đến mức độ an toàn của người lớn.

Thế nào làm một việc vượt quá giới hạn pháp luật

Pháp luật quy định chỉ được phép làm trong điều kiện đã định lượng, có giới hạn tuy nhiên chủ thể đó đã thực hiện vượt quá hoặc quá mức cần thiết.

Ví dụ: Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Thế nào là có lỗi

Lỗi là ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi thể hiện mong muốn thực hiện hoặc không thực hiện hành vi hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc hậu quả xảy ra. Lỗi có thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp, lỗi vô ý gồm vô ý do cẩu thả hoặc vô ý do chủ quan.

Thế nào là chủ thể có năng lực chịu trách nhiệm pháp lý

Năng lực trách nhiệm pháp lý là khả năng của cá nhân hay tổ chức gánh chịu hậu quả bất lợi, biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được quy định ở chế tài quy phạm pháp luật. Đối với tổ chức, năng lực trách nhiệm pháp lý xuất hiện từ khi có quyết định thành lập tổ chức và chấm dứt khi tổ chức đó giải thể. Đối với cá nhân, năng lực trách nhiệm pháp lý được pháp luật nhà nước ta quy định như sau: người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, chịu trách nhiệm hành chính về mọi vi phạm hành chính; người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm nghiêm trọng do cố ý, phải chịu trách nhiệm hành chính do cố ý thực hiện vi phạm hành chính.

Như vậy để hiểu thế nào là vi phạm pháp luật”, “thế nào là trái quy định pháp luật” ít nhất cũng hiểu cơ bản đầy đủ các khái niệm trên. Mà để hiểu cơ bản đầy đủ các khái niệm trên là một thách thức lớn đối với người học luật, làm luật bao gồm cả luật sư.

Thực tiễn xét xử tại các phiên tòa các bị cáo đứng trước câu hỏi bị cáo có phạm tội không? có vi phạm pháp luật không? Có làm trái quy định pháp luật không? thì các bị cáo thường trả lời theo hướng bị cáo biết mình sai và mong hội đồng xét xử xem xét. Đây là cách trả lời tốt nhất trong hoàn cảnh vụ án Hình sự của các bị cáo, việc trả lời như trên vừa không mất lòng hội đồng xét xử để không bị đánh giá là không thật thà, ăn năn, hối cải vừa đảm bảo mình có nhận sai nhưng chưa nhận tội. Trên cơ sở đó làm tiền đề cho các Luật sư bào chữa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo.

Mặc dù cố gắng trình bày tốt nhất nhưng tôi nhận thấy sự rối rắm phức tạp của các khái niệm trên. Tuy nhiên trong nội dung này tôi không đi sâu trọng tâm vào việc giải thích sâu sắc các khái niệm mà tập trung vào việc hoạt động thực tế của luật sư khi phải đối mặt với những tình huống pháp lý cần áp dụng hoặc liên quan đến khái niệm pháp lý này để bảo vệ cho thân chủ của mình. Nên các bạn có thể tìm hiểu thêm các thông tin chuyên sâu luận giải về các khái niệm trên.

