Sự thỏa thuận trong giao kết hợp đồng gia nhập

07 /082017

Sự thỏa thuận trong giao kết hợp đồng gia nhập

Với mong muốn đưa đến cho các chủ doanh nghiệp có một nền tảng kiến thức vửng chắc liên quan pháp luật Hợp đồng và pháp luật Kinh doanh nói chung, chúng tôi công ty Luật IPIC xin giới thiệu bài Viết của ThS. Luật sư Ngô Văn Hiệp
Văn phòng Luật sư Hiệp và liên danh là một trong chuyên gia hàng đầu trong pháp luật Hợp đồng và Pháp Luật Dân sự. Chúng tôi xin giới thiệu chi tết nội dung bài viết rất mong nhận được sự ủng hộ của các bạn độc giả.

Tham khảo bài Viết: Dịch vụ tư vấn hợp đồng.

Sự thỏa thuận trong giao kết hợp đồng gia nhập

Giao kết hợp đồng dân sự là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo nguyên tắc và trình tự nhất định để qua đó xác lập với nhau các quyền, nghĩa vụ dân sự. Bản chất của giao kết hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận, trong đó, các bên thực hiện sự bày tỏ và thống nhất ý chí nhằm hướng tới những lợi ích nhất định. Việc giao kết hợp đồng dân sự cũng được xác lập trên cơ sở của sự thỏa thuận, thống nhất ý chí đó. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích yếu tố thỏa thuận (ưng thuận) trong hợp đồng (sự thể hiện của yếu tố thỏa thuận trong hợp đồng qua các thời kỳ, quan điểm của một số học giả về sự thỏa thuận trong hợp đồng, bản chất của việc ưng thuận...) và thỏa thuận trong giao kết hợp đồng gia nhập (trong đó nêu rõ giới hạn quyền tự do giao kết hợp đồng của các bên, so sánh sự thỏa thuận trong hợp đồng thông thường với hợp đồng gia nhập, phân tích sự tự do ý chí trong giao kết hợp đồng nói chung và hợp đồng gia nhập nói riêng...).

