Với mong muốn đưa đến cho các chủ doanh nghiệp có một nền tảng kiến thức vửng chắc liên quan pháp luật Hợp đồng và pháp luật Kinh doanh nói chung, chúng tôi công ty Luật IPIC xin giới thiệu bài Viết của TS.LS. Đỗ Minh Ánh- Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội là một trong chuyên gia hàng đầu trong pháp luật Kinh doanh. Chúng tôi xin giới thiệu chi tết nội dung bài viết rất mong nhận được sự ủng hộ của các bạn độc giả.
Đề phòng rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp nhập khẩu trong thủ tục kiểm tra sau thông quan
Tham khảo bài Viết: Dịch vụ tư vấn hợp đồng.
Xuất nhập khẩu hàng hóa là một trong những hoạt động quan trọng diễn ra với tần suất lớn trong các giao dịch của một số doanh nghiệp hiện nay. Xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu trong những năm qua đã khiến việc mua bán hàng hóa quốc tế trở thành một hoạt động ngày càng thường xuyên của doanh nghiệp. Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam là được thực hiện công khai, nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo kịp thời đáp ứng nhu cầu của việc nhập khẩu. Theo khoản 3 Điều 77 Luật Hải quan thời hạn kiểm tra sau thông quan là 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Do đó, kết thúc thủ tục hải quan không có nghĩa là doanh nghiệp đã hết trách nhiệm pháp lý nói chung, nghĩa vụ thuế nói riêng liên quan đến hàng hóa nhập khẩu.
Chỉ một chút thiếu cẩn trọng trong quá trình thu thập, chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu từ phía đối tác cũng có thể ảnh hưởng đến việc tự kê khai và tự chịu trách nhiệm đối với hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Độ xác thực của quá trình này không hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp Việt Nam với tư cách là bên nhập khẩu mà còn phụ thuộc khá nhiều vào đối tác nước ngoài với tư cách là bên xuất khẩu. Những sản phẩm hàng hóa đã được thông quan, nhập kho, thậm chí được tiêu thụ trên thị trường nhưng trong vòng 05 năm rất có thể sẽ bị xem xét kiểm tra lại theo thủ tục sau thông quan. Gần đây như báo chí đưa tin, một số doanh nghiệp đã bị truy thu thuế hàng chục tỷ đồng cũng thông qua chính quá trình kiểm tra sau thông quan này. Năm 2011, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã kiểm tra sau thông quan 235 doanh nghiệp, truy thu thuế 38 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 42 tỷ đồng; trong 06 tháng đầu năm 2012, đã kiểm tra gần 90 doanh nghiệp, truy thu thuế hơn 10 tỷ đồng.[1] Tính tới ngày 15/11/2016, Tổng cục Hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 8.311 cuộc của năm 2016, trong đó có 1.157 cuộc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan và đã ra quyết định truy thu 3.090 tỉ đồng (tăng 94% so với cùng kỳ năm 2015)[2]. Quy trình kiểm tra sau thông quan có thể loại bỏ nhiều bất cập trong khai báo trị giá tính thuế, áp dụng chính sách ưu đãi miễn thuế và có đề xuất xử lý, tránh thất thu thuế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp là đối tượng của thủ tục kiểm tra này sẽ phải gánh chịu nhiều hệ lụy nếu có sơ suất dù là vô ý không nhận ra hoặc do quá tin tưởng đối tác nước ngoài trong quá trình chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu.
