Sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại - Chiến lược kinh doanh hữu hiệu cho doanh nghiệp

07 /082017

Sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại - Chiến lược kinh doanh hữu hiệu cho doanh nghiệp

Với mong muốn đưa đến cho các chủ doanh nghiệp có một nền tảng kiến thức vửng chắc liên quan pháp luật Hợp đồng và pháp luật Kinh doanh nói chung, chúng tôi công ty Luật IPIC xin giới thiệu bài Viết của ThS. Mai Xuân Hợi, Đại học Luật Huế . Chúng tôi xin giới thiệu chi tết nội dung bài viết rất mong nhận được sự ủng hộ của các bạn độc giả.

Tham khảo bài Viết: Dịch vụ tư vấn hợp đồng.

Sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại - Chiến lược kinh doanh hữu hiệu cho doanh nghiệp

Các biện pháp phòng vệ thương mại là một phần trong chính sách thương mại của các quốc gia. Các biện pháp này được sử dụng nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, bao gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong khi các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được sử dụng nhằm hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài, thì các biện pháp tự vệ lại được sử dụng nhằm giúp các ngành sản xuất nội địa thêm thời gian để điều chỉnh tăng cường tự do hóa thương mại. Vậy các doanh nghiệp nên sử dụng biện pháp phòng vệ như thế nào để mang lại hiệu quả trong quá trình kinh doanh? Trong bài viết này, tác giả phân tích lợi ích khi sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại và tác dụng mang lại cho doanh nghiệp; thực trạng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam, nguyên nhân của thực trạng đó và đề xuất giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả tác dụng của biện pháp phòng vệ thương mại.
Việt Nam đã và đang đẩy nhanh tự do hóa thương mại với việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và góp phần xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), điều này giúp nền kinh tế phát triển, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có cơ hội tăng thị phần, mở rộng thị trường kinh doanh. Song song với những cơ hội, thì cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, bởi lẽ việc thực thi các FTA và AEC buộc Chính phủ phải cắt giảm, loại bỏ các loại thuế quan, điều này tạo điều kiện cho hàng hóa nhập khẩu ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam và được bán với giá thành thấp. Hiện tượng này đã và đang gây ra những thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trước “cuộc chiến” không cân sức này, một công cụ hữu hiệu vẫn được phép duy trì sau khi tham gia các FTA và AEC để giúp cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam tránh khỏi những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đến từ hàng hóa nhập khẩu, đó chính là biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM)[1]. Tuy nhiên, cho đến nay các biện pháp này dường như vẫn bị doanh nghiệp Việt Nam bỏ ngỏ, thờ ơ. Với mong muốn giúp doanh nghiệp Việt Nam am hiểu và tiến tới sử dụng biện pháp PVTM như chiến lược trong kinh doanh nhằm chủ động đối phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại đến từ hàng hóa nhập khẩu, bài viết này tập trung phân tích những nội dung sau:
1. Sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại và tác dụng mang lại cho doanh nghiệp
Khi chưa thực hiện tự do hóa thương mại, hàng hóa trên đường nhập khẩu vào một nước bị chặn lại bởi hàng rào thuế quan hay các quy định về hạn ngạch nhập khẩu, nhưng khi thực hiện tự do hóa thương mại (chủ yếu thông qua các FTA) thì hàng rào thuế quan sẽ phải dỡ bỏ hoặc cắt giảm tiến tới dỡ bỏ, hạn ngạch nhập khẩu không được áp dụng, vì vậy hàng hóa từ các nước đối tác dễ dàng xâm nhập vào thị trường nội địa. Khi hàng hóa đã xâm nhập vào thị trường nội địa, không ít các trường hợp nhằm thâu tóm thị trường nội địa hoặc vì mục đích khác mà doanh nghiệp xuất khẩu không ngần ngại giảm giá thành sản phẩm với giá thấp kỷ lục, sử dụng trợ cấp từ Chính phủ hoặc nhập khẩu hàng hóa một cách ồ ạt làm thiệt hại đến ngành sản xuất nội địa, làm cho doanh nghiệp nội địa không đủ năng lực để cạnh tranh dẫn đến phá sản. Lường trước hậu quả đó, doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới đã thường xuyên sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ cho mình và thậm chí xem việc sử dụng công cụ PVTM là một trong những chiến lược kinh doanh. Ví dụ, từ năm 1995 - 2014, số vụ kiện PVTM của Ấn Độ là 715 vụ, Hoa Kỳ là 521 vụ, Liên minh Châu Âu (EU) là 487 vụ, Trung Quốc là 215 vụ, Indonesia là 110 vụ, Malaysia là 68 vụ và Thái Lan là 61 vụ[2]. Tác dụng hữu hiệu khi sử dụng công cụ PVTM mang lại đã lý giải cho hành động của các quốc gia này: (i) Việc sử dụng công cụ PVTM được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và pháp luật nhiều quốc gia thừa nhận là hợp pháp sau các FTA; (ii) Việc sử dụng biện pháp PVTM giúp loại bỏ các hành vi đến từ hàng hóa nhập khẩu như: Giảm giá thành sản phẩm với giá thấp hơn giá thành bán ở nước xuất khẩu hay sử dụng trợ cấp từ Chính phủ để cạnh tranh không lành mạnh hoặc việc nhập khẩu một cách ồ ạt gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa, từ đó bảo vệ hàng hóa mình tránh được những thiệt hại; (iii) Việc kiện PVTM tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập hợp với nhau để khởi kiện, tạo thành khối sức mạnh nhằm chống lại hành vi vi phạm của doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này giúp cho các doanh nghiệp cùng ngành sản xuất có đủ sức mạnh để cùng nhau hành động, cùng đấu tranh, và tỷ lệ thắng kiện sẽ lớn hơn, đồng thời giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tự tin đối mặt với các vụ kiện PVTM.
Phân tích trên cho thấy, sử dụng biện pháp PVTM là công cụ kinh doanh hữu hiệu khi nó giúp doanh nghiệp đối phó, loại bỏ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại đến từ hàng hóa nhập khẩu, đồng thời giúp các doanh nghiệp cùng ngành sản xuất có điều kiện liên kết, tập hợp để tạo thành khối sức mạnh nhằm đối phó với các hoạt động cạnh tranh đến từ doanh nghiệp xuất khẩu, điều mà doanh nghiệp đơn lẻ không dễ đối phó.
Nhưng ở Việt Nam, dường như việc sử dụng các biện pháp PVTM là một điều còn quá xa lạ đối với doanh nghiệp, theo kết quả điều tra cho thấy, mới chỉ có 14% doanh nghiệp Việt Nam tính tới việc áp dụng biện pháp PVTM, 86% doanh nghiệp cho biết mình không biết hoặc có biết về biện pháp PVTM để chống lại hàng hóa nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt nhưng chưa tính tới việc sử dụng chúng[3]. Hơn nữa, một kết quả điều tra khác cho biết, khi gặp phải những khó khăn do hàng hóa nhập khẩu gây ra, chỉ có khoảng 25,23% doanh nghiệp tính tới phương án kiện PVTM, trong khi đó, phương án sắp xếp lại sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh có 42,99% doanh nghiệp tính tới áp dụng[4]. Thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân:
Thứ nhất, am hiểu của doanh nghiệp về tác dụng của biện pháp PVTM. Với 86% doanh nghiệp cho biết mình không biết hoặc có biết về các biện pháp PVTM nhưng chưa tính tới việc sử dụng chúng. Con số này đã minh thị một cách rõ ràng mức độ am hiểu và khả năng hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam. Mức độ hiểu biết quyết định đến số lượng cũng như hiệu quả áp dụng biện pháp PVTM, với tỷ lệ 86% doanh nghiệp chưa biết hoặc đã biết nhưng không có ý định sử dụng là nguyên nhân cho đến nay vụ việc PVTM được doanh nghiệp Việt Nam khởi kiện còn ít, điều này làm lãng phí một công cụ pháp lý hữu ích giúp bảo vệ hàng hóa của mình trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh đến từ hàng hóa nhập khẩu.
Thứ hai, tâm lý e ngại khi tham gia kiện tụng vì sợ làm lộ các bí mật kinh doanh. Để tiến hành khởi kiện vụ việc PVTM tại cơ quan điều tra, thì doanh nghiệp phải cung cấp các chứng cứ liên quan đến các số liệu kinh doanh như doanh thu, giá thành sản phẩm, mức thuế phải đóng, kế hoạch kinh doanh... nhằm chứng minh đã tồn tại hành vi bán phá giá hay trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu. Việc này làm cho doanh nghiệp e ngại sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của mình trong tương lai nên không muốn khởi kiện vụ việc tại cơ quan công quyền.
