Bảo đảm quyền lợi của cổ đông công ty cổ phần theo các nguyên tắc quản trị công ty của OECD

15 /082016

Bảo đảm quyền lợi của cổ đông công ty cổ phần theo các nguyên tắc quản trị công ty của OECD

BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI CỦA CỔ ĐÔNG CÔNG TY CỔ PHẦN THEO CÁC NGUYÊN TẮC QUẢN TRỊ CÔNG TY CỦA OECD

1. OECD và các nguyên tc qun trị công ty mang tính toàn cu

OECD (Organization for Economic Co-operation and Development) là Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức hợp tác kinh tế Châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Hiện nay, số thành viên của OECD là 30 quốc gia. Mục tiêu ban đầu của OECD  xây dựng các nền kinh tế mạnh ở các nước thành viên, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả kinh tế thị trường, mở rộng thương mại tự do và góp phần phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp. Những năm gần đây, OECD đã mở rộng phạm vi hoạt động, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm phát triển cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị   trường.(1) Ngày 8/3/2008, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Trung tâm phát triển OECD – một trong hai cơ quan hợp tác giữa OECD và các nước không phải thành viên.

Sau khủng hoảng tài chính ở châu Á (năm 1997), với mục tiêu thúc đẩy sự ổn định, lành mạnh tài chính thế giới, Diễn đàn ổn định tài chính (Financial Stability Forum) được tổ chức với sự tham gia của bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương của các quốc gia G7 và các thành viên chính của hệ thống tài chính thế giới. Diễn đàn này đã thông qua 12 tiêu chuẩn (12 Key Standards for Sound Financial Systems) tương ứng với 12 lĩnh vực do các tổ chức quốc tế khác nhau thiết lập: Tiêu chuẩn về minh bạch chính sách tiền tệ, tiêu chuẩn về minh bạch chính sách tài chính được thiết lập bởi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); tiêu chuẩn về kế toán được thiết lập bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB)(2)... Tiêu chuẩn về các nguyên tắc quản trị công ty là một trong 12 tiêu chuẩn cần thiết giúp lành mạnh hệ thống tài chính do OECD thiết lập. Các nguyên tắc này không chỉ trở thành tiêu chuẩn cho các nước thuộc OECD mà còn được coi là tiêu chuẩn mang tính toàn cầu.

Tiêu chuẩn về quản trị công ty của OECD bao gồm 6 nội dung: 1) Đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả; 2) Quyền lợi của cổ đông và các chức năng sở hữu chính. 3) Đối xử công bằng với các cổ đông. 4) Vai trò của bên có quyền lợi  liên quan trong quản trị công ty. 5) Công bố thông tin và tính minh bạch. 6) Trách nhiệm của hội đồng quản trị,(3) trong đó các nội dung 1, 2, 6 được OECD coi là đặc biệt quan trọng trong hoàn cảnh của rất nhiều quốc gia. Khuôn khổ bài viết này chỉ bàn về thực tiễn pháp luật Việt Nam về đảm bảo quyền lợi của cổ đông công ty cổ phần và mức độ đạt chuẩn nguyên tắc "Quyền lợi của cổ đông và các chức năng sở hữu chính" trong quản trị doanh nghiệp của OECD.

>>> Tham khảo : Thành lập công ty xây dựng Nhật bản tại Việt Nam

2. Bình luận thực tiễn pháp luật Việt Nam theo nguyên tắc quản trị công ty của OECD về đảm bảo quyền lợi của cổ đông và các chức năng sở hữu chính

Cổ đông là chủ sở hữu công ty cổ phần, do đó, quyền lợi của họ trong công ti là quyền lợi của chủ sở hữu. Nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của cổ đông và những các chức năng sở hữu chính trong quản trị công ti, OECD đưa ra 7 nguyên tắc:

Một là khuôn khổ quản trị công ty phải bảo vệ các quyền cơ bản của cổ đông. Theo OECD, các quyền cơ bản của cổ đông cần được đảm bảo thực hiện ở các khía cạnh:

+ Quyền được đảm bảo các phương thức đăng kí quyền sở hữu: Khi góp vốn, tài sản của cổ đông trở thành tài sản thuộc sở hữu công ty và đăng kí quyền sở hữu của công ty (trong trường hợp cần thiết). Ở góc độ bảo vệ quyền lợi của cổ đông, vấn đề đảm bảo các phương thức đăng kí quyền sở hữu được hiểu là các phương thức đăng kí quyền sở hữu cổ phần để chứng thực tư cách cổ đông của người góp vốn. Ở Việt Nam, công ti cổ phần phải lập và lưu giữ sổ đăng kí cổ đông từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Sổ đăng kí cổ đông có thể là văn bản, tập dữ liệu điện tử hoặc cả hai loại này; sổ đăng kí cổ đông được lưu giữ tại trụ sở chính của công ti hoặc Trung tâm đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán. Cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên phải được đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có được tỉ lệ sở hữu đó;(4) Luật doanh nghiệp năm 2005 (LDN) cũng đã quy định việc cấp lại cổ phiếu theo đề nghị của cổ đông, việc ghi tên vào sổ đăng kí cổ đông để chứng thực quyền sở hữu cổ phần của cổ đông đối với trường hợp nhận chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên, đối với trường hợp cổ phiếu do công ty mua lại theo quyết định của công ty và theo quyết định của cổ đông, pháp luật doanh nghiệp chỉ xác định đây là số cổ phần được quyền chào bán mà không quy định cụ thể việc đăng kí quyền sở hữu cổ phần trong trường hợp này. Bên cạnh đó, LDN quy định 2 loại cổ phiếu ghi tên và cổ phiếu không ghi tên, song lại không có quy định phân biệt rõ về quyền lợi của người sở hữu và phương thức đăng kí quyền sở hữu cũng là vấn đề nên được bàn thêm.

+ Quyền chuyển nhượng cổ phần: Về nguyên tắc, cổ phần của các công ty cổ phần được chuyển nhượng tự do. LDN quy định các cổ phần được tự do chuyển nhượng trừ hai trường hợp: 1) cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng trong 3 năm kể từ ngày công ti được cấp giấy chứng nhận đăng   kí kinh doanh;(5)  2) Việc chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập bị hạn chế trong vòng 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.(6) Những quy định hạn chế này là phù hợp để các cổ đông sáng lập gắn bó quyền lợi với công ty và thực hiện ý tưởng kinh doanh trong những năm hoạt động đầu tiên của công ti.

+ Quyền tiếp cận các thông tin trọng yếu liên quan đến công ti một cách kịp thời và thường xuyên: Các thông tin trọng yếu liên quan đến công ty bao gồm thông tin về tổng số tài sản, đánh giá thực trạng tài chính hiện tại và thông tin về lưu chuyển tiền tệ trong quá khứ của công ti. Pháp luật hiện hành quy định, công ti cổ phần phải gửi báo cáo tài chính hàng năm bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính đã được đại hội đồng cổ đông thông qua để mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền xem hoặc sao chép.(7) Tuy nhiên, những thông tin liên quan đến biên bản họp, nghị quyết của hội đồng quản trị (HĐQT), báo cáo tài chính giữa năm, các báo cáo của ban kiểm soát thì chỉ cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục 6 tháng hoặc tỉ lệ nhỏ hơn theo điều lệ mới có quyền xem xét và trích lục.(8) Tỉ lệ nhỏ hơn này hầu như không được các công ty quy định mà chỉ áp dụng theo tỉ lệ mà LDN quy định như trên. Vấn đề đặt ra là trong khi LDN coi cổ đông sở hữu 5% tổng số cổ phần được coi là cổ đông lớn(9) thì việc chỉ quy định quyền thông tin đặc biệt của "cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục 6 tháng" liệu có đảm bảo tính thống nhất trong một văn bản?

