Giao dịch vượt quá thẩm quyền của người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp có bị vô hiệu?

04 /052020

Giao dịch vượt quá thẩm quyền của người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp có bị vô hiệu?

Đây là nội dung tư vấn của Luật sư Nguyễn Trinh Đức công ty Luật IPIC trên báo Phapluatplus của Bộ Tư Pháp. Các bạn tham khảo chi tiết nội dung tư vấn sau đây.

Giao dịch vượt quá thẩm quyền của người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp có bị vô hiệu?

PV: Thưa Luật sư, trước tiên để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật sư có thể cho biết như thế nào là vượt quá thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật được không?

Luật sư Nguyễn Trinh Đức - Công ty Luật TNHH IPIC: Để hiểu như thế nào là vượt quá thẩm quyền của người đại diện, trước tiên chúng ta cần phải hiểu thế nào là người đại diện theo pháp luật?  Giao dịch dân sự là gì?

Theo điều 134 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về Đại diện “1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” và Điều 137 Bộ luật dâ sự 2015 quy định về Đại diện theo pháp luật của pháp nhân:

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

•           a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

•           b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

•           c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

Người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp là gì?

Theo quy định tại điều 13 Luật doanh nghiệp 2014 thì :”người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”

Theo điều 116 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về giao dịch dân sự. Theo đó: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Vượt quá thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật là người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá quyền và nghĩa vụ của mình đã được xác lập theo Điều lệ của Công ty hoặc theo quy định của pháp luật.

PV:  Vậy, Luật sư có thể cho biết Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Điều lệ thông thường của Công ty và theo pháp luật hiện nay thì được quy định như thế nào?

Luật sư Nguyễn Trinh Đức - Công ty Luật TNHH IPIC: Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật gắn liền với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, Tòa án và các quyền nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật (Theo khoản 1 điều 13 Luật doanh nghiệp 2014).

Ngoài ra, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật được quy định rất cụ thể trong Điều lệ Công ty. Tùy từng mô hình công ty thì Điều lệ trong công ty sẽ quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật cụ thể. Người đại diện theo pháp luật có thể là Giám đốc, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên,…

Trong điều lệ sẽ quy định rõ họ được làm gì và không được làm gì? Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, cá nhân đó sẽ bị giới hạn bởi quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.  Không hiếm trường hợp Điều lệ của doanh nghiệp đưa ra những giới hạn cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Về nguyên tắc, những quy định nội bộ của doanh nghiệp (như điều lệ, quy chế, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ,…) đều chỉ ràng buộc với nội bộ doanh nghiệp và không bắt buộc có hiệu lực đối với các bên thứ ba khác trong giao dịch, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Luật sư Nguyễn Trinh Đức- Công ty Luật TNHH IPIC.

PV: Vậy Luật sư có thể cho biết Hậu quả pháp lý của Giao dịch dân sự vượt quá thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật? Giao dịch vượt quá thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật có bị vô hiệu hay không?

Luật sư Nguyễn Trinh Đức- Công ty Luật TNHH IPIC: Theo pháp luật Việt Nam, tại khoản 1 điều 143 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện:

Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây: (a) Người được đại diện đồng ý; (b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; (c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện”.

Hướng giải quyết như vừa nêu trên là thuyết phục vì tạo ra sự an toàn pháp lý cho các doanh nghiệp đồng thời loại trừ những ứng xử mâu thuẫn của bên được đại diện: Nếu giao dịch có lợi cho mình thì chấp nhận còn nếu giao dịch bất lợi cho mình thì lại phủ nhận.

Do đó, khi xác lập giao dịch với người vượt quá quyền đại diện, doanh nghiệp đối tác nên có những minh chứng để cho thấy người có thẩm quyền của của doanh nghiệp được đại diện đã chấp nhận giao dịch hay biết mà không phản đối giao dịch (Trong một phán quyết trọng tài năm 2018 đã chấp nhận). Đồng thời doanh nghiệp được đại diện cũng không được phủ nhận giao dịch nếu có thẩm quyền của mình đã có những ứng xử cho thấy đã chấp nhận giao dịch hay biết giao dịch nhưng không phản đối.

