Tư vấn thực hiện dự án khai thác nước ngầm

15 /082016

Tư vấn thực hiện dự án khai thác nước ngầm

Thư tư vấn: 270315/Letter-Ipic

V/v: Tư vấn thực hiện dự án khai thác nước ngầm.

Công ty Luật TNHH IPIC (“IPIC GROUP”) xin cảm ơn Quý Công ty đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.

Qua trao đổi chúng tôi hiểu rằng Quý Công ty đang có nhu cầu thực hiện dự án khai thác nước ngầm và cần sự tư vấn cũng như hỗ trợ của chúng tôi về mặt pháp lý.

I. YÊU CẦU TƯ VẤN CỦA QUÝ CÔNG TY

(1) Theo như nội dung trao đổi giữa IPIC GROUP và Quý Công ty, Quý Công ty đang có dự định kết hợp cùng với một cá nhân khác để thực hiện dự án khai thác nước ngầm tại địa điểm: Thôn Kim Đức, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

(2) Vì vậy, Quý Công ty mong nhận được ý kiến tư vấn pháp lý của IPIC GROUP về các vấn đề sau:

(a) Tư vấn hình thức pháp lý phù hợp để Quý Công ty và bà A có thể cùng thực hiện dự án khai thác nước ngầm.

(b) Các vấn đề pháp lý cần thực hiện để có thể thực hiện dự án khai thác nước ngầm.

(c) Quy trình pháp lý và hồ sơ cần thiết cần chuẩn bị để thực hiện dụ án khai thác nước ngầm nhanh chóng và hiệu quả nhất.

II. VĂN BẢN PHÁP LUẬT

(1) Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 (Luật Đầu tư);

(2) Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 (Luật Đất đai);

(3) Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 (Luật Doanh nghiệp);

(4) Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/06/2013 (Luật Tài nguyên nước);

(5) Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/22/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước (Nghị định 201/2013/NĐ-CP);

(6) Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (Nghị định 43/2014/NĐ-CP);

(7) Thông tư 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/02/2015 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP (Thông tư 02/2015/TT-BTNMT);

(8) Thông tư 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/05/2014 quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước (Thông tư 27/2014/TT-BTNMT).

>>> Tham khảo : Thành lập công ty hoạt động phân phối có yếu tố nước ngoài

III. Ý KIẾN TƯ VẤN

Dựa trên yêu cầu của Quý Công ty cùng với các văn bản pháp luật liên quan được tra cứu, IPIC GROUP đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

(1) Hình thức liên kết thực hiện dự án khai thác nước ngầm

Quý Công ty muốn liên kết với bà A để thực hiện dự án khai thác nước ngầm. Theo đó, Quý Công ty sẽ thực hiện góp vốn bằng tiền mặt và bà A sẽ thực hiện góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Như vậy sẽ có 02 hình thức liên kết phù hợp: (1) Thành lập Công ty TNHH gồm 2 thành viên là Quý Công ty và bà A; (2) Ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Quý Công ty và bà A mà không thành lập công ty.

Việc lựa chọn hình thức liên kết sẽ phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của Quý Công ty, tuy nhiên chúng tôi sẽ phân tích sơ bộ về đặc điểm của từng loại hình để giúp Quý Công ty trong việc lựa chọn.

(a) Thành lập Công ty TNHH: Loại hình này được quy định chi tiết trong Luật Doanh nghiệp và điều chỉnh hầu hết các vấn đề có liên quan, từ cách thức góp vốn, quyền và nghĩa vụ giữa các bên, chuyển nhượng phần vốn góp cho đến phân chia lợi nhuận … Do vậy, hình thức này tạo sự thuận tiện cho Quý Công ty và bà A trong quá trình hoạt động doanh nghiệp và thực hiện dự án.

(b) Ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh: Đây là hình thức được quy định trong Luật Đầu tư, nhằm tạo thuận tiện cho các bên muốn hợp tác kinh doanh cùng nhau nhưng không muốn thành lập pháp nhân mới, do vậy pháp luật cho phép các bên tự do thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ, về thời hạn của hợp đồng, về trách nhiệm khi vi phạm…Do vậy, khi lựa chọn hình thức này Quý Công ty phải thực sự cẩn trọng trong việc thỏa thuận nội dung hợp đồng hợp tác.