+ Quyền tham gia và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông: Các cổ đông có quyền biểu quyết được tham dự và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông để quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. Pháp luật hiện hành chỉ hạn chế quyền biểu quyết của cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại. Để đảm bảo quyền này, pháp luật cần quy định rõ thủ tục thông báo và triệu tập đại hội đồng cổ đông, cách thức biểu quyết hoặc lấy ý kiến của cổ đông tại cuộc họp và ngoài cuộc họp, vấn đề uỷ quyền dự họp và uỷ quyền biểu quyết, vấn đề bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số...

+ Quyền bầu và bãi miễn thành viên hội đồng quản trị: Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông hoặc tỉ lệ nhỏ hơn có quyền đề cử ứng viên vào HĐQT. Số lượng ứng viên phụ thuộc vào tỉ lệ cổ  phần của cổ đông, nhóm cổ đông.(10) Việc biểu quyết bầu thành viên HĐQT phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó các cổ đông thiểu số có thể dồn tất cả phiếu bầu cho một ứng viên, nhờ đó cổ đông hoặc nhóm cổ đông thiểu số có cơ hội cử người đại diện cho quyền lợi của mình làm thành viên HĐQT. Quy định này cho phép cổ đông thiểu số khai thác hiệu quả quyền bầu cử thành viên HĐQT của mình. Tiêu chuẩn của thành viên HĐQT, các trường hợp và thủ tục bãi miễn... cũng đã được quy định trong pháp luật hiện hành của Việt Nam.

+ Quyền được phân phối lợi nhuận: HĐQT đề xuất mức cổ tức cho mỗi loại cổ phần và trình đại hội đồng cổ đông thông qua. Tuy nhiên, HĐQT có thể quyết định về thời gian thanh toán cổ tức và cách thức trả cổ tức cho các cổ đông.(11) Với sự phân định thẩm quyền như vậy, quyền được phân phối lợi nhuận của cổ đông có thể vẫn bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và tuỳ tiện của HĐQT. Quy định thẩm quyền quyết định thời hạn cuối cùng phải chi trả cổ tức thuộc về đại hội đồng cổ đông có thể khắc phục được nguy cơ này.

Hai là, cổ đông có quyền tham gia và được cung cấp đầy đủ thông tin về các quyết định liên quan đến những thay đổi căn bản của công ty. Những thay đổi căn bản bao gồm: Sửa đổi quy định, điều lệ công ti hay các văn bản tương đương điều chỉnh hoạt động của công ti; cho phép phát hành thêm cổ phiếu; các giao dịch bất thường, bao gồm bán các tài sản có giá trị lớn của công  ti.(12) Pháp luật hiện hành quy định các vấn đề này thuộc thẩm quyền quyết định của đại hội đồng cổ đông, theo cách thức đó, cổ đông không chỉ được biết mà còn được tham gia quyết định những thay đổi được coi là căn bản của công ty.

Ba là, cổ đông phải có cơ hội tham dự và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông, được thông tin về cuộc họp đại hội đồng cổ đông(13).

+ Thông tin đầy đủ và kịp thời về thời gian, địa điểm, chương trình và các vấn đề phải được thông qua tại đại hội đồng cổ đông: Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Người triệu tập họp đại hội đồng cổ đông phải gửi thông báo mời họp đến tất cả cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 7 ngày làm việc trước ngày khai mạc nếu điều lệ công ty không quy định thời hạn. Khoảng thời gian này không đủ cho cổ đông, đặc biệt là cổ đông nước ngoài tham dự cuộc họp. Thông tin về chương trình họp, tài liệu thảo luận tại cuộc họp được đính kèm với giấy mời.(14) Tuy nhiên, luật không quy định cụ thể những loại thông tin nào cần phải cung cấp cho cổ đông, dẫn đến thực trạng một số công tiytrong giấy mời họp chỉ cho biết cổ đông có thể yêu cầu những loại tài liệu nào và có thể nhận ở đâu, một số công ti chỉ phát tài liệu cho các cổ đông tại cuộc họp. Thực tế đó làm cho các cổ đông không có thời gian nghiên cứu tài liệu, giảm hiệu quả cuộc họp.

