Các phương thức thu hồi nợ khi “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” bị cấm.

15 /072020

Các phương thức thu hồi nợ khi “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” bị cấm.

Người dẫn chương trình: Xin kính chào Quý vị! Rất vui khi được gặp Quý vị trong chương trình tư vấn pháp lý cùng với Luật sư Nguyễn Trinh Đức đến từ Công ty luật TNHH IPIC, một người đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc tư vấn các vấn đề liên quan đến thu hồi nợ. Vấn đề ngày hôm nay mà chúng ta sẽ cùng lắng nghe Luật sư Nguyễn Trinh Đức tư vấn đó chính là: Các phương thức thu hồi nợ khi “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” bị cấm.

Lời đầu tiên, xin cảm ơn Luật sư Nguyễn Trinh Đức đã nhận lời đến với chúng tôi chia sẻ ngày hôm nay. Thưa Luật sư, Như tôi được biết với đa số phiếu tán thành, các Đại biểu Quốc hội chiều 17-6 đã bấm nút thông qua một số sửa đổi đối với Luật đầu tư, trong đó có việc cấm dịch vụ đòi nợ. Vậy Luật sư có thể cho biết ý kiến của mình về vấn đề này được không ạ?

-    Luật sư Nguyễn Trinh Đức- Công ty Luật TNHH IPIC:

     Trước tiên, chúng ta cần phải biết được thu hồi nợ là gì? Thu hồi nợ là yêu cầu bên nợ thanh toán cho bên chủ nợ các khoản tiền, tài sản khác đến hạn/quá hạn mà bên nợ phải trả cho bên chủ nợ theo hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa bên chủ nợ và bên nợ hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

     Chiều 17-6, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua toàn bộ luật Đầu tư (sửa đổi) với 92,34% tán thành và không tán thành là 1,66%. Đa số các ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, nhưng một số ý kiến đề nghị không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo luật hiện hành, đổi tên thành “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và tiếp thu theo đa số ý kiến, có 317/409 đồng ý với phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Biểu quyết về vấn đề này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

     Trong quá trình hoạt động kinh doanh tất yếu phát sinh nợ nần. Trên thực tế, khi bị nợ đọng, Doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục qua Trọng tài, Tòa án và mất nhiều thời gian, chi phí cao. Chỉ thu được 36% các vụ xử, nếu tính trên tổng số vụ việc thì rất thấp, sau khi có bản án hiệu lực thì việc đôn đốc thi hành án cũng rất khó khăn…Vì vậy, các cá nhân doanh nghiệp thường tìm đến dịch vụ thu hồi nợ vì tiện dụng và hiểu quả, chi phí thấp. Tuy nhiên, trong quá trình thu hồi nợ, trên thực tế hoạt động này bị lạm dụng, biến tướng, thậm chí mang màu sắc xã hội đen. Đa số các loại hình đòi nợ thuê đều không lành mạnh, phần lớn công ty đòi nợ thuê đều cấu kết với các băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ và có những hành vi như đánh đập, hành hung, khủng bố, thu giữu phá hoại tài sản trái pháp luật… Những hành động này khiến mất trật tự an ninh - xã hội, góp phần gia tăng các hành vi tệ nạn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội. Hoạt động của dịch vụ kinh doanh thu hồi nợ không những gây nghiêm trọng đến xã hội mà còn khiến nhân dân mất niềm tin đối với các cơ quan chức năng,…Do đó, việc cấm hình thức kinh doanh thu hồi nợ là hợp lí.

-     Người dẫn chương trình: Thưa Luật sư, vậy khi “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” bị cấm thì việc thu hồi nợ được giải quyết theo những hình thức nào thưa Luật sư?

