Câu hỏi: Bảo hiểm xã hội
Người lao động là người lao động đã nghỉ hưu và có hưởng lương hưu thì doanh nghiệp có phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không?
Trả lời có tính chất tham khảo!
Người lao động đã nghỉ hưu là người lao động đã được nghỉ hưu khi qua độ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2019 (Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ)
Theo quy định tại khoản 9 Điều 123 Luật bảo hiểm xã hội 2014:
“Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”
Căn cứ theo khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, căn cứ theo các quy định trên người lao động đã nghỉ hưu và đang hưởng lương hưu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.