+ Cơ hội đặt câu hỏi cho HĐQT tại đại hội đồng cổ đông: Các cổ đông có quyền đặt câu hỏi trong đại hội đồng cổ đông, song chỉ những kiến nghị của cổ đông, nhóm cổ đông đại diện ít nhất 10% cổ phần công ty trong 6 tháng mới được đưa vào chương trình họp đại hội đồng cổ đông. Kiến nghị phải bằng văn bản và gửi đến công ti chậm nhất 3 ngày làm việc trước ngày khai mạc. Quy định này trong LDN thực chất đã hạn chế cơ hội đặt câu hỏi cho HĐQT của nhiều cổ đông tại đại hội đồng cổ đông.

+ Cổ đông tham gia hiệu quả vào việc quyết định bộ máy quản lí công ty như bầu và bãi miễn thành viên HĐQT, quyết định về chính sách thù lao cho HĐQT và ban điều hành: Về nội dung này, pháp luật Việt Nam đáp ứng tốt bằng quy định đại hội đồng cổ đông thường niên sẽ bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT, ban kiểm soát, sẽ thông qua tổng mức thù lao cho HĐQT nếu điều lệ công ti không có quy định khác.(15)

+ Khả năng biểu quyết trực tiếp hoặc biểu quyết vắng mặt: Phù hợp với nội dung này, LDN quy định cổ đông có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham dự và biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông. Cổ đông cũng có thể thay đổi việc uỷ quyền nếu như có thông báo kịp thời việc thay đổi đến công ty trước khi cuộc họp đại hội đồng cổ đông diễn ra.

Bốn là: Phải công bố về các thoả thuận góp vốn và cơ cấu vốn ưu đãi cho phép cổ đông kiểm soát công ty không tương ứng với tỉ lệ cổ phần mà họ sở hữu(16).

Nguyên tắc này có mục đích làm minh bạch tỉ lệ các loại cổ phần ưu đãi trong cơ cấu vốn của công ty cổ phần và mức độ ưu đãi, đặc biệt là mức ưu đãi cho phép cổ đông kiểm soát công ti không tương xứng với tỉ lệ cổ phần mà họ sở hữu (mức ưu đãi biểu quyết). LDN quy định công ti cổ phần phải phát hành cổ phiếu phổ thông và có thể phát hành cổ phiếu ưu đãi (bao gồm ưu đãi biểu quyết, ưu đãi cổ tức, ưu đãi hoàn lại và ưu đãi khác theo quy định của điều lệ). Tuy nhiên, tỉ lệ cổ phiếu ưu đãi, tỉ lệ cổ phiếu phổ thông trong tổng số cổ phần của công ti không được pháp luật quy định.

Đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết, LDN quy định về đối tượng được quyền mua cổ phiếu ưu đãi biểu quyết là sáng lập viên và tổ chức do chính phủ uỷ quyền, kèm theo việc xóa ưu đãi biểu quyết sau thời hạn 3 năm đối với cổ phiếu do sáng lập viên nắm giữ. Quyền ưu đãi biểu quyết của cổ đông là tổ chức do Chính phủ uỷ quyền được bảo lưu trong trường hợp này rõ ràng đã tạo ra sự không minh bạch của pháp luật.

Theo OECD, công khai mức ưu đãi đối với cổ phiếu ưu đãi biểu quyết là điều cần thiết để đảm bảo lợi ích của cổ đông nói chung. Quy định "số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do điều lệ công ty quy định"(17) trong LDN là một cách tốt đáp ứng được nguyên tắc này, bởi lẽ, cổ đông khi gia nhập công tiycần phải biết và tuân thủ điều lệ công ty và các quy định nào không phù hợp đều có thể được đại hội đồng cổ đông sửa đổi.

Năm là, thị trường giao dịch thâu tóm công ty phải được phép hoạt động một cách hiệu quả và minh bạch(18). Cho đến nay, vấn đề thâu tóm và hợp nhất công ty tại Việt Nam mới chỉ được quy định một cách sơ lược trong Luật cạnh tranh năm 2004; LDN năm 2005 và Luật chứng khoán năm 2006. Trên thế giới, vấn đề trên diễn ra rất đa dạng tuỳ thuộc vào mục tiêu, đặc điểm quản trị, cấu trúc sở hữu và ưu thế so sánh của các công ti liên quan trong từng trường hợp cụ thể. Có thể tổng hợp một số cách thức phổ biến thường được sử dụng sau: chào thầu; lôi kéo cổ đông bất mãn; thương lượng tự nguyện với HĐQT và ban điều hành; thu gom cổ phiếu trên thị trường chứng khoán... Đáp ứng nội dung nguyên tắc này, Luật chứng khoán năm 2006 quy định khá chi tiết về những trường hợp phải chào mua công khai nếu việc mua cổ phần có thể dẫn tới việc kiểm soát công ti. Theo đó, nếu mua cổ phiếu có quyền biểu quyết dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên số cổ phiếu  đang  lưu hành của  một công ti đại chúng thì bắt buộc phải chào mua công khai.(20) Sau khi nắm giữ từ 80% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty đại chúng, đối tượng chào mua phải mua tiếp trong thời hạn 30 ngày số cổ phiếu cùng loại do các cổ đông còn lại nắm giữ theo giá chào mua đã công bố, nếu các cổ đông này có yêu cầu.(21) Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của các cổ đông thiểu số khi quyền quyết định các vấn đề quan trọng của công ty đã thuộc về một hoặc một nhóm cổ đông.

Sáu là, cần tạo điều kiện thực hiện quyền sở hữu cho mọi cổ đông, bao gồm cả các nhà đầu tư là tổ chức.

Để thực hiện nguyên tắc này, pháp luật quy định cổ đông là tổ chức được cử đại diện của mình vào HĐQT, số lượng thành viên HĐQT được đề cử phụ thuộc vào tỉ lệ vốn góp của cổ đông. Quy định "Thành viên HĐQT không nhất thiết phải là cổ đông của công ty" (khoản 4 Điều 109 LDN) thực chất là quy định nhằm đảm bảo điều kiện thực hiện quyền sở hữu cho cổ đông là tổ chức.

Bảy là, cổ đông, bao gồm cả các cổ đông tổ chức phải được trao đổi ý kiến với nhau về các vấn đề liên quan đến những quyền cơ bản của cổ đông. LDN mới chỉ có những quy định về hợp tác (dồn phiếu) của cổ đông trong việc đề cử, bầu cử thành viên HĐQT nhưng chưa có cơ chế cụ thể cho việc thông tin liên lạc giữa các cổ đông thiểu số, các cổ đông là tổ chức.

>>> Tham khảo : Thành lập công ty cho thuê máy móc trong lĩnh vực xây dựng có yếu tố nước ngoài

3. Một số khuyến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về đảm bảo quyền lợi của cổ đông công ty cổ phần theo những nguyên tắc quản trị công ty của OECD

