Thực tiễn giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với trường hợp chủ sở hữu
TS. NGUYỄN VĂN CƯỜNG & THS. BÙI DUNG HUYỀN – Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS), mọi công dân đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; quyền sở hữu hợp pháp của công dân được pháp luật thừa nhận. Do đó, bất cứ người nào có lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, xâm phạm danh dự uy tín của pháp nhân hoặc các chủ thể khác thì phải có nghĩa vụ bồi thường.
>>> Tham khảo: Nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty bất động sản
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định từ Điều 604 đến Điều 630 của BLDS, bao gồm: căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nguyên tắc bồi thường thiệt hại, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường, xác định thiệt hại. Ngoài các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, BLDS còn quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong một số trường hợp cụ thể: bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 625); bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra (Điều 626);bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra (Điều 627).Theo các quy định này, chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản hợp pháp để tài sản thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu của mình gây ra thiệt hại cho người khác phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng quy định pháp luật giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gặp phải khó khăn, bất cập nhất định, nhất là đối với trường hợp xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản hợp pháp khi để tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp của mình gây thiệt hại cho người khác. Trong phạm vi chuyên đề này nhóm tác giả nghiên cứu quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và phân tích vụ án xẩy ra trên thực tiễn, trên cơ sở đó đưa ra khuyến nghị trong việc áp dụng quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại do súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.
>>> Tham khảo: Nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty may
1. Về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
Dựa trên các nguyên tắc chung về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nguyên tắc bồi thường thiệt hại, đối với bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra thì về nguyên tắc, người chủ sở hữu súc vật gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; tuy nhiên, Điều 625 BLDS quy định bồi thường thiệt hại đối với từng trường hợp cụ thể:
- Nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại;
- Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại; Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;
- Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
So với quy định tại Bộ luật dân sự năm 1995, thì quy định về trường hợp súc vật bị sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người sử dụng trái pháp luật phải bồi thường là quy định mới được bổ sung tại Bộ luật dân sự năm 2005. Do thói quen nuôi súc vật thả rông trong nhân dân, điển hình như việc nuôi chó để canh nhà, nuôi trâu, bò, ngựa cho sản xuất nông nghiệp theo lối chăn thả tự do, nhiều trường hợp súc vật gây thiệt hại nặng nề không chỉ tổn thất về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng cho người bị thiệt hại. Sau đây là một vài trường hợp:
- Trường hợp 1[1]: Vào lúc 10 giờ sáng ngày 19-1-2004, ông Nguyễn Văn H. trú tại phường LC, quận TĐ, thành phố Hồ Chí Minh đang chạy xe đạp trên đường DC, quận TĐ thì bất ngờ bị một con chó tấn công vào chân phải. Ngay sau khi xảy ra sự việc, bà T. chủ sở hữu của con chó kia đã đưa ông H. đi chích ngừa một lần duy nhất, sau đó không quan tâm đến sức khỏe của ông H. nữa. Vô cớ bị chó cắn, ông H. không thể đi làm và còn phải mua thuốc uống trị vết thương tốn gần 1 triệu đồng mà không được bà T. nói gì đến việc bồi thường, ông H. đã trực tiếp đến nhà của bà T. để bàn bạc. Bà T. dứt khoát không bồi thường ngoài việc trả tiền chích ngừa vì theo bà, trong việc này ông H. cũng có một phần lỗi: xe đạp của ông H. quá cũ, phát ra tiếng kêu rất khó nghe nên con chó nhà bà mới "quá khích" như vậy (?!), hơn nữa chó nhà bà không phải là chó dại thì việc bà đưa ông đi chích ngừa 1 lần là đủ rồi. Trước thái độ của bà T., ông H. phải gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.