Cuối cùng, chúng tôi vẫn khuyến khích Quý Công ty lựa chọn hình thức thành lập công ty bởi sự thuận tiện trong quá trình hoạt động. Để không gây nhầm lẫn cho việc xác định chủ thể thực hiện dự án nên sau đây chúng tôi sẽ gọi là “Nhà đầu tư dự kiến”.

(2) Vấn đề pháp lý trong dự án khai thác nước ngầm

(a) Thuật ngữ “Nước ngầm”

Nước ngầm mà Nhà đầu tư dự kiến dự định khai thác, theo quy định của pháp luật được gọi là “Nước dưới đất”, tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất. Do vậy, sau đây chúng tôi sẽ chuyển cụm từ “Dự án khai thác nước ngầm” thành thuật ngữ “Dự án khai thác nước dưới đất” để phù hợp với quy định của pháp luật.

(b) Một số nguyên tắc chung khi thực hiện khai thác nước dưới đất

(i) Khi khai thác phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất, trám lấp giếng sau khi đã sử dụng xong hoặc bị hỏng.

(ii) Bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, ngưỡng khai thác nước dưới đất.

(iii) Khai thác nước dưới đất phải thực hiện các biện pháp quy định trong giấy phép, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn kỹ thuật bảo đảm không gây sụt, lún đất.

(c) Cấp giấy phép khai thác nước dưới đất

- Việc xác định dự án khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp phải đăng ký, phải xin phép hay không không phải đăng ký, không phải xin phép phải căn cứ vào các yếu tố sau: (i) Mục đích khai thác và quy mô khai thác; (ii) Khu vực khai thác.

- Mục đích và quy mô khai thác: Chúng tôi được biết mục đích khai thác là dùng cho sản xuất, kinh doanh dich vụ. Theo đó, với mục đích này sẽ có hai hướng như sau:

+, Nếu quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm: Trường hợp này Nhà đầu tư dự kiến không phải đăng ký và không phải xin phép khai thác.

Lưu ý: Quy mô này không rơi vào một trong các trường hợp nêu ra tại Tiết (ii), Điểm (c), Khoản 2, Mục I này.

+, Nếu quy mô vượt quá 10 m3/ngày đêm: Trường hợp này Nhà đầu tư dự kiến phải đăng ký và phải xin phép khai thác.

- Địa điểm khai thác: Khi nước dưới đất tại địa điểm khai thác rơi vào các trường hợp sau đây thì Nhà đầu tư dự kiến phải đăng ký và phải xin phép khai thác cho dù quy mô khai thác là dưới 10 m3/ngày đêm hay 10 m3/ngày đêm.

+, Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức;

+, Khu vực có nguy cơ sụt, lún đất, xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất;

+, Khu vực có nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm hoặc có dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý bảo đảm chất lượng;

+, Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng.

Do vậy, Nhà đầu tư dự kiến cần thăm dò để xác định quy mô dự kiến khai thác và khu vực dự định khai thác có rơi vào các trường hợp nêu trên hay không để chúng tôi có thể tư vấn cho Quý Công ty một cách cụ thể nhất về tính khả thi của việc thực hiện dự án.

(d) Cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất

Trước khi xây dựng công trình khai thác nước dưới đất, Nhà đầu tư dự kiến phải thực hiện thăm dò để đánh giá trữ lượng, chất lượng, khả năng khai thác và Nhà đầu tư dự kiến phải được cấp Giấy phép thăm dò mới có quyền thăm dò.

Khi đã có Giấy phép thăm dò thì Nhà đầu tư dự kiến có 2 phương án triển khai thăm dò như sau:

(i) Nhà đầu tư dự kiến tự thực hiện thăm dò: Trường hợp này phải đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề khoan nước dưới đất và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

(ii) Thuê tổ chức có chức năng thực hiện thăm dò: Tổ chức được thuê phải đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề khoan nước dưới đất và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

Như vậy, Nhà đầu tư dự kiến phải thực hiện thăm dò để đánh giá trữ lượng, chất lượng, khả năng khai thác, nếu đáp ứng yêu cầu của pháp luật và Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì sẽ được cấp Giấy phép khai thác.

(e) Lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong dự án khai thác nước dưới đất

- Đối tượng: Công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất có lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên.

- Thời điểm lấy ý kiến: Trong quá trình thăm dò.

- Nội dung lấy ý kiến:

+, Thuyết minh và thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu khả thi) kèm theo tờ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án;

+, Kế hoạch triển khai xây dựng công trình;

+, Tiến độ xây dựng công trình;

+, Các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, đảm bảo nước cho các đối tượng sử dụng ở thượng và hạ lưu công trình trong quá trình xây dựng, vận hành công trình, thời gian công trình không vận hành;

+, Mục đích khai thác, sử dụng nước; Vị trí công trình khai thác nước; Tầng chứa nước khai thác, độ sâu khai thác; Tổng số giếng khai thác; Tổng lượng nước khai thác, sử dụng; Chế độ khai thác; Thời gian khai thác, sử dụng.

- Cơ quan thực hiện lấy ý kiến: Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi dự kiến bố trí công trình khai thác nước dưới đất.

(f) Thời hạn của giấy phép

- Giấy phép thăm dò nước dưới đất có thời hạn là hai (02) năm và được xem xét gia hạn một (01) lần, thời gian gia hạn không quá một (01) năm.

- Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất có thời hạn tối đa là mười (10) năm, tối thiểu là ba (03) năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là hai (02) năm, tối đa là năm (05) năm.

(g) Về việc chuyển mục đích quyền sử dụng đất

Diện tích đất 17.009,0 m2 của bà A bao gồm đất ở 400 m2 và đất vườn 16.609 m2 cùng nằm trên thửa đất 197.

Theo quy định của pháp luật thì khi đất vườn của cá nhân cùng nằm trong một thửa của đất ở thì đất vườn đó sẽ được xác định là đất ở (Khoản 1 Điều 103 Luật Đất đai).

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, khi chuyển mục đích từ đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở thì cá nhân không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà phải đăng ký biến động đất tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Điểm b, Khoản 1, Điều 11 Thông tư 27/2014/TT-BTNMT).

Do vậy, trường hợp này bà A có thể chuyển mục đích đất ở và đất vườn hiện tại sang đất dùng cho mục đích sản xuất phi nông nghiệp là khai thác nước dưới đất và phải làm thủ tục đăng ký biến động tại Văn phòng đăng lý quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã.

>>> Tham khảo : Mở nhà hàng có yếu tố nước ngoài

(3) Hồ sơ yêu cầu và trình tự thực hiện

(a) Thành lập Công ty mới

(i) Hồ sơ

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (IPIC GROUP soạn thảo);

- Điều lệ Công ty (IPIC GROUP soạn thảo);

- Danh sách thành viên (Đối với Công ty TNHH)/Danh sách cổ đông (Đối với Công ty cổ phần) (IPIC GROUP soạn thảo);

- Giấy ủy quyền cho IPIC GROUP.

(ii) Thời hạn

- Soạn thảo các hồ sơ nêu trên trong 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ các giấy tờ được yêu cầu.

- Thời gian xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

(b) Xin giấy phép thăm dò

(i) Hồ sơ

- Đơn đề nghị cấp giấy phép (IPIC GROUP soạn thảo);

- Đề án thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên hoặc thiết kế giếng thăm dò đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm (Quý Công ty cung cấp).

(ii) Thời hạn

- Thời hạn soạn thảo hồ sơ là 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ thông tin yêu cầu từ Quý Công ty.

- Thời hạn nhận giấy phép thăm dò là 45 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

(c) Xin Giấy phép khai thác

(i) Hồ sơ

- Đơn đề nghị cấp giấy phép (IPIC GROUP soạn thảo);

- Sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất (Quý công ty cung cấp);

- Đề án thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên; thiết kế giếng thăm dò đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm (Quý Công ty cung cấp);

- Báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất kèm theo phương án khai thác đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên (Quý công ty cung cấp);

- Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá sáu (06) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ (Quý công ty cung cấp).

(ii) Thời hạn

- Thời hạn soạn thảo hồ sơ là 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ thông tin yêu cầu từ Quý Công ty.

- Thời hạn nhận giấy phép thăm dò là 45 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

(d) Tổng thời gian thực hiện:

Như vậy, tổng thời gian để thành lập công ty, xin giấy phép thăm dò và xin giấy phép khai thác là 98 ngày làm việc.

Thời gian này không bao gồm thời gian gián đoạn bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các yếu tố khách quan khác.

(4) Thẩm quyền

Sẽ tùy thuộc vào quy mô khai thác như sau:

(a) Thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên.

(i) Cơ quan nhận hồ sơ:

Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ.

(ii) Cơ quan cấp giấy phép thăm dò, khai thác:

Bộ Tài nguyên và Môi trường.

(b) Thăm dò, khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên.

(i) Cơ quan nhận hồ sơ:

Sở Tài nguyên và Môi trường nơi nơi có dự án khai thác nước dưới đất sẽ tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ xin cấp giấy phép.

(ii) Cơ quan cấp giấy phép thăm dò, khai thác:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án khai thác nước dưới đất.

(5) Giấy tờ Quý Công ty cần cung cấp:

(a) 03 bản sao (Chứng thực) Giấy chứng nhậm đăng ký kinh doanh của Quý Công ty;

(b) 03 bản sao (Chứng thực) chứng minh nhân dân của bà A;

(c) 03 bản sao (Chứng thực) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà A;

(d) Cung cấp thông tin sau để xin giấy phép thăm dò:

- Địa chỉ cụ thể hoặc thôn/ấp..., xã/phường..., huyện/quận..., tỉnh/thành phố...., nơi bố trí công trình thăm dò; Thông tin toạ độ các điểm góc giới hạn phạm vi bố trí công trình thăm dò theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu.

- Thông tin tổng số giếng, tổng lưu lượng thăm dò (m3/ngày đêm) và dự kiến lưu lượng của từng giếng.

- Thông tin tầng chứa nước, chiều sâu dự kiến của các giếng thăm dò; trường hợp thăm dò nhiều tầng chứa nước thì ghi rõ các tầng thăm dò, số lượng    giếng, lưu lượng dự kiến thăm dò trong từng tầng chứa nước.

- Thông tin thời gian bắt đầu thi công, dự kiến thời gian hoàn thành công tác thi công, thời gian hoàn thành công tác lập báo cáo kết quả thăm dò.

- Thông tin khai thác nước dưới đất để cấp nước cho mục đích gì; trường hợp khai thác nước dưới đất để cấp nước cho nhiều mục đích thì ghi rõ lưu lượng để cấp cho từng mục đích.

(e) Cung cấp thông tin sau để xin giấy phép khai thác:

Thông tin số lượng giếng khai thác hoặc số hố đào/hành lang/mạch lộ/hang động; trường hợp khai thác nước dưới đất trong nhiều tầng chứa nước thì ghi rõ số lượng giếng trong từng tầng chứa nước.

(f) Đề án thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên hoặc thiết kế giếng thăm dò đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm;

(g) Đề án thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên; thiết kế giếng thăm dò đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm;

(h) Báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất kèm theo phương án khai thác đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên;

(i) Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá sáu (06) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

IV. ĐỀ XUẤT DỊCH VỤ

4.1 Phạm vi công việc

a) Tư vấn các quy định pháp luật và các vấn đề có liên quan đến việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, xin cấp Giấy phép thăm dò và Giấy phép khai thác;

b) Soạn thảo các văn bản, tài liệu cần thiết cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, xin cấp Giấy phép thăm dò và Giấy phép khai thác;

c) Thay mặt Quý Công ty dự kiến nộp hồ sơ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

d) Thay mặt Quý Công ty làm việc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết hồ sơ;

e) Thay mặt Quý Công ty nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép thăm dò và Giấy phép khai thác tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

f) Thay mặt công ty được thành lập để làm con dấu cho công ty;

Trên đây là ý kiến tư vấn sơ bộ và đề xuất dịch vụ của IPIC GROUP để Quý Công ty xem xét và chấp nhận. Nếu Quý Công ty có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung này, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Trân trọng!

>>> Tham khảo : Thành lập công ty bất động sản có yếu tố nước ngoài

Vui lòng liên hệ

Luật Sư Nguyễn Trinh Đức - Giám đốc điều hành.

Điện Thoại: (04) 73018886 - (04) 73028886; Mobile: 0936342668.

Mail: info@ipic.vn; trinhduclawyer@gmail.com.

Địa chỉ trụ sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. 

Rất Hân hạnh được tư vấn pháp luật cho Quý Khách hàng!

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.