Mỗi dự án đầu tư khi được cấp phép đều được ghi nhận về thời hạn dự án trong giấy chứng nhận đầu tư. Luật đầu tư 2014 quy định khi hết thời hạn đầu tư dự án thì tùy theo nhu cầu thực tế nhà đầu tư có thể lựa chọn chấm dứt dự án hay tiếp tục gia hạn dự án. Tuy nhiên về điều kiện gia hạn dự án đầu tư thì trước nay pháp luật về đầu tư chưa có quy định cụ thể. Cho đến luật đầu tư 2020, pháp luật đã bổ sung quy định về điều kiện gia hạn dự án đầu tư, cụ thể là quy định một số trường hợp không được phép gia hạn dự án đầu tư.
Về thời hạn hoạt động tối đa của dự án đầu tư, Luật đầu tư 2020 có hiệu lực từ 01/01/2021 quy định như sau:
“1. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm.
2. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.”
Luật đầu tư 2020 cũng quy định “Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư”.
Cũng theo Luật đầu tư 2020, 3 trường hợp mà không gia hạn dự án đầu tư bao gồm:
1. Dự án đầu tư mà khi hết thời hạn hoạt động của dự án nhưng nhà đầu tư không có nhu cầu gia hạn.
Pháp luật tôn trọng quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư do vậy quy định “Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định”. Như vậy, việc gia hạn dự án đầu tư trước hết dựa trên nhu cầu của nhà đầu tư, sau đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới xem xét đến đề xuất của nhà đầu tư và đánh giá điều kiện gia hạn của dự án để đưa ra quyết định. Nhà đầu tư có nhu cầu gia hạn thời hạn hoạt động của dự án thì thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, cụ thể là điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư về nội dung thời hạn thực hiện dự án, tại Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Điều 41 Luật Đầu tư 2020.
Nếu dự án đến hết thời hạn hoạt động mà nhà đầu tư không có nhu cầu gia hạn để tiếp tục thực hiện dự án thì dự án đương nhiên chấm dứt hoạt động;
2. Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Đây là quy định mới được đưa vào Luật đầu tư 2020 sau thời gian góp ý của các cơ quan ban ngành dựa trên tình hình thực tế triển khai các dự án đầu tư.
Ngày 20/8/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Về mục tiêu và quan điểm, Bộ Chính trị khẳng định là phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hoà với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao.
Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư, khái niệm về các hoạt động đầu tư, về danh mục địa bàn, lĩnh vực, đối tượng được áp dụng ưu đãi đầu tư trong các luật về đầu tư nước ngoài và các luật có liên quan để thống nhất trong thực hiện và bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Trên cơ sở Nghị quyết số 50 và định hướng của Bộ chính trị, các cơ quan ban ngành đã triển khai nghiên cứu đưa vào Luật đầu tư 2020 quy định về điều kiện gia hạn dự án đầu tư để các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý trong việc chấm dứt hoạt động khi các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên hết thời hạn đã đăng ký trước đó.
3. Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.
Dựa trên quy định của Chính phủ tại Nghị định số 62/1998/NĐ-CP về Ban hành Quy chế đầu tư theo Hợp đồng xây dựng kinh doanh chuyển giao, Hợp đồng xây dựng chuyển giao kinh doanh và Hợp đồng xây dựng chuyển giao áp dụng cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như sau: “Hợp đồng xây dựng kinh doanh chuyển giao" (viết tắt theo tiếng Anh là BOT) là văn bản ký kết giữa Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng (kể cả mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa công trình) và kinh doanh trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận hợp lý; hết thời hạn kinh doanh Nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam.
Như vậy, lần đầu tiên Luật đầu tư quy định cụ thể đối với các dự án chuyển giao không bồi hoàn (hay còn gọi là dự án BOT) thì không được phép gia hạn. Có thể nói đây là quy định rất quan trọng được đưa ra trong Luật đầu tư mới, thể hiện sự quyết liệt của nhà nước ta trong việc xử lý tình trạng các dự án chậm tiến độ, không hoàn thành đúng tiến độ đầu tư đã đăng ký, gây lãng phí ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
Theo thông tin mới nhất hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung các quy định tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020 (Nghị định thay thế Nghị định số 118/2015/NĐ-CP) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý xử lý các vấn đề vướng mắc hiện nay liên quan tới nội dung chuyển giao không bồi hoàn tại các dự án FDI. Qua đó, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước Việt Nam, Bên Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án FDI, tránh phát sinh tranh chấp quốc tế theo đúng chỉ đạo tại Văn bản số 1590/VPCP-KTTH ngày 27/2/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Như đã đề cập tại các bài nghiên cứu trước đây, Luật đầu tư 2020 đã bỏ quy định về chấm dứt dự án đầu tư trong trường hợp “Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định” nên hiện nay chưa thấy có chế tài đối với dự án đầu tư chậm tiến độ. Vậy nên, xin mời Quý nhà đầu tư cùng đón đợi Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020 để biết được Pháp luật đầu tư hướng dẫn chi tiết thực hiện quy định này ra sao và liệu có chế tài gì cho các dự án đầu tư trong trường hợp dự án không thực hiện đúng tiến độ hay không.
Trên đây là những tư vấn của IPIC về vấn đề Gia hạn dự án đầu tư, nếu quý nhà đầu tư quan tâm đến nội dung này hoặc có nhu cầu gia hạn dự án đầu tư, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết.
Với đội ngũ luật sư, tư vấn viên có năng lực và nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn và thực thiện thủ tục lĩnh vực đầu tư, Công ty Luật TNHH IPIC sẵn sàng cung cấp cho nhà đầu tư những tư vấn cùng giải pháp thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Xin vui lòng liên hệ với chúng tôi tại:
Luật Sư Nguyễn Trinh Đức - Giám đốc.
Điện Thoại: (04) 73018886 - (04) 73028886; Mobile: 0936342668.
Mail: info@ipic.vn; trinhduclawyer@gmail.com.
Địa chỉ trụ sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
03 TRƯỜNG HỢP KHÔNG GIA HẠN DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO LUẬT ĐẦU TƯ 2020 VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN