bài viết có ý kiến luật sư Đoàn Minh Đức - Công ty Lật IPIC
LinK bài Viết đăng trên Cti New: Lỗ hổng pháp lý đang 'tiếp tay' cho tội phạm ngân hàng - Citinews
Lỗ hổng pháp lý đang 'tiếp tay' cho tội phạm ngân hàng
Thời gian gần đây, báo chí lên tiếng rất nhiều về những vụ án liên quan đến chiếm đoạt tài sản ở các ngân hàng. Tất cả những hành vi này đều được thực hiện hết sức tinh vi và có quy trình, kế hoạch chuyên nghiệp. Hiện nay ở nước ta, với hơn 100 tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, đây là một trong những miếng mồi mà bọn tội phạm nhắm đến.
Luật sư Đoàn Minh Đức (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, một con số khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ chính là trong số các vụ án liên quan đến ngân hàng thì gần 70% đối tượng gây án lại là các cán bộ, những người đang trực tiếp làm việc tại nhà băng. Thậm chí, được biết, một cán bộ tin học của một ngân hàng nổi tiếng Việt Nam đã sử dụng hệ thống máy tính để phù phép những con số chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Khi vụ việc vỡ lở, hậu quả của vụ việc này rất lớn. Nó làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, uy tín của ngân hàng đó. Có thể do lo sợ, không ít người sẽ đi rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng thanh toán và phá sản của ngân hàng.
Luật sư Đoàn Minh Đức.
Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành đã có nhiều quy định xử phạt hành vi sai phạm trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng trong BLHS 1999. Điều 179 của BLHS 1999 có quy định: Người nào trong hoạt động tín dụng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ một đến bảy năm. Tuy nhiên, quy định này hầu như chỉ mang tính chất định tính nhiều hơn là định lượng và thiếu sự hướng dẫn cụ thể. Để thấy rõ hơn, trong Mục 2, 3 của Khoản C có quy định rằng: "Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm"; "Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm". Ngay cả tôi và sẽ không ít người đã đặt câu hỏi, chiểu theo Điều 179 thì như thế nào được coi là "rất nghiêm trọng; đặc biệt nghiêm trọng"?
Trước đây, theo BLHS năm 1985 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì: Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng là gây hậu quả nghiêm trọng; Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng là gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ đồng trở lên là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, BLHS 1999 hiện hành và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định chi tiết, cụ thể về việc xác định mức thiệt hại bao nhiêu được hiểu là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động ngân hàng gây ra để truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cách hiểu của các luật sư và người dân mà quy định kiểu định tính như vậy sẽ khiến các cơ quan thi hành pháp luật rất khó thực thi.
Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt của Điều 179 quá nhẹ, không có tính răn đe. Ví dụ như chế tài đến ba năm tù và phạt tiền chỉ từ một lần đến năm lần số lợi bất chính là quá nhẹ. Hơn nữa, đối với những người có hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động tín dụng mà chỉ phạt tù từ một đến bảy năm hoặc phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng sẽ không đủ sức răn đe những kẻ phạm tội. Những án phạt đó không thể so sánh được với khối tài sản bất chính "kếch xù" mà những tên tội phạm đã đút túi. BLHS 1999 chỉ có một điều quy định xử lý vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong khi còn rất nhiều các hoạt động nghiệp vụ khác như đầu tư, chuyển tiền thanh toán, bảo lãnh chưa điều chỉnh. Đây chính là kẽ hở khiến nhiều tên tội phạm nhắm vào.
Những vụ phạm tội đình đám ở ngân hàng
Năm 2012, người dân trên cả nước liên tiếp chứng kiến rất nhiều các vụ án đình đám liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Trong số đó có những vụ gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.
Đầu tiên, tại Hà Nội đã xảy ra vụ án "Tham ô" tại phòng Giao dịch Kênh Đào - Hương Sơn trực thuộc ngân hàng Agribank huyện Mỹ Đức. Trong vụ án này, 177 sổ tiết kiệm của khách hàng bị "rút ruột" kéo theo 45,8 tỷ đồng bị chiếm đoạt mà không có khả năng hoàn lại. Lợi dụng chức năng nhiệm vụ được giao, Lê Quang Khải và Nguyễn Thanh Hải là cán bộ ngân hàng được phân công giao dịch với khách hàng gửi và rút tiền tiết kiệm đã chiếm đoạt hơn 45,8 tỉ đồng để chơi cá độ bóng đá.
Lợi dụng chức vụ là giám đốc ngân hàng Vietinbank Trà Vinh, đối tượng Ngô Công Bình chỉ đạo Ngô Thị Thanh Vân, phó giám đốc ngân hàng lập hơn 600 hồ sơ khống chiếm đoạt khoảng 2,2 tỷ đồng từ việc chi hoa hồng môi giới huy động vốn trong việc lập khống hồ sơ để rút tiền.
Tháng 1/2011, hai đối tượng Nhung và Liên (Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thường Tín, Hà Nội) lên kế hoạch cùng nhau tất toán 10 sổ tiết kiệm của khách hàng mà họ có trách nhiệm quản lý. Họ nhận tiền gửi tiết kiệm nhưng không hạch toán trên hệ thống của ngân hàng để bù trừ cho các sổ tất toán khống. Tổng số tiền Nhung chiếm đoạt gần 3,5 tỷ đồng, Liên hơn 2,5 tỷ đồng.
Có lẽ, đình đám nhất là vụ việc của ông Nguyễn Đức Kiên. Theo thông tin từ cơ quan điều tra, "bầu" Kiên đã thành lập và điều hành 3 công ty là công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B, công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Đầu tháng 1/2011, bầu Kiên dùng số cổ phần mua mới của VietBank làm tài sản thế chấp cho khoản vay 1.000 tỷ đồng của Ngân hàng ACB. Cùng ngày, Kiên sử dụng pháp nhân của công ty đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội vay của Ngân hàng ACB số tiền 659 tỷ đồng. Số tiền này, sau khi vay được ông sử dụng vào việc mua cổ phiếu của chính ngân hàng ACB nhằm sở hữu 2% cổ phần của ngân hàng này.
P.Hạnh - V.Chương (thực hiện)