-    Luật sư Nguyễn Trinh Đức- Công ty Luật TNHH IPIC: Khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ bị cấm đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cá nhân sẽ không được kinh doanh dịch vụ này. Do đó, ngoài việc giải quyết qua phương thức tự thương lượng giữa các bên, việc thu hồi nợ được giải quyết theo ba hình thức sau:

1. Giải quyết theo thủ tục Hòa giải;

2. Giải quyết tại Trọng tài thương mại;

3. Giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền.

    Về phương thức giải quyết tự thương lượng giữa các bên, đây là phương thức đơn giản nhất được hầu hết các cá nhân, doanh nghiệp biết đến. Nên sau đây tôi cũng sẽ chỉ tập trung vào ba hình thức giải quyết là: Giải quyết theo thủ tục Hòa giải, Giải quyết tại Trọng tài thương mại, Giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền.

-    Người dẫn chương trình: Vâng, xin cảm ơn Luật sư. Vậy Luật sư có thể nói rõ hơn về thủ tục Hòa giải được không?

-    Luật sư Nguyễn Trinh Đức- Công ty Luật TNHH IPIC:

    Tùy thuộc vào đối tượng và tính chất của khoản nợ mà cá nhân doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức giải quyết khác nhau để thu hồi nợ. Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP có quy định : “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp”. Như vậy, Hòa giải là là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Nói cách khác hòa giải là quá trình các bên đàm phán với nhau về việc giải quyết tranh chấp với sự trợ giúp của một bên thứ ba độc lập (hoà giải viên).

    Hòa giải khác với phương thức thương lượng ở sự có mặt của bên thứ ba (hòa giải viên) và cũng khác với phương thức Trọng tài, Tòa án ở chỗ, hòa giải viên không có quyền xét xử và ra phán quyết như Trọng tài viên hay Thẩm phán. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên chỉ dừng lại ở việc khuyến khích và trợ giúp các bên tìm ra một giải pháp mang tính thực tế mà tất cả các bên liên quan đều có thể chấp nhận sau khi xem xét, nghiên cứu những lợi ích và nhu cầu của họ.

-    Người dẫn chương trình: Vậy so với các phương thức giải quyết khác, phương thức giải quyết bằng hòa giải có những ưu điểm hạn chế nào thưa Luật sư?

-    Luật sư Nguyễn Trinh Đức- Công ty Luật TNHH IPIC

     Phương thức giải quyết Hòa giải là phương thức được sử dụng rộng rãi do khi áp dụng phương thức hòa giải sẽ giữu được mối quan hệ giữa các bên vì phương thức hòa giải trên tinh thần hợp tác, tự nguyện thỏa thuận và tính xây dựng của cả bên chủ nợ và bên nợ được thể hiện. Do đó, trong quá trình giải quyết khoản nợ đảm bảo việc duy trì mối quan hệ giữa bên chủ nợ và bên nợ. Phương thức hòa giải không giống theo như phương thức giải quyết tại Trọng tài hay Tòa án. Do trình tự thỏa thuận linh động, bên chủ nợ và bên nợ có thể đưa ra thỏa thuận trên tinh thần hợp tác của hai bên nên việc giải quyết theo phương thức thỏa thuận hòa giải diễn ra nhanh chóng.

    Khi hòa giải tranh chấp, các bên phải tuân theo nguyên tắc hòa giải được quy định tại điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP : “Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật”. Do đó, khi giải quyết theo phương thức hòa giải các bên phải tuân thủ nguyên tắc giữ bí mật các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải. Chính vì vậy, thu hồi nợ theo phương thức hòa giải luôn mang tính riêng tư, bí mật…  So với phương thức giải quyết tại Tòa án và Trọng tài thương mại thì Hòa giải không phải tuân thủ một trình tự thủ tục phức tạp, có thể phải diễn ra tại nhiều cấp, do đó sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian cho cả bên chủ nợ và bên nợ.

      Tuy nhiên, chính vì phương pháp hòa giải chỉ được xảy ra khi các bên có thỏa thuận, phương thức giải quyết này bên chủ nợ và bên nợ có vai trò là trung tâm, hai bên chủ động thỏa thuận để giải quyết khoản nợ, kết quả giải quyết cũng do hai bên quyết định. Nên trong những diễn biến, trường hợp phức tạp có thể dẫn đến hai bên không thỏa thuận được và xảy ra tranh chấp gay gắt hơn.