- Trường hợp 2[2]: Ngày 20-3-2007 tại thôn 5, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam xảy ra trường hợp do súc vật bị điên nên gây trọng thương cho rất nhiều người. Sự việc diễn ra như sau: 5h sáng, con chó lai Becgie nặng 20kg của nhà ông Võ Lương đã nổi cơn điên chạy sang cắn bà Trần Thị Khôi bị thương nặng, tiếp tục con chó lao tới cắn bà Trần Thị Diêu (78 tuổi), em Nguyễn Hùng (học sinh lớp 6), ông Châu Văn Hữu đứt một ngón tay, ông Trần Văn Thể gần đứt dương vật. Tương tự như các trường hợp trên, con chó tiếp tục cắn bị thương nặng 10 người tại thôn 5 xã Tam Phước. Theo nhiều nạn nhân điều trị tại Bệnh viện cho biết: "Con chó vừa lớn vừa bị điên nên nó dữ lắm, ai vào cứu đều bị cắn ít nhiều”. Đêm hôm trước, khi con chó phát bệnh đã cắn nát hai vườn chuối nhà ông Châu Văn Hữu và bà Trần Thị Khôi, ngoài ra còn cắn bị thương một con trâu của nhà ông Văn Thể. Đến 8h sáng ngày hôm sau, lực lượng công an, dân quân, tự vệ kết hợp cùng nhân dân hơn 50 người mới hạ được con chó điên này. Một điều đáng nói, khi con chó cắn các nạn nhân bị thương nặng thì chủ nhân của con vật không hề quan tâm đến nạn nhân, có những nạn nhân điều trị tiền thuốc lên đến nhiều triệu đồng.
- Trường hợp 3[3]: Chị Mỹ kể khoảng 8 giờ sáng ngày 6-12, vợ chồng chị gửi bé Quý cho người cô cùng ấp để đi làm đồng. Bé đi theo những người phóng lúa ngang sân nhà ông Tư Cóc thì bị ba con chó (mỗi con nặng khoảng 15-20 kg) đang nuôi con nhào ra cắn xé. Do bé Quý nhỏ mà ba con chó lại lớn nên các nông dân không thấy, tưởng chúng cắn nhau. Mãi hồi lâu một người hàng xóm đi ngang qua, thấy bé Quý đẫm máu, nằm im lìm dưới chân ba con chó bèn vội la lên. Liền đó, hai con chó hung dữ rượt đuổi người này, con còn lại đứng giữ bé Quý. Mọi người phải xúm lại dùng cây đuổi chúng rồi đưa bé đi cấp cứu. Khi được đưa đến bệnh viện, toàn thân bé Quý chi chít vết thương và đã hôn mê, hai mắt không còn mở ra được. Chỉ trong một ngày, bé được chuyển đến bốn bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Cuối cùng, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh đã chữa trị cho bé tai qua nạn khỏi. Theo chị Mỹ, đến nay gia đình ông Tư Cóc đã hỗ trợ chị 3,2 triệu đồng để lo thuốc thang. Do nghĩ sự việc xảy ra ngoài ý muốn nên vợ chồng chị không khiếu nại đòi ông Tư Cóc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, chị cũng rất lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé sau này. Sau khi sự việc xảy ra, Ủy ban nhân dân xã Long Bình xác định ba con chó trên đều chưa được tiêm ngừa nhưng cơ quan thú y chưa phát hiện chúng có dấu hiệu bị bệnh. Theo ông Đinh Văn Thế, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An, sau một tháng, nếu chúng không phát bệnh thì sức khỏe của bé Quý tạm thời sẽ không bị ảnh hưởng.
Đối với các trường hợp giải quyết yêu cầu đòi chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản hợp pháp bồi thường thiệt hại khi tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc thuộc quyền chiếm hữu của họ gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác, ngoài việc áp dụng các hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Tòa án phải áp dụng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 605 BLDS và hướng dẫn tương ứng tại NQ số 03/2006, cụ thể như sau:
Khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải thực hiện đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại. Cần phải tôn trọng thoả thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thoả thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần chú ý: Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của BLDS quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó. Để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Toà án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự. Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau đây:
+ Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại;
+ Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó.
Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại…
Ngoài ra, còn phải xác định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Khi thực hiện quy định tại Điều 606 BLDS về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cần phải chú ý xác định đúng tư cách đương sự trong từng trường hợp; Bên cạnh đó, còn phải xác định mức chi phí hợp lý. Các khoản chi phí hợp lý quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 609, các điểm b và c khoản 1 Điều 610 và điểm a khoản 1 Điều 611 BLDS là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí.
>>> Tham khảo: Thành lập trường mầm non Nhật Bản tại Việt Nam
Nghị quyết số 03/2006 còn hướng dẫn cụ thể về nghĩa vụ chứng minh của các đương sự:
- Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại.
- Người gây thiệt hại yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại phải có tài liệu, chứng cứ về khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình không đủ để bồi thường toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đã xảy ra.
- Người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại phải có đơn xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại. Kèm theo đơn là các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ cho việc xin thay đổi mức bồi thường thiệt hại.
- Việc chứng minh không có lỗi thuộc nghĩa vụ của người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được xác định như sau:
Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh kể từ ngày 01-01-2005 (ngày Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực), thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.
Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước ngày 01-01-2005, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày 01-01-2005. NQ số 03/2006 còn hướng dẫn việc xác định thiệt hại do sức khỏe; tính mạng; danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Ngoài các nội dung hướng dẫn nêu trên, NQ số 03/2006 còn hướng dẫn bồi thường thiệt hại trong trường hợp cụ thể như bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (Điều 623).
Đối với các ví dụ nêu trên (trường hợp 1,2,3) giả thiết nếu người bị thiệt hại yêu cầu Tòa án giải quyết việc bồi thường thiệt hại thì ngoài việc áp dụng quy định của BLDS, BLTTDS và hướng dẫn của NQ số 03/2006, của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để giải quyết trong từng trường hợp cụ thể không phải là đơn giản.
Đối với trường hợp 1, Tòa án phải xác định được việc ông H. có lỗi hay không có lỗi trong việc bị chó cắn. Lỗi ở đây được hiểu là ông H. có chọc giận con chó hay có những hành vi xua đuổi, đánh đập con chó khiến con chó tức giận cắn ông hay không. Nếu đúng là ông H. chỉ đi ngang trên đường (cho dù chiếc xe đạp của ông phát ra tiếng động) mà bị con chó chạy ra cắn thì ông H. hoàn toàn không có lỗi trong việc này. Trong trường hợp này, cũng cần được xác định là trường hợp súc vật thả rông theo tập quán không? Muốn vậy, cần xác định Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản cấm thả rông súc vật trên đường phố hay chưa… Nếu Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản cấm thả rông súc vật thì việc bà T. để chó của mình chạy ra đường cắn ông H. là lỗi hoàn toàn thuộc về bà T. Bà T. phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông H. Vấn đề thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được quy định cụ thể tại Điều 609 BLDS. Theo đó, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, giảm sút của người bị thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người thiệt hại, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị… Như vậy, việc chủ sở hữu súc vật phải bồi thường bao nhiêu phải căn cứ vào thiệt hại thực tế đã xảy ra để quyết định, trừ trường hợp người bị thiệt hại tự nguyện đồng ý mức bồi thường thiệt hại của người chủ sở hữu súc vật đề nghị.
Đối với trường hợp 2 cần xem xét trong trường hợp súc vật này có được xác định là súc vật được thả rông theo tập quán hay không. Trong trường hợp xác định súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội (khoản 4 Điều 625 BLDS). Việc xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được xác định theo khoản 1 Điều 609 BLDS như nêu trên. Như vậy những người bị con chó nhà ông Võ Lương cắn ảnh hưởng đến sức khỏe thì ông Lương phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân theo quy định của pháp luật…
Đối với trường hợp 3. Theo Điều 625 BLDS, nếu chủ sở hữu súc vật có lỗi (kể cả lỗi vô ý) thì phải bồi thường cho người bị súc vật gây tổn hại sức khỏe, chỉ trong trường hợp người bị tổn hại có lỗi hoàn toàn trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu súc vật mới không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong vụ việc trên, dù sân nhà hàng xóm là “vùng lãnh thổ” canh giữ của ba con chó nhưng gia đình này có lỗi là không treo biển báo, không rào giậu kỹ, để bé Quý băng qua sân. Bên cạnh đó, khi chó mẹ đẻ con, gia đình này biết rõ chó mẹ sẽ hung dữ bất thường nhưng lại không xích, nhốt chó lại. Như vậy, chủ sở hữu súc vật hoàn toàn có lỗi nên phải bồi thường cho người giám hộ của bé Quý. Có ý kiến cho rằng, nếu người giám hộ của bé Quý yêu cầu thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị cho bé và thu nhập của người nhà trong thời gian chăm sóc bé ở bệnh viện, tổn thất tinh thần của bé… theo quy định của pháp luật dân sự. Ý kiến khác cho rằng chủ sở hữu súc vật phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, muốn khởi tố chủ sở hữu súc vật gây thiệt hại thì phải xác định chó có phải là “nguồn nguy hiểm cao độ” và khi chó tấn công bé Quý có phải là thi hành lệnh của chủ hay không. Nếu trả lời được hai câu hỏi này thì mới có thể bàn đến trách nhiệm hình sự. Cụ thể, nếu chó là “nguồn nguy hiểm cao độ” thì chủ sở hữu súc vật phải có trách nhiệm nhốt giữ cẩn thận, sơ suất để chó thoát ra cắn người thì tùy theo hậu quả mà có thể bị xử lý về tội vô ý gây thương tích hoặc vô ý làm chết người. Nếu chủ sở hữu súc vật cố tình suỵt chó cắn người (một số loài chó thông minh, được huấn luyện có khả năng nghe lệnh chủ tấn công người khác) thì có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc giết người. Theo quy định của pháp luật, chó nhà không được liệt vào “nguồn nguy hiểm cao độ” (thú dữ, điện cao thế, các phương tiện vận tải đang lưu thông) nên Bộ luật hình sự không đưa hành vi nuôi chó nhà (trong chuồng hay thả rông) vào diện phòng ngừa chung. Mặt khác, ba con chó tự phát tấn công bé Quý nên không có cơ sở nào để xử lý hình sự người chủ sở hữu súc vật.
Qua một vài trường hợp như nêu trên cho thấy mặc dù rất nhiều trường hợp do thả rông súc vật, do bất cẩn nên súc vật gây ra những thiệt hại nặng nề cho người bị thiệt hại, nhưng trên thực tế người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết đòi bồi thường thiệt hại do bị súc vật gây ra lại không nhiều. Ví dụ, năm 2005 toàn ngành Tòa án chỉ thụ lý 06 vụ, đã giải quyết 05 vụ (trong đó: 01 vụ đình chỉ giải quyết, 01 vụ công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, 03 vụ xét xử). Có thực tế này là do khi thiệt hại xảy ra, chủ sở hữu súc vật và người bị thiệt hại thường giải quyết theo tinh thần các bên tự thỏa thuận và có mức bồi thường thỏa đáng, do đó không dẫn đến việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết đòi bồi thường thiệt hại, đây cũng là lý do lý giải nguyên nhân vì sao các thiệt hại về sức khỏe do bị súc vật gây ra trên thực tế nhiều nhưng lại hiếm khi được giải quyết bằng con đường Tòa án. Đối với những trường hợp khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường thiệt hại là do các bên không tự thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng mức bồi thường lại không thỏa đáng nên dẫn đến tranh chấp. Đối với Tòa án, khi giải quyết những yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra thì việc xác định mức độ lỗi của các bên (lỗi bên chủ sở hữu súc vật, lỗi của người bị thiệt hại…) và việc xác định súc vật thả rông theo tập quán hay không (theo quy định của Điều 625 BLDS) là tương đối khó khăn. Khi các bên yêu cầu Tòa án giải quyết thường là những vụ việc phức tạp, chủ sở hữu súc vật không chịu bồi thường vì cho rằng nạn nhân có lỗi trong việc bị súc vật tấn công do đó chủ sở hữu súc vật không phải chịu trách nhiệm bồi thường…
Qua một số ví dụ nêu trên cho thấy, mặc dù BLDS đã quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng các quy định này vào việc bồi thường cho người bị thiệt hại cũng còn nhiều vấn đề phải bàn, như việc xác định mức độ lỗi của người bị thiệt hại, việc xem xét súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội…
2. Về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra
Điều 626 BLDS quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như sau: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. Ở đây cần lưu ý khái niệm “sự kiện bất khả kháng”. "Sự kiện bất khả kháng" theo quy định tại khoản 1 Điều 161 BLDS là: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép". Như vậy, sự kiện bất khả kháng phải là: a) Sự kiện không thể lường trước được. Nếu lường trước được mà để xảy ra thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm dân sự. b) Cùng với tính chất không lường trước được, sự kiện bất khả kháng còn phải là không tránh được và không thể chống đỡ được, tức là đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà thiệt hại vẫn xảy ra. Tính chất không lường trước được và tính chất không thể tránh được và không thể chống đỡ được, phải được xem xét và đánh giá cụ thể trong từng trường hợp. Mặc dù BLDS đã quy định như nêu trên, nhưng trên thực tế, để xác định một sự kiện là bất khả kháng thì còn nhiều tranh luận.
Xung quanh vấn đề bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, trong trường hợp nếu thiệt hại về tính mạng thì một vấn đề khác còn được đặt ra là chủ sở hữu cây đổ, gãy ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của BLDS thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Sau đây là một trường hợp cụ thể[4]: Sự việc xảy ra chiều 14-9, bé Thiện đứng đợi mẹ là bà Phạm Thị Ngọc Đoan trước nhà số 524/4 đường Hưng Phú, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, một cơn gió mạnh thổi qua, cây dừa khô trước mặt gãy đôi, rơi xuống đầu Thiện khiến cậu bé bất tỉnh. Hôm sau, nạn nhân tắt thở. Theo người dân trong khu vực, cây dừa cao hơn 10 m đã chết khô cách đây 2 năm, thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Tiên, trú tại số 524/12 Hưng Phú (đối diện nhà 524/4 Hưng Phú). Sau cái chết của con trai, căn cứ vào các quy định của pháp luật đã nêu trên, bà Phạm Thị Ngọc Đoan cho rằng việc cây đổ, gãy gây ra thiệt hại về tính mạng hoàn toàn không có lỗi của người bị thiệt hại và cũng không phải do sự kiện bất khả kháng. Bà Phạm Thị Ngọc Đoan gửi đơn tới các cơ quan chức năng, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự chủ sở hữu cây dừa và bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Theo mẹ của nạn nhân, cây dừa này đã chết từ lâu, nằm trong khu đông dân cư, ông Nguyễn Văn Tiên phải có ý thức về việc cây có thể đổ bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho người đi đường. Việc xem xét trách nhiệm hình sự hay không thuộc về cơ quan chức năng nhưng nếu xác định đúng cây dừa thuộc quyền sở hữu của ông Tiên thì việc bà Đoan yêu cầu ông Nguyễn Văn Tiên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo điều 626 BLDS là có cơ sở.
