Bảo vệ quyền của cổ đông công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2014

07 /082017

Bảo vệ quyền của cổ đông công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2014

Với mong muốn đưa đến cho các chủ doanh nghiệp có một nền tảng kiến thức vửng chắc liên quan pháp luật Hợp đồng và pháp luật Kinh doanh nói chung, chúng tôi công ty Luật IPIC xin giới thiệu bài Viết của ThS. Vũ Thị Hồng Yến là một trong chuyên gia hàng đầu trong pháp luật Hợp đồng và Pháp Luật Dân sự. Chúng tôi xin giới thiệu chi tết nội dung bài viết rất mong nhận được sự ủng hộ của các bạn độc giả.

Tham khảo bài Viết: Dịch vụ tư vấn hợp đồng.

Bảo vệ quyền của cổ đông công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp năm 2014

Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, bắt đầu từ Luật Công ty năm 1990, cho đến Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và hiện nay là Luật Doanh nghiệp năm 2014, mô hình công ty cổ phần ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với một trong những nguyên tắc pháp lý quan trọng là hướng đến và duy trì việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông. Bởi lẽ, khi quyền lợi của các cổ đông trong công ty cổ phần được bảo đảm, thì các nhà đầu tư sẽ yên tâm trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình. Qua đó góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh và nâng cao hiệu quả của việc huy động vốn cho nền kinh tế. Trong bài viết này, tác giả phân tích những điểm mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về cơ chế bảo vệ cổ đông trong công ty cổ phần và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ quyền lợi của cổ đông trong công ty cổ phần.
Theo Nguyên tắc và Tiêu chí quản trị công ty tốt do Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra thì cổ đông có các quyền cơ bản mà mỗi công ty phải cân nhắc bảo đảm, bao gồm: Quyền được sở hữu, đăng ký, chuyển nhượng cổ phiếu;  quyền được công ty cung cấp các thông tin phù hợp, đặc biệt là về những giao dịch lớn có ảnh hưởng đến công ty; quyền được tham gia, bỏ phiếu tại các đại hội cổ đông; quyền được bầu chọn, bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị (HĐQT); quyền được chia lợi nhuận từ công ty.
Việc bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư ở Việt Nam theo tinh thần Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có nhiều tiến bộ tích cực. Luật này đã có một số quy định bổ sung nhằm định hình cơ chế bảo vệ các quyền của cổ đông, trong đó có cổ đông thiểu số; có thêm phương thức tăng cường tạo thuận lợi cho cổ đông thực hiện quyền khởi kiện người quản lý khi cần thiết; trình tự, thủ tục khởi kiện đã rút gọn đơn giản hơn, khắc phục bất cập về chi phí cho các cổ đông - nguyên đơn.
Trong mục tiêu ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2014, Ban soạn thảo cho rằng1, “việc tăng xếp hạng của Việt Nam về bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông trong bảng xếp hạng quốc tế khoảng 60 bậc, từ mức gần cuối cùng hiện nay (160) lên khoảng 100 cũng là mục tiêu trọng yếu mà Luật Doanh nghiệp mới cần đạt được khi ban hành”2. Mục tiêu trên được các đại biểu Quốc hội đặt ra song song với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, tiến tới trong tương lai sẽ tăng mức xếp hạng lên khoảng thứ 50 thông qua việc tiếp tục hài hòa hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, cùng một số thủ tục khác như đăng ký bảo hiểm, thuế, lao động… thông qua đầu mối một cửa, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Đến năm 2016, sau hơn 01 năm Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực, Việt Nam đã có bước tiến bộ rõ rệt, chỉ số bảo vệ cổ đông thiểu số đã vượt 38 bậc, đứng thứ 122 trong bảng xếp hạng quốc tế3. Trong chỉ số bảo vệ cổ đông thiểu số, các chỉ số thành phần Việt Nam đạt cao nhất là 7/10 về yêu cầu công khai minh bạch và chỉ số quyền của cổ đông; trong khi đó, thấp nhất là chỉ số về sự dễ dàng trong việc khởi kiện người quản lý công ty là 1/10 và trách nhiệm của người quản lý, thành viên HĐQT chỉ là 3/10. Để có được bước tiến bộ rõ rệt và cải thiện chỉ số bảo vệ cổ đông thiểu số trong bảng xếp hạng quốc tế như đã nêu trên, trước hết phải đánh giá tới vai trò của các mô hình quản lý công ty được Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định nhằm tăng cường hiệu quả quản trị, hướng tới bảo vệ cổ đông công ty cổ phần như: Bổ sung thêm mô hình quản trị doanh nghiệp theo mô hình quản trị đơn hội đồng đối với công ty cổ phần để phù hợp với thực tiễn tốt của quốc tế và tăng thêm lựa chọn cho nhà đầu tư; mở rộng cho công ty quy định nguyên tắc quản trị doanh nghiệp cụ thể hơn, chi tiết hơn so với Luật Doanh nghiệp năm 2005 hoặc chỉ áp dụng quy định của Luật nếu điều lệ không có quy định khác, như áp dụng nguyên tắc bầu dồn phiếu, trình tự, thủ tục triệu tập họp, cách thức biểu quyết tại cuộc họp… Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 thừa nhận giá trị pháp lý của cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), HĐQT dưới hình thức hội nghị trực tuyến hoặc phương tiện thông tin tương tự khác.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có những nội dung sửa đổi cơ bản nhằm tăng cường cơ chế bảo vệ cổ đông trong công ty cổ phần được thể hiện như sau:
1. Về mô hình quản trị công ty 
Theo thông lệ quốc tế hiện nay, có hai mô hình quản trị công ty cổ phần phổ biến là: (i) Mô hình đơn hội đồng (ĐHĐCĐ, HĐQT, Giám đốc/Tổng giám đốc);  (ii) Mô hình đa hội đồng (ĐHĐCĐ, HĐQT, Ban kiểm soát và Giám đốc, Tổng giám đốc).
 Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì công ty cổ phần chỉ được tổ chức theo một mô hình duy nhất là mô hình đa hội đồng. Thực tế áp dụng cho thấy, mô hình quản trị đa hội đồng không còn phù hợp thực tế đa dạng của doanh nghiệp về quy mô, tính chất sở hữu và sự đa dạng của cách thức quản trị công ty. Quy định này cũng không phù hợp sự phát triển của thông lệ quốc tế tốt trong khi nhiều quốc gia cho phép công ty cổ phần được tùy ý lựa chọn áp dụng một trong hai mô hình quản trị nói trên.
Luật Doanh nghiệp năm năm 2014 đã có sửa đổi và quy định công ty được lựa chọn áp dụng mô hình quản trị đơn hội đồng hoặc đa hội đồng (Điều 134). Trừ trường hợp pháp luật chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có thể lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai cách sau:
- Mô hình đa hội đồng: ĐHĐCĐ, HĐQT, Ban kiểm soát và Giám đốc, Tổng Giám đốc. Trong trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty, thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
- Mô hình đơn hội đồng: ĐHĐCĐ, HĐQT và Giám đốc, Tổng Giám đốc. Trong trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.
Bên cạnh việc trao quyền lựa chọn áp dụng mô hình quản trị, điều hành công ty, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng đưa ra quy định cho phép công ty có quyền cử một hoặc nhiều người đại diện, trong đó nhấn mạnh vai trò của Chủ tịch HĐQT và Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật nếu công ty có nhiều đại diện. Cụ thể: “Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch HĐQT và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty” (khoản 2 Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
Quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng thống nhất với Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ cho phép pháp nhân có một người đại diện theo pháp luật. Lý do của quy định trước đây là nhằm để xác định rõ về trách nhiệm và tránh phát sinh rắc rối trong quản lý. Tuy nhiên, quy định này không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, sự chủ động và năng động trong hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015 đã cùng thống nhất đưa ra quy định mới sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật. Đồng thời, Điều 13 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 bổ sung quy định rõ hơn về nội dung đại diện của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Với phạm vi rộng về đại diện như vậy, quy định về doanh nghiệp có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật sẽ tạo điều kiện pháp lý tốt hơn cho doanh nghiệp khi tham gia các hoạt động kinh doanh.