TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẠI LÝ THƯỜNG GẶP VÀ CÁC PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

22 /092021

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẠI LÝ THƯỜNG GẶP VÀ CÁC PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

            Đại lý thương mại là một trong những hình thức trung gian thương mại đem lại lợi ích vô cùng lớn cho các doanh nghiệp. Trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, hoạt động đại lý thương mại ngày càng phát triển, kéo theo đó là các tranh chấp về hợp đồng đại lý thương mại ngày càng gia tăng.

1.         Thế nào là tranh chấp hợp đồng đại lý?

            Hợp đồng đại lý là sự thỏa thuận giữa bên giao đại lý và bên đại lý về việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao. Các hình thức đại lý phổ biến gồm: đại lý bao tiêu, đại lý độc quyền, tổng đại lý mua hàng hóa cung ứng dịch vụ.

            Tranh chấp hợp đồng đại lý là những mâu thuẫn, bất đồng, xung đột giữa các bên trong hợp đồng về việc thực hiện không đúng hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã ghi nhận trong hợp đồng đại lý.

            Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng đại lý. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do các bên chủ quan trong việc thiết lập hợp đồng đại lý. Các cá nhân tổ chức do không nắm được các quy định của pháp luật liên quan đến hợp đồng đại lý, không thể lường trước hết được các rủi ro, chỉ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận mà không quan tâm đến vấn đề pháp lý. Ngoài ra, cũng chính vì chỉ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận, lọi ích của mình mà bất chấp vi phạm hợp đồng, vi phạm đạo đức kinh doanh, cố ý làm sai thỏa thuận của các bên... dẫn đến tranh chấp xảy ra.

2.         Các tranh chấp hợp đồng đại lý thường gặp:

            Tranh chấp hợp đồng đại lý ngày càng có xu hướng gia tăng về số lượng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Các tranh chấp hợp đồng đại lý thường gặp như Tranh chấp hợp đồng đại lý do bên giao đại lý giao hàng không đúng thỏa thuận ghi trong hợp đồng, Tranh chấp hợp đồng đại lý phát sinh giữa các bên khi xảy ra rủi ro đối với hàng hóa, Tranh chấp hợp đồng đại lý khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán, .... Cụ thể như sau:

            Tranh chấp hợp đồng đại lý do bên giao đại lý giao hàng không đúng thỏa thuận ghi trong hợp đồng: Trong hợp đồng, các bên khi giao hàng hóa thường thỏa thuận các vấn đề liên quan đến loại hàng hóa, chất lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa, chỉ tiêu kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng, thời gian giao hàng, địa điểm giao hàng,... Tuy nhiên, khi giao hàng hóa bên giao đại lý lại không giao hàng hóa đúng như thỏa thuận ghi trong hợp đồng liên quan đến các vấn đề trên dẫn đến mâu thuẫn xảy ra. Để tránh xảy ra tranh chấp này, ngay từ khi ký kết hợp đồng các bên cần phải đọc kỹ điều khoản hợp đồng quy định một cách cụ thể, chi tiết về đối tượng hàng hóa, chất lượng, số lượng hàng hóa,... để tránh trường hợp mỗi bên hiểu một ý khác nhau nhằm hạn chế tình trạng xảy ra tranh chấp. Ngoài ra, trong hợp đồng đại lý cũng cần quy định các vấn đề như phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại để mang tính chất răn đe đối với bên cố ý vi phạm ( cố ý giao hàng hóa không đúng cam kết về số lượng, chất lượng...)