Nguy cơ tổn thất lợi nhuận của doanh nghiệp
Khi một doanh nghiệp tự kê khai hàng hóa vào diện miễn, giảm thuế trên cơ sở hồ sơ mà doanh nghiệp cho là đầy đủ căn cứ theo quy định pháp luật, sau đó được cơ quan hải quan chấp nhận và được phép miễn thuế vào thời điểm thông quan thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ tận dụng ưu đãi này để giảm giá bán ra của sản phẩm nhằm có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Tuy nhiên, một hoặc hai thậm chí năm năm sau, thủ tục kiểm tra hàng hóa sau thông quan có thể đi đến kết luận của Hải quan là lô hàng không đủ điều kiện để miễn thuế và doanh nghiệp có thể bị truy thu một khoản thuế liên quan đến lô hàng đã bán ra thị trường cách đó 05 năm. Đương nhiên vào thời điểm đó khoản thuế không thể được hạch toán vào giá thành và vô hình chung trở thành một khoản lỗ của doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến việc kiểm tra sau thông quan còn có thể đặt ra vấn đề trách nhiệm pháp lý khác mà doanh nghiệp phải đối mặt nếu thông qua việc kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu tội phạm làm giả giấy tờ hoặc làm giả con dấu, mặc dù đó chưa hẳn là hành vi do chính doanh nghiệp hoặc đối tác tại nước ngoài thực hiện.
Để giải quyết những rủi ro có thể lường trước như trên, một vài giải pháp cần thiết nên được thực hiện:
Thứ nhất, cần thẩm định kỹ năng lực của đối tác
Công việc thẩm định năng lực đối tác không chỉ đơn giản là cập nhật đầy đủ các thông tin tài chính của đối tác mà còn là kiểm tra một cách toàn diện về địa vị pháp lý, tình trạng sản gốc xuất xứ, chất lượng và các giấy tờ chứng minh các yếu tố đó như: giấy chứng nhận xuất xứ (CO), giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng (CQ), giấy chứng nhận hợp quy (CE)… sản phẩm của đối tác, bao gồm:
- Quyền sở hữu trí tuệ: Các giấy tờ chứng mình quyền sở hữu nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền tác giả đối với phần mềm và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác.
- Tư cách pháp nhân của đối tác: Việc kết luận đối tác có phải pháp nhân hợp pháp hay không trước hết cần căn cứ vào pháp luật mà công ty đối tác mang quốc tịch và pháp luật Việt Nam. Nếu cần thiết, các giấy tờ có dấu của cơ quan quốc gia sở tại cấp nên được hợp pháp hóa lãnh sự để đảm bảo tính an toàn và hợp pháp tại Việt Nam mặc dù điều này không bắt buộc trong đa số các trường hợp làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa.
Thứ hai, cần bổ sung thêm căn cứ trong điều khoản phạt hợp đồng (Penalty Clause) có hiệu lực 05 năm
Theo thông lệ thương mại quốc tế, các bên có thể thỏa thuận về một mức phạt tối đa trong các hợp đồng mua bán hàng hóa không trái với hệ thống pháp luật điều chỉnh nội dung Hợp đồng. Trường hợp bên bán/bên xuất khẩu cung cấp CO hoặc các giấy tờ khác không hợp pháp dẫn đến các trách nhiệm pháp lý cho bên mua/bên nhập khẩu thì điều khoản phạt sẽ có tác dụng khắc phục tổn thất cho bên mua hoặc bên nhập khẩu. Mặt khác, điều khoản phạt cũng có thể là công cụ ràng buộc bên bán/bên xuất khẩu trung thực trong việc cung cấp giấy tờ và tạo ra cơ chế giúp bên mua/bên nhập khẩu được đền bù cho những rủi ro phát sinh sau khi hàng hóa đã thông quan trong một thời hạn nhất định. Khi hàng hóa nhập khẩu đã hết thời hiệu kiểm tra thì bên bán/bên xuất khẩu sẽ mặc nhiên được giải phóng khỏi điều khoản phạt hợp đồng. Ngược lại, nếu điều khoản phạt hợp đồng được quy định áp dụng trong các trường hợp vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và chấm dứt khi việc giao nhận hàng hóa đã hoàn tất thì những rủi ro sau thông quan sẽ không được đảm bảo khắc phục bởi bên bán/bên xuất khẩu.
