Bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

15 /082016

Bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

ThS. TRẦN PHƯƠNG THẢO (*)

Trong tố tụng dân sự, dựa trên cơ sở có đơn yêu cầu của đương sự hoặc trong một số trường hợp khi xét thấy cần thiết, toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự có quyền áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) quy định tại Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS).

>>> Tham khảo: Nhà đầu tư nước ngoài mua lại công ty may

Thực chất, BPKCTT trong tố tụng dân sự là những biện pháp được toà án có thẩm quyền áp dụng trong tình thế khẩn cấp nhằm “giải quyết ngay yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc đảm bảo cho việc thi hành án” (Điều 99 BLTTDS). Việc toà án áp dụng BPKCTT là giải pháp hiệu quả để bảo vệ khẩn cấp quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi toà án chưa xét xử, chưa ra bản án, quyết định giải quyết nội dung vụ án. Cũng chính vì thế, BPKCTT luôn thể hiện tính chất đặc thù là có hiệu lực pháp lí tạm thời bởi nó không phải là kết quả giải quyết nội dung vụ án dân sự của toà án. Điều này cũng có nghĩa là BPKCTT chỉ có hiệu lực pháp luật đến khi nào tình trạng khẩn cấp không còn nữa, quyết định áp dụng BPKCTT do toà án ban hành sẽ hết hiệu lực pháp luật khi có bản án, quyết định giải quyết về nội dung vụ án thay thế.

Theo quy định tại Điều 99 BLTTDS, đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức đã khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích của người khác có quyền yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết  vụ  án  ra  quyết  định  áp  dụng BPKCTT. Nếu yêu cầu đó được chấp nhận thì theo quy định tại Điều 102 BLTTDS, người bị áp dụng BPKCTT có thể phải thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ như: Buộc phải thi hành ngay nghĩa vụ tạm ứng ra một khoản tiền (nếu bị áp dụng biện pháp buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng,  buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm, buộc phải tạm ứng tiền lương, tiền công lao động, tiền trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) hoặc quyền tài sản của họ sẽ bị hạn chế (nếu bị áp dụng biện pháp kê biên, cấm chuyển dịch quyền tài sản, phong tỏa tài sản, tài khoản…) hoặc họ buộc phải thực hiện, không thực hiện một hành vi nhất định trái với ý chí của họ. Tuy nhiên, trong tố tụng dân sự, các đương sự luôn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ nên tương ứng với các quy định của BLTTDS về quyền yêu cầu  toà án áp dụng BPKCTT của các chủ thể theo luật định, các nhà làm luật cũng tạo cho người bị yêu cầu áp dụng BPKCTT trong tố tụng dân sự một sự bình đẳng hợp lí, thể hiện qua các quy định của BLTTDS nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT.

Việc pháp luật tố tụng dân sự có những quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT là rất cần thiết bởi vì rất có thể việc áp dụng BPKCTT không đúng nên quyền và lợi ích của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để bảo vệ quyền và lợi ích của những người bị áp dụng BPKCTT không đúng, trong BLTTDS năm 2004 đã đặt ra ba phương thức bảo vệ họ, bao gồm:

>>> Tham khảo: Thành lập trường mầm non có yếu tố nước ngoài

- Buộc người đưa ra yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT phải thực hiện biện pháp bảo đảm trong những trường hợp do pháp luật quy định;

- Cơ chế chịu trách nhiệm bồi thường nếu đưa ra yêu cầu áp dụng BPKCTT hoặc ra quyết định áp dụng BPKCTT không đúng;

- Cho phép người bị áp dụng BPKCTT có quyền khiếu nại về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT theo luật định.

1. Buộc người có yêu cầu toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện biện pháp bảo đảm trong những trường hợp do pháp luật quy định

Thông thường đối với mỗi chủ thể của quan hệ pháp luật thì quyền bao giờ cũng đi đôi với nghĩa vụ. Vì thế trong tố tụng dân sự, đương sự, người đại diện, cơ quan, tổ chức khởi kiện vì lợi ích của người khác sau khi thực hiện quyền yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT, nếu yêu cầu đó được toà án chấp nhận thì họ buộc phải thực hiện biện pháp bảo đảm trong những trường hợp do pháp luật quy định. Biện pháp bảo đảm được xem như phương thức tạo ra sự cân bằng, bình đẳng cho các bên: Bên có quyền yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT và bên bị toà án áp dụng BPKCTT có quyền được pháp luật bảo vệ. Về bản chất, việc buộc người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT phải thực hiện biện pháp bảo đảm chính là sự bảo vệ chắc chắn cho quyền, lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT nếu họ bị áp dụng BPKCTT không đúng và ngăn ngừa tình trạng lạm quyền yêu cầu của các chủ thể có quyền.