Như đã phân tích, không có tiêu chuẩn quản trị công ty nào được áp dụng trên toàn thế giới. Các tiêu chuẩn về quản trị công ty của OECD chỉ mang tính khuyến nghị và được cộng đồng quốc tế thừa nhận một cách rộng rãi do tính khoa học và hiệu quả của nó. Ở nước ta, để đảm bảo cho các công ti hoạt động tốt, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, ngoài năng lực của đội ngũ quản lí, những quy định pháp luật về quản trị công ti tạo cơ sở pháp lí cho mọi hoạt động của bộ máy quản trị công ti, đặc biệt là những quy định về bảo vệ các quyền của cổ đông phải dần được hoàn thiện theo những thông lệ được thế giới thừa nhận. Trên cơ sở những bình luận trên, chúng tôi đề xuất một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, cần sửa đổi quy định của pháp luật hiện hành về xác định "cổ đông lớn" đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Hiện tại Luật chứng khoán năm 2006 quy định: “Cổ đông lớn” là cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 5% trở lên số cổ  phiếu có quyền  biểu quyết trong công ty".(22) Đối với các công ty cổ phần nói chung, LDN quy định chỉ khi sở hữu 10% tổng sổ cổ phần phổ thông trong vòng 6 tháng liên tục thì cổ đông, nhóm cổ đông đó mới đóng vai trò quan trọng trong việc quản lí công ty. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 86 LDN quy định "cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên phải được đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh có thẩm quyền". Do tỉ lệ sở hữu vốn của cổ đông được quan tâm ở góc độ vai trò của họ trong quản trị công ty nên chúng tôi cho rằng nên sửa đổi LDN theo cách quy định về cổ đông lớn của Luật chứng khoán là phù hợp.

Thứ hai, cần thống nhất quy định "báo cáo về sở hữu của cổ đông lớn". Hiện tại, khoản 4 Điều 86 LDN quy định: "Cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên phải được đăng kí với cơ quan đăng kí kinh doanh có thẩm quyền" và không quy định rõ cổ đông hay công ty là người báo cáo. Điều 29 Luật chứng khoán năm 2006 quy định: "Tổ chức, cá nhân trở thành cổ đông lớn của công ty đại chúng phải báo cáo công ti đại chúng, Uỷ ban chứng khoán nhà nước và sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán nơi cổ phiếu của công ty đại chúng đó được niêm yết". Xét từ mục đích kiểm soát giao dịch chuyển nhượng và việc thực hiện quyền lợi của cổ đông lớn, quy định của Luật chứng khoán năm 2006 là phù hợp. Xét từ thẩm quyền quản lí của sở kế hoạch và đầu tư, chúng tôi cho rằng khoản 4 Điều 86 LDN quy định chưa rõ ràng và không cần thiết.

Thứ ba, về đảm bảo quyền được thông tin của cổ đông khoản 33 Điều 6 Luật chứng khoán năm 2006 quy định "các cổ đông lớn mới có quyền nắm bắt các thông tin nội bộ liên quan đến công ty". Có hai vấn đề cần được quy định cụ thể: những thông tin nào được coi là thông tin nội bộ và các cổ đông nhỏ có quyền được thông tin hay không?

Thứ tư, về quyền dự họp đại hội cổ đông của cổ đông thiểu số: LDN đã có quy định để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông thiểu số, theo đó tất cả các cổ đông, không phụ thuộc tỉ lệ sở hữu cổ phần đều có quyền tham dự đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, quyền này thường bị các công ty hạn chế bằng việc quy định tỉ lệ sở hữu nhất định mới được tham dự đại hội đồng cổ đông. Nhằm loại bỏ thực tế này, ngoài việc quy định bổ sung chế tài xử phạt vi phạm, LDN nên quy định "thủ tục triệu tập họp hợp lệ" là một trong những điều kiện tiến hành họp đại hội cổ đông.