Ngoài việc xem xét trách nhiệm dân sư của chủ sở hữu cây thì cần xem xét trách nhiệm đối với cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong việc quản lý cây xanh nơi công cộng. Việc xác định lỗi và trách nhiệm bồi thường của các bên trong thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn và chưa có quy định của pháp luật về việc buộc cơ quan nhà nước phải bồi thường khi gây thiệt hại cho người khác. Hiện nay Bộ Tư pháp đang xây dựng dự án Luật Bồi thường nhà nước. Theo tinh thần của dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước thì phạm vi điều chỉnh của Luật quy định trách nhiệm bồi thường Nhà nước về thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, bao gồm các lĩnh vực: hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, thi hành án. Dự thảo Luật cũng quy định những trường hợp phải bồi thường do tài sản thuộc Nhà nước quản lý gây ra. Theo đó, cây đổ, cầu sập, dây điện cao thế đứt… gây chết hoặc bị thương con người hoặc thiệt hại về tài sản cũng được xem xét bồi thường theo Luật Bồi thường Nhà nước. Nguyên tắc chung là thiệt hại được bồi thường một lần, bằng tiền, trên cơ sở thỏa thuận giữa bên bị thiệt hại và bên gây ra thiệt hại. Nếu việc thỏa thuận không thành, việc bồi thường sẽ tuân theo một bản án hoặc quyết định của toà án. Tiền bồi thường sẽ lấy từ ngân sách Nhà nước. Người thi hành công vụ gây ra thiệt hại, tuỳ theo lỗi cố ý hay vô ý, có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ hay một phần số tiền Nhà nước đã ứng ra để bồi thường.
3. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra
Điều 627 BLDS quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.
Thực tế yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong những năm gần đây ngày càng nhiều, các tranh chấp thường mang tính chất gay gắt, bức xúc kéo dài nhiều năm không thể giải quyết được. Có gia đình bắt đầu xây dựng lại căn nhà, sau khi đào, đổ móng xong thì chủ nhà bên cạnh không cho xây tiếp mà bắt phải bồi thường vì cho rằng việc đào móng đã làm cho căn nhà này bị nghiêng và lún nứt…, hai bên không tự thỏa thuận được, sau đó nhờ chính quyền địa phương hòa giải nhưng cũng không thành, chủ nhà bị thiệt hại khởi kiện vụ việc ra Tòa án. Chính quyền địa phương ra quyết định buộc gia đình bắt đầu xây dựng phải đình chỉ thi công, giữ nguyên hiện trạng để chờ phán quyết của Tòa án. Có những vụ việc được Tòa án thụ lý từ năm 2001 và kéo dài mãi đến nay cũng chưa xét xử được. Sự việc bị "ngâm" quá lâu khiến cả nguyên đơn và bị đơn đều lâm vào thế bí. Chủ nhà không dám sửa chữa do vẫn phải giữ nguyên hiện trạng các vết lún nứt, nghiêng tường để chờ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Theo dự báo của Hội Kiến trúc sư thành phố thì hiện nay mật độ nhà ở các tuyến đường, khu vực dân cư san sát nhau (nhất là ở các thành phố, khi đô thị lớn…) nên việc thi công các công trình xây dựng tất yếu bị ảnh hưởng không ít thì nhiều. Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, để hạn chế tình trạng khó xử, trước khi xây dựng công trình, chủ công trình nên ghi nhận tình trạng nhà xung quanh. Nếu được, có thể thuyết phục các hộ dân bên cạnh công trình xây dựng ký vào biên bản chất lượng căn nhà, thậm chí có thể ghi lại bằng hình ảnh, mời chính quyền địa phương chứng kiến để sau này nếu có tranh chấp phát sinh sẽ dễ giải quyết hơn. Về phía các Công ty kiểm định xây dựng cũng khuyên đơn vị thi công, chủ đầu tư công trình xây dựng cần có bước khảo sát trực tiếp hoặc cho giám định chất lượng các nhà dân bên cạnh. Nếu chất lượng không đảm bảo, đơn vị thi công nên có những giải pháp kèm theo nhằm hạn chế những thiệt hại.
Việc làm lún, nứt nhà hàng xóm, công trình kế cận thường xảy ra không chỉ vì nguyên nhân thi công không đảm bảo mà còn do nhiều nguyên nhân khác như về địa chất, chất lượng công trình bị lún, nứt không đẩm bảo chất lương … Đối với những trường hợp thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra không lớn thì hai bên có thể thương lượng được với nhau, nhưng nếu thiệt hại lớn, các bên lại không có thiện chí khi giải quyết tranh chấp dẫn đến việc các bên phải đưa nhau ra Tòa. Có nhiều vụ việc do các bên không xác định được thiệt hại, không có điều kiện để giám định nguyên nhân gây lún, nứt… do đó không thống nhất về mức bồi thường bao nhiêu là thỏa đáng nên dẫn đến tranh chấp gay gắt. Theo các Tòa án, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tồn đọng kéo dài các vụ tranh chấp này là công tác giám định nguyên nhân lún nứt và thiệt hại của căn nhà bị ảnh hưởng trên thực tế không đạt được hiệu quả. Hiện vẫn chưa có một cơ quan thống nhất đứng ra làm nhiệm vụ giám định về xây dựng.
Khi thụ lý để giải quyết các yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại này, các Tòa án cũng có nhiều quan điểm. Có Tòa án sau khi kiểm tra tính hợp lệ của đơn khởi kiện đã thụ lý vụ án và ra quyết định trưng cầu giám định xây dựng, nhưng trên thực tế có nhiều vụ việc do số tiền chi phí giám định xây dựng rất lớn, bên yêu cầu trưng cầu giám định không có đủ số tiền tạm ứng chi phí giám định nên cơ quan, tổ chức giám định từ chối giám định. Do việc giám định không thể tiến hành được kéo theo hệ quả nếu không có kết luận giám định thì Tòa án không có cơ sở để giải quyết, bởi vì theo quy định tại khoản 1 Điều 90 của Bộ luật tố tụng dân sự: theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định… Thực tiễn tại một số Tòa án, để tránh trường hợp này, có Tòa án yêu cầu nguyên đơn phải có kết luận giám định về thiệt hại thì Tòa án mới thụ lý để giải quyết, Tòa án cho rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 79 của Bộ luật tố tụng dân sự, đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Tòa án lập luận theo quy định tại khoản 5 Điều 82 Bộ luật tố tụng dân sự thì kết luận giám định là một trong những nguồn chứng cứ, do đó khi khởi kiện nguyên đơn phải có trách nhiệm cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình, tức là nguyên đơn phải có kết luận giám định về thiệt hại kèm theo đơn khởi kiện thì Tòa án mới thụ lý. Ý kiến này cho rằng nên coi đây như một biện pháp áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để việc thụ lý để giải quyết vụ án của Tòa án được thuận lợi hơn… Có ý kiến cho rằng trong trường hợp nguyên đơn không có được bản kết luận giám định về thiệt hại gửi kèm theo đơn khởi kiện thì Tòa án vẫn phải thụ lý để giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của đương sự, sau khi thụ lý Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 90 Bộ luật tố tụng dân sự. Đa số ý kiến đồng tình quan điểm này. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vụ việc khi Tòa án ra quyết định trưng cầu một tổ chức giám định thiệt hại của công trình xây dựng thì sau khi có kết quả giám định, đương sự lại không đồng ý với kết quả giám định vì cho rằng kết quả giám định chưa khách quan và yêu cầu giám định lại. Việc này một phần xuất phát từ thực tế là mỗi công ty thường cho kết quả kiểm định khác nhau, có khi mâu thuẫn nhau về đánh giá nguyên nhân, tình trạng thiệt hại. Có trường hợp việc giám định thiệt hại của Công ty A được Tòa án trưng cầu giám định kết luận tổng thiệt hại và chi phí khắc phục là x… triệu đồng. Nguyên đơn không đồng ý, đề nghị trưng cầu công ty khác giám định. Công ty B xác định tổng thiệt hại lại là y… triệu đồng, có trường hợp kết quả xác định thiệt hại lần sau số tiền gấp đôi kết quả xác định thiệt hại lần trước…