Biện pháp bảo đảm mà người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT phải thực hiện được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 120 BLTTDS, theo đó họ “phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do toà án ấn định nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện”. Mục đích của việc tạm ứng một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá của người có yêu cầu áp dụng BPKCTT dự liệu cho khả năng nếu sau này xác định được rõ ràng người bị áp dụng BPKCTT đã bị áp dụng không đúng và việc áp dụng BPKCTT không đúng đó đã gây cho họ những thiệt hại thì người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT đã có sẵn một giá trị tài sản để bồi thường, bù đắp những thiệt hại đã xảy ra cho người bị áp dụng BPKCTT. Biện pháp bảo đảm này được xem là phương thức cơ bản nhất, hiệu quả nhất cho việc bảo vệ quyền và lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT. Tuy nhiên, người yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT chỉ phải thực hiện biện pháp bảo đảm khi họ yêu cầu áp dụng một hoặc một số BPKCTT được quy định từ khoản 6 đến khoản 11 Điều 102 BLTTDS như yêu cầu toà án kê biên tài sản, cấm chuyển dịch quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp... Chính sự phân biệt BPKCTT nào cần phải thực hiện biện pháp bảo đảm (từ khoản 6 đến khoản 11 Điều 120 BLTTDS), BPKCTT nào không cần phải thực hiện biện pháp bảo đảm (khoản 1 đến khoản 5 Điều 120 BLTTDS) đã thể hiện sự điều chỉnh linh hoạt của pháp luật tố tụng dân sự đối với các quan hệ phát sinh khi áp dụng BPKCTT.

Như vậy, về nguyên tắc, trong những trường hợp do pháp luật quy định, người có  yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT và yêu cầu đó được toà án chấp nhận thì người đó phải tạm ứng ra một khoản tiền (hoặc kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá). Mức mà họ tạm ứng ra để bảo đảm cho yêu cầu của mình được thẩm phán hoặc hội đồng xét xử ấn định nhưng phải được xác định theo nguyên tắc “tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ thực hiện”. Theo hướng dẫn tại Mục 9 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của BLTTDS, vấn đề này được xác định như sau:

>>> Tham khảo: thành lập nhà hàng trung quốc tại Việt Nam

- “Nghĩa vụ tài sản” là nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại thực tế có thể xảy ra cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba do việc yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng gây ra. Cách giải thích này đã giúp tránh được sự nhầm lẫn mà trước khi có Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP một số người mắc phải khi cho rằng nghĩa vụ tài sản là nghĩa vụ của người bị yêu cầu áp dụng BPKCTT sẽ phải thực hiện đối với người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT.

- Người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài sản là người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT không đúng. Trong trường hợp người yêu cầu áp dụng BPKCTT là người đại diện theo ủy quyền của đương sự thì người có nghĩa vụ phải thực hiện là đương sự. Trong trường hợp người yêu cầu áp dụng BPKCTT là người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức thì người có nghĩa vụ phải thực hiện là cơ quan, tổ chức.

Như vậy, người nào có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT không đúng thì người đó phải bồi thường cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc người thứ ba. Trách nhiệm bồi thường này khác với biện pháp bảo đảm mà người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT phải thực hiện khi yêu cầu đó của họ được toà án chấp nhận. Theo chúng tôi, những quy định này có tác dụng buộc người đưa ra yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT phải thận trọng hơn. Tuy nhiên, các nhà làm luật lại không đưa ra bất cứ trường hợp ngoại lệ nào về việc người yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT được miễn hoặc được giảm việc thực hiện biện pháp bảo đảm. Trong thực tiễn áp dụng, không ít trường hợp người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT gặp khó khăn về kinh tế nên khoản tiền bảo đảm là quá lớn đối với họ. Vì thế, theo chúng tôi trong mọi trường hợp đều buộc người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm là không hợp lí bởi về nguyên tắc, họ có quyền bảo vệ, bảo toàn tình trạng tài sản hợp pháp của mình, họ đang rất cần toà án hỗ trợ họ bảo vệ quyền và lợi ích, không thể vì họ không có tiền hoặc chưa có ngay tiền để bảo đảm thì toà án sẽ quay lưng lại với họ. Cũng theo quan điểm này, nếu người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT phải nộp một khoản tiền để bảo đảm cho yêu cầu của mình, đề phòng việc ra quyết định áp dụng BPKCTT không đúng thì vai trò của toà án là cơ quan đã ra quyết định áp dụng BPKCTT sẽ xác định như thế nào trong trường hợp này? Theo quy định của BLTTDS, đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức chỉ có quyền yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT chứ họ không hề có quyền ra quyết định áp dụng BPKCTT. Quyền ra quyết định đó là của toà án có thẩm quyền sau khi xem xét, cân nhắc về yêu cầu của đương sự. Vậy việc ra quyết định áp dụng BPKCTT có cần thiết hay không là thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của toà án, không thể buộc người đưa ra yêu cầu phải bảo đảm về việc ra quyết định của toà án. Theo quan điểm của chúng tôi, việc BLTTDS quy định về thực hiện biện pháp  bảo đảm của người đưa ra yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT cũng có mặt tích cực (như hạn chế tình trạng lạm quyền của người yêu cầu, buộc họ phải thận trọng khi đưa ra yêu cầu tại toà án, nếu đưa ra yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng thì đã có sẵn tiền để bồi thường cho người bị thiệt hại...) nhưng pháp luật tố tụng dân sự cũng cần phải có quy định về những trường hợp ngoại lệ như người đưa ra yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT mà có khó khăn thì có thể miễn hoặc giảm việc thực hiện biện pháp bảo đảm cho họ.

- Về mức tạm ứng khi thực hiện nghĩa vụ bảo đảm: Hiện vấn đề này đang có nhiều ý kiến khác nhau. Theo quy định tại Điều 120 BLTTDS  và  mục  8.2  Nghị  quyết  số 02/2005/NQ- HĐTP, mức tài sản bảo đảm của người yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT sẽ được xác định là “phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện”. Điều này có nghĩa là toà án có thẩm quyền phải có trách nhiệm dự kiến, “tạm tính thiệt hại thực tế” đã xảy cho người bị áp dụng BPKCTT không đúng. Trong thực tế, việc dự kiến, tạm tính này là rất khó, bởi thiệt hại do việc áp dụng BPKCTT chưa hề xảy ra, vì thế không thể dự tính hết tất cả thiệt hại có thể. Ngay cả hướng dẫn trong Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP về việc: “Thẩm phán hoặc hội đồng xét xử đề nghị người yêu cầu áp dụng BPKCTT dự tính hoặc hỏi ý kiến của người bị áp dụng BPKCTT, đề nghị họ dự tính...” theo chúng tôi là không thực tế bởi rất ít khi một người vừa yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT để bảo vệ quyền và lợi ích của mình vừa dự tính được số tiền bồi thường thiệt hại mà chính mình lại có thể phải trả. Điều này giống như việc pháp luật cho người có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT quyền yêu cầu nhưng lại khống chế họ bằng các điều kiện thực hiện, các chế tài làm họ không dám và không thể thực hiện được quyền mà pháp luật quy định. Mặt khác, dùng cụm từ “thiệt hại thực tế có thể xảy ra” như trong Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2005/NQ-HĐTP hướng dẫn là chưa hợp lí bởi lẽ nếu đã là “thiệt hại thực tế” thì thiệt hại đó đã phải xảy ra rồi, nhìn thấy được chứ không thể có thiệt hại thực tế chưa xảy ra, “có thể” xảy ra.

- Về thủ tục thực hiện biện pháp bảo đảm: Cũng theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP, thông thường khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá do người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT phải được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng nơi có trụ sở của toà án ra quyết định áp dụng BPKCTT trong thời hạn do toà án ấn định. Trong trường hợp nơi có trụ sở của toà án quyết định áp dụng BPKCTT có nhiều ngân hàng thì người phải thực hiện biện pháp bảo đảm được lựa chọn một ngân hàng trong số các ngân hàng đó và thông báo tên, địa chỉ của ngân hàng mà mình lựa chọn cho toà án biết để ra quyết định thực hiện biện pháp bảo đảm. Nếu người phải thực hiện biện pháp bảo đảm có tài khoản hoặc có tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá gửi tại ngân hàng nơi có trụ sở của toà án ra quyết định áp dụng BPKCTT mà họ đề nghị toà án phong tỏa một phần tài khoản hoặc một phần tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá gửi tại ngân hàng đó tương đương với nghĩa vụ tài sản của họ thì toà án chấp nhận. Vậy việc sử dụng dịch vụ này của ngân hàng thì ai sẽ là người chịu phí? Hiện chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề này. Vì vậy, trong thời gian tới Toà án nhân dân tối cao cần hướng dẫn cụ thể nhưng theo chúng tôi, nếu người phải chịu phí lại là người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT thì trên thực tế sẽ có những trường hợp người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT đã khó khăn lại càng khó khăn hơn (vì trước đó họ phải lo một khoản tiền để thực hiện biện pháp bảo đảm) do đó họ khó có cơ hội thực hiện quyền yêu cầu của mình.

- Quy định về thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm cũng được các nhà làm luật chú trọng. Do tính chất của việc yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT là nếu không nhanh chóng áp dụng biện pháp này thì có thể quyền, lợi ích của người có yêu cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm cũng cần phải quy định trong khoảng thời gian nhất định. Theo Điều 120 BLTTDS, điểm 9.2 Mục 9 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP, thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm được xác định theo những trường hợp sau:

+ Nếu có yêu cầu áp dụng BPKCTT vào thời điểm sau khi thụ lí đến trước khi mở phiên toà, thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm là hai ngày làm việc kể từ thời điểm toà án ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm. Nếu có lí do chính đáng, thời hạn này có thể dài hơn nhưng mọi trường hợp phải được thực hiện trước ngày mở phiên toà. Nếu tại phiên toà thì việc thực hiện biện pháp bảo đảm được bắt đầu từ khi hội đồng xét xử ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm đến trước khi hội đồng xét xử vào phòng nghị án. Về cơ bản, thời hạn 2 ngày để thực hiện biện pháp bảo đảm phần nào cũng đã đáp ứng được tính khẩn cấp của việc áp dụng BPKCTT nhưng về trường hợp có lí do chính đáng thì thời hạn này có thể dài hơn mà không hướng dẫn như thế nào là lí do chính đáng nên hiện trong thực tế các toà án cũng đang rất lúng túng khi áp dụng. Theo chúng tôi, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn nữa về vấn đề này.

+ Trường hợp tại phiên toà mà hội đồng xét xử ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm thì thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm được tính từ khi ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm nhưng phải xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm trước khi hội đồng xét xử bước vào phòng nghị án. Đây cũng là quy định rất khó thực hiện. Chúng ta đều biết rằng chủ yếu biện pháp bảo đảm được thực hiện tại ngân hàng chứ không phải ngay tại toà án nên phải có một khoảng thời gian hợp lí để người có yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm. Sẽ có những phiên toà thời gian từ khi bắt đầu phiên toà đến khi nghị án là rất ngắn, không đủ thời gian để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm. Nên chăng trong trường hợp này, thay vì sau khi ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, phiên toà vẫn tiếp tục xét xử thì cần tạm ngừng để ngay sau khi có căn cứ người có yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm, phiên toà lại tiếp tục xét xử.

+ Trường hợp rất khẩn cấp (khoản 2

Điều 99 BLTTDS) thì thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm không được vượt quá 48 giờ kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu và được toà án chấp nhận. Theo chúng tôi, nếu đã là rất khẩn cấp thì đáng lẽ toà án phải quyết định ngay về BPKCTT cần được áp dụng chứ không thể toà án cần ra quyết định khẩn cấp mà lại phải chờ cho người yêu cầu thực hiện xong nghĩa vụ bảo đảm. Nếu cứ cứng nhắc như vậy, chúng tôi e rằng khi người có yêu cầu thực hiện xong nghĩa vụ bảo đảm thì cũng là lúc quá muộn để toà án áp dụng BPKCTT. Ví dụ, trong thực tế hành vi tẩu tán tài sản, chuyển tiền trong tài khoản của một cá nhân có thể được thực hiện rất nhanh chóng trong một khoảng thời gian vài phút... Chính vì vậy, pháp luật tố tụng dân sự càng có những quy định phát huy vai trò chủ động của toà án trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì càng tốt. Hiện tại, các quy định của BLTTDS và Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP về BPKCTT còn chưa thể hiện rõ được điều này. Vai trò chủ động, tích cực, dám chịu trách nhiệm của toà án chưa được phát huy, quyết định của toà án về việc giải quyết yêu cầu áp dụng BPKCTT còn quá phụ thuộc vào hành vi của những người tham gia tố tụng dân sự.

Với các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, chế định BPKCTT trong tố tụng dân sự đã được đánh giá là có bước phát triển rất đáng kể. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng các quy định này vẫn bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế cần phải có sự sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn. Mặc dù vậy, xét về sự tác động của nó trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT trong tố tụng dân sự, biện pháp buộc người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT phải thực hiện biện pháp bảo đảm vẫn được xem là phương thức hữu hiệu.

2. Cơ chế xác định trách nhiệm do việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng

Theo Điều 101 BLTTDS, nếu việc áp dụng BPKCTT không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT thì trách nhiệm sẽ thuộc về chính người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT hoặc toà án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT. Quy định này biểu hiện rất rõ tinh thần bảo vệ quyền và lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT ở chỗ mặc dù người bị áp dụng BPKCTT bị áp dụng BPKCTT trái với ý muốn của họ nhưng nếu việc họ bị áp dụng BPKCTT  không  đúng,  họ  sẽ  được  bồi thường. Chủ thể phải bồi thường sẽ được xác định theo hai trường hợp sau:

- Thứ nhất: Theo khoản 1 Điều 101 BLTTDS, người có yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng phải bồi thường.

Quy định này dựa trên nguyên tắc quyền tự định đoạt của các chủ thể trong tố tụng dân sự. Một người có quyền yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT thì họ phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền yêu cầu đó. Nếu việc thực hiện yêu cầu đó là không đúng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác thì họ phải bồi thường. Theo quan điểm của chúng tôi, việc buộc người có yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT phải chịu trách nhiệm như khoản 1 Điều 101 BLTTDS là đúng, có như vậy mới buộc họ phải thận trọng trong việc đưa ra yêu cầu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải bàn về trách nhiệm của toà án trong trường hợp này. Như đã phân tích ở trên, người có yêu cầu chỉ có quyền đưa ra yêu cầu, toà án mới là người có quyền ra quyết định áp dụng hay không áp dụng BPKCTT. Chính vì thế mà toà án cũng phải là một chủ thể phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, nếu chỉ buộc người có yêu cầu phải chịu trách nhiệm thì vô hình trung, hoạt động của toà án sẽ càng ngày càng thiếu trách nhiệm: Cứ có yêu cầu thì toà ra quyết định áp dụng BPKCTT, còn việc ra quyết định đúng hay sai, có căn cứ hay không, thiệt hại xảy ra như thế nào đã có đương sự chịu. Theo chúng tôi, nếu việc ra quyết định áp dụng BPKCTT dựa trên yêu cầu của người có quyền yêu cầu mà không đúng, gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc người thứ ba thì cả người yêu cầu và cả toà án đã ra quyết định cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Quy định theo hướng này sẽ có tác dụng khiến người có quyền yêu cầu không dám lạm dụng quyền của mình đồng thời toà án cũng phải thận trọng, dám chịu trách nhiệm trong việc ra quyết định áp dụng BPKCTT.

- Thứ hai: Theo khoản 2 Điều 101 BLTTDS, toà án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT không đúng phải bồi thường.

Mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, nếu đương sự nào yêu cầu toà án áp dụng BPKCTT không đúng, gây thiệt hại phải bồi thường thì tương tự toà án nào ra quyết định áp dụng BPKCTT không đúng, gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba thì toà án đó phải bồi thường. Căn cứ cụ thể để xác định trách nhiệm bồi thường của toà án được liệt kê theo ba trường hợp sau:

+ Toà án tự mình áp dụng BPKCTT.

+ Toà án áp dụng BPKCTT khác với BPKCTT mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.

+ Toà án áp dụng BPKCTT vượt quá yêu cầu áp dụng BPKCTT của cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.

Đọc qua điều khoản này, chúng ta có cảm giác các căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của toà án là tương đối đầy đủ, cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế nhu cầu áp dụng các BPKCTT mà toà án có quyền tự mình áp dụng, không cần dựa vào yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức là rất thấp. Vì thế rất hiếm khi toà án phải chịu trách nhiệm về trường hợp này. Còn với hai trường hợp sau thì cũng rất ít khi toà án lại để mình rơi vào tình cảnh đó vì tốt nhất là người có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT nào, áp dụng đến mức nào thì toà sẽ ra quyết định áp dụng BPKCTT đó, đến mức đó. Có như vậy, toà án sẽ luôn ở thế an toàn, không có rủi ro, không phải lo về việc mình phải bồi thường. Thực tế áp dụng BPKCTT cho thấy có một căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường mà các toà án hay mắc phải, là biểu hiện của “bệnh cửa quan”, đó là việc chậm ra hoặc không ra quyết định áp dụng BPKCTT để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể thì BLTTDS lại không đề cập. Theo chúng tôi, bỏ sót căn cứ này sẽ làm cho toàn bộ khoản 2 Điều 101 BLTTDS không phát huy được tác dụng, hay nói cách khác khoản 2 Điều 101 chỉ là quy định mang tính hình thức.  Theo chúng tôi, trong thời gian tới, quy định về trách nhiệm bồi thường của toà án khi ra quyết định áp dụng BPKCTT không đúng cần bổ sung căn cứ thứ tư: “Toà án đã không ra hoặc chậm ra quyết định áp dụng BPKCTT”.

3. Về quyền khiếu nại của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Cho đương sự quyền được khiếu nại về quyết định áp dụng BPKCTT chính là phương thức thứ ba để bảo vệ quyền và lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT. Theo Điều 124 BLTTDS, đương sự bị áp dụng BPKCTT có quyền khiếu nại về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT của toà. Thời hạn khiếu nại là 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định. Chánh án toà án đã ra quyết định áp dụng BPKCTT sẽ là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của đương sự bị áp dụng BPKCTT nếu khiếu nại đó xảy ra vào thời điểm trước phiên toà xét xử. Tại phiên toà mà đương sự bị áp dụng BPKCTT có khiếu nại về quyết định áp dụng BPKCTT thì hội đồng xét xử không chấp nhận, giải thích cho họ biết họ có quyền yêu cầu hội đồng xét xử thay đổi, áp dụng  bổ  sung  BPKCTT  hoặc  hủy  bỏ BPKCTT. Nếu đương sự có khiếu nại về quyết định của hội đồng xét xử về việc ra quyết  định,  thay  đổi,  bổ  sung,  hủy bỏ BPKCTT thì hội đồng xét xử sẽ xem xét, thảo luận và thông qua tại phòng nghị án. Theo chúng tôi, việc BLTTDS quy định đương sự bị áp dụng BPKCTT có quyền khiếu nại là quy định đảm bảo tính khách quan trong hoạt động giải quyết vụ án của toà án nhưng nếu đương sự có khiếu nại về quyết định của hội đồng xét xử về việc ra quyết  định,  thay  đổi,  bổ  sung,  hủy bỏ BPKCTT thì hội đồng xét xử sẽ xem xét, thảo luận và thông qua tại phòng nghị án như hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2005/NQ- HĐTP là chưa hoàn toàn phù hợp bởi đương sự khiếu nại về quyết định của hội đồng nhưng chính hội đồng lại là người xem xét, giải quyết khiếu nại.

Tóm lại, bảo vệ quyền, lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT trong tố tụng dân sự là rất cần thiết. Các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về bảo vệ quyền, lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT chính là cơ sở pháp lí hữu hiệu để các đương sự tự tin hơn, bình đẳng hơn khi tham gia tố tụng dân sự. Tuy nhiên, theo chúng tôi thực tế áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện nay về vấn đề này bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cần được khắc phục. Với mong muốn đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến trao đổi, tranh luận của các độc giả./.

----------------------------------------------------------------

(*) Giảng viên Khoa luật dân sự - Trường Đại học Luật Hà Nội

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.