Thứ năm, về thủ tục đề xuất các kiến nghị của ban kiểm soát đến đại hội đồng cổ đông: Theo LDN, ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của HĐQT trước khi trình báo cáo, kết luận và kiến nghị lên đại hội đồng cổ đông.(23)  Theo điều lệ mẫu công ty cổ phần áp dụng cho công ti niêm yết,(24) mọi kiến nghị của ban kiểm soát đều chỉ được ban hành, đệ trình lên đại hội đồng cổ đông sau khi đã tham khảo ý kiến của HĐQT. Như vậy, quy định mềm dẻo của LDN đã bị văn bản dưới luật "biến tấu", dẫn đến tình trạng không đảm bảo nguyên tắc hoạt động độc lập của ban kiểm soát trong công ty cổ phần. Quy định này cần được chỉnh sửa.

Thứ sáu, về cơ cấu vốn cho phép một số cổ đông nắm giữ nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch, LDN nên quy định tỉ lệ tối đa cổ phiếu ưu đãi hoặc tỉ lệ tối thiểu cổ phiếu phổ thông do một công ty  cổ phần phát hành. Về cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi biểu quyết, LDN nên quy định mọi cổ phiếu ưu đãi biểu quyết sẽ chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông sau thời hạn 3 năm kể từ ngày công ti được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Việc bảo lưu quyền ưu đãi biểu quyết của cổ đông nhà nước (tổ chức do chính phủ uỷ quyền) như hiện nay là không cần thiết, thiếu minh bạch và tạo ra sự bất bình đẳng giữa các cổ đông.

TS. Nguyễn Thị Dung, Ths. Nguyễn Như Chính

(Giảng viên chính, giảng viên Khoa pháp luật kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội).

(1). www.oecd.org

(2). http://www.fsforum.org/cos/key_standards.htm

(3). OECD Principles of Corporate Governance, 2004.

(4).Xem: Điều 86 Luật doanh nghiệp năm 2005.

(5).Xem: Khoản 3 Điều 78; khoản 3 Điều 81 Luật doanh nghiệp năm 2005.

(6).Xem: Khoản 5 Điều 84 Luật doanh nghiệp năm 2005.

 (7).Xem: Điều 129 Luật doanh nghiệp năm 2005.

(8).Xem: Điểm b khoản 2 Điều 79 Luật doanh nghiệp năm 2005.

(9).Xem: Khoản 4 Điều 86 Luật doanh nghiệp năm 2005.

(10).Xem: Điểm khoản Điều 79 Luật doanh nghiệp năm 2005; khoản 3 Điều 17 Nghị định của Chính phủ số 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật doanh nghiệp.

(11).Xem: Điểm b khoản 1 Điều 96; điểm n khoản 2 Điều 108 Luật doanh nghiệp năm 2005.

(12).Xem: OECD Principles of Corporate Governance, 2004, tr. 33.

(13).Xem: OECD Principles of Corporate Governance, 2004, tr. 33.

(14).Xem: Điều 100 Luật doanh nghiệp năm 2005.

(15).Xem: Điều 117 Luật doanh nghiệp năm 2005.

(16).Xem: OECD Principles of Corporate Governance, 2004, tr. 35.

(17).Xem: Điều 81 Luật doanh nghiệp năm 2005.

(18).Xem: OECD Principles of Corporate Governance, 2004, tr. 36.

(19). InTeVeS.com (Theo Saga.vn).

(20).Xem: Khoản 1 Điều 32 Luật chứng khoán năm 2006.

(21).Xem: Khoản 9 Điều 32 Luật chứng khoán năm 2006.

 (22).Xem: Khoản 9 điểm b, khoản 33 Điều 6 Luật chứng khoán năm 2006.

(23).Xem: Khoản 9 Điều 123 Luật doanh nghiệp năm 2005.

(24). Ban hành kèm theo Quyết định của Bộ tài chính số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19/3/2007 về việc ban hành điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết sở giao dịch chứng khoán/trung tâm giao dịch chứng khoán.

(25). Báo cáo về tình hình tuân thủ các tiêu chuẩn và chuẩn mực (ROSCs) Việt Nam 2006 của WB và IMF.

>>> Tham khảo : Thành lập công ty bất động sản có yếu tố nước ngoài

 

 

 

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.