Tình huống pháp lý

Tội đặt tên vụ án sau đây là vụ án Trốn thuế A (mục đích là để tôi trình bày thêm các nội dung tôi bảo vệ cho thân chủ của mình như thế nào trong vụ án này để chia sẻ với các bạn ở những nội dung tiếp theo) cụ thể như sau: Vụ án Trốn thuế (tội trốn thuế được quy định tại Điều 200 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017) hơn 15,2 tỷ đồng diễn ra tại tỉnh A và tỉnh lân cận .. vụ án có 32 bị cáo là thuyền viên, người lao động và chủ trong Công ty LH. Theo các tài liệu có trong vụ án thì bị cáo Mạc Thị D cùng chồng là Lê Đức C thành lập Công ty TNHH LH…… (gọi tắt Công ty LH TP Vũng Tàu) với ngành nghề kinh doanh là mua bán xăng, vận tải xăng, dầu đường biển và đường bộ. Năm 2018, được sự đồng ý của Mạc Thị D, Lê Đức C và Nguyễn Đức B (cháu của C) đã thành lập Công ty Đầu tư thương mại dịch vụ vận tải HA (gọi tắt Công ty HA) với mục đích dùng tàu biển tách ra khỏi Công ty LH để hoạt động riêng. Sau đó Nguyễn Đức B đã điều động tàu ra biển thuộc vùng biển Việt Nam để mua xăng, dầu từ các tàu (chưa xác định rõ quốc tịch) rồi đem bán ra thị trường Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ ngày 6-7-2020 đến 8-10-2021, Nguyễn Đức B đã mua tổng cộng hơn 7,4 triệu lít xăng và hơn 2,1 triệu lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ nhập vào kho xăng, dầu của Công ty LH, các bị cáo đã trốn thuế tổng số tiền hơn 15,2 tỷ đồng. Vụ án này được tách ra từ vụ án Buôn lậu xăng dầu lớn nhất Việt Nam năm 2021 và được dư luận quan tâm. Tôi là luật sư được mời bảo vệ quyền lợi cho một bị cáo là thuyền trưởng một trong 4 còn tàu vận chuyển xăng dầu trong vụ án và 2 người là thuyền viên có quyền nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Vụ án được khởi tố vào tháng 10 năm 2021 của cơ quan cảnh sát điều tỉnh A với tội “Buôn lậu” đến tháng 9 năm 2022 cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh A Quyết định chuyển tội danh sang tội “Trốn thuế”. Cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2024 tòa án tỉnh A đưa vụ án ra xét xử và tuyên án, hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Lê Đức C (62 tuổi) 16 tháng tù và vợ là Mạc Thị D (57 tuổi) mức phạt tiền 1 tỷ đồng. Cùng tội danh trên, Lê Đức C (37 tuổi) 24 tháng tù; 29 bị cáo khác bị tuyên mức án phạt tiền hoặc mức án bằng thời gian tạm giam.

Đánh giá chung vụ án đã được các luật sư thuộc Công ty Luật ở TP HCM bảo vệ rất thành Công. Ban đầu khởi tố điều tra từ tội Buôn lậu quy định Điều 188 có khung hình phạt cao nhất là 12 đến 20 năm sau chuyển sang tội Trốn thuế theo quy định tại điều 200 có khung hình phạt cao nhất là 7 năm hoặc hình phạt tiền cao nhất là 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng. Vụ án chuyển từ tội đặc biệt nghiêm trọng xuống tội nghiêm trọng kết quả cuối cùng hội đồng xét xử xử phạt như trên có thể nói rất thành công.

Tôi may mắn được tham gia vụ án này do giới thiệu từ Công ty Luật trên để bảo vệ cho một bị cáo và hai người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn điều tra và truy tố, giai đoạn xét xử tôi không tham gia.

Hành vi đặc trưng của tội Buôn lậu quy định điều 188 Bộ luật hình sự là “Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật”. Hành vi phạm tội là hành vi buôn bán trái pháp luật diễn ra ở khu vực qua biên giới. Trái pháp luật trong trường hợp này hiểu là không khai báo, khai báo gian dối…. không đúng quy định pháp luật nhằm trốn tránh sự kiểm soát của Hải Quan, Bộ đội biên phòng …. mục đích thu lợi bất chính từ nghĩa vụ thuế; chênh lệch từ giá thị trường; hoặc mục đích khác. biên giới là khu vực địa lý biên giới hoặc khu vực biên giới hải quan.

