ThS. NGUYỄN TRƯƠNG TÍN (*)
Quá trình tranh tụng tại phiên toà hình sự sơ thẩm (HSST) có nhiều chủ thể tham gia như chủ thể của chức năng buộc tội (viện kiểm sát, người bị hại, nguyên đơn dân sự...) và chủ thể của chức năng bào chữa (người bào chữa, bị cáo, bị đơn dân sự...). Trong các chủ thể của chức năng buộc tội, người bị hại (NBH) và nguyên đơn dân sự (NĐDS) là những chủ thể bị thiệt hại do tội phạm gây ra, họ gặp khó khăn không nhỏ trong việc tham gia tố tụng (TGTT) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, là một trong những đối tượng dễ bị xâm phạm quyền con người trong TTHS. Trong thực tiễn, không ít trường hợp NBH và NĐDS tham gia tranh tụng tại phiên toà HSST chỉ là hình thức. Trong thời gian qua NBH và NĐDS trong TTHS chưa được các nhà làm luật, các nhà nghiên cứu cũng như những người hoạt động thực tiễn chú trọng đúng mức. Bài viết này đưa ra khái niệm tranh tụng tại phiên toà HSST, chứng minh NBH và NĐDS là chủ thể của chức năng buộc tội, trình bày sự tham gia tranh tụng của NBH và NĐDS qua các thủ tục bắt đầu, xét hỏi và tranh luận tại phiên toà HSST trên các phương diện lí luận, pháp luật thực định và thực tiễn, từ đó đưa ra một số kiến nghị mang tính định hướng sửa đổi, bổ sung BLTTHS nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng tranh tụng của NBH và NĐDS tại phiên toà HSST.
>>> Tham khảo: thủ tục thành lập trường mầm non quốc tế
1. Khái niệm tranh tụng tại phiên toà hình sự sơ thẩm
Dưới góc độ ngôn ngữ, theo nghĩa Hán - Việt, “tranh tụng” là sự kết hợp giữa hai từ “tranh luận” và “tố tụng”. Tranh tụng có nghĩa là tranh luận trong tố tụng. Tranh luận là tranh cãi, luận bàn để tìm ra lẽ phải, tố tụng là việc giải quyết tranh chấp giữa các bên theo trình tự, thủ tục luật định. Trong tiếng Việt, tranh tụng là “thưa kiện nhau để giành lẽ phải”.(1) Trong tiếng Anh, tranh tụng là “litigate against one another”,(2) tức là khởi kiện hay cáo buộc người khác. Trong tiếng Pháp, tranh tụng là “se poursuivre en justice”,(3) tức là các bên kiện tụng hay cáo buộc lẫn nhau. Như vậy, về mặt ngôn ngữ, tranh tụng là sự kiện tụng hay cáo buộc lẫn nhau giữa các bên có lợi ích đối lập, được bắt đầu từ khi bên này khởi kiện hay khởi tố bên kia và kết thúc khi các bên không còn kiện tụng hay cáo buộc nhau nữa hoặc khi có bản án hay quyết định giải quyết tranh chấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dưới góc độ pháp lí, tranh tụng chỉ diễn ra trong quá trình tố tụng, có thể là tố tụng dân sự, tố tụng hành chính hay TTHS. Khái niệm tranh tụng trong khoa học luật TTHS được hiểu theo ba nghĩa, là quá trình tranh tụng, nguyên tắc tranh tụng và mô hình tranh tụng. Trong bài viết, chúng tôi chỉ đề cập tranh tụng ở nghĩa quá trình. Ở nghĩa quá trình, tranh tụng trong TTHS được hiểu là quá trình đối trọng bình đẳng nhằm phủ định lẫn nhau giữa chức năng buộc tội và bào chữa. Nếu hiểu quá trình tố tụng là tập hợp nhiều hoạt động tố tụng nối tiếp nhau theo thời gian và được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định thì tranh tụng cũng là “hoạt động tố tụng được thực hiện bởi các bên tham gia tố tụng (bên buộc tội và bên bị buộc tội) có quyền bình đẳng với nhau trong việc thu thập, đưa ra chứng cứ để bảo vệ các quan điểm và lợi ích của mình, phản bác lại các quan điểm và lợi ích của phía đối lập”.(4)
Chức năng buộc tội xuất hiện kéo theo sự xuất hiện của chức năng bào chữa và đó chính là thời điểm bắt đầu của quá trình tranh tụng. Chức năng buộc tội kết thúc tất yếu kéo theo sự kết thúc chức năng bào chữa và đó chính là thời điểm kết thúc của quá trình tranh tụng. Tham gia tranh tụng gồm các chủ thể của chức năng buộc tội (điều tra viên, kiểm sát viên, NBH và NĐDS... gọi là bên buộc tội) và các chủ thể của chức năng bào chữa (người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa và bị đơn dân sự... gọi là bên bào chữa). Lưu ý rằng, toà án không phải là một trong các bên tranh tụng mà là trọng tài giữa các bên tranh tụng. Tranh tụng là một quá trình và sự xuất hiện của toà án trong quá trình này là sự xác nhận tranh tụng đã lên đến đỉnh điểm, cần được giải quyết.