Thứ ba, cần bổ sung trách nhiệm bồi thường trong thời hạn hơn 05 năm đối với việc kiểm tra sau thông quan
Giả sử hàng hóa nhập khẩu bị kiểm tra và xử lý vi phạm sau thông quan thì bên mua/bên nhập khẩu sẽ phải gánh chịu khá nhiều chi phí như: giám định hàng hóa để thu thập bằng hợp chứng, tài liệu; khoản truy nộp thuế, phạt chậm nộp thuế… Đôi khi khoản phạt hợp đồng cho dù áp dụng đến mức tối đa cũng không đủ để đảm bảo bù đắp tổn thất cho bên mua/bên nhập khẩu. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi tối đa cho doanh nghiệp Việt Nam, cần có thêm quy định về bồi thường thiệt hại thực tế phát sinh. Khoản bồi thường này được tính trên cở sở những khoản bên mua phải trả trên thực tế do có sự vi phạm hoặc không trung thực liên quan đến hàng hóa và các tài liệu pháp lý gửi kèm hàng hóa. Tương tự như trên, thời hiệu để áp dụng chế tài bồi thường này cũng phải kéo dài tương ứng với thời hạn cơ quan hải quan bên nhập khẩu có quyền kiểm tra sau thông quan theo quy định pháp luật.
Thứ tư, bổ sung điều khoản bảo lãnh thực hiện hợp đồng (Performance Bond)
Performance Bond - khoản bảo lãnh thực hiện hợp đồng sẽ là giải pháp đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bán sau khi quá trình nhập khẩu hoàn tất, đối ứng với khoản đặt cọc (deposit) của bên mua. Nghĩa vụ bồi thường và nộp phạt của bên bán/bên xuất khẩu sẽ được bảo lãnh bởi một ngân hàng thương mại có uy tín, cam kết thanh toán thay cho bên bán/bên xuất khẩu mọi nghĩa vụ phát sinh trong trường hợp có sự kiện vi phạm ngay cả khi quá trình nhập khẩu đã hoàn tất. Trên cơ sở đó, mọi khoản bồi thường và khoản phạt hợp đồng trở nên khả thi và chắc chắn. Đây là một sự lựa chọn khá hữu hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam bởi không chỉ đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường, phạt mà còn cả các trách nhiệm khác của bên bán/bên xuất khẩu với bên mua/bên nhập khẩu như: Tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, hoàn trả khoản đặt cọc, giao hàng đúng thời hạn…
Điểm thuận lợi của điều khoản bảo lãnh thực hiện hợp đồng là tính minh bạch, khách quan và an toàn vì có sự tham gia của bên thứ ba - một ngân hàng có uy tín và năng lực tài chính. Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận về điều khoản bảo lãnh này là không hề dễ dàng. Bởi lẽ, bên bán sẽ phải cân nhắc giữa lợi nhuận so sánh với khoản phí ngân hàng và khoản lãi phát sinh mà họ phải chịu từ số tiền mà ngân hàng đã đứng ra thanh toán thay. Vì vậy, biện pháp tối ưu nhất cho doanh nghiệp Việt Nam vẫn là thẩm định kỹ năng lực, hồ sơ pháp lý của đối tác và hàng hóa nhập khẩu để giảm khả năng bị phát hiện vi phạm bởi thủ tục kiểm tra sau thông quan của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
TS.LS. Đỗ Minh Ánh
Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội
[1] NPhong, “Hà Nội kiểm tra sau thông quan: Ngăn chặn và đẩy lùi gian lận thuế”, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, http://mof.gov.vn/portal/page/portal/mof_vn/1539781?pers_id=2177092&item_id=64313637&p_details=1, truy cập ngày 06/06/2012.
[2] Khánh Hòa, “Soi doanh nghiệp sau thông quan, truy thu 3090 tỷ tiền thuế”, Báo lao động online, http://laodong.com.vn/kinh-te/soi-dn-sau-thong-quan-truy-thu-3090-ti-tien-thue-614409.bld, truy cập ngày 25/11/2016
Mẫu hợp đồng đại lý phân phối khu vực.
Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa mục đích kinh doanh.