Về các yêu cầu giám định lại, khoản 3 Điều 90 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Trong trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại. Việc giám định lại có thể do người đã tiến hành giám định trước đó thực hiện hoặc do tổ chức chuyên môn khác thực hiện theo quy định của pháp luật”. Do đó, khi có yêu cầu giám định lại, Tòa án ra quyết định giám định lại. Về vấn đề này cũng còn cách hiểu khác nhau, có ý kiến cho rằng theo quy định tại khoản 3 Điều 90 Bộ luật tố tụng dân sự như nêu trên, khi xét thấy có căn cứ cho thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng mà một bên hoặc các bên yêu cầu giám định lại thì Tòa án phải ra quyết định giám định lại. Có ý kiến cho rằng phải hạn chế việc giám định lại, chỉ tiến hành giám định lại khi thật sự cần thiết…
Theo chúng tôi, sở dĩ có những vướng mắc như nêu trên là do ngoài các quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự về giám định trong tố tụng dân sự nói chung, thì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể các quy định này, trong khi đó giám định xây dựng là lĩnh vực khó, để thực hiện được thì các đương sự phải chịu tốn kém về tiền bạc và thời gian. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng trưng cầu giám định không hiệu quả là do chúng ta chưa thống nhất được cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng giám định xây dựng, do đó đối với việc mời (chỉ định) cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành giám định trên thực tế không dễ dàng thực hiện được. Nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân được chỉ định giám định từ chối tiến hành giám định. Có nhiều lý do để cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối tiến hành giám định, có trường hợp do không có chức năng giám định xây dựng, có trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân được chỉ định giám định từ chối tiến hành giám định do chi phí giám định không bảo đảm cho việc triển khai giám định… Đây chỉ là một vài vấn đề pháp lý phát sinh khi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Qua thực tiễn này cho thấy một phần nguyên nhân là các văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng được thực tiễngiải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dạng này. Theo quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp thì giám định xây dựng thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này (khoản 1 Điều 9), tuy nhiên qua 4 năm thi hành các quy định của Pháp lệnh về giám định trong lĩnh vực xây dựng còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả của việc áp dụng Pháp lệnh này không được như mong muốn. Ngày 01-8-2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1399/QĐ-BTP và Quyết định số 1400/QĐ-BTP về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật giám định tư pháp, theo kế hoạch thì Ban soạn thảo tổng kết 4 năm thi hành Pháp lệnh giám định tư pháp, đánh giá thực trạng, thực tiễn về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, thực tiễn thi hành các quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp để qua đó, có những sửa đổi, bổ sung kịp thời và làm cơ sở pháp lý cần thiết nâng Pháp lệnh lên thành Luật. Hy vọng khi được nâng lên thành Luật thì thực tiễn giải quyết các yêu cầu của Tòa án về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trong lĩnh vực xây dựng nói riêng và giám định tư pháp nói chung sẽ được cải thiện, tạo hành lang an toàn pháp lý để việc giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra của Tòa án đạt được hiệu quả như mong muốn.
[1] Theo Việtbáo.vn (thứ Ba, ngày 10/2/2004)
[2] Theo Tinnhanh.com (thứ Ba, ngày 03/4/2007)
[3] Báo Pháp luật (thứ Ba, ngày 20/9/2008)
[4] Báo Pháp luật (ngày 08/10/2003)
SOURCE: ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI “TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ DO TÀI SẢN GÂY THIỆT HẠI – VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN”, MÃ SỐ: LH-08-05/ĐHL. HÀ NỘI NĂM 2009