Là luật sư tham gia giai đoạn điều tra chúng tôi không được tiếp cận đầy đủ thông tin, chứng cứ trong vụ án do toàn bộ hồ sơ đang trong giai đoạn bí mật, nên chúng tôi gần như chỉ dựa vào kinh nghiệm, kiến thức và khả năng tư duy phán đoán, đọc tình huống để bảo vệ cho thân chủ của mình. Dấu hiệu mấu chốt mà luật sư cần quan tâm bảo vệ giai đoạn điều tra trong vụ án buôn lậu này là khu vực biên giới trên biển, phải nắm rõ quy định khu vực biên giới trên biển (không để dụ cung, mớm cung, ép cung liên quan đến mua bán qua biên giới trên biển); và yếu tố trái pháp luật (không để dụ cung, mớm cung, ép cung về hành vi buôn bán trái pháp luật). Trong phạm vi bài viết này tôi không trình bày về phạm vi buôn bán qua biên giới trên biển tôi chỉ trình bày về hành vi trái pháp luật.

Chuyện cụ thể như sau, theo lịch hỏi cung một buổi chiều mùa khô, nắng gắt của miền nam Việt Nam theo lịch hỏi cung tôi gặp người có quyền nghĩa vụ liên quan (thân chủ) mười lăm phút trước khi vào hỏi cung tại quán nước trước cổng cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh A. Thân chủ của tôi là một thủy thủ trẻ sinh năm 1992 có ít năm kinh nghiệm, tham gia một vài chuyến hàng đi trên một (1) trong bốn (4) con tàu vận chuyển xăng dầu liên quan đến vụ án. Khi gặp trao đổi tôi động viên thân chủ là bình tỉnh, nghe rõ nội dung hỏi, nội dung nào biết rõ thì trả lời, chưa biết rõ thì chưa trả lời, và nhớ đọc kỹ nội dung biên bản hỏi cung, nội dung nào không hiểu thì trao đổi lại với điều tra viên để được giải thích cụ thể, hoặc hỏi tôi để được giải thích. Tôi giải thích cho thân chủ biết (đây là công việc bình thường của luật sư với thân chủ) trong giai đoạn hỏi cung, luật sư chỉ được nghe và chỉ được tham gia hỏi trao đổi nếu điều tra viên đồng ý. Trong trường hợp biên bản hỏi cung không đúng với nội dung buổi làm việc, luật sư sẽ có ý kiến hoặc sẽ ghi rõ ở cuối biên bản hỏi cung. Sau khi trao đổi xong với thân chủ hai chúng tôi theo lịch đi vào làm việc. Buổi hỏi cung diễn ra tại phòng làm việc của cơ quan điều tra, trong phòng có điều tra viên hỏi cung và cán bộ không tham gia hỏi cung nhưng có ngồi làm việc trong phòng. Bắt đầu buổi hỏi cung diễn ra bình thường và dần căng thẳng hơn bởi những nội dung có tính mấu chốt đến hành vi tội phạm Buôn lậu. Điều tra viên đặt câu hỏi tiếp tục buổi làm việc hôm trước anh đã thừa nhận có sai phạm rồi, bây giờ anh hãy trình bày rõ hành vi sai phạm của minh? (tôi không tham gia buổi hỏi cung trước đó) Thân chủ ấp úng không trả lời nội dung trên? Điều tra viên tiếp tục hỏi tiếp thế đi thuyền rời cảng vào ban đêm có vi phạm phạm pháp luật không? theo quy định của cảng vụ thì không được rời cảng vào ban đêm? Thân chủ trả lời vâng. Điều tra viên hỏi tiếp Thế anh trả lời nội dung liên quan đến chuyến đi trái quy định pháp luật trên? thân chủ tôi liền khai đi mấy chuyến, chở hàng gì, ra vị trí nào, về khi nào, trong thời gian bao lâu……. Đến lúc ký biên bản hỏi cung Điều tra viên yêu cầu thân chủ tôi đọc trước và ký vào biên bản hỏi cung và thân chủ của tôi đọc xong, ký ngay vào biên bản hỏi cung sau đó mới đưa tôi đọc. Tuy nhiên sau khi tôi đọc biên bản hỏi cung tôi liền có ý kiến về biên bản hỏi cung: Tôi trao đổi với Điều tra viên “thân chủ của tôi hiểu về trái quy định pháp luật là đi tàu rời cảng vào ban đêm nhưng trong biên bản anh lại không giải thích cách hiểu của thân chủ tôi mà anh chỉ ghi trong biên bản là hãy trình bày những chuyến đi biển trái pháp luật như vậy là không phù hợp. Vì trái pháp luật theo từ điển và cách hiểu thông thường là không đúng, không phù hợp quy định pháp luật còn cách hiểu của thân chủ tôi trái pháp luật có nghĩa là tàu rời cảng vào ban đêm. Nếu không giải thích rõ việc này trong biên bản thì bất kỳ người thứ ba nào đọc sẽ hiểu theo cách hiểu thông thường chứ không hiểu theo đúng ngữ cảnh buổi làm việc hôm nay. Đặc biệt là cơ quan tố tụng khác họ có thể hiểu thân chủ tôi biết được việc làm của mình là trái pháp luật và có thể có những quyết định tố tụng bất lợi cho thân chủ”. Sau khi tôi trình bày xong, không thể nói hết sự phản ứng của điều tra viên và cán bộ có trong phòng hỏi cung đối với ý kiến trên, tôi cũng bất ngờ. Thực tế những gì tôi phân tích và trình bày ý kiến là hoàn toàn khách quan và chừng mực, phù hợp. Sau khi bình tâm trở lại điều tra viên có ý kiến là thân chủ anh đã ký rồi, anh không có quyền thay đổi ý kiến của thân chủ mình. Tôi liền trao đổi với điều tra viên là mong anh thông cảm là luật sư cũng cần nhận được sự thiện chí của anh để hoàn thành trách nhiệm của mình (là luật sư trong mọi trường hợp phải luôn có thái độ nhã nhặn, tinh tế với cơ quan tố tụng vì luật sư làm việc vì quyền lợi của thân chủ chứ không phải vì lợi ích của bản thân, hay nói cách khác lợi ích của luật sư chính là bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho thân chủ). Cuối cùng các bên đi đến giải pháp luật sư được ghi ý kiến của mình vào phần dưới nội dung của biên bản hỏi cung và tôi ghi như sau: Nội dung trái pháp luật trong biên bản hỏi cung được hiểu là tàu rời cảng vào ban đêm, ngoài ra luật sư không có ý kiến gì khác. Chỉ một tình tiết này thôi đã thay đổi hoàn toàn nội dung biên bản hỏi cung. Từ việc biên bản hỏi cung được hiểu hành vi trái pháp luật diễn ra như thế nào? thì sau khi có ý kiến luật sư vào biên bản sẽ được hiểu tàu rời cảng vào ban đêm diễn ra như thế nào?