Thứ ba, kiện vụ việc PVTM là một thủ tục pháp lý phức tạp. Sự phức tạp đến từ việc chuẩn bị dự thảo đơn khởi kiện, về khả năng tập hợp lực lượng để khởi kiện, thời gian giải quyết vụ việc kéo dài, sự khác biệt về hệ thống pháp luật giữa các quốc gia cộng thêm am hiểu hạn chế về pháp luật đã làm cho doanh nghiệp Việt Nam thờ ơ với việc sử dụng biện pháp PVTM. Bởi lẽ, muốn Cục Quản lý cạnh tranh khởi xướng điều tra vụ việc PVTM, thì doanh nghiệp phải chuẩn bị đơn khởi kiện, đơn khởi kiện phải đảm bảo đầy đủ các thông tin, chứng cứ liên quan đến vụ kiện nếu chưa muốn nói đến đơn kiện phải đảm bảo về mặt kỹ thuật. Sự thiếu kinh nghiệm trong việc khởi kiện PVTM và những am hiểu hạn chế về biện pháp PVTM là thách thức thực sự đối với doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, sự khác biệt về ngôn ngữ, pháp luật cũng như thời gian theo kiện kéo dài cũng là nguyên nhân làm doanh nghiệp nản chí, bởi muốn đi kiện phải thuê luật sư, phải tốn kém kinh phí.
Như vậy, biện pháp PVTM là giải pháp giúp các doanh nghiệp loại bỏ hiệu quả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại đến từ hàng hóa nhập khẩu trong môi trường tự do hóa thương mại. Nhưng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác hiệu quả của biện pháp PVTM.
2. Đề xuất giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả tác dụng của biện pháp phòng vệ thương mại
Loại bỏ hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hiện tượng tăng đột biến, bất thường của hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước tránh khỏi những thiệt hại, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chủ thể, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò then chốt với việc sử dụng hiệu quả các biện pháp PVTM. Để thực hiện tốt vai trò của mình, doanh nghiệp Việt Nam cần:
Một là, nâng cao nhận thức về tác dụng của biện pháp PVTM. Tự do hóa thương mại ngày càng sâu rộng, thì doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với các hành vi cạnh tranh không công bằng từ hàng hóa nhập khẩu càng lớn. Nhưng tự do hóa thương mại là xu thế tất yếu, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần có những nhận thức đầy đủ để chủ động đối phó, cụ thể: (i) Về phía doanh nghiệp, cần thành lập bộ phận pháp chế chuyên phụ trách việc tìm hiểu các quy định của pháp luật, đặc biệt liên quan đến các biện pháp PVTM nhằm chủ động đối phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập. Mặt khác, cần xây dựng và phát huy vai trò của kênh thông tin, kết nối liên lạc giữa các doanh nghiệp cùng ngành sản với nhau và với các kênh báo chí, truyền thông, điều này giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, chia sẻ cũng như dễ dàng liên kết khởi kiện nếu phát hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại của doanh nghiệp xuất khẩu; (ii) Về phía cơ quan thực thi pháp luật PVTM, đóng vai trò nòng cốt là Cục Quản lý cạnh tranh cần phải phát huy các kênh tuyên truyền thông qua các bản tin PVTM, các sách hướng dẫn cỡ nhỏ (booklet) về các vụ kiện PVTM, những ấn phẩm này cần gửi qua các website của hiệp hội doanh nghiệp và từng doanh nghiệp. Hơn nữa, hàng tuần phải thông cáo theo bản tin trên phương tiện truyền thông cả nước, không nên chỉ dừng lại ở phạm vi phổ biến tại website của Cục Quản lý cạnh tranh như hiện nay. Ngoài ra, Cục Quản lý cạnh tranh cần tăng cường nhiều hơn nữa các buổi hội thảo, đối thoại với những chuyên gia nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu hơn về tác dụng cũng như việc sử dụng biện pháp PVTM để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt đến từ hàng hóa nhập khẩu.
Hai là, xây dựng chiến lược kinh doanh bao gồm việc sử dụng biện pháp PVTM. Nhằm khai thác các tác dụng của biện pháp PVTM, cũng như tạo sự chủ động để đối phó với tác động tiêu cực đến từ hàng hóa nhập khẩu, thì ngay từ khâu xây dựng phương án kinh doanh, doanh nghiệp cần xem việc sử dụng biện pháp PVTM là một trong những công cụ kinh doanh của mình. Điều này giúp doanh nghiệp luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc kiện PVTM, gạt bỏ tâm lý e ngại, sợ lộ bí mật kinh doanh như thực trạng ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Ba là, tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư và tham vấn của Cục Quản lý cạnh tranh. Kiện PVTM là một thủ tục pháp lý phức tạp và dài hơi, đây là rào chắn làm cho đa số doanh nghiệp Việt Nam khó vượt qua. Nhằm sử dụng thành công và phát huy hết tác dụng của biện pháp PVTM, doanh nghiệp cần: (i) Phải chứng minh được đã có dấu hiệu của hành vi bán phá giá, trợ cấp từ Chính phủ hoặc đã có hiện tượng hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến gây thiệt hại cho mình. Đây là việc đầu tiên khởi đầu cho một vụ kiện PVTM, do đó buộc doanh nghiệp, đặc biệt là bộ phận pháp chế phải có những tìm hiểu pháp luật về PVTM, từ đó đưa ra những tư vấn chính xác, hiệu quả cho doanh nghiệp để bắt đầu việc khởi kiện; (ii) Chủ động kết nối nhóm doanh nghiệp khởi kiện và tập hợp các số liệu, các thông tin cần thiết cho vụ kiện. Ngay trong hoạt động kinh doanh thường ngày, doanh nghiệp cùng ngành hàng cần phải có sự kết nối, trao đổi thông tin, khi phát hiện có hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt, cần liên lạc với nhau để chủ động trao đổi, tập hợp các số liệu liên quan nhằm xác định có hay không dấu hiệu vi phạm, từ đó cùng nhau dự thảo đơn kiện. Hoạt động này giúp doanh nghiệp hoàn toàn chủ động, tự tin về tư cách đi kiện, cũng như những số liệu luôn cập nhật, chính xác và có sự thống nhất cao; (iii) Tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư và tham vấn từ Cục Quản lý cạnh tranh trong việc dự thảo đơn kiện, thu thập và tập hợp chứng cứ. Sau khi đã xác định chính xác có hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại đến từ hàng hóa nhập khẩu, bước tiếp theo là dự thảo đơn kiện. Đơn kiện phải đầy đủ thông tin, đúng về mặt kỹ thuật, đây là công việc phức tạp, cần sự trợ giúp từ các chuyên gia có kinh nghiệm về kiện PVTM. Ở bước này, các doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến của luật sư, cũng như tham vấn ý kiến của Cục Quản lý cạnh tranh để hoàn thành các nội dung trong dự thảo đơn kiện. Về phía Cục Quản lý cạnh tranh, cần tổ chức một bộ phận riêng để giúp các doanh nghiệp rà soát, bình luận, bổ sung những nội dung còn thiếu sót trong dự thảo đơn kiện trước khi gửi cho cơ quan điều tra, đặc biệt là giúp doanh nghiệp tiếp cận các số liệu tại cơ quan thuế và hải quan nhằm minh chứng cho những nội dung trong đơn kiện. Công việc này thực sự hữu ích đối với doanh nghiệp, bởi sẽ giúp họ yên tâm rằng, đơn kiện khi được tham vấn sẽ không mắc phải các thiếu sót và việc khởi xướng điều tra vụ kiện chỉ còn là vấn đề thời gian.
Kiện PVTM là thủ tục pháp lý phức tạp nhưng là biện pháp pháp lý được phép duy trì sau các FTA và AEC, nhằm giúp doanh nghiệp hạn chế và loại bỏ hiệu quả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt gây thiệt hại đến từ hàng hóa nhập khẩu. Gạt bỏ những nghi ngờ, sự e ngại bằng việc tăng cường học hỏi, tìm hiểu để nâng cao nhận thức về biện pháp PVTM; xem việc sử dụng biện pháp PVTM là một trong những công cụ cho hoạt động kinh doanh hằng ngày; tranh thủ sự trợ giúp của luật sư và tham vấn từ Cục Quản lý cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam khai thác hiệu quả tác dụng từ việc sử dụng biện pháp PVTM, tạo thành công cụ kinh doanh hiệu quả trong chiến lược kinh doanh của mình.
ThS. Mai Xuân Hợi
Đại học Luật Huế
Tài liệu tham khảo:
[1]. Biện pháp PVTM bao gồm: Biện pháp chống trợ cấp, biện pháp chống bán phá giá và biện pháp tự vệ. Đa số pháp luật các nước trên thế giới, đặc biệt các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đều cho phép duy trì các biện pháp PVTM sau các FTA để duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh trong nước.
[2]. Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=pqNru3R3hEo: Các vụ kiện phòng vệ thương mại có xu hướng tăng.
[3]. Nguồn: Trung tâm WTO - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Khảo sát “Về khả năng kiện chống bán phá giá - chống trợ cấp - tự vệ (kiện phòng vệ thương mại) đối với hàng hóa nhập khẩu gây thiệt hại cho Việt Nam” được thực hiện từ 25/7/2014 đến 25/8/2014.
[4]. Nguồn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Kết quả khảo sát doanh nghiệp về khả năng kiện PVTM, tháng 8/2014.

Tham Khảo Thêm: 

Mẫu hợp đồng đại lý phân phối khu vực.

Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa mục đích kinh doanh.

Mẫu hợp đồng cung ứng dịch vụ quốc tế.

Mẫu hợp đồng thuê nhà mục đích kinh doanh.

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.