Phiên tòa HSST là hình thức thực hiện chức năng xét xử của toà án (được coi là cấp xét xử thứ nhất và là trung tâm của quá trình tố tụng) với việc diễn ra toàn bộ quá trình xem xét, đánh giá chứng cứ và giải quyết toàn bộ những vấn đề cơ bản, thực chất của vụ án hình sự thông qua các thủ tục bắt đầu, xét hỏi, tranh luận, nghị án và tuyên án dưới sự chủ trì của chủ toạ phiên tòa. Tại đây, Hội đồng xét xử (HĐXX) giải quyết tất cả những vấn đề như: bị cáo có tội hay không, nếu có tội thì tội gì, điều, khoản nào trong Bộ luật Hình sự được áp dụng, hình phạt đối với bị cáo, vấn đề bồi thường thiệt hại...
Tranh tụng tại phiên toà HSST là quá trình các chủ thể có chức năng buộc tội thực hiện việc buộc tội và các chủ thể có chức năng bào chữa thực hiện việc bào chữa bình đẳng với nhau dưới sự chủ trì của toà án qua các thủ tục bắt đầu, xét hỏi và tranh luận. Tại đây, những hoạt động tố tụng của bên buộc tội và bên bào chữa được diễn ra công khai nhằm bảo vệ ý kiến, lập luận, quan điểm, lợi ích của mỗi bên và phủ nhận, phản bác ý kiến, lập luận, quan điểm, lợi ích của phía bên kia, dưới sự điều khiển, lãnh đạo của toà án với vai trò trung gian, trọng tài. Nếu như tranh tụng trong TTHS là quá trình đối trọng bình đẳng nhằm phủ định lẫn nhau giữa chức năng buộc tội và bào chữa thì tại phiên toà HSST, tranh tụng cũng là quá trình đối trọng bình đẳng nhằm phủ định lẫn nhau giữa chức năng buộc tội và bào chữa nhưng sự khác biệt ở đây là quá trình đối trọng bình đẳng này đã có sự xuất hiện của toà án cấp sơ thẩm thực hiện chức năng xét xử với vai trò là người trọng tài.
>>> Tham khảo: đăng ký hoạt động nhà hàng trung quốc tại Việt Nam
2. Sự tham gia tranh tụng của NBH và NĐDS tại phiên toà HSST
Lí luận, luật thực định và thực tiễn đã chứng minh, hoạt động TTHS là sự vận hành của ba chức năng cơ bản (buộc tội, bào chữa và xét xử), thiếu một trong ba chức năng đó thì TTHS sẽ không đạt được mục đích chung. Chức năng buộc tội xuất hiện trước tiên, là tiền đề, có tính quyết định cho sự khởi động, vận hành của TTHS, làm xuất hiện của chức năng bào chữa và xét xử.
Quan điểm được thừa nhận rộng rãi trong khoa học luật TTHS Việt Nam cũng như TTHS Xô Viết là “chức năng buộc tội còn gọi là chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự là một dạng hoạt động tố tụng nhằm phát hiện kẻ phạm tội, chứng minh lỗi của người đó, bảo đảm phán xử và hình phạt đối với người đó”.(5) Đây là quan điểm khoa học có căn cứ thuyết phục. Khái niệm này đã hội tụ đầy đủ nội dung, phạm vi cũng như đối tượng tác động của chức năng buộc tội. Theo đó, chức năng buộc tội là một dạng hoạt động cơ bản trong TTHS cùng với những dạng hoạt động cơ bản khác như bào chữa và xét xử tạo thành hoạt động TTHS. Hoạt động này có định hướng là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị buộc tội.
NBH là chủ thể của chức năng buộc tội nhưng cũng có ý kiến không đồng tình. Có quan điểm cho rằng, NBH chỉ là chủ thể của chức năng buộc tội trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH. Theo quan điểm này thì Điều 39 BLTTHS 1988 và Điều 51 BLTTHS hiện hành không thể thừa nhận NBH là chủ thể của chức năng buộc tội. Bởi vì, có vụ án mà họ không thừa nhận hành vi phạm tội của bị can, bị cáo nên lúc này, họ đã thực hiện chức năng bào chữa. Quan điểm này là không thuyết phục. Sự buộc tội của NBH là tất yếu khách quan. Quyền và lợi ích hợp pháp của NBH đã bị tội phạm trực tiếp xâm hại, hoạt động tố tụng của NBH có định hướng rõ ràng là nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Đây là dấu hiệu cơ bản của chức năng buộc tội. Quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại và quyền yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự là một thể thống nhất. NBH tham gia vào TTHS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị tội phạm xâm hại, họ bảo vệ bằng cách hợp tác với cơ quan tố tụng để tìm ra người phạm tội nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự người đó. Đối với các quốc gia có mô hình TTHS pha trộn (kết hợp giữa mô hình xét hỏi và tranh tụng) nói chung và Việt Nam nói riêng, NBH thực hiện chức năng buộc tội được thể hiện rõ nét nhất là tại phiên tòa HSST. Ở các giai đoạn khác như điều tra, truy tố thì họ thực hiện chức năng này rất mờ nhạt và còn nhiều hạn chế.
