Theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm”. Như vậy, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện đối với người bị kết án tù có thời hạn không quá 3 năm; không buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam, không cần phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội mà tự cải tạo dưới sự giám sát, quản lý và giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc hoặc tại địa phương, nơi thường trú của người bị kết án trong thời gian thử thách.
>>> Tham khảo: Thành lập công ty kinh doanh bất động sản có yếu tố nước ngoài
Năm 2007, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự, trong đó có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo (tiểu mục 6.1, mục 6). Cụ thể: “Chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
“a. Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt tội gì;
Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo.
b. Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng;
c. Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên;
d. Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm”.
>>> Tham khảo: Nhà đầu tư Hàn quốc mua lại vốn góp công ty việt nam
Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đề cập đến vấn đề đã được hướng dẫn tại điểm c tiểu mục 6.1, mục 6Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP nêu trên. Cụ thể là đối với trường bị cáo có 01 tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 1 Điều 48 và có 01 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46; 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 thì bị cáo có được hưởng án treo không?
Quan điểm 1: Bị cáo không được hưởng án treo bởi nếu lấy tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 46 BLHS trừ đi tình tiết tăng nặng tại khoản 1 Điều 48BLHS thì bị cáo không đủ điều kiện cho hưởng án treo vì bị cáo có đủ 2 tình tiết nhưng không có tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS.
Quan điểm 2: Bị cáo đủ điều kiện cho hưởng án treo, bởi lẽ, trường hợp này bị cáo có 03 tình tiết giảm nhẹ nên lấy tình tiết tại khoản 2 Điều 46 trừ đi tình tiết tăng nặng tại khoản 1 Điều 48 thì bị cáo đã đủ điều kiện quy định tại điểm c của Nghị quyết.
Tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS được thể hiện gồm 18 điểm, tuy nhiên cũng chưa phải là đầy đủ nên khoản 2 Điều 46 BLHS quy định “Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án". Theo các văn bản hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao và giữa Toà án nhân dân tối cao với các cơ quan hữu quan khác cũng như thực tiễn xét xử trong thời gian qua, thì các tình tiết được coi là các tình tiết giảm nhẹ khác thường không gắn với hành động cụ thể của bị cáo mà thể hiện chính sách hình sự của nhà nước ta, ví dụ như: vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước; bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ; bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên…
Theo hướng dẫn tại điểm c tiểu mục 6.1, mục 6 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán thì trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên nhưng lại không quy định rõ tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 hay khoản 2 Điều 46 BLHS. Lấy tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 46 BLHS để bù trừ tình tiết tăng nặng tại khoản 1 Điều 48 BLHS là phù hợp, nhưng theo quan điểm của tác giả thì cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, cụ thể là tất cả các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS cũng được áp dụng trong trường hợp trên.
Trên đây là vấn đề chưa được rõ ràng trong hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao đối với quy định tại Điều 60 BLHS, rất mong các ý kiến trao đổi của bạn đọc.
>>> Tham khảo: điều kiện thành lập trường mầm non quốc tế
Trần Đức Long - Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình
Nguồn:
http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=35912447