-    Người dẫn chương trình: Vậy còn giải quyết tại Trọng tài thương mại thì sao thưa Luật sư?

-   Luật sư Nguyễn Trinh Đức- Công ty Luật TNHH IPIC:

   Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại. Tại trọng tài Việt Nam sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

    Khi giải quyết bằng phương thức Trọng tài thương mại, do theo nguyên tắc các bên được tự thỏa thuận nên hương thức trọng tài rất phù hợp cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí và sự thoải mái. Doanh nghiệp được thỏa thuận về thời gian, địa điểm, trọng tài viên phù hợp, ngôn ngữ, luật giải quyết tranh chấp…Không những vậy, khi giải quyết bằng phương thức Trọng tài thì có tính thi hành cao do quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài có một cấp xét xử. Theo quy định tại khoản 5 điều 4 Luật trọng tài thương mại 2010 có quy định : “Phán quyết trọng tài là chung thẩm”. Điều đó đồng nghĩa với việc Hội đồng trọng tài khi đưa ra phán quyết thì phán quyết đó có hiệu lực thi hành ngay, các bên không được quyền kháng cáo lên Trọng tài cấp trên hoặc ra Tòa án. Tuy nhiên, các bên vẫn có quyền thách thức phán quyết của Trọng tài ra Tòa án, có quyền yêu cầu Hủy phán quyết của Trọng tài.

   Một trong những ưu điểm khi giải quyết việc thu hồi nợ tại Trọng tài thương mại có ưu điểm hơn so với Tòa án đó là tính bảo mật thông tin. Thủ tục Tòa án công khai nên đôi khi sẽ bị ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, đó là những điều doanh nghiệp không mong muốn. Doanh nghiệp luôn muốn giữ những bí mật thông tin như bí quyết công nghệ thông tin, bí quyết kinh doanh, quy trình sản xuất, các tài liệu quan trọng liên quan đến quá trình kinh doanh của công ty,…Khi giải quyết theo phương thức Trọng tài, những tài liệu này sẽ được giữ bí mật. Do đó, đây là một trong những ưu điểm khi giải quyết bằng phương thức Trọng tài. Ngoài ra, các cá nhân doanh nghiệp chọn phương thức giải quyết Tòa án thì bản án của Tòa án chỉ thi hành được ở Việt Nam mà không thi hành được ở nước ngoài. Còn chọn phương thức Trọng tài thương mại thì phán quyết trọng tài được công nhận và cho thi hành trên 150 quốc gia.

   Bên cạnh những ưu điểm thì khi chọn phương thức giải quyết bằng Trọng tài cũng có những hạn chế như chi phí Trọng tài thường cao hơn Tòa án, tính cưỡng chế thi hành của Trọng tài không cao bằng Tòa án. Do phán quyết trọng tài là chung thẩm, nên trong trường hợp Trọng tài đưa ra phán quyết không chính xác sẽ gây ra hậu quả không đáng có cho các bên. Các bên có thể đề nghị hủy phán quyết tại Tòa án nhưng sẽ dẫn đến việc mất thời gian, chi phí, công sức hơn.

-  Người dẫn chương trình: Vâng, cảm ơn Luật sư. Vậy khi giải quyết theo phương thức Trọng tài thì doanh nghiệp cần phải lưu ý những gì thưa Luật sư?

-   Luật sư Nguyễn Trinh Đức- Công ty Luật TNHH IPIC:

     Khi tham gia phương thức giải quyết Trọng tài, doanh nghiệp cần phải lưu ý rất nhiều vấn đề như về chi phí, thời gian, thời hiệu, quy trình thủ tục, khả năng thi hành phán quyết Trọng tài ra sao?...Tuy nhiên, sau đây tôi xin đưa ra một lưu ý mà doanh nghiệp cần phải quan tâm khi thực hiện phương thức giải quyết Trọng tài:

   Thứ nhất, phải có thỏa thuận Trọng tài: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài 2010 có quy định : “ Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài.” Do vậy, đây là một trong những điều kiện bắt buộc để hai bên thực hiện giải quyết theo phương thức Trọng tài. Về nguyên tắc, phương thức Trọng tài vẫn được sử dụng ngay khi trong Hợp đồng mà hai bên kí kết không có điều khoản về trọng tài. Đó là khi tranh chấp về thu hồi nợ đã phát sinh, các bên ngồi lại với nhau để thỏa thuận đưa tranh chấp đó ra giải quyết bằng phương thức trọng tài.