NĐDS là chủ thể của chức năng buộc tội nhưng chưa được thừa nhận rộng rãi. Căn cứ vào pháp luật Việt Nam, chỉ có NBH và người đại diện hợp pháp của họ mới có quyền yêu cầu khởi tố vụ án, trình bày lời buộc tội tại phiên tòa, kháng cáo về hình phạt... Còn NĐDS không có các quyền trên mà chỉ thực hiện các quyền liên quan đến yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Sự khác nhau giữa NBH và NĐDS là do pháp luật quy định như: NBH là thể nhân, còn NĐDS là cá nhân, cơ quan, tổ chức và có đơn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại; hậu quả của tội phạm là NBH bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản, còn thiệt hại của NĐDS là thiệt hại nói chung; quyền của NBH liên quan đến cả hình phạt và bồi thường, còn quyền của NĐDS chỉ liên quan đến bồi thường. Theo chúng tôi, cả NBH và NĐDS đều là đối tượng bị thiệt hại do tội phạm gây ra, địa vị tố tụng của hai chủ thể này cơ bản là giống nhau. Hoạt động của hai chủ thể này về cơ bản giống với hoạt động của cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Họ đều có mục đích, định hướng giống nhau là truy cứu trách nhiệm hình sự bị can, bị cáo và đều có nội dung hoạt động giống nhau là đưa ra lời cáo buộc, đưa ra cơ sở, căn cứ cho cho lời cáo buộc đó. Hoạt động của NBH, NĐDS chỉ khác với hoạt động của cơ quan điều tra, viện kiểm sát về tính chất, mức độ và cách thức thực hiện mà thôi. NBH luôn luôn là NĐDS nhưng không phải lúc nào NĐDS cũng là NBH. NĐDS cũng như NBH, phải thực hiện các hoạt động chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, đúng đắn và hợp pháp. Về nguyên tắc, vấn đề dân sự được giải quyết trong cùng vụ án hình sự (Điều 28 BLTTHS năm 2003). Việc chứng minh của NĐDS đã có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước (cơ quan điều tra và Viện kiểm sát). Tuy nhiên, không vì thế mà họ chỉ đưa ra yêu cầu nhưng lại không chứng minh cho yêu cầu của mình. Việc chứng minh là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của họ. Đầu tiên họ chứng minh tội phạm và người phạm tội, tiếp theo họ chứng minh những thiệt hại do tội phạm gây ra để làm cơ sở cho yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của mình. Nếu không chứng minh được tội phạm và người phạm tội thì sẽ không có cơ sở cho yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Như vậy, họ đã trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện chức năng buộc tội nên họ là chủ thể của chức năng buộc tội.
NBH và NĐDS tham gia phiên toà HSST với hai tư cách, là chủ thể của chức năng buộc tội và là nguồn chứng cứ quan trọng về tội phạm. Khi thực hiện chức năng buộc tội, NBH và NĐDS có quyền chứ không có nghĩa vụ chứng minh cho sự buộc tội của mình, không có nghĩa vụ đề xuất chứng cứ vì nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan THTT. Căn cứ vào BLTTHS hiện hành, không có quy định nào thể hiện rõ nét NBH và NĐDS là chủ thể của chức năng buộc tội. Các nhà làm luật Việt Nam chưa thấy được NBH và NĐDS cùng với điều tra viên, kiểm sát viên… hợp thành bên buộc tội. So với NBH thì NĐDS thực hiện chức năng buộc tội hạn chế và thụ động hơn. Do pháp luật không cho NĐDS có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, không có quyền đưa ra lời buộc tội, không có quyền tranh luận về phần hình phạt của bị cáo như NBH và họ chỉ có quyền kháng cáo bản án, quyết định của toà án về phần bồi thường thiệt hại. Do vậy, để mở rộng và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà HSST nói riêng, trong TTHS nói chung theo yêu cầu cải cách tư pháp, BLTTHS cần phải được hoàn thiện theo hướng quy định rõ NBH và NĐDS là chủ thể của chức năng buộc tội.
>>> Tham khảo: Thành lập trung tâm ngoại ngữ tiếng Hàn
2.1. Sự tham gia của NBH và NĐDS tại thủ tục bắt đầu phiên toà
Theo BLTTHS năm 2003 quy định tại các Điều 51, 52, 202 và 205 thì hoạt động của NBH và NĐDS tại thủ tục này chủ yếu là chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho hoạt động tranh tụng ở các thủ tục xét hỏi và tranh luận tiếp theo.
NBH và NĐDS đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) thay đổi thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, thư kí, người giám định, người phiên dịch nếu có căn cứ cho rằng họ không vô tư, khách quan trong quá trình giải quyết vụ án là không nằm ngoài mục đích đảm bảo cho hoạt động buộc tội của mình ở thủ tục xét hỏi và tranh luận tiếp theo đạt hiệu quả. NBH và NĐDS yêu cầu HĐXX triệu tập thêm người làm chứng hoặc đưa thêm vật chứng, tài liệu ra xem xét thực chất là hoạt động buộc tội nhưng chưa rõ nét, chưa tập trung cao như ở các thủ tục sau đó vì những người làm chứng, các vật chứng và tài liệu do NBH và NĐDS yêu cầu triệu tập và đưa thêm có thể bị cáo nói riêng và bên bào chữa nói chung chưa biết được trong giai đoạn điều tra, truy tố trước đó và có thể gây bất lợi cho bên bị buộc tội. NBH và NĐDS đề nghị HĐXX hoãn phiên toà khi có người TGTT vắng mặt, nếu không hoãn phiên toà thì NBH và NĐDS sẽ gặp bất lợi trong hoạt động buộc tội cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả tranh tụng của họ tại phiên toà HSST.
Trong thực tiễn, đa số các yêu cầu của NBH và NĐDS về việc yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét, đề nghị HĐXX hoãn phiên toà khi có người TGTT vắng mặt... ít được HĐXX chấp nhận. Đa số HĐXX quan niệm rằng, chứng cứ có tại hồ sơ đã đầy đủ, những người TGTT vắng mặt nhưng đã có lời khai rõ ràng tại hồ sơ, hoặc NBH và NĐDS luôn có xu hướng yêu cầu xử lí thật nghiêm khắc đối với bị cáo nên đưa ra nhiều yêu cầu không chính đáng, hay do áp lực số lượng án phải giải quyết, thời hạn tố tụng nên nhiều HĐXX muốn hoàn thành việc giải quyết vụ án để kết thúc phiên toà HSST... Mặt khác, do trình độ nhận thức, trình độ pháp luật của NBH và NĐDS còn nhiều hạn chế, họ chưa ý thức được vai trò của mình, chưa nhận thấy được mình là chủ thể thực hiện chức năng buộc tội. Bên cạnh đó, không ít HĐXX quan niệm NĐDS tham gia phiên toà sơ thẩm với mục đích yêu cầu bồi thường thiệt hại, đã có sự hỗ trợ đắc lực từ phía kiểm sát viên (đại diện cho Nhà nước)... nên ý kiến, yêu cầu của NĐDS nhiều khi không được HĐXX tôn trọng.
2.2. Sự tham gia của NBH và NĐDS tại thủ tục xét hỏi BLTTHS năm 2003 quy định hoạt động tranh tụng của NBH và NĐDS tại thủ tục xét hỏi của phiên toà HSST là đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, đề nghị mức bồi thường và các biện pháp đảm bảo cho việc bồi thường (Điều 51 và 52); đề nghị với chủ toạ phiên toà hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ (Điều 207); trình bày về những tình tiết liên quan đến họ và trả lời những câu hỏi đối với những người tham gia xét hỏi (Điều 210); tham gia xem xét vật chứng (Điều 212); tham gia xem xét tại chỗ (Điều 213); nhận xét về việc trình bày, những tài liệu, báo cáo của cơ quan, tổ chức (Điều 214).
Theo Điều 206 BLTTHS năm 2003, trước khi xét hỏi, kiểm sát viên đọc bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung nếu có. Mặc dù nguyên tắc cơ bản của TTHS Việt Nam là nguyên tắc công tố nhưng khi xử lí người phạm tội, theo chúng tôi, Nhà nước cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của NBH. Vấn đề này được đa số pháp luật TTHS ở các nước trên thế giới thừa nhận. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH thì về nguyên tắc, chỉ có NBH mới có quyền đưa một người ra xét xử tại toà án, lúc này quyền công tố có sự “hỗ trợ” và thể hiện “sự nhượng bộ” đối với quyền tư tố. Trong trường hợp này, quyền tư tố xuất hiện trước, làm phát sinh và có tính chất quyết định đối với quyền công tố. Khách quan mà nói, việc thực hiện chức năng buộc tội bằng hình thức tư tố trong BLTTHS Việt Nam thể hiện chưa triệt để, nói đúng ra đây chỉ là hình thức buộc tội tư - công tố. BLTTHS của một số nước thừa nhận chức năng buộc tội bằng hình thức tư tố khi mà việc buộc tội và quyết định diễn biến của vụ án phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của NBH. Nhằm cụ thể hoá chế định khởi tố vụ án theo yêu cầu của NBH phù hợp với chức năng buộc tội theo tinh thần tranh tụng, nâng cao tính chủ động của họ trong hoạt động buộc tội tại phiên toà HSST thì BLTTHS cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định NBH hoặc người đại diện hợp pháp của họ được quyền trình bày lời cáo buộc của mình trước khi kiểm sát viên đọc bản cáo trạng đối với vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH.
Theo BLTTHS hiện hành, NBH và NĐDS không có quyền trực tiếp đặt câu hỏi đối với bị cáo và những người TGTT khác mà chỉ có quyền đề nghị với chủ toạ hỏi thêm những tình tiết cần làm sáng tỏ. Đề nghị này không biết được chủ toạ đồng ý hay không và nếu được chấp nhận thì câu hỏi của chủ toạ chưa chắc đã đúng như ý định của NBH và NĐDS muốn hỏi. Trong khi đó, pháp luật cho phép người bảo vệ quyền lợi của NBH và NĐDS có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo và những người TGTT khác. Như vậy, những vụ án mà không có người bảo vệ quyền lợi của NBH và NĐDS tham gia thì NBH và NĐDS sẽ không có ai thay mặt mình tham gia xét hỏi bị cáo và những người TGTT khác và hệ quả là NBH và NĐDS sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ở khía cạnh nhân đạo, vì lí do không có năng lực tài chính để thuê luật sư nên NBH và NĐDS không có người thay mặt mình tham gia xét hỏi.
Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH thì NBH có quyền trình bày lời buộc tội tại phiên toà ở thủ tục tranh luận. Hoạt động xét hỏi là nền tảng cho hoạt động tranh luận nhưng pháp luật lại không cho họ quyền được hỏi là không logic, không phù hợp với quy luật khách quan. Kiểm sát viên là chủ thể thực hiện chức năng buộc tội nhân danh Nhà nước tại phiên toà, hoạt động buộc tội của NBH đã có sự hỗ trợ đắc lực từ phía kiểm sát viên nhưng không phải lúc nào quan điểm buộc tội của kiểm sát viên cũng trùng với quan điểm buộc tội của NBH. Ngoài việc phải làm rõ chứng cứ xác định có tội thì kiểm sát viên còn phải làm rõ chứng cứ xác định vô tội đối với bị cáo, đôi khi quan điểm của kiểm sát viên và NBH mâu thuẫn nhau, đối lập nhau. Do vậy, NBH được trực tiếp tham gia xét hỏi tại phiên toà HSST là hoàn toàn cần thiết. Theo chúng tôi, pháp luật thực định chưa tạo điều kiện thuận lợi cho NBH tại thủ tục xét hỏi để họ có đủ điều kiện chứng minh lời buộc tội của mình tại thủ tục tranh luận là có căn cứ và đúng pháp luật. Có quan điểm cho rằng, “đối với những vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH thì họ có quyền tham gia xét hỏi bị cáo tại phiên toà”.(6) Quan điểm không đồng tình cho rằng những người TGTT tại phiên toà chỉ được đề nghị với chủ toạ hỏi thêm chứ không được trực tiếp hỏi, bởi vì “nếu không như vậy thì tính chất của việc xét hỏi tại phiên toà không còn nữa..., nếu ai cũng có quyền hỏi thì trật tự phiên toà đảo lộn, chủ toạ phiên toà sẽ không điều khiển được”.(7) Theo chúng tôi, trong điều kiện mở rộng và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà thì NBH được tham gia xét hỏi khi được chủ toạ cho phép có nhiều yếu tố hợp lí. Đối với vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH thì sự chủ động, tích cực của họ trong việc thực hiện chức năng buộc tội là hết sức cần thiết, đây là hình thức buộc tội nhân danh cá nhân (tư tố) có trước và là cơ sở cho sự hình thành hình thức buộc tội nhân danh Nhà nước (công tố) nên NBH phải được tham gia xét hỏi trước kiểm sát viên. Còn trật tự phiên toà có đảo lộn hay không, chủ toạ phiên toà có điều khiển được phiên toà hay không lại là chuyện khác. Dưới góc độ thực tiễn, NBH tham gia xét hỏi tại phiên toà HSST là rất cần thiết cho bản thân NBH nói riêng, cho các chủ thể bên buộc tội, các chủ thể bên bào chữa cũng như HĐXX nói chung trong việc thực hiện các chức năng tố tụng tương ứng của mình.
Tại phiên toà sơ thẩm, NĐDS trong luật TTHS có sự hạn chế hơn NĐDS trong luật tố tụng dân sự. Các đương sự trong vụ án dân sự có quyền hỏi trực tiếp lẫn nhau và trực tiếp hỏi người làm chứng theo thứ tự luật định mà không cần phải đề nghị với chủ toạ hỏi những vấn đề mà mình muốn hỏi (Điều 222 BLTTDS năm 2004). Pháp luật quy định cho kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, NBH, NĐDS... có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ trước toà án (Điều 19 BLTTHS). Xét hỏi cũng là cách thức để đưa ra chứng cứ chứng minh tại phiên toà HSST. Khi mở rộng tranh tụng tại phiên toà, việc xét hỏi chính được chuyển từ HĐXX sang cho các bên tranh tụng và khi HĐXX không tham gia xét hỏi hoặc hạn chế tham gia xét hỏi thì NĐDS được tham gia xét hỏi những người TGTT khác khi chủ toạ cho phép là hoàn toàn phù hợp.
2.3. Sự tham gia của NBH và NĐDS tại thủ tục tranh luận
Căn cứ vào BLTTHS năm 2003 thì hoạt động tranh tụng của NBH và NĐDS tại thủ tục này là đề nghị mức bồi thường và các biện pháp đảm bảo bồi thường, trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Điều 51, 52 và 217); trình bày ý kiến về luận tội của kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình, đáp lại ý kiến của người khác (Điều 218). Ngoài ra, NBH còn có quyền trình bày lời buộc tội trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH (Điều 51).
Pháp luật thực định không cụ thể hoá việc NBH trình bày lời buộc tội trong vụ án được khởi tố theo yêu cầu của họ. Hướng dẫn tại Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 03/2004/NQ- HĐTP ngày 02/10/2004 như sau: “NBH hoặc đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên toà được thực hiện theo trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên toà quy định tại Điều 217 BLTTHS”. Hướng dẫn này là chưa khoa học, chưa logic và chưa thể hiện được bản chất của quá trình tranh tụng. Sau khi kiểm sát viên luận tội, trình tự phát biểu là bị cáo, người bào chữa. Lí luận và thực tiễn đã chứng minh rằng, chức năng buộc tội có trước và là nguyên nhân sinh ra chức năng bào chữa, ở đâu có buộc tội thì ở đó mới có bào chữa, bên bào chữa muốn bào chữa thì phải biết được bên buộc tội đã buộc tội như thế nào. Mặc dù đã có lời buộc tội chính thức nhân danh Nhà nước (luận tội) do kiểm sát viên thực hiện nhưng bên bào chữa rất cần lời buộc tội chính thức nhân danh cá nhân của NBH trước khi bên bào chữa phát biểu. Hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP nêu trên đã đánh đồng NBH trong các vụ án này như NBH trong các vụ án bình thường khác. Chúng tôi thiết nghĩ, cũng như trình tự ở phần xét hỏi, BLTTHS cần phải được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định khi tranh luận, trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH thì NBH được quyền trình bày lời buộc tội của mình trước kiểm sát viên là hoàn toàn phù hợp.
Thực tiễn xét xử cho thấy vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH thì kiểm sát viên cũng thường bao biện làm hết tất cả việc buộc tội, còn NBH tham gia với vai trò rất thụ động. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ (Điều 105 BLTTHS). Tại sao quy định này không được áp dụng tại phiên toà HSST? Về bản chất, NBH rút yêu cầu tại phiên toà sơ thẩm cũng giống như trước ngày mở phiên toà nhưng rút yêu cầu tại phiên toà là khách quan hơn. Qua xét hỏi, tranh luận công khai, NBH có cơ hội thực hiện quyền của mình dân chủ và toàn diện hơn, lúc này họ không bị ép buộc, không bị cưỡng bức hay vì áp lực nào khác. Chúng ta không thể chấp nhận thực tế khi quyền của NBH bị tước đoạt vì lí do duy nhất là thời gian chứ không dựa trên cơ sở lí luận hay thực tiễn nào. Ở góc độ nhân đạo, sự thoả hiệp giữa NBH và bị cáo trong một số trường hợp là hết sức cần thiết. Chú ý rằng nguyên tắc tranh tụng trong TTHS có nội dung rất quan trọng là sự mặc cả thú tội giữa bên buộc tội và bên bào chữa.
BLTTHS Việt Nam chưa quy định vấn đề này nhưng chúng ta cần nghiên cứu thấu đáo để tiếp thu những hạt nhân hợp lí. Vì vậy, đối với những vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH, BLTTHS cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định thủ tục tố tụng riêng cho NBH tại phiên toà và trường hợp NBH hoặc người đại diện hợp pháp của họ rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà hoặc tại phiên toà sơ thẩm (trước khi nghị án) thì vụ án phải được đình chỉ.
Cũng như NBH, pháp luật quy định cho NĐDS được tham gia phát biểu khi tranh luận sau người bào chữa và bị cáo là không phù hợp với sự vận hành của các chức năng cơ bản trong TTHS tại phiên toà HSST theo nguyên tắc tranh tụng. Chức năng buộc tội làm xuất hiện chức năng bào chữa, nội dung và phạm vi của chức năng buộc tội chi phối, quyết định nội dung và phạm vi của chức năng bào chữa. Như đã khẳng định, NĐDS là chủ thể của chức năng buộc tội và là chủ thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Về nguyên tắc thì bên buộc tội phải phát biểu quan điểm tranh luận trước bên bào chữa, bên yêu cầu bồi thường phải phát biểu quan điểm trước bên được yêu cầu bồi thường và trên cơ sở đó, bên bào chữa, bên được yêu cầu bồi thường mới biết được bên buộc tội đã buộc tội như thế nào, đã yêu cầu bồi thường như thế nào rồi đưa ra lời bào chữa, đưa ra sự phản bác về yêu cầu bồi thường mới phù hợp với quy luật khách quan. Mặc dù kiểm sát viên đã phát biểu luận tội cũng như đề nghị về phần bồi thường nhưng NBH và NĐDS cũng là chủ thể của chức năng buộc tội, họ cũng sẽ phát biểu quan điểm liên quan đến việc buộc tội, đưa ra yêu cầu bồi thường, sau đó bên bào chữa phát biểu lời bào chữa về hình phạt và bồi thường thiệt hại sẽ logic hơn. Sự thiết kế trình tự phát biểu khi tranh luận tại Điều 217 BLTTHS năm 2003 là thiếu cơ sở lí luận và thực tiễn. Sẽ hợp lí hơn nếu trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên toà HSST trước tiên là luận tội của kiểm sát viên rồi đến phát biểu của NBH, NĐDS và sau đó là bên bào chữa phát biểu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tranh tụng tại phiên toà ảnh hưởng rất lớn đến việc rút quyết định truy tố của viện kiểm sát. Pháp luật quy định khi viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố thì HĐXX vẫn phải xét xử toàn bộ vụ án (Điều 195 BLTTHS), nếu thấy việc rút quyết định truy tố không có căn cứ thì toà án tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị với viện kiểm sát cấp trên trực tiếp (Điều 222 BLTTHS). Theo chúng tôi, các quy định trên có một số hạn chế. Về nguyên tắc, khi viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố tại phiên toà HSST thì toà án phải đình chỉ vụ án hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội. Đối với vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH, khi viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố nhưng NBH hoặc người đại diện hợp pháp của họ không đồng ý thì HĐXX phải tiếp tục xét xử vụ án.(8)
Thực tiễn xét xử còn cho thấy NĐDS tham gia tranh tụng ở thủ tục tranh luận tại phiên toà HSST không được tranh luận về phần hình phạt (bao gồm tội danh, điều, khoản, loại và mức hình phạt) của bị cáo. NĐDS có thể đồng thời là NBH và trong trường hợp này họ có cả quyền của NBH và quyền của NĐDS, ngoài ra “... xét về tính chất thì NĐDS với NBH không khác nhau là mấy, nhất là đối với NĐDS là cá nhân...”(9).
NĐDS không được tham gia tranh luận về phần hình phạt là vì pháp luật chỉ quy định cho họ có quyền đề nghị mức bồi thường và các biện pháp đảm bảo bồi thường, không có quyền kháng cáo về phần hình phạt đối với bị cáo: “NĐDS tham gia tố tụng trong vụ án hình sự là để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của họ. Vì vậy, NĐDS chỉ có quyền kháng cáo về phần bồi thường mà không có quyền kháng cáo về phần hình phạt”,(10) hay đối với các vụ án xâm phạm tài sản của Nhà nước, chủ thể bị thiệt hại là Nhà nước (NĐDS) mà viện kiểm sát là người thay mặt Nhà nước thực hành quyền công tố tại phiên toà HSST và kiểm sát việc tuân theo pháp luật, nếu thấy hình phạt của bị cáo chưa thoả đáng thì kháng nghị bản án theo luật định. Theo chúng tôi, việc không thừa nhận NĐDS là chủ thể của bên buộc tội và không quy định cho họ quyền được tranh luận về phần hình phạt của bị cáo là hạn chế của pháp luật thực định. Trong khi đó, theo BLTTHS thì kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, NBH, NĐDS... có quyền bình đẳng trong việc tranh luận dân chủ trước toà án (Điều 19). NĐDS là chủ thể của chức năng buộc tội, họ bị tội phạm trực tiếp hoặc gián tiếp xâm hại thì họ phải được tranh luận những vấn đề liên quan đến việc buộc tội bị cáo và tranh luận về hình phạt đối với bị cáo mới phù hợp. Kể cả khi NĐDS là cơ quan nhà nước thì chưa chắc trong mọi trường hợp, kiểm sát viên thay mặt NĐDS đều thực hiện tốt chức năng buộc tội và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên toà. Trên thực tế, không phải lúc nào quan điểm của kiểm sát viên và NĐDS cũng thống nhất với nhau. Có nhiều trường hợp do trình độ, năng lực của kiểm sát viên hạn chế hoặc quá trình giải quyết vụ án có phát sinh tiêu cực... nên quan điểm tranh luận của kiểm sát viên không có căn cứ, không thuyết phục được HĐXX (có thể là đề nghị sai tội danh, đề nghị áp dụng loại hay mức hình phạt không phù hợp...) thì NĐDS sẽ phải làm gì trong các trường hợp này? Chiếu theo pháp luật thì họ không có quyền kháng cáo về phần hình phạt, do vậy quyền bình đẳng của NĐDS đã bị xâm phạm ngay tại toà án. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trách nhiệm hình sự có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong mối quan hệ này thì trách nhiệm hình sự có trước, làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trách nhiệm hình sự là tiền đề, cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Không có trách nhiệm hình sự thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự cũng không đặt ra. Nhận thức mới trong khoa học pháp lí TTHS Việt Nam theo hướng cần thừa nhận tổ chức và pháp nhân là NBH thì việc công nhận NĐDS là chủ thể của bên buộc tội là hết sức cần thiết.
4. Một số kiến nghị
Với những lập luận trên, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số kiến nghị mang tính định hướng như: BLTTHS năm 2003 cần phải được sửa đổi, bổ sung thể hiện sự tách bạch và phân định rõ các chức năng cơ bản trong TTHS (buộc tội, bào chữa và xét xử), xác định rõ NBH và NĐDS là chủ thể của chức năng buộc tội; các chủ thể bên buộc tội nói chung, NBH và NĐDS nói riêng được tranh tụng bình đẳng với các chủ thể bên bào chữa tại phiên toà HSST; toà án cần phải phát huy vai trò trọng tài giữa các bên tranh tụng, đặc biệt là đảm bảo cho NBH và NĐDS được tranh tụng bình đẳng với các chủ thể bên bào chữa tại phiên toà HSST.
Chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2003 theo hướng: 1) Điều 51 quy định NBH được quyền xét hỏi những người TGTT khác nếu được chủ toạ phiên toà cho phép; vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH thì NBH hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đưa ra lời cáo buộc trước khi thủ tục xét hỏi bắt đầu, được quyền xét hỏi những người TGTT khác; 2) Điều 52 quy định NĐDS được quyền xét hỏi những người TGTT khác nếu được chủ toạ phiên toà cho phép, được quyền đề nghị loại hình phạt và mức hình phạt, được tranh luận tại phiên toà về phần hình phạt và được kháng cáo về phần hình phạt đối với bị cáo; 3) Điều 105 quy định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà hoặc tại phiên toà HSST (trước khi nghị án) thì vụ án phải được đình chỉ; 4) Điều 195 quy định nếu kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố tại phiên toà thì HĐXX đình chỉ vụ án hoặc tuyên bị cáo không phạm tội, nếu kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố tại phiên toà thuộc trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH nhưng NBH hoặc người đại diện hợp pháp của họ không đồng ý thì HĐXX vẫn phải xét xử toàn bộ vụ án; 5) Điều 206 quy định trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH thì trước khi tiến hành xét hỏi, NBH hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền trình bày lời cáo buộc của mình trước khi kiểm sát viên đọc bản cáo trạng; 6) Điều 207 quy định các chủ thể bên buộc tội tham gia xét hỏi trước, tiếp theo là các chủ thể bên bào chữa và HĐXX tham gia xét hỏi sau cùng; tham gia xét hỏi trước tiên là kiểm sát viên, tiếp theo là NBH, người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền lợi của họ, sau đó là NĐDS, người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền lợi của họ; trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH thì NBH, người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền lợi của họ được tham gia xét hỏi trước kiểm sát viên; 7) Điều 209, 210, 211, 212 và 213 quy định NBH và NĐDS được quyền tham gia xét hỏi những người TGTT khác, hỏi thêm về những vấn đề liên quan đến vật chứng, đến việc xem xét tại chỗ; 8) Điều 217 quy định các chủ thể bên buộc tội tham gia phát biểu tranh luận trước các chủ thể bên bào chữa; tham gia phát biểu trước tiên là kiểm sát viên, tiếp theo là NBH, người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền lợi của họ, sau đó là NĐDS, người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền lợi của họ; trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH thì NBH, người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền lợi của họ được tham gia phát biểu trước kiểm sát viên; NBH, NĐDS, người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền lợi của họ có quyền trình bày những vấn đề liên quan đến việc buộc tội, yêu cầu bồi thường thiệt hại và các vấn đề khác; 9) Điều 218 quy định NBH và NĐDS có quyền trình bày ý kiến về luận tội của kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình, khi tranh luận có quyền đặt câu hỏi và yêu cầu người được hỏi trả lời, có quyền đáp lại ý kiến của người khác mà mình không đồng ý, có quyền tiếp tục đối đáp hoặc bảo lưu quan điểm của mình; 10) Điều 221 và 222 quy định khi kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì HĐXX đình chỉ vụ án hoặc tuyên bị cáo không phạm tội, nếu NBH hoặc người đại diện hợp pháp của họ không đồng ý việc rút toàn bộ quyết định truy tố của kiểm sát viên trong những vụ án được khởi tố theo yêu cầu của NBH thì HĐXX vẫn phải tiếp tục xét xử vụ án, bỏ quy định toà án tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị với viện kiểm sát cấp trên./.
--------------------------------------------------
(*) Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai
(1). Ban biên soạn chuyên từ điển: New Era, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2005, tr. 1966.
(2). Ban biên soạn chuyên từ điển: New Era, Từ điển Việt - Anh (Vietnamese - English Dictionary), Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2005, tr. 1142.
(3). Viện ngôn ngữ thuộc Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (Lê Khả Kế và Nguyễn Lân biên soạn), Từ điển Việt - Pháp (Dictionnaire Vietnamien - Français), Nxb. Văn hoá Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr. 1016.
(4). Viện khoa học pháp lí - Bộ tư pháp, Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa và Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr. 807 - 808.
(5).Xem: Nguyễn Thái Phúc, Một số vấn đề về quyền công tố của Viện kiểm sát, Kỉ yếu đề tài khoa học cấp bộ của Viện khoa học kiểm sát - Viện kiểm sát nhân tối cao, Hà Nội, 1999, tr. 22.
(6).Xem: Lương Thị Thuỳ Dương, Chức năng buộc tội và hoạt động thực hiện chức năng buộc tội của người bị hại, Luận văn thạc sĩ luật học - Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, 2004.
(7).Xem: Đinh Văn Quế, Thủ tục xét xử sơ thẩm trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
(8).Xem: Nguyễn Trương Tín, “Một số vấn đề về vai trò của Toà án trong quá trình tranh tụng tại phiên toà hình sự sơ thẩm trong điều kiện cải cách tư pháp”, Tạp chí toà án nhân dân, số 1/2009, tr. 18.
(9).Xem: Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr. 100.
(10). Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 109.
Theo Tạp chí luật học số 3/2010