Ví dụ: Trong công ty cổ phần, Người đại diện theo pháp luật là Giám đốc. Giám đốc tự ý Quyết định bán số tài sản có giá trị là 36% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty cho một bên thứ ba, mặc dù theo quy định tại Điều lệ Công ty và theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 135 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông thì Đại hội đồng cổ đông có quyền:

Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty”. 

Như vậy, Giám đốc trong công ty đã thực hiện giao dịch dân sự vượt quá thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật. Trong các trường hợp sau thì Giám đốc sẽ không phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện giao dịch vượt quá thẩm quyền của mình:

Đại hội đồng cổ đông đồng ý bán số tài sản có giá trị là 36% giá trị tài sản của Công ty; Đại hội đồng cổ đông biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý mà Điều lệ Công ty quy định Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện dẫn đến việc người mua số tài sản có giá trị là 36% tổng giá trị tài sản của Công ty không biết hoặc không thể biết về việc người đại diện tự ý Quyết định bán số tài sản của Công ty là đang vượt quá thẩm quyền.

Việc quy định các trường hợp như trên, theo quy định tại khoản 1 điều 143 Bộ luật dân sự 2015 là nhằm đảm bảo cho quyền lợi của đối tác khi ký kết hợp đồng với người vượt quá thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật.

Theo khoản 2, Điều 143 BLDS 2015 về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì “ Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch”.

Theo quy định nêu trên nếu không rơi vào ba trường hợp tại khoản 1 nêu trên thì  người ký sẽ chịu trách nhiệm với đối tác nếu doanh nghiệp không đồng ý hoặc phản đối việc ký kết của họ.

Mặt khác Hợp đồng, giao dịch  trong doanh nghiệp bị vô hiệu khi không thực hiện không đúng quy định tại điều 67, điều 86 Luật doanh nghiệp 2014 đối với Công ty TNHH; không thực hiện đúng quy định tại điều 162 Luật doanh nghiệp 2014 đối với Công ty Cổ phần.

Theo quan điểm của Tòa án Tối cao: theo nguyên tắc chung, khi người đại diện của doanh nghiệp ký hợp đồng thì bên kia không buộc phải biết việc người đại diện có lạm quyền hay không lạm quyền. Do vậy, hợp đồng đó đương nhiên có giá trị ràng buộc đối với doanh nghiệp ngay cả khi người đại diện ký không đúng thẩm quyền hoặc là vượt quá thẩm quyền. Tòa án của các nước thường công nhận hợp đồng và buộc các bên phải thực hiện đúng hợp đồng, trừ trường hợp nó bị vô hiệu về nội dung thì Tòa án mới tuyên vô hiệu.

Nếu việc thực hiện đúng hợp đồng mà gây thiệt hại cho công ty hoặc việc lạm quyền của người đại diện theo pháp luật gây thiệt hại cho công ty thì các cổ đông sẽ phải kiện giám đốc để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu cho phép tuyên hợp đồng vô hiệu vì lý do giám đốc lạm quyền và bên thứ ba có nghĩa vụ phải biết thì sẽ tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh và phá hủy hệ thống về quản trị doanh nghiệp. Tức là các bên không có nghĩa vụ, trách nhiệm giám sát mà tự mỗi bên phải thực hiện các biện pháp để kiểm soát, giám sát. Các nước thống nhất rất rõ nguyên tắc miễn trừ cho bên thứ ba nghĩa vụ phải biết về thẩm quyền của người giao kết hợp đồng trong Luật công ty. Việc áp dụng nguyên tắc này có hai lợi ích:

Thứ nhất, nó đảm bảo sự ổn định trong hoạt động kinh doanh. Thứ hai, nó đòi hỏi công ty phải thiết lập một hệ thống giám sát rất chặt chẽ, tức là các bên tự kiểm soát để hạn chế việc lạm quyền. Có thể nói trong Luật Doanh nghiệp hiện nay không có điều khoản nói rõ tư tưởng này, nhưng khi giải thích pháp luật thì các bản án cần giải thích theo hướng đó.

Tuy nhiên thực tế nhiều cơ quan pháp luật trong những trường hợp cụ thể có cách hiểu và vận dụng pháp luật còn mâu thuẩn và khác nhau.

Ví dụ: Vụ án lừa bán khu (đất vàng) số 4-6 Hồ Tùng Mậu, TP Hồ Chí Minh.

