Hiện nay, tranh chấp nội bộ doanh nghiệp ngày càng có xu hướng gia tăng và và là một hiện tượng tất yếu không thể tránh khỏi của nền kinh tế thị trường. Các nhà đầu tư chủ doanh nghiệp khi mới thành lập thường không quan tâm tìm hiểu đến những quy định về việc quản lý, điều hành tổ chức nội bộ doanh nghiệp. Do đó, khi mâu thuẫn xảy ra sẽ thường không biết cách tháo gỡ và khiến tranh chấp càng trở nên gay gắt hơn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh của công ty. Vì vậy, việc các nhà đầu tư chủ doanh nghiệp nắm rõ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp. Vậy nên IPIC xin được tư vấn các vấn đề pháp lý về "Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp "
1. Khái quát về tranh chấp nội bộ
Pháp luật chưa có quy định cụ thể như thế nào là tranh chấp nội bộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể hiểu tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp là những mâu thuẫn, những bất đồng giữa các cá nhân, tổ chức trong công ty phát sinh trong quá trình thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức công ty.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp gồm: “Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.” Do vậy, có thể chia ba dạng tranh chấp nội bộ như sau:
Thứ nhất, tranh chấp giữa công ty với các thành viên công ty: Tranh chấp này xảy ra chủ yếu liên quan đến tranh chấp giữa thành viên/cổ đông không góp đủ vốn theo cam kết góp/đăng ký trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tranh chấp định giá tài sản khi góp vốn, không chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn; tranh chấp về quyền và lợi ích, phân chia lợi nhuận.
Thứ hai, tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty TNHH hoặc thành viên HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần: Là tranh chấp phát sinh từ quyết định của ĐHĐCĐ; Hội đồng thành viên vì cho rằng những quyết định này không công bằng, không hợp pháp gây; Tranh chấp về quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc/ Tổng Giám đốc công ty; Tranh chấp về quyền của thành viên Hội đồng thành viên;.... Các tranh chấp này thường xảy ra khá gay gắt. Khi tranh chấp xảy ra, các bên lại không biết nên xử lý ra sao khiến cho tranh chấp ngày càng gay gắt, phức tạp hơn.
Thứ ba, tranh chấp giữa các thành viên trong công ty với nhau: Thông thường tranh chấp các vấn đề về chọn người đại diện theo pháp luật, các tranh chấp gắn liền với quyền và nghĩa vụ của thành viên, cổ đông trong công ty; tranh chấp giữa các thành viên trong công ty về việc trị giá phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên trong công ty; tranh chấp về việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên và cổ phiếu có ghi tên; tranh chấp về mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu phát hành và trái phiếu của công ty cổ phần hoặc về quyền sở hữu tài sản tương ứng với số cổ phiếu của thành viên công ty; tranh chấp về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ, thanh toán nợ của công ty; tranh chấp về việc thanh lý tài sản , phân chia nợ giữa các thành viên trong công ty trong trường hợp công ty bị giải thể; .....
2. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ
Nhìn chung, nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ cũng giống như các nguyên tắc giải quyết kinh doanh thương mại. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ gồm những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, nguyên tắc tự định đoạt. Nguyên tắc này thể hiện trước hết ở quyền tự thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Tranh chấp xảy ra chủ doanh nghiệp có quyền lựa chọn phương thức có lợi và phù hợp nhất đối với các bên. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp nên lựa chọn phương thức thượng lượng, hòa giải trước. Trong trường hợp giải quyết theo các phương thức này không có hiệu quả và đảm bảo như mong muốn của các bên thì các bên có quyền đưa tranh chấp nội bộ ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nguyên tắc này nhằm giúp các các bên có quyền lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp nhất và có lợi nhất cho các bên, giúp các bên có thể giải quyết tranh chấp một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Thứ hai, nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Nguyên tắc này thể hiện ở việc mọi cá nhân khi tham gia giải quyết tranh chấp đều được bình đẳng trước pháp luật, được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên. Không phân biệt thành kinh tế, địa vị, số vốn, tài sản, các bên tranh chấp đều được pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nguyên tắc này giúp cho tất cả các cá nhân đều được tham gia pháp luật và được pháp luật bảo vệ công bằng, bình đẳng.
Thứ ba, nguyên tắc hòa giải. Nguyên tắc này thể hiện ở việc các bên giải quyết tranh chấp theo hướng tự hòa giải hoặc hòa giải qua trung gian hòa giải (hòa giải viên). Chỉ khi nào các bên không giải quyết được tranh chấp triệt để thì các bên mới nên nhờ đến cơ quan giải quyết là Trọng tài thương mại hoặc cơ quan Tòa án có thẩm quyền. Nguyên tắc này nhằm giúp các bên giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng nhất có thể, hạn chế tối đa thời gian giải quyết, chi phí tiền bạc,...
Thứ tư, nguyên tắc giải quyết tranh chấp nhanh chóng và kịp thời, đảm bảo hạn chế quá trình sản xuất kinh doanh. Nguyên tắc này nhằm hạn chế ảnh hưởng của tranh chấp đến các hoạt động và sự tồn tại, phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cần đảm bảo các biện pháp giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, dứt điểm và đạt hiệu quả nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Hoạt động kinh doanh được thực hiện theo chu trình sản xuất khép kín, vì vậy ở bất kỳ một công đoạn nào xảy ra trục trặc đều dẫn đến ảnh hưởng toàn bộ quá trình kinh doanh. Giải quyết tranh chấp không được tiến hành một cách nhanh chóng kịp thời sẽ ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển vững mạnh của chủ thể kinh doanh. Nhanh chóng, kịp thời nhưng phải dứt điểm, đạt hiệu quả thi hành cao nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên.
Trên đây là nội dung tư vấn của IPIC về Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp. Mọi yêu cầu tư vấn, thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để nhận được sự tư vấn hỗ trợ.
Trân trọng,
Luật sư Nguyễn Trinh Đức
- Trang chủ
- Doanh nghiệp
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp