Thảm họa cá chết: Đền bù 500 triệu USD, rồi sao nữa?

13 /092016

Thảm họa cá chết: Đền bù 500 triệu USD, rồi sao nữa?

Bài viết có ý kiến của Luật sư Nguyễn Duy Hùng- Công ty Luật IPIC đăng trên báo VietnamFinance.

Link bài Viết VietnamFinance: Thảm họa cá chết: Đền bù 500 triệu USD, rồi sao nữa?

Thảm họa cá chết: Đền bù 500 triệu USD, rồi sao nữa?
(VNF) - Sau khi có thông tin Formosa đã đồng ý đền bù 500 triệu USD do gây ra thảm họa cá chết ở miền Trung, VietnamFinance đã ghi nhận một số ý kiến chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên chương trình Fulbright

“Theo thông tin chính thức từ Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường, sự cố chập điện ở Formosa đã làm hệ thống kích hoạt vi sinh ở khu xử lý nước thải ngừng hoạt động; do đó nước thải chứa phenol và cyanua đổ ra biển mà chưa qua xử lý, làm cá chết hàng loạt và hủy hoại môi trường biển.

Formosa đã thừa nhận và cam kết bồi thường 500 triệu USD. Số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường việc xử lý ô nhiễm biển, phục hồi hệ sinh thái.

Ngoài việc truy cứu các trách nhiệm khác (để quyết định có cho tiếp tục hay chấp dứt hay điều chỉnh hoạt động đầu tư – kinh doanh), chỉ xét riêng về tài chính thì Formosa không chỉ có bồi thường không mà còn phải nộp phạt. Cũng không thể chỉ một con số tổng mà phải xác định rõ các cá nhân/tổ chức được nhận, và riêng với tiền nộp cho tổ chức nhà nước thì sẽ được dùng như thế nào để khắc phục, phục hồi môi trường.

Nhớ lại năm 2010, trên 470 triệu lít dầu đã tràn ra vùng Vịnh của Hoa Kỳ khi dàn khoan dầu Deepwater Horizon của Tập đoàn BP (Anh Quốc) bị nổ, dẫn tới một thảm họa môi trường nghiêm trọng. BP sau đó đã khắc phục về mặt tài chính với tổng giá trị trên 20 tỷ USD:

1. Bồi thường ngay thiệt hại kinh tế cho các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng với giá trị trên 2 tỷ USD sau phán quyết của tòa án theo các đơn kiện cụ thể.

2. Nộp phạt và bồi thường cho Chính phủ Hoa Kỳ sau khi đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, trong đó bao gồm:

a. 5,5 tỷ USD tiền phạt dân sự theo Luật Clean Water Act trong vòng 15 năm;

b. 7,1 tỷ USD đền bù thiệt hại tài nguyên thiên nhiên cho Chính phủ Liên bang và chính quyền 5 bang ven biển vùng Vịnh trong vòng 15 năm;

c. 4,9 tỷ USD đền bù theo các đơn kiện thiệt hại kinh tế của 5 bang ven biển vùng Vịnh trong vòng 18 năm. 

d. 1 tỷ USD đền bù theo các đơn kiện của trên 400 cơ quan chính quyền địa phương.

Chính phủ Việt Nam cần bắt buộc Formosa thành lập một quỹ nộp phạt và bồi thường. Theo một khung thời gian rõ ràng, Formosa sẽ phải nộp tiền vào quỹ để thực hiện việc nộp phạt cho Chính phủ Việt Nam vì vi phạm pháp luật, bồi thường thiệt hại kinh tế cho các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng và bồi thường thiệt hại cho chính phủ trung ương và các chính quyền địa phương để khắc phục và phục hồi môi trường biển".

TS. Phạm Quang Tú, chuyên gia về môi trường

“Theo thông tin tại cuộc họp báo của Chính phủ, thủ phạm gây cá chết ở miền Trung và các giải pháp khắc phục đã rõ rồi. Thế nhưng, theo tôi vẫn còn rất nnhiều điều phải làm trong thời gian tới:

1. Trước hết, nhà nước cần “chốt” là chỉ có MỘT nguyên nhân làm biển bị đầu độc và cá chết để tránh việc thủ phạm sẽ dây dưa, đổ tội qua lại cũng như những phiền toái và kiện tụng pháp lý kéo dài về sau.

2. Cần đánh giá đúng, đánh giá đủ những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của việc xả thải này tới môi trường và sinh kế của người dân, cả hiện tại và tương lai. Con số dự tính ban đầu đưa ra là 11.000 tỷ, nhìn tưởng là to nhưng chưa chắc đã đủ nếu tính đúng, tính đủ.

3. Cần thúc đẩy nhanh tiến độ và giám sát chặt chẽ quá trình làm sạch môi trường và đền bù cho người dân. Nhớ rằng đây là tiền đền bù thiệt hại chứ ko phải là tiền từ trên trời rơi xuống. Vì thế, bất kỳ một ai xà xẻo tiền này sẽ phải ngay lập tức bị trừng trị.

4. Cần rà soát lại toàn bộ báo cáo đánh giá tác động môi trường, các cam kết và điều kiện đảm bảo môi trường cũng như giấy phép của tập đoàn Formosa. Nhất thiết, quy trình này phải được làm lại. Trong khi làm lại quy trình này thì yêu cầu Formosa tạm dừng các hoạt  động xây dựng.

5. Kiểm điểm và quy trách nhiệm cho các cá nhân, đơn vị trong quá trình thẩm định, cấp phép và giám sát đối tượng xả thải. Theo đó, cần có những hình thức kỷ luật phù hợp, thích đáng với những cá nhân, tổ chức đã làm trái với quy định của pháp luật, tạo ra kẽ hở để đối tượng đầu độc môi trường.

6. Đây cũng là cơ hội tốt để Quốc hội và Chính phủ cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường - quy chuẩn môi trường. Theo đó, cần rà soát và sửa đổi ngay khung pháp lý và nâng tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam để đảm bảo những sự việc tương tự không xảy ra. Chỉ có cam kết mạnh mẽ như vậy của những người đứng đầu và cơ quan có chức năng thì lòng dân mới an.

7. Cuối cùng, khi nguyên nhân được công bố sẽ chắc hẳn nhiều người dân (và kể cả mình) sẽ vô cùng tức giận. Nhưng như cha ông đã nói, mình mong rằng mọi người sẽ không để  “cả giận mất khôn”. Lúc này đây, rất cần cái đầu lạnh của cả người dân và chính quyền để đồng hành cùng nhau vượt qua khó khăn và bắt thủ phạm phải đền bù xác đáng những gì mà họ đã gây ra.

Luật sư Nguyễn Duy Hùng – Đoàn Luật sư Hà Nội

“Vụ việc cá chết hàng loạt ở miền trung thời gian qua, đã để lại hàng loạt những hệ lụy đáng tiếc. Cho đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và đặc biệt là của các chuyên gia quốc tế, đã xác định được nguyên nhân trực tiếp. Vấn đề được công luận và dân chúng đang rất quan tâm là trách nhiệm của người gây ra thảm họa? Việc bồi thường cho người dân khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa này được xử lý như thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, việc bồi thường thiệt hại được đặt ra khi và chỉ khi có đủ 04 yếu tố sau:

(1) Phải có thiệt hại xẩy ra

(2) Phải có hành vi trái pháp luật

(3) Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

(4) Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Tại Điều 624 Bộ Luật Dân sự 2005 của Việt Nam cũng quy định: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”.

Như vậy, việc Formosa Hà Tĩnh phải bồi thường thiệt hại cho Chính phủ và người dân với những gì đã xẩy ra là điều không phải bàn cãi. Vấn đề đang được quan tâm là Formosa cam kết bồi thường 11.500 tỷ cho Chính phủ và người dân ở những vùng ven biển miền trung liệu căn cứ vào cơ sở nào?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với tinh thần dân sự, trước hết pháp luật cho phép các bên tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, hình thức bồi thường. Để làm được điều này những người dân khu vực bị thiệt hại, thông qua Chính phủ, trực tiếp đàm phán với Formosa về mức bồi thường, hình thức bồi thường và ngay cả phương thức bồi thường một như đã đề cập ở trên.

Nếu các bên thống nhất được việc bồi thường thì có thể nói đây là một cái kết có thể chấp nhận được trong một thảm họa đau thương đã qua. Và nếu có đạt được sự thỏa thuận với người dân về mức bồi thường thì Formosa cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài tiếp tục khắc phục hậu quả, xa hơn là có những chiến lược bảo vệ và phát triển biển miền trung như là một sự thành khẩn và đền bù cho những lôi lầm dù cố ý hay vô ý của chính mình.

Trong trường hợp ngược lại, nghĩa là việc các bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì vụ việc sẽ được đưa ra xử lý tại các cơ quan tài phán Việt nam. Nếu điều này xẩy ra, quả thực việc chứng minh và theo đuổi vụ việc sẽ còn kéo dài và rất dài với những thủ tục tố tụng tương đối phức tạp.

Theo đó, trách nhiệm chứng minh thiệt hại thuộc về bên bị thiệt hại, điều đó đồng nghĩa là Chính phủ Việt nam và những người dân bị thiệt hại phải chứng minh được những thiệt hại xẩy ra đối với mình.

Mặt khác, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận thiệt hại là “thực tế” và “hợp lý” có nghĩa là thiệt hại đó phải được “định hình” “định lượng” và “ước tính” được vào thời điểm xét xử… trong khi đó vụ việc Formosa đâu chỉ ảnh hưởng đến thời điểm thực tại mà nó còn gây ra hệ lụy rất dài và rất lâu về sau?

Đã từng có những ý tưởng quy hoạch khu vực biển Kỳ Anh với món “mực nhảy” nổi tiếng, nhưng sau sự kiện này ai còn dám ăn “mực nhảy” Kỳ Anh? Những bãi biển thơ mộng với hàng triệu du khách sẽ còn lâu và rất lâu nữa mới khôi phục được? Những người dân bám biển với nghề chính là đánh bắt hải sản, nhưng sau sự kiện này ai dám mua những sản phẩm mà họ đổ cả mồ hôi và máu để làm ra?

Rõ ràng, nếu lấy thiệt hại “thực tế” để “đong”, “đo”, “đếm” làm cơ sở bồi thường cho người dân thì quả là thiếu cơ sở và không hợp lý. Trong vụ việc này, thiệt hại còn xẩy ra ở tương lai và thiệt hại này không thể “đong”, “đo”, “đếm” được và thiệt hại lớn nhất chính là lòng tin, là sự hoang mang của chính những người dân khốn khó, cần cù, lam lũ.

Khách quan mà nói, với các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hiện hành của pháp luật Việt nam cùng với những quy định bất lợi như trách nhiệm chứng minh thuộc về người bị hại, các thiệt hại phải là “thực tế” và “hợp lý” và phải có chứng cứ …thì việc yêu cầu bồi thường cho người dân hết sức bất lợi dẫu biết rằng thiệt hại là quá lớn, không thể định hình, định lượng được.

Có thể rất, rất lâu hàng chục năng sau các tác hại của nó vẫn còn, thậm chí là ảnh hưởng tới các thế hệ về sau”.

Tin liên quan:

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.