     Thứ hai, trước khi khởi kiện doanh nghiệp phải lưu ý một số vấn đề để đưa ra quyết định sao cho phù hợp như: Liệu hai bên còn có thể thỏa thuận thương lượng được nữa hay không? Vì ngoài những ưu điểm ra thì khi khởi kiện tại Trọng tài thương mại thì sẽ gây tốn kém chi phí, mất thời gian, làm sứt mẻ mối quan hệ giữa các bên. Ngoài ra, cần phải lưu ý về thời hiệu khởi kiện? Cần phải xem xét thời hiệu khởi kiện còn hay không? Theo quy định tại Điều 33 Luật trọng tài thương mại 2010 có quy định về thời hạn khởi kiện là 02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác. Các bên cũng cần phải quan tâm đến khả năng thi hành phán quyết của Trọng tài. Bởi khi chọn phương thức giải quyết tại Trọng tài, chi phí tham gia khởi kiện cao. Trong trường hợp doanh nghiệp bị kiện không có khả năng thanh toán, bị phá sản thì phán quyết trọng tài sẽ không có khả năng thi hành mà doanh nghiệp khởi kiện còn có thể mất luôn lệ phí khi tham gia thủ tục khởi kiện tại Trọng tài.

    Thứ ba, doanh nghiệp cần phải lưu ý sau khi nhận được phán quyết Trọng tài. Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được phán quyết của Trọng tài trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, một bên có thể: Yêu cầu Hội đồng Trọng tài sửa chữa, giải thích phán quyết Trọng tài, lập phán quyết tọng tài bổ sung; Yêu cầu Tòa án hủy phán quyết Trọng tài.

-   Người dẫn chương trình: Vâng, cảm ơn Luật sư. Vậy đối với việc giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền thì sao thưa Luật sư?

Luật sư Nguyễn Trinh Đức- Công ty Luật TNHH IPIC: Phương thức giải quyết tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước được Tòa án thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ.

    Khác với phương thức giải quyết Trọng tài, các bên sẽ không được lựa chọn ai sẽ là người giải quyết tranh chấp của mình. Đối với giải quyết bằng phương thức Tòa án, Tòa án sẽ hoàn toàn quyết định Hội đồng xét xử giải quyết tranh chấp.

    Khi giải quyết theo phương thức này sẽ giải quyết thông qua hai cấp xét xử là Sơ thẩm và Phúc thẩm. Ví dụ: khi doanh nghiệp khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng cho vay thì nếu như một trong hai bên không đồng ý với phán quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện thì có thể kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh là cấp xét xử Phúc thẩm. Phán quyết của Tòa án phúc thẩm là phán quyết cuối cùng và có hiệu lực thi hành. Mặc dù các bên có quyền kháng cáo khi không đồng ý với Phán quyết của Tòa án, tuy nhiên các bên khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng Tòa án sẽ tốn chi phí và thời gian vì phán quyết của Tòa án cấp Sơ thẩm thường bị kháng cáo, phải qua nhiều cấp xét xử dẫn đến việc ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của các bên. Cũng chính vì đặc thù này mà thủ tục của Tòa án thiếu linh hoạt hơn do đã được pháp luật quy định từ trước.

    Việc xét xử theo phương thức giải quyết bằng Tòa án có giá trị cưỡng chế thi hành án. Nếu các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế bởi Cơ quan thi hành án. Do đó, khi giải quyết bằng phương thức này, các bên sẽ bắt buộc phải thực hiện theo phán quyết của Tòa án, quyền và nghĩa vụ của các bên được đảm bảo thực hiện. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định : “2. Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín”. Do đó, việc xét xử công khai ở Tòa án sẽ có tính răn đe đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong hoạt động cho vay. Các doanh nghiệp khác cũng có thể biết được và phòng tránh được phần nào rủi ro cho doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, vì tính chất giải quyết công khai nên những vấn đề về bí mật kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp trên thường trường không được đảm bảo.

-  Người dẫn chương trình: Vậy khi giải quyết theo phương thức giải quyết tại Tòa án thì doanh nghiệp ần phải lưu ý những vấn đề gì thưa Luật sư?

-  Luật sư Nguyễn Trinh Đức- Công ty Luật TNHH IPIC: Khi giải quyết theo phương thức giải quyết tại Tòa án, doanh nghiệp cần phải lưu ý rất nhiều vấn đề như thời gian, thời hiệu, chi phí, khả năng thi hành phán quyết của Tòa án, ….Tuy nhiên, ở dưới đây tôi sẽ trình bày một vài lưu ý cơ bản mà doanh nghiệp khi tham gia giải quyết bằng phương thức này cần phải lưu ý:

    Thứ nhất, doanh nghiệp cần phải lưu ý về thời hiệu khởi kiện bởi trên thực tế vấn đề về thời hiệu khởi kiện là một vấn đề phức tạp: Theo quy định của BLTTDS 2015 thì Tòa án chỉ áp dụng thời hiệu khởi kiện khi có yêu cầu của đương sự. Do đó, chỉ khi có yêu cầu khởi kiện của đương sự thì Tòa án mới áp dụng thời hiệu khởi kiện. Khi xác định thời hiệu khởi kiện doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện là khi nào? Và các định được các sự kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện hoặc làm cơ sở tính lại thời hiệu khởi kiện từ đầu.

     Thứ hai, doanh nghiệp cần phải lưu ý đến chứng cứ chứng minh mình có vi phạm hoặc không vi phạm bởi Tòa án chỉ giải quyết khi có chứng cứ chứng minh. Do đó, đây là một trong những điểm mà doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý và cần phải chuẩn bị ngay từ đầu trước khi khởi kiện. Ngay trong quá trình thực hiện hợp đồng vay các bên cần phải có sự theo dõi, thu thập chứng cứ chứng minh bên nợ có thực hiện đúng quy định của hợp đồng hay không nếu hai bên kí kết hợp đồng vay? Có vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ hay không? Bên cho nợ phải thu thập các giấy tờ tài liệu cần phải xem xét như các chứng từ giấy tờ liên quan đến quá trình thực hiện hợp đồng, các giao dịch của các bên nên thực hiện bằng văn bản,...Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải xem xét doanh nghiệp bị kiện có khả năng thanh toán hay không? Ví dụ như trong trường hợp doanh nghiệp bị kiện bị phá sản không có khả năng thanh toán thì doanh nghiệp không nên khởi kiện, tránh mất chi phí và thời gian cho phía doanh nghiệp mình. Trong trường hợp, bên bị kiện thực hiện các biện pháp để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình thì phía doanh nghiệp khởi kiện có quyền yêu cầu Thẩm phán thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời. (Ví dụ như trường hợp A khởi kiện B để đòi doanh nghiệp B thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho mình. Tuy nhiên, B lại chuyển tài sản duy nhất của mình là quyền sở hữu nhà ở cho bên thứ ba để nhằm trốn tránh nghĩa vụ. Trong trường hợp A biết được chuyện này thì có thể yêu cầu Thẩm phán áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của B). Bên khởi kiện yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho bên bị kiện hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường. Tuy nhiên, trên thực tế Tòa án ít sử dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

    Thứ ba, doanh nghiệp cần lưu ý sau khi nhận được phán quyết của Tòa án: Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về thời hạn kháng cáo. Theo đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm, thì các bên có quyền kháng cáo. Như vậy, trong trường hợp các bên không đồng ý với phán quyết của Tòa án cấp Sơ thẩm thì trong vòng 15 ngày các bên có quyền kháng cáo.

-   Người dẫn chương trình: Thưa Luật sư, có thể thấy phương pháp Hòa giải là phương pháp ít tốn thời gian, chi phí nhất, có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, lại không có tính thi hành do phương thức Hòa giải chỉ xảy ra khi các bên có thỏa thuận. Hai bên chủ động để giải quyết các khoản nợ, kết quả giải quyết cũng do hai bên quyết định. Vậy thì khi hai bên không thỏa thuận được theo phương thức Hòa giải thì doanh nghiệp có thể chọn cả hai phương thức giải quyết là Trọng tài hay Tòa án hay không?

-    Luật sư Nguyễn Trinh Đức- Công ty Luật TNHH IPIC:

     Theo quy định tại Điều 6 Luật trọng tài thương mại năm 2010 có quy định :“ Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được”. Căn cứ theo Điều 19 Luật trọng tài 2010 cũng có quy định về tính độc lập của thỏa thuận trọng tài. Theo đó : “Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài”.

    Như vậy, khi hai bên không thỏa thuận được theo phương thức Hòa giải thì doanh nghiệp không được chọn cả hai phương thức giải quyết là Trọng tài hay Tòa án. Trong trường hợp hai bên có thỏa thuận chọn phương thức giải quyết là Trọng tài thì khi xảy ra tranh chấp, các bên sẽ không được yêu cầu Tòa án giải quyết nữa, mà buộc phải giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại. Việc lựa chọn phương thức nào phụ thuộc vào sự thống nhất của các bên từ khi các bên đàm phán và kí kết hợp đồng vay. Nếu các bên muốn tranh chấp của mình được giải quyết bằng Trọng tài thương mại thì các bên phải có sự thỏa thuận ngay từ đầu hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng vay để thỏa thuận bổ sung. Nếu không có thỏa thuận về tranh chấp trọng tài thì đương nhiên tranh chấp đó sẽ giải quyết bằng Tòa án.

-   Người dẫn chương trình: Vâng, cảm ơn Luật sư. Thưa Quý vị, như chúng ta thấy thì hiện nay “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” bị cấm. Ngoài việc giải quyết theo phương thức tự thương lượng giữa các bên, việc thu hồi nợ chỉ được thực hiện thông qua ba hình thức: Giải quyết theo thủ tục Hòa giải; Giải quyết theo thủ tục Trọng tài thương mại; Giải quyết theo thủ tục của Tòa án có thẩm quyền. Để tránh xảy ra tranh chấp liên quan đến thu hồi nợ, các doanh nghiệp phải biết bảo vệ mình trước những rủi ro trong các hoạt động kinh doanh

Tham khảo bài viết liên quan:

Không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với khởi kiện đòi nợ!

Các tranh chấp nội bộ thường gặp trong doanh nghiệp và các phương thức giải quyết tranh chấp

Tổng hợp 4 quyết định về giám đốc thẩm tranh chấp hợp đồng xây dựng mới nhất

8 Án lệ về giải quyết tranh chấp hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại cần tìm hiểu

5 nội dung cần phải đáp ứng khi viết đơn khởi kiện vụ án dân sự theo thực tiễn tố tụng Việt Nam

16 Án lệ về giải quyết tranh chấp đất đai cần đọc, tìm hiểu trước khi khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai

7 vấn đề pháp lý quan trọng cần tìm hiểu, chuẩn bị trước khi khởi kiện vụ án dân sự để đảm bảo cho việc thắng kiện

    Từ những chia sẻ của Luật sư Nguyễn Trinh Đức đến từ Công ty Luật TNHH IPIC, một người đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc tư vấn các vấn đề liên quan đến thu hồi nợ, chúng tôi hi vọng Quý vị có những cái nhìn cụ thể hơn về chủ để này, để có những quyết định phù hợp nhất trong hoạt động liên quan đến thu hồi nợ.

   Cảm ơn những chia sẻ ý nghĩa của Luật sư.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.