Thư tư vấn: 100117/ Letter-Ipic
V/v: Điều kiện nhập khẩu và phân phối rượu đối với doanh nghiệp Việt Nam.
___________________________________________________________________________
CÔNG TY LUẬT TNHH IPIC GROUP – Văn phòng Hà Nội
Phòng 407, Tòa nhà 137 Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, HN
ĐT: (04) 6281 4078 – Fax: (04) 6281 4079
Email: info@ipic.vn– Hotline: 0936 342 668
Gửi bằng thư điện tử
___________________________________________________________________________
Công ty Luật TNHH IPIC (“IPIC GROUP”) cảm ơn Bà đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của Công ty chúng tôi.
Qua trao đổi chúng tôi hiểu rằng Bà đang quan tâm tới các điều kiện nhập khẩu, phân phối rượu và cần sự tư vấn của chúng tôi về mặt pháp lý liên quan đến những vấn đề này. Sau đây là ý kiến tư vấn sơ bộ của chúng tôi:
- THAM KHẢO NHỮNG ĐIỂM MỚI NGHỊ ĐỊNH 09/2018/NĐ-CP QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HÓA VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐẾN MUA BÁN HÀNG HÓA
I. VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC TRA CỨU
1. Luật Thương mại năm 2005 ;
2. Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 11/12/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu;
3. Thông tư 60/2014/TT-BCT ngày 27/12/2014 của Bộ Công thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu;
4. Thông tư 04/2016/TT-BCT ngày 06/6/2016 của Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số thông tư của Bộ trưởng Bộ công thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực;
5. Thông tư số 160/2013/TT-BCT ngày 14/11/2013 của Bộ Công thương hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước;
6. Công văn số 7927/TCHQ-TVQT ngày 20/12/2013 của Tổng cục hải quan về việc thông báo phát hành tem rượu nhập khẩu.
- THAM KHẢO THƯ TƯ VẤN THÀNH LẬP CÔNG TY THƯƠNG MẠI CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI MỚI NHẤT
II. Ý KIẾN TƯ VẤN
Dựa trên yêu cầu của Bà cùng với các văn bản pháp luật liên quan được tra cứu, IPIC GROUP đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
1. Về quyền nhập khẩu và phân phối rượu
Theo Khoản 4 Điều 20 Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 11/12/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu: “Chỉ có doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu mới được nhập khẩu trực tiếp rượu”. Như vậy, để có hai quyền nhập khẩu trực tiếp rượu và phân phối rượu thì doanh nghiệp chỉ cần xin cấp 01 loại giấy phép, đó là Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu.
Giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu luôn được giới hạn bởi quy mô dân số, cụ thể là 400.000 dân/01 giấy phép (Điểm a Khoản 1 Điều 18 Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất kinh doanh rượu).
Hàng năm căn cứ vào tình hình biến động dân số từng thời kỳ, cơ quan có thẩm quyền công bố số lượng Giấy phép kinh doanh (phân phối, bán buôn, bán lẻ) sản phẩm rượu, công bố số lượng giấy phép đang còn hiệu lực và số lượng giấy phép còn lại chưa được cấp (nếu có) và theo nguyên tắc quy định. Hiện tại, năm 2017 Bộ công thương chưa công bố số lượng giấy phép còn lại chưa được cấp, dự kiến Bộ sẽ công bố trong Quý I năm 2017.
Vì vậy, Quý khách hàng cần chuẩn bị hồ sơ đủ điều kiện cấp phép để triển khai nộp lên Bộ công thương trong thời gian từ cuối tháng 1/2017 đến tháng 2/2017.
2. Quy định về nhập khẩu rượu
- Rượu nhập khẩu bao gồm rượu thành phẩm đóng chai, hộp, thùng... để tiêu thụ ngay và rượu dưới dạng bán thành phẩm và phụ liệu dùng để pha chế thành rượu thành phẩm tại Việt Nam.
- Rượu nhập khẩu phải có chứng từ nhập khẩu hợp pháp theo quy định hiện hành và thực hiện quy định về dán tem rượu nhập khẩu theo quy định.
- Rượu nhập khẩu phải ghi nhãn hàng hóa theo quy định.
- Doanh nghiệp nhập khẩu rượu bán thành phẩm và phụ liệu dùng để pha chế thành rượu thành phẩm chỉ được bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu.
- Rượu nhập khẩu phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước khi nhập khẩu và phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” đối với từng lô hàng theo các quy định hiện hành.
- Rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế. Ngoài các chứng từ xuất trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu theo quy định, thương nhân nhập khẩu phải xuất trình thêm Giấy chỉ định hoặc ủy quyền là phân phối, nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó.
3. Điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu
Điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu được quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 11/12/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu. Cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có đăng ký ngành nghề bán buôn đồ uống có cồn hoặc kinh doanh rượu;
- Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định;
- Có hệ thống phân phối sản phẩm rượu trên địa bàn từ 06 tỉnh trở lên (tại địa bàn mỗi tỉnh phải có từ 03 thương nhân bán buôn sản phẩm rượu trở lên);
- Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của tổ chức, cá nhân sản xuất rượu hoặc của các thương nhân phân phối sản phẩm rượu khác;
- Có kho hàng (hoặc hệ thống kho hàng) thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh; liên kết góp vốn hoặc có hợp đồng thuê kho hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối thiểu tổng diện tích phải từ 300 m trở lên hoặc khối tích phải từ 1000 m3 trở lên) đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của sản phẩm rượu trong thời gian lưu kho;
- Có phương tiện vận tải thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối thiểu phải có 03 xe có tải trọng từ 500 kg trở lên); đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của sản phẩm rượu trong thời gian vận chuyển;
- Có năng lực tài chính bảo đảm cho toàn bộ hệ thống phân phối của doanh nghiệp hoạt động bình thường (có Giấy xác nhận của ngân hàng tối thiểu 01 tỷ Việt Nam đồng trở lên);
- Có bản cam kết của doanh nghiệp về bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu
Hồ sơ, trình tự, thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu được quy định tại Thông tư 60/2014/TT-BCT quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 94/2012/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu gồm có:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu theo Mẫu.
2. Bản sao chứng thực hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán buôn đồ uống có cồn hoặc kinh doanh rượu) và Giấy chứng nhận mã số thuế (nếu có).
3. Bản cam kết do doanh nghiệp tự lập, trong đó nêu rõ nội dung thương nhân bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật tại các cửa hàng kinh doanh và kho hàng của mình.
4. Bản thuyết minh hình thức tổ chức bán hàng, phương thức quản lý hệ thống phân phối.
5. Bảng kê danh sách thương nhân, bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận mã số thuế, Giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu (nếu đã kinh doanh) của các doanh nghiệp đã hoặc sẽ thuộc hệ thống phân phối sản phẩm rượu trên địa bàn từ 06 tỉnh trở lên (tại địa bàn mỗi tỉnh phải có từ 03 doanh nghiệp bán buôn sản phẩm rượu trở lên).
6. Bản sao các văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng mua bán của tổ chức, cá nhân sản xuất rượu hoặc của các doanh nghiệp phân phối sản phẩm rượu khác (trong đó ghi rõ địa bàn, loại sản phẩm rượu dự kiến kinh doanh).
7. Bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc bản sao giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm
8. Hồ sơ về phương tiện vận chuyển, bao gồm: bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng phương tiện vận chuyển (là sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp với thời gian thuê tối thiểu là 01 năm); tối thiểu phải có quyền sử dụng 03 xe có tải trọng từ 500 kg trở lên; đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của sản phẩm rượu trong thời gian vận chuyển.
9. Hồ sơ về năng lực tài chính: có năng lực tài chính bảo đảm cho toàn bộ hệ thống phân phối của doanh nghiệp hoạt động bình thường (có Giấy xác nhận của ngân hàng có số dư tài khoản tối thiểu 01 tỉ đồng).
10. Bản sao Phiếu thu đã nộp phí và lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.
Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu
- Nộp hồ sơ tại bộ phận 1 của của Bộ Công thương, nộp lệ phí thủ tục hành chính và nhận giấy hẹn.
- Cơ quan quản lý nhà nước về công thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu cho thương nhân theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
- Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu phải được lập thành 02 bản, trong đó: 01 bản nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, 01 bộ lưu tại doanh nghiệp.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Bộ Công thương
III. DỊCH VỤ PHÁP LÝ IPIC GROUP CUNG CẤP:
Phạm vi công việc:
- Tư vấn các quy định pháp luật và các vấn đề pháp lý đến điều kiện nhập khẩu, phân phối rượu;
- Thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu.
Trên đây là ý kiến tư vấn sơ bộ của chúng tôi về những vấn đề mà Bà đang quan tâm. Nếu Bà có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Trân trọng!