Trong Quyết định Giám đốc thẩm Số: 14/2020/DS-GĐT Ngày 26/9/2020 về giải quyết tranh chấp thanh toán hợp đồng xây dựng của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Đà Nẵng đã “không chấp nhận Quyết định kháng nghị số 75/QĐKNGĐT-VKS- KDTM ngày 26/8/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đối với Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2019/KDTM- ST ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình đã xét xử vụ án “tranh chấp hợp đồng xây dựng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần SQ V với bị đơn là Công ty cổ phần C6. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2019/KDTM- ST ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình”.
Theo nội dung kháng nghị số 75/QĐKNGĐT-VKS- KDTM ngày 26/8/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có nội dung “Đối với khoản tiền 3.256.517.933 đồng, ngày 27/02/2015 Công ty C6 có công văn số 06/CV-CT gửi Công ty SQ, yêu cầu công ty này phải xuất hóa đơn tài chính theo đúng nội dung của hợp đồng số 56/2009/HĐ nhưng Công ty SQ vẫn không thực hiện, do vậy Công ty C6 không có căn cứ, cơ sở để thanh toán khoản tiền này theo như nội dung mà hai bên đã ký kết tại điểm 7.2, Điều 7 của Hợp đồng giao nhận thầu số 56/2009-HĐ quy định về hồ sơ thanh toán: “Hồ sơ hoàn công các công việc được nghiệm thu ... ; Bảng tỉnh giá trị đề nghị thanh toán ...; Hóa đơn tài chính ...”.
Tại điểm a, khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Điểm a, khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39 quy định: “Điều 16: Lập hóa 1.Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn.
a) Tiêu thức “Ngày tháng năm ” lập hóa đơn ...
Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thiện không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.
Tại Điều 412 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: Nguyên tắc thực hiện hợp đồng dân sự.
“Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác;
Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;
Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Quy định lập hóa đơn đối với xây dựng là bắt buộc, việc Công ty cổ phần SQ V không lập hóa đơn là không thực hiện đúng nội dung của hợp đồng, trái với quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ Tài chính; Điều 412 Bộ luật dân sự năm 2005. Công ty SQ không thực hiện việc xuất cho Công ty C6 các hóa đơn tài chính, tương ứng với số tiền yêu cầu thanh toán cho thấy Công ty SQ chưa đáp ứng đủ điều kiện để Công ty C6 thanh toán cho Công ty SQ số tiền 3.256.517.933 đồng. Trước đó, cùng trong khoản nợ Công ty SQ đã xuất hóa đơn tài chính thì Công ty C6 đã căn cứ vào hóa đơn này trả nợ cho Công ty SQ số tiền là 129.575.698 đồng. Như vậy, hóa đơn tài chính là căn cứ bắt buộc để xác định số tiền nợ và là cơ sở thanh toán của Công ty C6 đối với Công ty SQ. Khi giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình đã bỏ qua, không xem xét về nghĩa vụ cung cấp hóa đơn tài chính của Công ty SQ theo đúng nội dung của hợp đồng hai bên đã ký kết và quy định của pháp luật, chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ, làm rõ các tình tiết có liên quan mà đã buộc Công ty C6 có nghĩa vụ phải thanh toán cho Công ty SQ toàn bộ số tiền 3.256.517.933 đồng.”
Như vậy, theo quan điểm của Viện Kiểm Sát cấp cao tại Đà Nằng thì việc xuất hóa đơn tài chính là nghĩa vụ bắt buộc và điều kiện để được thanh toán tiền hợp đồng xây dựng, Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình đã bỏ qua, không xem xét về nghĩa vụ cung cấp hóa đơn tài chính của Công ty SQ theo đúng nội dung của hợp đồng hai bên đã ký kết và quy định của pháp luật, chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ, làm rõ các tình tiết có liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Tuy nhiên Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng lại có quan điểm trái ngược với ý kiến của Viện Kiểm Sát Cấp Cao tại Đà Nẵng và cho rằng việc xuất hay không xuất hóa đơn không ảnh hưởng đến nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng xây dựng.
Trong nội dung vụ án tranh chấp này thì theo thỏa thuận thì bên Công ty SQ có nghĩa vụ phải xuất hóa đơn mới được thanh toán và thực tế quá trình thực hiện hợp đồng thì đối với hóa đơn Công ty SQ đã xuất hóa đơn thì đã được Công ty C6 thanh toán hết số tiền đó. Chỉ đối với khoản tiền đang tranh chấp là 3.256.517.933 Công ty C6 đã có sáu văn bản yêu cầu Công ty Công ty SQ yêu cầu xuất hóa đơn theo thỏa thuận để hoàn thành thủ tục thanh toán hợp đồng.
Như vậy, chúng ta thấy rằng theo thỏa thuận hợp đồng thì các bên yêu cầu phải xuất hóa đơn thì mới thanh toán; theo quy định của pháp luật thì việc xuất hóa đơn là bắt buộc đối với bên thi công khi thực hiện quyết toán khối lượng công trình. Do vậy, theo quan điểm của Viện Kiểm Sát thì Công ty cổ phần SQ không lập hóa đơn là không thực hiện đúng nội dung của hợp đồng, trái với quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ Tài chính; Điều 412 Bộ luật dân sự năm 2005 là đúng quy định của pháp luật.
Nói cách khác trong trường hợp này bên Công ty SQ đã không thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận của hợp đồng nên nghĩa vụ thanh toán chưa phát sinh.
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao Công ty SQ không thực hiện việc xuất hóa đơn tài chính nhưng tòa án vẫn cho rằng Công ty C6 vẫn phải có nghĩa vụ thanh toán. Quan điểm của tòa cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng “Hợp đồng xây dựng được ký kết và thực hiện giữa Công ty SQ và Công ty C6 tuân thủ đúng quy định của pháp luật nên làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Sau khi hoàn thành các hạng mục theo các hợp đồng đã ký kết hai bên đã tiến hành nghiệm thu công trình theo biên bản đối chiếu công nợ giữa hai bên lập ngày 08/11/2017 và Công ty C6 cũng thừa nhận là Công ty C6 còn nợ Công ty SQ số tiền theo hợp đồng 3.256.517.983 đồng. Xét thấy, đây là khoản nợ xuất phát từ hợp đồng xây dựng mà các bên đã ký kết và thực hiện, Công ty Công ty C6 không trả số nợ trên là vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng xây dựng đã ký kết nên Tòa án cấp sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn Công ty cổ phần C6 phải trả cho Công ty cổ phần SQ V số tiền 3.256.517.983 đồng là có căn cứ.” Như vậy, Tòa cấp cao mặc nhiên cho rằng việc nghĩa vụ xuất hóa đơn tài chính khi yêu cầu thanh toán trong trường hợp này là không cần thiết, không bắt buộc.
Theo quan điểm của tôi trong trường hợp này tòa các cấp cần phải xem xét lý do tại sao Công ty SQ không thực hiện việc xuất hóa đơn theo thỏa thuận của hợp đồng và quy định của pháp luật. Tại sao Tòa sơ thẩm không xem xét đến nghĩa vụ này của Công ty SQ, việc không xem xét có vi phạm quy định của Pháp luật tố tụng không?
Chỉ có hai trường hợp xảy ra đối với việc không xuất hóa đơn tài chính:
Trường hợp thứ nhất nếu Công ty SQ có đủ điều kiện xuất hóa đơn mà cố tình không xuất dẫn đến việc vi phạm nghĩa vụ hoàn thành hồ sơ thanh toán thì tòa án nên bác yêu cầu của Công ty SQ vì nghĩa vụ thanh toán chưa phát sinh do chưa đủ hồ sơ thanh toán theo thỏa thuận.
Trường hợp thứ hai nếu vì lý do khách quan Công ty SQ không thể xuất hóa đơn tài chính (do bị cơ quan thuế cưởng chế hóa đơn nên hóa đơn không còn hiệu lực) trường hợp này thì cần phải có một bản án hay quyết định của Tòa án để bên Công ty C6 có thể thanh toán cho Công ty SQ và số tiền thanh toán trên đáp ứng chi phí hợp lệ phù hợp với quy định về quản lý thuế, kế toán doanh nghiệp).
Như vậy, trong Quyết định giám đốc thẩm của Tòa cấp cao không phân tích rõ trong trường hợp này theo quan điểm của tôi là chưa thuyết phục vì chưa giải thích được một cách rõ ràng vì sao lại bác yêu cầu kháng nghị của Viện kiểm sát cấp cao.
Viện kiểm sát cấp cao kháng nghị bản án sơ thẩm với lý do chưa xem xét toàn diện vụ án “Khi giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình đã bỏ qua, không xem xét về nghĩa vụ cung cấp hóa đơn tài chính của Công ty SQ theo đúng nội dung của hợp đồng hai bên đã ký kết và quy định của pháp luật, chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ, làm rõ các tình tiết có liên quan” theo quan điểm của tôi là có căn cứ. Mặc dù khi xem xét lại vụ án có thể rơi vào trường hợp thứ 2 Công ty SQ không thể xuất hóa đơn tài chính và vẫn buộc Công ty C6 vẫn phải thanh toán nhưng việc hủy án vẫn cần thiết để đảm bảo giải thích pháp luật rõ ràng và tôn trọng sự thỏa thuận của các bên.
Kết luận: Việc xuất hóa đơn tài chính thường là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện thanh toán và theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ bắt buộc của bên bán hàng, cung cấp dịch vụ. Trên thực tế có những trường hợp không thể xuất hóa đơn tài chính như việc công ty rơi vào tình trạng nợ thuế dẫn đến bị cưỡng chế hóa đơn hoặc vì các lý do khách quan khác mà không thể xuất được hóa đơn tài chính cho khách hàng. Đối với trường hợp này xét về bản chất thì việc không thể xuất hóa đơn không làm mất đi quyền yêu cầu thanh toán của bên bán hàng và bên cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên nếu việc thanh toán mà không có hóa đơn tài chính hợp pháp (thông thường hóa đơn thuế VAT) thì bên thanh toán sẽ không được tính là chi phí hợp lý, hợp pháp theo quy định của Luật thuế và Luật kế toán.
Đối với những trường hợp này rất dễ phát sinh tranh chấp và khó có thể thương lượng nên việc yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp nhiều khi là một giải pháp bắt buộc cho các bên. Và theo như nội dung Quyết định giám đốc thẩm trên thì việc không thể xuất hóa đơn không phải cơ sở để bác yêu cầu thanh toán. Do vậy, đối với trường hợp tương tự các bên có thể khởi kiện ra tòa để tòa công nhận nghĩa vụ thanh toán và khi có bản án thì chi phí thanh toán không có hóa đơn tài chính vẫn trở thành chi phí hợp lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình chúng tôi cung cấp dịch vụ pháp lý đã có nhiều trường hợp hỏi pháp sinh liên quan đến vấn đề tương tự như trên. Chúng tôi nhận thấy Quyết định Giám đốc thẩm Số: 14/2020/DS-GĐT Ngày 26/9/2020 về giải quyết tranh chấp thanh toán hợp đồng xây dựng của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Đà Nẵng có ý nghĩa thiết thực đối với các doanh nghiệp nên đã phân tích sơ bộ và trích dẫn nội dung Quyết định để các bạn tham khảo.
(Các bạn vui lòng tải Quyết định giám đốc thẩm tại đây)
NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ỦY BAN THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
- Thành phần Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng gồm có:
Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa: Ông Nguyễn Văn Tiến.
Các Thẩm phán: Ông Trần Minh Tuấn và ông Phạm Việt Cường.
- Thư ký phiên tòa: Bà Nguyễn Thị Nga – Thư ký Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tham gia phiên tòa: Ông Đinh Văn Chánh - Kiểm sát viên.
Ngày 26 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp hợp xây dựng” giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty cổ phần SQ V.
Địa chỉ: L đường H, quận T, thành phố Đà Nẵng.
Bị đơn: Công ty cổ phần C6.
Địa chỉ: Số X đường H, thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình. Địa chỉ mới: Thôn A, xã V, huyện Q, tỉnh Quảng Bình.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Ngày 16/11/2009, Công ty cổ phần SQ V (sau đây gọi là Công ty SQ) và Công ty cổ phần C6 (sau đây gọi là Công ty C6) có ký hợp đồng kinh tế số 45/2009/HĐ về việc Công ty SQ cung cấp, lắp đặt thiết bị phòng cháy và chữa cháy công trình Nhà máy xi măng Áng Sơn.
Ngày 24/12/2009 hai bên ký hợp đồng kinh tế số 56/2009/HĐ về việc Công ty SQ cung cấp, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước tại công trình Nhà máy xi măng Áng Sơn và Phụ lục số 14/2011/PLHĐ ngày 10/03/2011.
Sau khi hoàn thành công trình đã được nghiệm thu, bàn giao cho chủ đầu tư là Công ty C6 các hạng mục đã thi công để đưa vào hoạt động.
Theo các hợp đồng đã ký kết, hồ sơ nghiệm thu quyết toán và Biên bản đối chiếu công nợ được lập ngày 08/11/2017 thì Công ty C6 còn nợ Công ty SQ số tiền 3.386.093.681 đồng.
Công ty SQ khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình, yêu cầu Tòa án buộc Công ty C6 trả sổ tiền nợ gốc 3.386.093.681 đồng và tiền lãi suất nợ quá hạn do chậm thanh toán theo quy định của Ngân hàng Ngoại thương Vỉệt Nam.
Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn (Công ty SQ) rút một phần yêu cầu khởi kiện về tiền gốc, không yêu cầu tính tiền lãi chậm trả đối với số tiền còn nợ và yêu cầu Công ty C6 phải trả số tiền nợ gốc còn lại là 3.256.517.933 đồng. Vì ngày 05/4/2019, (trước khi xét xử vụ án) Công ty C6 đã chuyển trả cho Công ty SQ số tiền 129.575.698 đồng.
Phía bị đơn là Công ty cổ phần C6 thừa nhận số tiền đã trả và số tiền còn nợ như Công ty cổ phần SQ V trình bày nhưng do Công ty cổ phần SQ V không xuất hóa đơn nên hiện tại trên sổ sách chỉ thể hiện Công ty cổ phần C6 còn nợ số tiền 129.575.698 đồng (đã xuất hóa đơn); đồng thời do làm ăn khó khăn nên Công ty Công ty cổ phần Cosevco chưa có điều kiện trả nợ.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2019/KDTM- ST ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình quyết định:
- Áp dụng Điều 122;124;389;401;402;405;408;409;412 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 107;108;109;110 Luật xây dựng năm 2003; sửa đổi bổ sung năm 2009; khoản 1 Điều 30;147;244;273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của ủy ban Thường vụ Quốc Hội về án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần SQ V đối với bị đơn Công ty cổ phần C6. Buộc bị đơn Công ty cổ phần C6 phải trả cho nguyên đơn Công ty cổ phần SQ V tổng số tiền nợ gốc là: 3.256.517.983 đồng; không tính lãi chậm trả đối vớt sổ tiền nợ gốc nêu trên.
2. Đình chỉ xét xử đổi với việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần SQ V đối với bị đơn Công ty cố phần C6, về việc buộc bị đơn trả số tiền nợ gốc 129.575.698 đồng và tiền lãi chậm trả trên số tiền nợ gốc chưa trả, do nguyên đơn đã rút một phần yêu cầu khởi kiện này tại phiên tòa.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền và nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 27/3/2020 và 28/4/2020, bị đơn Công ty cổ phần C6 có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm nêu trên.
Tại Quyết định số 75/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 26/8/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị đối với Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2019/KDTM-ST ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình, đề nghị Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm nêu trên, với nhận định:
Đối với khoản tiền 3.256.517.933 đồng, ngày 27/02/2015 Công ty C6 có công văn số 06/CV-CT gửi Công ty SQ, yêu cầu công ty này phải xuất hóa đơn tài chính theo đúng nội dung của hợp đồng số 56/2009/HĐ nhưng Công ty SQ vẫn không thực hiện, do vậy Công ty C6 không có căn cứ, cơ sở để thanh toán khoản tiền này theo như nội dung mà hai bên đã ký kết tại điểm 7.2, Điều 7 của Hợp đồng giao nhận thầu số 56/2009-HĐ quy định về hồ sơ thanh toán: “Hồ sơ hoàn công các công việc được nghiệm thu ... ; Bảng tỉnh giá trị đề nghị thanh toán ...; Hóa đơn tài chính ...”.
Tại điểm a, khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Điểm a, khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39 quy định: “Điều 16: Lập hóa 1.Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn.
a) Tiêu thức “Ngày tháng năm ” lập hóa đơn ...
Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thiện không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền”.
Tại Điều 412 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: Nguyên tắc thực hiện hợp đồng dân sự.
“Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;
1. Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;
2. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.
Quy định lập hóa đơn đối với xây dựng là bắt bụộc, việc Công ty cổ phần SQ V không lập hóa đơn là không thực hiện đúng nội dung của hợp đồng, trái với quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ Tài chính; Điều 412 Bộ luật dân sự năm 2005.
Công ty SQ không thực hiện việc xuất cho Công ty C6 các hóa đơn tài chính, tương ứng với số tiền yêu cầu thanh toán cho thấy Công ty SQ chưa đáp ứng đủ điều kiện để Công ty C6 thanh toán cho Công ty SQ số tiền 3.256.517.933 đồng. Trước đó, cùng trong khoản nợ Công ty SQ đã xuất hóa đơn tài chính thì Công ty C6 đã căn cứ vào hóa đơn này trả nợ cho Công ty SQ số tiền là 129.575.698 đồng. Như vậy, hóa đơn tài chính là căn cứ bắt buộc để xác định số tiền nợ và là cơ sở thanh toán của Công ty C6 đối với Công ty SQ. Khi giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình đã bỏ qua, không xem xét về nghĩa vụ cung cấp hóa đơn tài chính của Công ty SQ theo đúng nội dung của hợp đồng hai bên đã ký kết và quy định của pháp luật, chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ, làm rõ các tình tiết có liên quan mà đã buộc Công ty C6 có nghĩa vụ phải thanh toán cho Công ty SQ toàn bộ số tiền 3.256.517.933 đồng.
Như vậy, Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ nhưng đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty SQ là chưa giải quyết vụ án một cách đúng đắn, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty C6.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận Quyết định kháng nghị số 75/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 26/8/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Tại Quyết định số 75/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 26/8/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét về nghĩa vụ cung cấp hóa đơn tài chính của Công ty SQ theo đúng nội dung của hợp đồng hai bên đã ký kết và quy định của pháp luật; chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ, làm rõ các tình tiết có liên quan mà đã buộc Công ty C6 có nghĩa vụ phải thanh toán cho Công ty SQ toàn bộ số tiền 3.256.517.933 đồng là chưa giải quyết vụ án một cách đúng đắn, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty C6 là không có căn cứ để chấp nhận vì:
Hợp đồng xây dựng được ký kết và thực hiện giữa Công ty SQ và Công ty C6 tuân thủ đúng quy định của pháp luật nên làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Sau khi hoàn thành các hạng mục theo các hợp đồng đã ký kết hai bên đã tiến hành nghiệm thu công trình theo biên bản đối chiếu công nợ giữa hai bên lập ngày 08/11/2017 và Công ty C6 cũng thừa nhận là Công ty C6 còn nợ Công ty SQ số tiền theo hợp đồng 3.256.517.983 đồng. Xét thấy, đây là khoản nợ xuất phát từ hợp đồng xây dựng mà các bên đã ký kết và thực hiện, Công ty Công ty C6 không trả số nợ trên là vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng xây dựng đã ký kết nên Tòa án cấp sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn Công ty cổ phần C6 phải trả cho Công ty cổ phần SQ V số tiền 3.256.517.983 đồng là có căn cứ.
Vì vây, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm thấy quyết định của bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật nên không chấp nhận Quyết định kháng nghị số 75/QĐKNGĐT-VKS-KDTM ngày 26/8/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 337; khoản 1 Điều 343, Điều 348 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
1. Không chấp nhận Quyết định kháng nghị số 75/QĐKNGĐT-VKS- KDTM ngày 26/8/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đối với Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2019/KDTM- ST ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình đã xét xử vụ án “tranh chấp hợp đồng xây dựng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần SQ V với bị đơn là Công ty cổ phần C6.
2. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2019/KDTM- ST ngày 11/4/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình.
Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định.
Nơi nhận:
- Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học-TANDTC;
- VKSND cấp cao tại Đà Nẵng;
- Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình (để biết);
- Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình (gửi kèm hồ sơ vụ án);
- Chi cục THADS dân thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình (theo địa chỉ);
- Lưu: Phòng HCTP; Phòng GĐKT -II. TM. ỦY BAN THẨM PHÁN
THẨM PHÁN -CHỦ TỌA PHIÊN TÒA
Nguyễn Văn Tiến