Không thể diễn tả được niềm vui của thân chủ và luật sư sau khi rời phòng hỏi cung. Thân chủ xúc động cảm ơn luật sư, hôm nay anh cứu em một tình huống có thể nói là “sinh tử”. Sau buổi hỏi cung này hai chúng tôi còn có một buổi hỏi cung khác cũng rất ý nghĩa. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này tôi chỉ trình bày nội dung về tình tiết trái pháp luật diễn ra trong vụ án này. Trong vụ án khởi tố đến 24 thuyền viên với vai trò đồng phạm giúp sức và các thuyền viên đều bị tạm giam và tuyên án bằng thời hạn tạm giam nhưng riêng hai thuyên viên tôi bảo vệ không bị khởi tố. Đây là điều làm tôi thấy tự hào mặc dù biết rằng việc không bị khởi tố là do hành vi khách quan của thân chủ, luật sư chỉ có vai trò rất nhỏ trong sự thành công này.

Tư duy pháp lý của luật sư

Trong tình huống trên khi tham gia dự cung tôi phải đưa ra ý kiến tức thì theo diễn biến của buổi làm việc. Vấn đề pháp luật cần giải quyết trong trường hợp này là “tàu xuất cảng vào ban đêm” có phải là hành vi trái quy định pháp luật không? Làm thế nào sửa được nội dung trái quy định pháp luật khi mà thân chủ đã ký vào biên bản? Đây là hai vấn đề pháp lý tôi phải giải quyết.

