Quyền của cá nhân đối với việc công bố hình ảnh

15 /082016

Quyền của cá nhân đối với việc công bố hình ảnh

Quyền của cá nhân đối với việc công bố hình ảnh

Hình ảnh công bố trên báo chí có thể dẫn tới những suy diễn, tin đồn, thậm chí có thể hạ thấp danh dự, uy tín của một cá nhân trong cộng đồng. Thông qua các hoạt động nghề nghiệp, báo chí cung cấp rất nhiều thông tin, hình ảnh về mọi mặt của đời sống, nhất là "báo hình" thường tập trung vào hình ảnh. Vì vậy, xảy ra mâu thuẫn giữa quyền tự do báo chí với quyền của cá nhân trong việc sử dụng hình ảnh của mình...

>>> Tham khảo: Thành lập công ty kinh doanh bất động sản có yếu tố nước ngoài

Trong pháp luật Việt Nam, câu hỏi về quyền cá nhân về hình ảnh đã được đặt ra và càng có ý nghĩa khi các thiết bị quay phim, chụp ảnh ngày càng trở nên phổ biến. Với sự trợ giúp của internet, hình ảnh được phát tán rộng với tốc độ lớn. Việc ngăn chặn và truy tìm thủ phạm trở nên khó khăn, và bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị xâm phạm hình ảnh. Trên thế giới, quyền của cá nhân đối với hình ảnh bắt đầu được quy định từ khoảng cuối thế kỷ 19. Từ nội dung ban đầu là bảo vệ tính mạng con người, quyền sống phát triển thành các quyền riêng rẽ, bảo vệ các giá trị trừu tượng như danh dự, nhân phẩm, quan hệ gia đình. Quyền sống phát triển thành quyền có nội hàm rộng và bao quát: quyền không bị quấy rầy. Theo đó, cá nhân được pháp luật bảo vệ không gian riêng để phát triển, hình thành nhân cách. Các tác động từ bên ngoài, kể cả dưới hình thức quay phim, chụp ảnh, đều không được phép, trừ trường hợp vì lợi ích chung. Ngoài ra, cá nhân có quyền quyết định việc đưa ra xã hội hình ảnh của mình, vì việc này ảnh hưởng tới quan hệ của họ với người chung quanh. Quyền đối với hình ảnh cũng hình thành trên cơ sở quyền tài sản. Cùng với sự phát triển của xã hội, ngoài phần tài sản hữu hình còn có các tài sản vô hình như: phát minh, sáng chế, sáng tác nghệ thuật, nhãn hiệu hàng hóa... Và hình ảnh cũng được xem là tài sản vô hình của cá nhân, quyền đối với hình ảnh được xếp vào quyền tác giả. Các công ty quảng cáo thường cố gắng ký hợp đồng với người nổi tiếng để khai thác hình ảnh của họ phục vụ việc quảng cáo sản phẩm. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh bị giới hạn trong trường hợp xung đột với quyền lợi chung, quyền lợi của bên thứ ba hoặc đương sự từ bỏ quyền của mình đối với hình ảnh. Pháp luật các nước đều cho phép đăng hình tội phạm bị truy nã để phục vụ việc truy bắt tội phạm...

>>> Tham khảo: Nhà đầu tư Nhật Bản mua lại vốn góp của công ty Việt Nam

Hầu hết các vụ kiện về quyền đối với hình ảnh hiện nay là xuất phát từ xung đột với quyền tự do báo chí. Về nguyên tắc, hai quyền trên có giá trị ngang nhau và việc xác định có hành vi xâm phạm quyền đối với hình ảnh hay không tùy từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở cân nhắc giữa quyền được bảo vệ đời tư của cá nhân với quyền được biết thông tin của công chúng. Pháp luật các nước đều cho phép báo chí đưa tin về hoạt động chính thức của các cơ quan nhà nước, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng như các sự kiện công chúng quan tâm như thiên tai, lũ lụt, tai nạn... Báo chí có quyền đưa hình mà không cần sự đồng ý của người tham gia các sự kiện kể trên. Ðối với các trường hợp khác, báo chí cần thỏa thuận với đương sự. Ðể bảo đảm nhu cầu thông tin của công chúng, đồng thời là sự tôn trọng quyền cá nhân đối với hình ảnh, báo chí và truyền hình phương Tây thường chọn cách che mặt, thay đổi giọng nói của đương sự khi không đạt được thỏa thuận với người này.

Pháp luật các nước phương Tây đều công nhận quyền của người nổi tiếng với hình ảnh có tính chất hoàn toàn riêng tư, đặc biệt là về đời sống tình dục của họ. Cái chết của Công nương Diana trong vụ tai nạn giao thông ở Paris năm 1997 khi chạy trốn các tay săn ảnh (paparazzi) làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong công chúng đối với các báo "lá cải" và sự nghi ngờ về cơ chế pháp luật bảo vệ bí mật đời tư. Ngày 26-6-1998, Nghị viện Hội đồng châu Âu đã thông qua Nghị quyết số 1165 (1998) lên án việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xâm phạm đời tư cá nhân, kêu gọi ngăn chặn, trừng trị việc lợi dụng này. Việc sử dụng trang thiết bị ghi âm, ghi hình từ xa cũng được xem như việc đột nhập vào nhà riêng để ghi âm, ghi hình bất hợp pháp. Cơ quan báo chí chỉ đạo, khuyến khích các tay săn ảnh này sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự tương đương.

Cho đến trước khi ra đời Bộ luật Dân sự (BLDS) ngày 28-10-1995, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Người bị xâm phạm quyền này chỉ có thể viện dẫn từ Ðiều 116 BLHS 1985 khi hành vi xâm phạm đáp ứng các điều kiện cấu thành tội làm nhục người khác. Ðiều đó có thể được lý giải bởi điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta khi đó còn thấp, trang thiết bị quay phim, ghi hình còn ít phổ biến trong xã hội. Có lẽ vì thế, nhu cầu được bảo vệ quyền đối với hình ảnh chưa được đặt ra. Hơn thế, sau 30 năm chiến tranh, người dân tự nguyện hy sinh các quyền lợi cá nhân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đến thời kỳ đổi mới, kinh tế phát triển, người dân có yêu cầu cao hơn về các quyền nhân thân. Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định quyền đối với hình ảnh (Ðiều 31), quyền được bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm (Ðiều 33), quyền đối với bí mật đời tư (Ðiều 34). Ðây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Luật Dân sự Việt Nam. BLDS năm 2005 bổ sung thêm một số nội dung mới so với BLDS năm 1995. Ðó là việc sử dụng hình ảnh của người dưới 15 tuổi phải được cha, mẹ hoặc người đại diện người đó đồng ý, nhằm điều chỉnh hiện tượng một số tờ lịch in hình trẻ em mà không xin phép. Khái niệm "thân nhân" trong BLDS năm 1995 được cụ thể hóa thành cha, mẹ, vợ, chồng, con. Việc sử dụng hình ảnh để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có ảnh bị nghiêm cấm.

>>> Tham khảo: thủ tục mở trường mầm non quốc tế

Có thể thấy quyền của cá nhân đối với hình ảnh ngày càng trở nên hoàn thiện trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Cá nhân được bảo vệ hình ảnh dưới nhiều hình thức, dù là tranh vẽ, ảnh chụp hoặc quay phim. Ðiều quan trọng là hình ảnh phải được lấy từ một người và giống người đó. Tương tự như pháp luật các nước, pháp luật Việt Nam chỉ bảo vệ hình ảnh mà người trong ảnh có thể bị nhận dạng, không phụ thuộc việc ảnh có khuôn mặt hoặc ghi tên người đó hay không. Trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng (phục vụ cho việc điều tra, truy bắt tội phạm), việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Nhìn từ góc độ nhất định, pháp luật Việt Nam bảo vệ quá chặt quyền của cá nhân đối với hình ảnh và dường như chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế? Thí dụ:

1. Ðiều 31 BLDS quy định việc "sử dụng" các hình ảnh nói chung cần có sự đồng ý của người có hình ảnh. Ðiều này dẫn tới việc sử dụng hình ảnh của người khác, dù chỉ cho nhu cầu bản thân, không phát tán cho người thứ ba, cũng phải xin phép người có hình ảnh. Về bản chất, hành vi này không ảnh hưởng tới quan hệ của người có hình ảnh với xã hội, không cản trở người đó hình thành và phát triển nhân cách của mình. Trên thực tế, cũng khó phát hiện được các trường hợp này, vì hình ảnh không được phát tán, người có hình ảnh không biết hình ảnh của mình đang bị sử dụng trái phép.

2. Ðiều 31 BLDS không miễn trừ việc xin phép khi sử dụng ảnh chụp phong cảnh hay các buổi tụ tập đông người (biểu tình, tuần hành, hội họp) như trong pháp luật các nước phương Tây. Cho nên khó có thể hình dung việc xin phép từng người trong đoàn biểu tình chỉ để được sử dụng một tấm ảnh của họ. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với đối tượng không phải là cơ quan báo chí (Thí dụ: cá nhân đăng ảnh của người khác lên blog, trang mạng cá nhân).

3. Ðiều 31 BLDS chỉ đề cập hành vi "sử dụng" chứ không điều chỉnh hành vi "ghi hình". Ðây thật sự là "khoảng trống" đáng lo ngại trong pháp luật Việt Nam, vì cá nhân bị xâm phạm vào chi tiết riêng tư nhất. Trong điều kiện trang thiết bị ghi hình ngày càng phổ biến, nguy cơ bị chụp trộm, bị ghi hình trộm cao hơn bao giờ hết. Nếu không thể chứng minh người chụp trộm, ghi hình trộm phát tán các hình ảnh này thì không thể quy trách nhiệm dân sự theo Ðiều 31 BLDS hay trách nhiệm hình sự theo Ðiều 121 và Ðiều 226 BLHS.

Nghị định 51/2002/NÐ-CP ngày 26-4-2002 của Chính phủ đã điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan báo chí "không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó", trừ một số trường hợp cụ thể. Ðiều 5 khoản 3 Nghị định 51 đã loại bỏ yêu cầu phải có sự đồng ý của chủ nhân hay người được giao quyền sử dụng hình ảnh. Quy định trên không phù hợp với tinh thần của Ðiều 31 BLDS và không đủ để bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh, đi ngược với xu thế đề cao quyền bí mật đời tư cá nhân. Việc cho phép cơ quan báo chí đăng phát hình ảnh về đời sống riêng tư mà không cần sự đồng ý của người đó cũng hoàn toàn không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Một tờ báo nào đó có thể lợi dụng quyền này để xâm phạm bí mật đời tư, đăng phát các hình ảnh câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một số độc giả. Hiện tượng một số báo điện tử đưa lên mạng các video clip về "cà phê giường" hoặc "9X vào nhà nghỉ", trong đó người bị quay hoàn toàn có thể sẽ bị nhận diện đang đặt ra câu hỏi thực sự về giới hạn của quyền tự do báo chí và cơ chế bảo vệ bí mật đời tư của cá nhân?

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, cũng như các quyền nhân thân khác của cá nhân, được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề tương đối mới trong pháp luật Việt Nam, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Trong khi đó, các hành vi xâm phạm ngày càng phức tạp và tinh vi, được hỗ trợ bởi các thiết bị hiện đại và internet. Ðể đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới, phù hợp với xu thế của thế giới tăng cường bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cần sớm điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành, loại bỏ những khe hở và bất hợp lý. Liên quan đến quyền đăng, phát hình ảnh của báo chí, cần tôn trọng quyền được biết thông tin của người dân nhưng phải cân đối với quyền bí mật đời tư của cá nhân, phù hợp với văn hóa Việt Nam.

CHU TUẤN ÐỨC

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.