            Tranh chấp hợp đồng đại lý phát sinh giữa các bên khi xảy ra rủi ro đối với hàng hóa: Theo quy định của pháp luật, bên giao đại lý là chủ sở hữu của hàng hóa. Do đó, khi xảy ra rủi ro về hàng hóa bên giao đại lý thường phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, những rủi ro đó xảy ra có thể không phải do bên giao đại lý mà do bên đại lý như rủi ro xảy ra do bảo quản hàng hóa, sự kiện bất khả kháng (thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh),... Trong những trường hợp này bên đại lý sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng trên thực tế, việc xác định rủi ro do bên nào gây ra còn gặp khó khăn, các bên khi ký kết hợp đồng cũng không lường trước được những rủi ro này nên thường không thỏa thuận trong hợp đồng dẫn đến tranh chấp mâu thuẫn xảy ra. Do đó, để hạn chế tranh chấp liên quan đến vấn đề này, chủ thể ký kết hợp đồng cần phải có thỏa thuận quy định rõ các trường hợp xảy ra rủi ro và do bên nào chịu trách nhiệm. Ví dụ như bên giao đại lý giao hàng hóa cho bên đại lý là mỹ phẩm (đảm bảo đủ điều kiện được phân phối ra thị trường). Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng mỹ phẩm khách hàng lại bị dị ứng nghiêm trọng do bên đại lý không tuân thủ các điều kiện bảo quản mỹ phẩm như thỏa thuận. Tranh chấp xảy ra khi không xác định rõ nguyên nhân và do trong hợp đồng không quy định rõ các trường hợp xảy ra rủi ro và sẽ do bên nào chịu trách nhiệm.

            Tranh chấp hợp đồng đại lý khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán: Hợp đồng đại lý thường dài hạn, do vậy khi thanh toán sẽ chia làm nhiều đợt, các khoản khuyến mãi, triết khấu xảy ra khá thường xuyên. Vì vậy, khi một bên chậm nghĩa vụ thanh toán, không thanh toán đúng hạn như các bên thỏa thuận thì sẽ xảy ra tranh chấp. Để tránh trường hợp xảy ra tranh chấp này, các bên cần đưa ra những điều khoản chi tiết, cụ thể đối với từng giao dịch. Ngoài ra, nên có những quy định liên quan đến phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại (nếu có) trong trường hợp các bên chậm thanh toán, thanh toán không đúng hạn.

3.         Các phương thức giải quyết tranh chấp và ưu nhược điểm của từng phương thức giải quyết tranh chấp:

            Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng đại lý, chúng ta có thể áp dụng các phương thức giải quyết như tranh chấp trong kinh doanh thương mại như thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án. Phương thức giải quyết thương lượng do các bên tự thỏa thuận được đông đảo các bên khi có tranh chấp xảy ra lựa chọn nhưng kết quả giải quyết cũng do hai bên quyết định nên trong những trường hợp diễn biến phức tạp các bên thường lựa chọn phương thức giải quyết là Hòa giải tại Trung tâm hòa giải, Trọng tài, Tòa án.

3.1       Phương thức giải quyết bằng Hòa giải tại Trung tâm hòa giải (hòa giải thương mại).

            Hòa giải thương mại là là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp.

            Ngoài hai bên tranh chấp tham gia, trong hòa giải thương mại còn có bên thứ ba là hòa giải viên – là cầu nối, trung gian giúp các bên giải quyết những khúc mắc trong tranh chấp.

            Khi giải quyết bằng phương thức giải quyết bằng Hòa giải tại Trung tâm hòa giải, một trong những ưu điểm nổi bật khi lựa chọn phương thức này là các bên sẽ không bị gò bó, tiết kiệm về thời gian chi phí bởi thủ tục hòa giải được tiến hành nhanh gọn và thời gian giải quyết tranh chấp bằng hoà giải chủ yếu phụ thuộc vào thoả thuận giữa các bên tranh chấp với hoà giải viên. Thời gian diễn ra hoà giải không quá lâu, thường là một ngày với mục tiêu hoàn tất việc giải quyết tranh chấp trong ngày đó. Cũng chính vì vậy, chi phí giải quyết hòa giải cũng thấp hơn so với những phương thức khác bởi chi phí để giải quyết hòa giải thông thường là mức chi phí cho từ một hoà giải viên làm việc trong một khoảng thời gian ngắn để thực hiện việc hoà giải.

            Theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp theo phương thức hòa giải thương mại thì các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Đây là một trong những ưu điểm nổi bật khi lựa chọn giải quyết tranh chấp theo phương thức hòa giải tại Trung tâm hòa giải.