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định công ty cổ phần có quyền tự chủ quyết định về số đại diện, chức danh quản lý, quyền và nghĩa vụ của những người đại diện theo pháp luật của công ty phải được ghi rõ trong điều lệ. Như vậy, điều lệ công ty là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định người đại diện. Với quy định này, điều lệ là cơ sở nền tảng để pháp nhân quyết định phạm vi đại diện và cử ra người đại diện cho mình; quy định này cũng tương thích với nội dung của Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 25 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng có quy định người đại diện được quy định tại điều lệ công ty. Đây là một vấn đề quan trọng của điều lệ cùng với các nội dung chủ yếu khác như: Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty…Đối với công ty, công ty cổ phần, điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp phải có họ, tên và chữ ký của một số người cụ thể, trong đó bắt buộc phải có người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức. Điều lệ được sửa đổi, bổ sung phải có họ, tên và chữ ký của người đại diện theo pháp luật đối với công ty cổ phần.
Về trách nhiệm người đại diện theo pháp luật, quy định tại Điều 14 Luật Doanh nghiệp năm 2014 yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm: (i) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; (ii) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; (iii) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác. Đồng thời, Luật cũng xác định rõ người đại diện phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những hành vi vi phạm các nghĩa vụ trên đây nếu thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung khá hợp lý về việc cử đại diện và phạm vi đại diện của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo thông lệ, nhiều nước cũng quy định, áp dụng nguyên tắc “trung thành, cẩn trọng” để yêu cầu người đại diện pháp nhân phải tuân thủ vì lợi ích của pháp nhân, quá trình thực hiện vai trò đại diện theo pháp luật, phải phục vụ hướng tới lợi ích của pháp nhân trong giao dịch dân sự. Theo PGS.TS. Bùi Xuân Hải4, pháp luật một số nước phương Tây cũng có quy tắc kiểm soát, yêu cầu người đại diện không lạm dụng vai trò đại diện để trục lợi, nhận giá trị vật chất hoặc làm thiệt hại đến lợi ích của pháp nhân.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có các quy định chi tiết hơn và bổ sung một số quyền của Ban kiểm soát gồm: Tham dự và thảo luận tại các cuộc họp của Hội đồng thành viên, cuộc họp của công ty; nhiệm vụ đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty (từ Điều 163 đến Điều 168). Các quy định mới nhằm khắc phục hạn chế và tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của Ban kiểm soát. Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bổ sung quy định chi tiết hơn và bổ sung một số quyền của Ban kiểm soát, như quyền và nhiệm vụ của Ban kiểm soát; quyền được cung cấp thông tin của Ban kiểm soát. Ngoài ra, khoản 2 Điều 166 được bổ sung nhằm mở rộng quyền tiếp cận thông tin cho Ban kiểm soát; theo đó, các nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị phải được gửi đến cho các thành viên Ban kiểm soát cùng thời điểm và theo phương thức như đối với cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị. 
2. Quy định pháp luật mới bảo vệ các quyền lợi của cổ đông 
Để hoàn thiện chính sách, luật pháp liên quan, tăng cường hiệu quả bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư cổ đông ở nước ta, các giải pháp khắc phục các bất cập đã được Luật Doanh nghiệp năm 2014 sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
Về quy định giảm tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định ĐHĐCĐ: Luật quy định giảm xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định “đặc biệt” (khoản 1 và khoản 2 Điều 144 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định (trước kia theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 tỷ lệ là 65% và 75%).
Theo ý kiến một số chuyên gia5, quy định tỷ lệ càng lớn sẽ hạn chế được sự độc đoán, chuyên quyền của các cổ đông lớn, bảo vệ quyền và lợi ích cho các cổ đông thiểu số. Nhưng thực tế có trường hợp một cổ đông sở hữu 15,5% hoàn toàn ngăn cản được việc thông qua quyết định của ĐHĐCĐ vì điều lệ quy định quyết định của ĐHĐCĐ được thông qua nếu được 85% cổ phần có quyền biểu quyết chấp thuận. Nếu quy định tỷ lệ thông qua quyết định, nghị quyết ĐHĐCĐ cao thì vẫn phải tính đến trường hợp cổ đông nhỏ lợi dụng quyền phủ quyết của mình làm cho hoạt động của công ty đình trệ nhằm mưu cầu lợi ích riêng. Thậm chí có những công ty mà Nhà nước chỉ nắm 36%, thậm chí 26% đã có quyền phủ quyết các vấn đề quan trọng gây khó khăn cho người điều hành. Hiện nay, nhiều công ty niêm yết không triệu tập được do không đủ 65% số cổ phần đến dự họp. Do vậy, để đưa ra một tỷ lệ hợp lý bảo vệ hài hòa quyền và lợi ích cho tất cả các cổ đông công ty là vô cùng cần thiết, cần cân nhắc kỹ lưỡng6. Như vậy, việc giảm tỷ lệ biểu quyết trong Luật nhằm thể hiện được mục đích bảo vệ cổ đông nhỏ trước cổ đông lớn, tuy nhiên thực tế khi thi hành quy định mới có thể dẫn đến khả năng tác dụng ngược, vì chỉ cần một phiếu biểu quyết của cổ đông lớn đã quyết định được việc thông qua hay không thông qua được quyết định của ĐHĐCĐ.