Bị cáoTrương Vui đã chuyển nhượng nhà đất cho Công ty Kim Cương Xanh, thế chấp vay tại ngân hàng - do người người đại diện theo pháp luật thực hiện là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị khởi tố. Mặc dù giao dịch này đã được ký kết bởi người đại diện theo pháp luật, hợp đồng được thực hiện trên thực tế, hội đồng quản trị có nhiều văn bản thể hiện nội dung đồng ý việc thực hiện giao dịch, không có văn bản nào của hôi đồng quản trị, cổ đông, đại hội đồng cổ đông phản đối về giao dịch này, số tiền chuyển nhượng chuyển về công ty là là 141 tỷ đã được công nhận là chuyển về cho Công ty Upexim, bên chuyển nhượng đã bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên Công ty Kim Cương Xanh, hay nói cách khác người đại diện theo pháp luật thực hiện giao dịch dân sự có dấu hiệu vượt quá thẩm quyền trong trường hợp này đáng lẻ cần phải xem xét giá trí pháp lý của giao dịch vượt quá thẩm quyền của người đại diện.

Tuy nhiên cơ quan tố tụng xem xét theo hướng hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án được khởi tố điều tra trừ 05/8/2013 đến nay đã gần 7 năm, đã qua ba lần xét xử sơ thẩm, một lần xét xử phúc thẩm bị hủy án và điều tra lại từ đầu, hiện tại đang tiến hành điều tra lại.

Về vụ án này còn liên quan đến nhiều hành vi phạm tội khác, có nhiều tình tiết phức tạp hơn tuy nhiên trong nội dung chương trình này ta chỉ bàn về việc thực hiện giao dịch vượt quá của người đại diện theo pháp luật, quan điểm của các luật sư bảo vệ cho Trương Vui, cũng như các bên bị hại thì hợp đồng giao dịch mua bán trên có hiệu lực pháp lý. Nói chung trên thực tế vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về hậu quả pháp lý cho giao dịch vượt quá của người đại diện theo pháp luật.

Theo quan điểm của Tòa án tối cao, khi người đại diện của doanh nghiệp ký hợp đồng thì bên kia không buộc phải biết việc người đại diện có lạm quyền hay không lạm quyền. Do vậy, hợp đồng đó đương nhiên có giá trị ràng buộc đối với doanh nghiệp ngay cả khi người đại diện ký không đúng thẩm quyền hoặc là vượt quá thẩm quyền.

Bài học rút ra:

Trước khi thực hiện giao dịch dân sự, cần xem xét bên đại diện có thực hiện đúng phạm vi thẩm quyền của mình hay không trong khả năng của doanh nghiệp, theo nguyên tắc cẩn tắc vô áy náy nên xem xét để tránh trường hợp xẩy ra tranh chấp kéo dài;

Soạn thảo văn bản, hợp đồng chặt chẽ, rõ ràng, mang tính khả thi cao, đúng với điều kiện thực tế, không nên tự ràng buộc mình vào các vấn đề gây khó khăn cho mình. Để tránh các tình trạng tranh chấp xảy ra, Các công ty nên nhờ các Luật sự tư vấn trong việc soạn thảo các văn bản, hợp đồng trong giao dịch dân sự và tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến giao dịch vượt quá thẩm quyền của người đại diện, tạo một vành đai pháp lý đầy đủ để bảo vệ cho doanh nghiệp.

Tham khảo bài viết liên quan:

Không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với khởi kiện đòi nợ

Các tranh chấp nội bộ thường gặp trong doanh nghiệp và các phương thức giải quyết tranh chấp

Tổng hợp 4 quyết định về giám đốc thẩm tranh chấp hợp đồng xây dựng mới nhất

8 Án lệ về giải quyết tranh chấp hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại cần tìm hiểu

5 nội dung cần phải đáp ứng khi viết đơn khởi kiện vụ án dân sự theo thực tiễn tố tụng Việt Nam

16 Án lệ về giải quyết tranh chấp đất đai cần đọc, tìm hiểu trước khi khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai

7 vấn đề pháp lý quan trọng cần tìm hiểu, chuẩn bị trước khi khởi kiện vụ án dân sự để đảm bảo cho việc thắng kiện

Các phương thức thu hồi nợ khi “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” bị cấm.

PV: Xin cảm cơm ơn luật sư!

Hà Thư - Nguyễn Thượng

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.