            Bên cạnh những ưu điểm thì khi giải quyết bằng phương thức tranh chấp giải quyết bằng hòa giải thương mại còn có những điểm hạn chế. Một trong những điểm hạn chế nhất khi giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải thương mại là hoà giải viên không được đưa ra quyết định ràng buộc hay áp đặt các bên khi giải quyết tranh chấp. Theo quy định tại Điều 9, Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP thì Hòa giải viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên. Do đó, hòa giải tại Trung tâm hòa giải thương mại chỉ mang tính chất trung gian, hiện không có quy định nào bắt buộc về việc hòa giải nên trung tâm hòa giải thương mại không có quyền tài phán. Đây là nhược điểm lớn nhất khi lựa chọn phương thức giải quyết bằng hòa giải tại Trung tâm hòa giải.

            Trình tự thủ tục giải quyết theo phương thức giải quyết bằng hòa giải tại trung tâm hòa giải sẽ được giải quyết theo Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP. Theo đó, các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận. Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên. Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.

3.2       Phương thức giải quyết bằng Trọng tài thương mại.

            Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại. Tại trọng tài Việt Nam sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

            Một trong những ưu điểm khi giải quyết Tranh chấp tại Trọng tài thương mại có ưu điểm hơn so với Tòa án đó là tính bảo mật thông tin. Thủ tục Tòa án công khai nên đôi khi sẽ bị ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, đó là những điều doanh nghiệp không mong muốn. Doanh nghiệp luôn muốn giữ những bí mật thông tin như bí quyết công nghệ thông tin, bí quyết kinh doanh, quy trình sản xuất, các tài liệu quan trọng liên quan đến quá trình kinh doanh của công ty,…Khi giải quyết theo phương thức Trọng tài, những tài liệu này sẽ được giữ bí mật. Do đó, đây là một trong những ưu điểm khi giải quyết bằng phương thức Trọng tài. Ngoài ra, các cá nhân doanh nghiệp chọn phương thức giải quyết Tòa án thì bản án của Tòa án chỉ thi hành được ở Việt Nam mà không thi hành được ở nước ngoài. Còn chọn phương thức Trọng tài thương mại thì phán quyết trọng tài được công nhận và cho thi hành trên 150 quốc gia.

            Khi giải quyết bằng phương thức Trọng tài thương mại, do theo nguyên tắc các bên được tự thỏa thuận nên hương thức trọng tài rất phù hợp cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí và sự thoải mái. Doanh nghiệp được thỏa thuận về thời gian, địa điểm, trọng tài viên phù hợp, ngôn ngữ, luật giải quyết tranh chấp…Không những vậy, khi giải quyết bằng phương thức Trọng tài thì có tính thi hành cao do quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài có một cấp xét xử. Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật trọng tài thương mại 2010 có quy định : “Phán quyết trọng tài là chung thẩm”. Điều đó đồng nghĩa với việc Hội đồng trọng tài khi đưa ra phán quyết thì phán quyết đó có hiệu lực thi hành ngay, các bên không được quyền kháng cáo lên Trọng tài cấp trên hoặc ra Tòa án. Tuy nhiên, các bên vẫn có quyền thách thức phán quyết của Trọng tài ra Tòa án, có quyền yêu cầu Hủy phán quyết của Trọng tài.

            Bên cạnh những ưu điểm thì khi chọn phương thức giải quyết bằng Trọng tài cũng có những hạn chế như chi phí Trọng tài thường cao hơn Tòa án, tính cưỡng chế thi hành của Trọng tài không cao bằng Tòa án. Do phán quyết trọng tài là chung thẩm, nên trong trường hợp Trọng tài đưa ra phán quyết không chính xác sẽ gây ra hậu quả không đáng có cho các bên. Các bên có thể đề nghị hủy phán quyết tại Tòa án nhưng sẽ dẫn đến việc mất thời gian, chi phí, công sức hơn.

            Khi giải quyết tranh chấp bằng phương thức giải quyết Trọng tài thì các bên sẽ giải quyết theo trình tự thủ tục như sau: Bên nguyên đơn nộp đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo đơn; Sau khi Nguyên đơn nộp đơn khởi kiện đến Trọng tài thì phía Bị đơn sẽ nộp bản tự bảo vệ hoặc kiện lại gửi đến Trung tâm trọng tài thương mại; Trung tâm trọng tài thương mại tiến hành thành lập Hội đồng trọng tài để mở phiên họp giải quyết tranh chấp; Sau khi kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài sẽ đưa ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.

3.3       Phương thức giải quyết bằng Tòa án.

            So với các phương thức giải quyết tranh chấp nêu trên, giải quyết tranh chấp bằng tòa án được coi là có thủ tục chặt chẽ, mang tính quyền lực nhà nước, có giá trị thi hành cao.

            Phương thức giải quyết tại Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước được Tòa án thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ.

            Khác với phương thức giải quyết Trọng tài, các bên sẽ không được lựa chọn ai sẽ là người giải quyết tranh chấp của mình. Đối với giải quyết bằng phương thức Tòa án, Tòa án sẽ hoàn toàn quyết định Hội đồng xét xử giải quyết tranh chấp.

            Khi giải quyết theo phương thức này sẽ giải quyết thông qua hai cấp xét xử là Sơ thẩm và Phúc thẩm. Ví dụ: khi doanh nghiệp khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện về việc giải quyết tranh chấp thì nếu như một trong hai bên không đồng ý với phán quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện thì có thể kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh là cấp xét xử Phúc thẩm. Phán quyết của Tòa án phúc thẩm là phán quyết cuối cùng và có hiệu lực thi hành. Việc áp dụng hệ thống hai cấp xét xử tạo cơ hội để có thể sửa chữa những thiếu sót, sai lầm của các bản quyết định ở cấp sơ thẩm, tạo tâm lý yên tâm hơn cho các doanh nghiệp so với phương thức giải quyết bằng trọng tài (quyết định của trọng tài có giá trị chung thẩm và không thể thay đổi hay sữa chữa được. Mặc dù các bên có quyền kháng cáo khi không đồng ý với Phán quyết của Tòa án, tuy nhiên các bên khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng Tòa án sẽ tốn chi phí và thời gian vì phán quyết của Tòa án cấp Sơ thẩm thường bị kháng cáo, phải qua nhiều cấp xét xử dẫn đến việc ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của các bên. Cũng chính vì đặc thù này mà thủ tục của Tòa án thiếu linh hoạt hơn do đã được pháp luật quy định từ trước.

            Việc xét xử theo phương thức giải quyết bằng Tòa án có giá trị cưỡng chế thi hành án. Nếu các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế bởi Cơ quan thi hành án. Do đó, khi giải quyết bằng phương thức này, các bên sẽ bắt buộc phải thực hiện theo phán quyết của Tòa án, quyền và nghĩa vụ của các bên được đảm bảo thực hiện. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định : “2. Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín”. Do đó, việc xét xử công khai ở Tòa án sẽ có tính răn đe đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong hoạt động liên loan đến tranh chấp hợp đồng đại lý. Các doanh nghiệp khác cũng có thể biết được và phòng tránh được phần nào rủi ro cho doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên, vì tính chất giải quyết công khai nên những vấn đề về bí mật kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp trên thường trường không được đảm bảo. Đây là vấn đề rất nhạy cảm mà nhiều doanh nghiệp khi lựa chọn phương thức giải quyết tại tòa án phải cân nhắc. Ngoài ra, khi lựa chọn phương thức giải quyết tại tòa án sẽ khiến thời gian tố tụng kéo dài và thủ tục tố tụng phức tạp nên các doanh nghiệp thường e ngại.

            Khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án, bên khởi kiện sẽ gửi đơn khởi kiện đến Tòa án cấp quận/huyện nơi bị đơn là cá nhân cư trú hoặc tổ chức có trụ sở làm việc; Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, hồ sơ hợp lệ Tòa án có thẩm quyền sẽ ra thông báo nộp tạm ứng án phí cho người nộp đơn; Sau khi người nộp đơn khởi kiện đã nộp tạm ứng án phí, Tòa án có thẩm quyền sẽ thụ lý vụ án; Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự ; Tòa án ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.

            Trên đây là nội dung tư vấn của IPIC về những Tranh chấp hợp đồng đại lý thường gặp và các phương thức giải quyết tranh chấp. Mọi thắc mắc, yêu cầu tư vấn, thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến tranh chấp hợp đồng đại lý thường gặp xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.

 

            Trân trọng!

            Luật sư Nguyễn Trinh Đức

 

 

 

 

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.