Về tỷ lệ quy định đối với điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông và tỷ lệ biểu quyết thông qua tại ĐHĐCĐ: Cổ đông là người đã góp vốn vào công ty cổ phần bằng cách mua cổ phần của công ty nên họ có quyền lợi đối với công ty tương ứng với phần vốn góp của mình. Tuy nhiên, đặc trưng của công ty cổ phần là sự tách bạch giữa sở hữu và quản lý, có những lúc người quản lý, bao gồm HĐQT, Ban Giám đốc và các chức danh quản lý khác không hành động vì mục tiêu tối đa hóa của cải cho các cổ đông. Lúc này, các xung đột về lợi ích giữa cổ đông và người quản lý xuất hiện và phần lớn các trường hợp, người bị thiệt hơn cả là các cổ đông mà đặc biệt là các cổ đông thiểu số. Hơn nữa, do quyền của các cổ đông được tính tương ứng với số vốn đã góp vào công ty nên các cổ động thiểu số càng bị áp đảo bởi các cổ đông kiểm soát với số vốn góp nhiều hơn.
Để bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông thiểu, Điều 141 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã sửa đổi tỷ lệ quy định đối với điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ. Nếu trước đây (Điều 102 Luật Doanh nghiệp năm 2005) quy định: Cuộc họp ĐHĐCĐ lần thứ nhất được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, lần thứ hai là 51%; thì nay theo khoản 1 và 2 Điều 141 Luật Doanh nghiệp năm 2014, điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ lần lượt với các tỷ lệ tương ứng với lần thứ nhất, lần thứ hai là 51%, 33% và lần thứ ba giữ nguyên không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp. Việc quy định tỷ lệ theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 rõ ràng tạo điều kiện cho các cổ đông thiểu số thực hiện quyền tiến hành họp ĐHĐCĐ được dễ dàng hơn vì các cổ đông nhỏ thì sở hữu ít cổ phần nên họ phải phối hợp với nhau để tạo thành nhóm cổ đông đạt tỷ lệ đủ điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ lần thứ hai mà không cần phải chờ đến lần thứ ba.
Về quy định bổ sung quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của cổ đông: Điều 160 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định chi tiết hơn về bổn phận người quản lý công ty (gồm thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác) có trách nhiệm  bảo đảm quyền và lợi ích của cổ đông và công ty theo nguyên tắc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao theo đúng quy định của Luật. Cụ thể: (i) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao theo đúng quy định của Luật Doanh nghiêp năm 2014 và điều lệ công ty, nghị quyết của ĐHĐCĐ; (ii) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty; (iii) Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; (iv) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về doanh nghiệp mà họ và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có phần vốn góp, cổ phần chi phối; thông báo này được niêm yết tại trụ sở chính và chi nhánh của công ty.
Về quyền của cổ đông khởi kiện người quản lý công ty: Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có cải tiến phù hợp các thông lệ nêu trên, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn cho các cổ đông giám sát, khi phát hiện vi phạm sẽ tự quyết định việc khởi kiện người quản lý. Quy định chi tiết hơn về bổn phận người quản lý công ty; luật hóa và đơn giản hóa trình tự, thủ tục khởi kiện người quản lý nhằm tạo thuận lợi hơn cho cổ đông theo dõi, giám sát và khởi kiện người quản lý khi cần thiết. Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (Điều 161). So với Luật Doanh nghiệp năm 2005, trình tự khởi kiện người quản lý của cổ đông đã được đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn cho các cổ đông. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, thủ tục khởi kiện phức tạp và không hiệu quả vì quy định đặt ra điều kiện cổ đông, nhóm cổ đông chỉ được khởi kiện người quản lý, Giám đốc/Tổng giám đốc nếu Ban kiểm soát không khởi kiện theo yêu cầu của cổ đông/nhóm cổ đông. Tức là, cổ đông không trực tiếp khởi kiện người quản lý mà phải thông qua Ban kiểm soát, sau đó nếu Ban kiểm soát không đáp ứng được yêu cầu của cổ đông thì mới thực hiện khởi kiện. Đây được xem là rào cản, gây chậm trễ cho cổ đông trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Với quy định hiện hành, cổ đông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc mà không cần phải qua Ban kiểm soát của công ty nữa. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí của công ty (khoản 2 Điều 161).
Quy định về bổ sung yêu cầu công khai hóa thông tin kịp thời và đầy đủ đối với công ty cổ phần: Vấn đề công khai thông tin của công ty cổ phần (quy định tại Điều 129 Luật Doanh nghiệp năm 2005 trước đây) đã được sửa đổi cơ bản theo Điều 171 Luật Doanh nghiệp năm 2014 để tương thích với thông lệ quốc tế với các yêu cầu công khai hóa các nội dung về điều lệ doanh nghiệp, danh sách thành viên HĐQT, Giám đốc/Tổng giám đốc, thành viên Ban kiểm soát, cổ đông nước ngoài, cổ đông lớn. Nội dung hiện hành của Điều 171 được sửa đổi như sau: (i) Về báo cáo tài chính, công ty cổ phần phải gửi báo cáo tài chính hằng năm đã được ĐHĐCĐ thông qua đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (ii) Về công bố trên trang thông tin điện tử (nếu có), công ty cần công khai các thông tin: Điều lệ công ty; sơ yếu lý lịch, trình độ học vấn và kinh nghiệm nghề nghiệp của các thành viên HĐQT, kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty; Báo cáo tài chính hằng năm đã được ĐHĐCĐ thông qua; Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động hằng năm của HĐQT và Ban kiểm soát; (iii) Về cổ đông là cá nhân nước ngoài, Luật Doanh nghiệp năm 2014 yêu cầu: Công ty cổ phần không phải là công ty niêm yết phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty có trụ sở chính chậm nhất 03 ngày sau khi có thông tin hoặc có thay đổi các thông tin về họ, tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa chỉ thường trú, số cổ phần và loại cổ phần của cổ đông là cá nhân nước ngoài; tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, số cổ phần và loại cổ phần và họ, tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa chỉ thường trú người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức nước ngoài. Công ty cổ phần đại chúng thực hiện công bố, công khai thông tin theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ công bố, công khai thông tin theo quy định về công bố thông tin định kỳ tại Điều 108 và công bố thông tin bất thường theo Điều 109 của Luật này.
Ngoài các vấn đề lớn được quy định mới hoặc quy định sửa đổi mang tính chất cơ bản như trên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng đã có các sửa đổi bổ sung về: Quy định về vốn công ty cổ phần theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng và thống nhất các khái niệm về vốn công ty cổ phần (Điều 111); xác định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị trong yêu cầu cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 112). 
Nhìn chung, cơ chế và phương thức bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư ở Việt Nam theo tinh thần Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có nhiều tiến bộ, bước đầu đã có sự tương thích với thông lệ quốc tế và nguyên tắc về quản trị công ty của OECD; có sự bổ sung các quy định nhằm định hình cơ chế bảo vệ các quyền của cổ đông, trong đó có cổ đông thiểu số. Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng đã đổi mới phương thức tăng cường tạo thuận lợi cho cổ đông thực hiện quyền khởi kiện đối với người quản lý công ty khi cần thiết; trình tự, thủ tục khởi kiện đã rút gọn đơn giản hơn, khắc phục bất cập về chi phí cho các cổ đông công ty
ThS. Phan Hoàng Ngọc
Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên

Tham khảo bài viết: 

Mẫu hợp đồng đại lý phân phối khu vực.

Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa mục đích kinh doanh.

Mẫu hợp đồng cung ứng dịch vụ quốc tế.

Mẫu hợp đồng thuê nhà mục đích kinh doanh.

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.