Theo lý thuyết truyền thống, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng. Như vậy, trước hết hợp đồng là sự kiện pháp lý, là một giao dịch nhằm tạo lập hệ quả pháp lý. Với tư cách là một sự kiện pháp lý, hợp đồng bao gồm hai yếu tố cơ bản là sự thỏa thuận và mục đích tạo lập hệ quả pháp lý (mục đích xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng). Theo đó, hợp đồng chỉ được thiết lập khi có sự thỏa thuận của hai hoặc nhiều bên, tức là khi có sự đồng thuận của các ý định hay sự thống nhất ý chí giữa các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng.
Hợp đồng gia nhập[1] là một dạng đặc thù của hợp đồng dân sự do được thiết lập giữa một bên là thương nhân và bên kia là người tiêu dùng nhằm cung ứng một số loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của cuộc sống. Chính vì vậy, khi nghiên cứu hợp đồng gia nhập, có một số vấn đề quan trọng cần được đặt ra là: Khi người tiêu dùng chấp nhận các điều kiện và điều khoản do thương nhân đưa ra trong hợp đồng gia nhập thì đã thể hiện được ý chí đích thực của mình chưa? Bằng hành vi ký kết hợp đồng gia nhập thì các bên tham gia hợp đồng đã thống nhất ý chí và đã cấu thành nên sự thỏa thuận (ưng thuận) giữa các bên - một trong những yếu tố cơ bản hình thành lên hợp đồng chưa? Đã thiết lập lên một hợp đồng có hiệu lực pháp lý chưa?
1. Yếu tố thỏa thuận (ưng thuận) trong hợp đồng
Từ thời La Mã cổ đại, hợp đồng đã được xem là sự đồng thuận hay hiệp ý (consensus)[2], cho nên sự ưng thuận của các bên kết ước bao giờ cũng được cho là điều kiện hay thành tố đầu tiên của hợp đồng. Reinhard Zimmermann xác nhận rằng, trong luật hợp đồng hiện đại, ưng thuận là khái niệm hạt nhân[3]. Trong khi đó, các quy định từ Điều 14 đến Điều 23 của Bộ luật Dân sự năm 2005 lại coi năng lực giao kết hợp đồng là yếu tố đầu tiên để xác định hiệu lực của hợp đồng, còn yếu tố tự nguyện chỉ được xếp ở hàng thứ yếu. Chính vì vậy, có thể nói năng lực giao kết hợp đồng là một bộ phận hay một phần quan trọng cấu thành yếu tố ưng thuận.
Ưng thuận có bản chất là một trạng thái tâm lý hay sự mong ước bên trong của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng và được biểu lộ ra bên ngoài thông qua việc các bên chấp thuận các điều kiện và điều khoản của hợp đồng. Các luật gia Việt Nam luôn có ý tưởng thống nhất giữa ý chí và sự thể hiện. Họ cho rằng, mong muốn chủ quan của con người có nội dung được xác định bởi các nhu cầu về sản xuất, tiêu dùng của bản thân và phải được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định để người khác biết. Theo họ, giao dịch phải là sự thống nhất giữa ý chí và sự thể hiện và nếu thiếu đi sự thống nhất này thì có thể vô hiệu[4].
Brian H. Bix phân tích, trong lĩnh vực hợp đồng, ưng thuận có hai thành tố chủ yếu, đó là sự hiểu biết và sự lựa chọn hợp lý[5]. Hai thành tố này cần được đánh giá khi xem xét sự ưng thuận về một hậu quả pháp lý nhất định. Một số luật gia Nhật Bản xuất phát từ khoa học tâm lý đi tới nhận định, ý chí được biểu lộ ra bên ngoài cần phải được xem xét ở ba thành tố: (i) Mong muốn tạo lập một hậu quả nhất định; (ii) Mong muốn biểu lộ liên quan tới hậu quả đó; (iii) Quá trình biểu lộ sự mong muốn đó[6].
Như vậy, ưng thuận chính là việc biểu lộ ý chí của các bên tham gia hợp đồng. Do đó, muốn xem xét một cách cụ thể việc biểu lộ ý chí của các bên, thì cần phải làm rõ ba vấn đề, đó là: Các bên tham gia hợp đồng có mong muốn tạo lập ra một hệ quả pháp lý cụ thể không? Mong muốn đó được biểu lộ ra bên ngoài như thế nào? Quy trình biểu lộ sự mong muốn đó ra sao? Việc làm rõ được ba vấn đề này kết hợp với việc đối chiếu các quy định pháp luật liên quan đến yếu tố ưng thuận chính là tiền đề cho việc nhận định sự biểu lộ ý chí đó có đem lại hệ quả pháp lý hay không trong thực tế.
2. Thỏa thuận trong giao kết hợp đồng gia nhập
Thỏa thuận chính là một trong những điều kiện quan trọng tạo nên hợp đồng. Thỏa thuận là sự thể hiện ý chí làm phát sinh các quan hệ pháp lý[7]. Khi một bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng và bên còn lại chấp thuận đề nghị đó, thì đã cấu thành nên một sự thỏa thuận giữa các bên[8]. Như vậy, khi các bên không có sự gặp nhau ở những ý định và đi đến thống nhất ý chí đối với các điều kiện và điều khoản liên quan đến hợp đồng, thì hợp đồng sẽ không được ký kết. Trong các hợp đồng, yếu tố quan trọng nhất chính là sự thỏa hiệp giữa các ý chí, tức là có sự ưng thuận giữa các bên với nhau liên quan đến các điều kiện và điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên, tự do hợp đồng không phải là tự do tuyệt đối thể hiện ở việc Nhà nước buộc các bên giao kết hợp đồng phải tôn trọng đạo đức, trật tự xã hội, trật tự công cộng. Chính vì vậy, trong một số trường hợp luật định, nhân danh tổ chức quyền lực công, Nhà nước có thể can thiệp vào việc thỏa thuận hợp đồng và do đó đã giới hạn quyền tự do giao kết hợp đồng của các bên. Nhưng sự can thiệp này của Nhà nước phải hợp lý và được pháp luật quy định chặt chẽ để tránh sự lạm dụng, vi phạm quyền tự do hợp đồng.
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, yếu tố thỏa thuận trong giao kết hợp đồng được đề cao. Tất cả các hợp đồng có hiệu lực pháp luật đều là hệ quả sự thỏa thuận cho dù sự thỏa thuận đó được thể hiện ở hình thức này hay hình thức khác. Tuy nhiên, không thể suy luận ngược lại là mọi sự thỏa thuận của các bên đều là hợp đồng, bởi sự thỏa thuận chỉ được coi là hợp đồng nếu những thỏa thuận đó phù hợp với ý chí của các bên, tức là có sự ưng thuận đích thực của các bên. Hợp đồng phải là giao dịch hợp pháp, do vậy, sự ưng thuận phải hợp lẽ công bằng, không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Các hợp đồng được giao kết dưới tác động của lừa dối, đe dọa, cưỡng bức hoặc mua chuộc là không có sự ưng thuận đích thực và nếu có sự ưng thuận cũng không được coi là hợp đồng, tức là hợp đồng thuộc các trường hợp vô hiệu theo quy định của pháp luật. Như vậy, mọi sự thỏa thuận không thể hiện ý chí đích thực của các bên, thì không phát sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý theo hợp đồng.
Khi so sánh sự thỏa thuận trong hợp đồng thông thường với hợp đồng gia nhập, có thể thấy rằng, sự thỏa thuận trong hợp đồng gia nhập đã bị rút ngắn do quá trình đàm phán, thương lượng không được hình thành giữa thương nhân và người tiêu dùng, hay nói một cách khác thì sự thỏa thuận chỉ mang tính lý thuyết. Điều này xuất phát từ đặc trưng của hợp đồng gia nhập là dạng hợp đồng đã được chuẩn hóa các điều kiện và điều khoản để sử dụng thường xuyên cho một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định và được soạn thảo bởi một bên tham gia hợp đồng (thường là bên có vị thế mạnh như người bán hàng, bên cung ứng dịch vụ, ngân hàng hay công ty bảo hiểm…) để giao dịch với nhiều người (người tiêu dùng) và thường được cho là có hiệu lực miễn là nó hợp lý và công bằng với bên còn lại.
Khi xem xét về yếu tố thỏa thuận trong hợp đồng nói chung và hợp đồng gia nhập nói riêng có thể thấy, ngoài yếu tố mục đích mà các bên hướng tới khi giao kết hợp đồng, thì cần phải xem xét thấu đáo đến hai yếu tố cơ bản cấu thành lên sự thỏa thuận đó là tự do ý chí và sự ưng thuận.
Tự do ý chí là một nguyên tắc cơ bản của giao kết hợp đồng nói chung và được thể hiện khá dài tại Điều 4 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005[9] (hiện nay được quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, hiểu một cách chung nhất thì đó chính là việc tổ chức, cá nhân có quyền tự do giao kết hợp đồng theo ý chí của mình nhưng không được trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba. Trong đó, việc không được trái pháp luật, trái đạo đức xã hội cũng như không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba chính là những hạn chế được đặt ra đối với nguyên tắc tự do ý chí. Do đó, tự do ý chí trong hợp đồng không phải là sự tự do tuyệt đối.
Sau khi ý chí của các bên giao kết hợp đồng được tự do thể hiện trong khuôn khổ quy định pháp luật như đã đề cập, thì bước tiếp theo là ý chí đó sẽ gặp nhau và có thể được thống nhất dẫn đến hệ quả là hợp đồng được giao kết. Thông thường, một bên của hợp đồng (bên đề nghị) sẽ đưa ra ý chí của mình trước, bên còn lại (bên được đề nghị) tiếp xúc với ý chí đó, nếu có sự gặp gỡ giữa ý chí của các bên thì kết quả sẽ tạo ra một thỏa thuận. Quá trình vừa rồi chính là quá trình của sự ưng thuận[10].  Chính vì vậy, ý chí chính là nguyên liệu, là tiền đề và sự ưng thuận chính là một quá trình chế biến nguyên liệu đó để tạo ra một thỏa thuận, một hợp đồng. Để một hợp đồng được giao kết thì ý chí giữa các bên, sự trao đổi giữa các bên là vô cùng quan trọng và sự ưng thuận muốn đạt được hiệu quả cao thì thiện chí của các bên giao kết hợp đồng là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Các bên càng bình đẳng, thiện chí trong giao dịch, càng hiểu rõ về nhau, thì hợp đồng được giao kết sẽ càng giảm thiểu được những rủi ro cũng như tranh chấp có thể phát sinh trong tương lai.
Xuất phát từ tính chất đặc thù vốn có của hợp đồng gia nhập cho thấy, yếu tố ưng thuận trong giao kết hợp đồng gia nhập đã không được diễn ra một cách hoàn chỉnh như trong hợp đồng thông thường mà gần như chỉ mang tính lý thuyết, bởi trong thực tiễn người tiêu dùng thường phải chấp nhận tất cả các điều kiện và điều khoản do thương nhân đưa ra mà không có quyền đàm phán, thương lượng về các điều kiện và điều khoản đó. Điều này được phản ánh rõ trong nội hàm định nghĩa về hợp đồng gia nhập được quy định tại khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2005 (hiện nay được quy định tại khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015): “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”.
Như vậy, về cơ bản, thì ý chí của hai bên vẫn được thể hiện trong quá trình giao kết hợp đồng gia nhập, song quá trình tương tác các ý chí để từ đó hai bên đồng ý đi đến ràng buộc quyền và nghĩa vụ với nhau trong hợp đồng không tồn tại. Nếu sự ưng thuận trong giao kết hợp đồng thông thường là một quá trình được thể hiện qua việc các bên đàm phán, thượng lượng để sửa đổi, bổ sung các điều kiện và điều khoản của hợp đồng, thì sự ưng thuận trong giao kết hợp đồng gia nhập chỉ là một thời điểm và diễn ra khi người tiêu dùng chấp nhận hoặc không chấp nhận toàn bộ nội dung của hợp đồng. Do đó, sự ưng thuận trong giao kết hợp đồng gia nhập gần như bị triệt tiêu trên thực tế và đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa hợp đồng thông thường và hợp đồng gia nhập liên quan đến yếu tố thỏa thuận.
Mặc dù hầu như không có quyền đàm phán, thương lượng về các điều kiện và điều khoản của hợp đồng gia nhập do thương nhân đưa ra nhưng người tiêu dùng có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận các điều kiện và điều khoản đó. Việc ưng thuận của người tiêu dùng được thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp này, sự tự do ý chí của người tiêu dùng đã được thực hiện đầy đủ, do đó hợp đồng đã được giao kết sẽ có hiệu lực pháp luật, vì không vi phạm quyền tự do ý chí trong giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng được giao kết cũng có thể vô hiệu nếu vi phạm các quy định khác của pháp luật.
Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và kinh tế đã làm thay đổi bản chất truyền thống của hợp đồng thể hiện ở việc loại hợp đồng gia nhập xuất hiện và được giao kết ngày càng nhiều. Nếu như trước đây, việc thiết lập hợp đồng được xây dựng chủ yếu thông qua việc đàm phán, thương lượng riêng lẻ từng hợp đồng, thì ngày nay, trong một số lĩnh vực cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của đời sống, thương nhân đơn phương dự thảo các mẫu hợp đồng nhất định để giao dịch với nhiều người tiêu dùng khi họ có nhu cầu mua, sử dụng một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định. Hợp đồng gia nhập là điển hình của sự bất cân xứng về thông tin, về khả năng đàm phán, thương lượng giữa các bên bởi người tiêu dùng luôn ở thế yếu trong khi thương nhân luôn ở thế mạnh bởi họ biết rõ hơn về hàng hóa, dịch vụ bán ra do đó, họ thường soạn thảo hợp đồng với những điều kiện và điều khoản bất bình đẳng, đẩy phần bất lợi cho người tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, pháp luật cần phải xây dựng những quy chế pháp lý đặc thù cho hợp đồng gia nhập để vừa không ảnh hưởng tới quá trình thỏa thuận, vừa cân bằng được lợi ích hợp pháp của các bên, đồng thời vẫn có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.

ThS. Luật sư Ngô Văn Hiệp
Văn phòng Luật sư Hiệp và liên danh

Tài liệu tham khảo:
1. Hiện nay, ở góc độ lý luận cũng thực tiễn, có nhiều cách tiếp cận và gọi tên khác nhau đối với loại hợp đồng này. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả tiếp cận hợp đồng ở góc độ nội dung và phương thức giao kết do đó dùng thuật ngữ là hợp đồng gia nhập.
2. Paul Latimer, Australian Business Law, CCH Australia Limited, 1987, p. 257.
3. Corinne Renault - Brahinsky, Đại cương về pháp luật hợp đồng, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 46.
4. Paul Latimer, Australian Business Law, CCH Australia Limited, 1987, p. 256 - 257.
5. Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo, Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963, tr. 121- 122; Corinne Renault - Brahinsky, Đại cương về pháp luật hợp đồng, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 46.
6. Robert W. Emerson, John W. Hardwick, Business Law, Barron’s educational series Inc., USA, 1997, pp. 89 - 91; R. Keith Yorston and Edward E. Fortescue, Australian Mercantile Law, The Law Book Co. of Australia PTY LTD, Sydney, Melbourne, Brisbane, 1943, pp. 35 & 37.
7. Nhà Pháp luật Việt - Pháp (2002), Đại cương pháp luật về hợp đồng, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr. 4.
8. Daughtrey, William H., Jr., Adapting contract law to accommodate electronic contracts overview and suggestions, Rutgers Computer & Technology Law Journal, 2000, http://www.allbusiness.com/legal/laws-government-regulations-business/644084-1.html.
9. Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận: Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào. Cam kết, thỏa thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”.
10. Theo cách diễn đạt của tác giả Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo, quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, Phần thứ nhất: Nguồn gốc của nghĩa vụ (1962), tr. 92: “Phân tích sự ưng thuận của các người kết ước, có thể nói rằng sự ưng thuận này gồm hai yếu tố: Thứ nhất: Sự đề ước (l’ offre on la pollicitation); thứ hai: Sự ưng nhận (l’ acceptation). Sự ưng thuận chính là sự thỏa hợp của hai ý chí ấy”.

Tham khảo thêm:

Mẫu hợp đồng đại lý phân phối khu vực.

Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa mục đích kinh doanh.

Mẫu hợp đồng cung ứng dịch vụ quốc tế.

Mẫu hợp đồng thuê nhà mục đích kinh doanh.

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.