Về vấn đề thứ nhất, trong hoàn cảnh dự cung luật sư không có bất kỳ tài liệu và phương tiện nào để tra cứu liệu tàu rời cảng vào ban đêm là trái quy định pháp luật nên tôi không tập trung tranh luận nội dung này, sau này tôi tra cứu văn bản pháp luật thì không có quy định cấm, hay hạn chế tàu biển rời cảng vào ban đêm, tuy nhiên có thể vì lý do khách quan cảng vụ có thể có quy định hạn chế tàu rời cảng tuy nhiên phải có lý do theo quy định pháp luật (khi hỏi cung theo quy định luật sư không được cầm thêm máy tính, điện thoại hay bất kỳ thiết bị ghi âm ghi hình nào vào phòng hỏi cung).

Vấn đề thứ hai làm sao để thuyết phục điều tra viên sửa biên bản hỏi cung. Tôi đã thuyết phục điều tra viên trên cơ sở nội dung trả lời của thân chủ, vì thực tế thân chủ tôi hiểu tàu rời cảng ban đêm là trái quy định của pháp luật đúng diễn biến buổi hỏi cung. Đặc biệt tôi đã mạnh dạn viện dẫn theo Từ điển tiếng việt thì trái pháp luật được hiểu là không làm hoặc làm không đúng theo quy định pháp luật để đưa lý lẽ thuyết phục điều tra viên. Đây là một quyết định nhanh chóng nhưng nó phù hợp vì khi áp dụng từ điển thì nó hài hòa và trong thời gian ngắn thì bản thân điều tra viên cũng khó mà tìm được từ điển định nghĩa như thế nào (chính cô cán bộ có mặt trong phòng còn mĩa mai tôi là “lấy cả từ điển ra để bảo vệ cơ à, khiếp thật”. Sau này cô cho tôi biết cô học Đại học luật TP HCM và đã đi học lớp luật sư để sau khi nghỉ hưu sẽ làm luật sư như tôi, thật là một cái duyên lớn khi gặp được một đồng nghiệp tương lai trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy) và quyết định của tôi đã thành công.

Trong giai đoạn tố tụng tiếp theo các điều tra viên cũng tôn trọng, đánh giá cao khi tôi xử lý tình huống trên và mặc dù có nhiều ý kiến của cơ quan tố tụng khác yêu cầu xem xét khởi tố thêm thân chủ của tôi nhưng các điều tra viên, cơ quan điều tra vẫn theo hướng không có tội.

Tình huống pháp lý trên của tôi chắc chắn các bạn làm luật sư đặc biệt là các luật sư chuyên về hình sự gần như vụ án nào cũng gặp những câu hỏi kiểu tương tự. Quan điểm cá nhân của tôi là những câu hỏi có tính định hướng như trên không nên hoặc hạn chế tối đa sử dụng vì bản chất việc đánh giá có vi phạm pháp luật, có trái quy định pháp luật, có phạm tội là đánh giá toàn diện chứng cứ trong vụ án và thực hiện theo trình tự tố tụng chặt chẽ, do cơ quan có thẩm quyền đánh giá chứ không phải dựa vào các câu hỏi trên và cũng không phải sử dụng các câu hỏi trên để đánh giá thái độ thành khẩn hay không thành khẩn của bị can, bị cáo. Là luật sư tôi luôn chủ động có phương án để bảo vệ cho thân chủ nếu gặp những tình huống tương tự như trên và cũng cần lưu ý rằng có những hành vi phạm tội rõ ràng người bình thường cũng có thể nhận thức được nên linh hoạt áp dụng để tránh làm xấu tình trạng của thân chủ và đó cũng là tài năng của luật sư biết phân biệt khi nào có ý kiến khi nào không khi cơ quan tố tụng sử dụng các câu hỏi trên.         

Câu chuyện nhỏ niềm vui lớn, rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này của tôi, nếu các bạn quan tâm đến dịch vụ của Công ty Luật IPIC vui lòng liên hệ với chúng tôi.

Trân trọng

Luật sư, Nguyễn Trinh Đức

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.