Công lý là gì, lẽ công bằng ra sao, kỷ niệm đẹp về việc áp dụng công lý, lẽ công bằng tại phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước tới nay!

10 /072024

Công lý là gì, lẽ công bằng ra sao, kỷ niệm đẹp về việc áp dụng công lý, lẽ công bằng tại phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước tới nay!

Quy định pháp luật
Cái nắm tay thật chặt của bị cáo PHT “trùm buôn lậu xăng dầu theo ngôn ngữ của báo chí” cảm ơn tôi khi kết thúc phiên tòa Phúc thẩm tại TP lớn nhất cả nước đã truyền cảm hứng cho tôi viết nội dung chia sẻ bài này. Đối với tôi là một luật sư được thân chủ ghi nhận công sức là một món quà vô giá tiếp thêm cho động lực hành nghề của mình.
Là người học luật có lẽ từ “công lý”, “lẽ công bằng” đã nghe rất nhiều rồi tuy nhiên để hiểu cơ bản về nó không đơn giản chút nào. Chỉ có khái niệm, công lý, công bằng nó cũng là một vấn đề triết học phức tạp mà hàng nghìn năm nay các nhà triết học luôn tìm cách để giải thích cho thấu đáo nhưng hiện vẫn còn nhiều tranh cãi. Với kiến thức hạn hẹp của mình nên tôi hiểu thế nào thì trình bày thế ấy mong các bạn đọc chiếu cố. 
Thế nào là Công lý
Theo hiến pháp năm 2013 tại khoản 3 điều 102 thì “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý”; Quy định này cũng được cụ thể hóa ở Điều 2 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014.  Tuy nhiên cả Hiến pháp, Luật tổ chức tòa án nhân dân và các Bộ luật tố tụng đều không giải thích thế nào là Công lý. Do vậy, việc hiểu thế nào là Công lý là một thách thức không chỉ cho các đương sự, các bị cáo mà đối với cơ quan tố tụng cũng như đối với luật sư. Nói cách khác hiểu về vấn đề này là hiểu về nhiệm vụ của tòa án để từ đó Luật sư yêu cầu tòa án phải thực hiện đúng nghĩa vụ mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định (thực tế các luật sư ít viện dẫn cái nghĩa vụ cao cả này mà ngầm hiểu đây là một nghĩa vụ đương nhiên của tòa án, luật sư chỉ viện dẫn khi mà quyết định trong bản án hay các lập luận của tòa án có những sai lầm nghiêm trọng một cách phi lý, trái với lẽ thường).
Khái niệm công lý theo Wikipedia định nghĩa “Công lý là một khái niệm đúng đắn luân lý dựa trên nền tảng đạo đức, tính hợp lý, pháp luật, quy luật tự nhiên, tôn giáo, sự tương đối hay công bằng, cũng như việc quản lý của pháp luật, có tính đến quyền bất khả nhượng và bẩm sinh của tất cả mọi người và công dân, quyền của tất cả mọi người, cá nhân để bảo vệ bình đẳng trước pháp luật của các quyền dân sự của họ, mà không phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc, giới tính, định hướng giới tính, nguồn gốc dân tộc, màu da, tôn giáo, tuổi tác, hoặc các đặc tính khác, và hơn nữa, coi như là bao gồm các luật công bằng xã hội”.

Theo tiến sĩ Trần Trí Dũng trong cuốn sách Bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử của tòa án nhân dân ở Việt Nam thì công lý được hiểu “Công lý về mặt ngữ nghĩa, thường được hiểu là cái lẽ phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội; là sự nhận biết đúng đắn và tôn trọng theo lẽ phải các quyền lợi chính đáng của mọi người. Công lý là sự công bằng hay chính nghĩa, sự đúng đắn, lẽ phải, thường được dùng trong đời sống pháp lý và đặc biệt là trong hoạt động tư pháp”.. “Theo nghĩa tiếng Việt, “lẽ” là điều thường thấy ở đời, được coi là hợp với quy luật, với đạo lý, hoặc là lý do giải thích, là nguyên nhân của sự việc; còn “đúng đắn” là phù hợp với thực tế, quy luật, lẽ phải, đạo lý, không có gì sai”. Cũng theo tiến sĩ Trần Trí Dũng những lẽ đúng đắn được thừa nhận chung trong xã hội sẻ được thể hiện khái quát ở những nội dung sau đây: “Thứ nhất, công lý luôn chứa đựng sự thật khách quan và sự tôn trọng sự thật khách quan. Thứ hai, công lý gắn với sự đề cao, tôn trọng phẩm giá vốn có và quyền bình đẳng của con người. Thứ ba, công lý có mối liên hệ với sự tôn trọng truyền thống văn hóa và tín ngưỡng. Thứ tư, công lý chứa đựng quy tắc “có đi có lại” trong các mối quan hệ của con người. Thứ năm, công lý gắn với sự tôn trọng các cam kết, thỏa thuận do các bên tự nguyện tham gia trên cơ sở “có đi có lại” để xác lập quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Thứ sáu, công lý luôn hướng đến các giá trị và liên quan đến việc đánh giá các giá trị. Giá trị là điều mang lại lợi ích tốt đẹp cho con người. Thứ bảy, công lý có liên hệ chặt chẽ với yêu cầu về tính lô-gích hình thức.”
Công lý ví như cái đường thẳng còn luật như cái thước kẻ, ngụ ý rằng công lý là cái mục tiêu, cái mong muốn đạt được, còn luật là thước kẻ là cái công cụ, là cơ sở để tạo ra cái đường thẳng (ý dùng thước kẻ để kẻ đường thẳng). Tuy nhiên thực tế thì cái thước kẻ nhiều khi không đủ để kẻ cài đường thẳng (có thể do cái thước, cũng có thể do người kẻ), mà cái đường thẳng thì về nguyên lý nó luôn phải thẳng.
Thế nào là lẽ công bằng
Trong ngôn ngữ đời thường, lẽ công bằng được giải thích là sự bình đẳng, sự hợp lý, không bất công, hoặc là sự ngang bằng, không phân biệt đối xử. 
Theo nghĩa chung nhất, lẽ công bằng (“l’équité” trong tiếng Pháp và “equity” trong tiếng Anh) có thể được hiểu là “một chuẩn mực được rút ra từ quan hệ cụ thể, có nội dung cấu thành từ các quan hệ thể hiện tính nhân văn, phù hợp với nhận thức của nhiều người về sự công bằng trong mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể”.
Lẽ công bằng theo pháp luật Việt Nam được hiểu là “lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc đó”.
Hiểu một cách ngắn gọn lẽ công bằng giải quyết một việc tương tự thì kết quả phải tương tự nhau, không có phân biệt đối xử.
Tình huống pháp lý
Đây là vụ án Buôn lậu xăng dầu lớn nhất từ trước đến này, tôi là Luật sư tham gia giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án. Ở giai đoạn sơ thẩm tôi bảo vệ cho một bị cáo thuộc Công ty trong nhóm phân phối xăng lậu, trong giai đoạn phúc thẩm tôi bảo vệ cho bị cáo PHT là bị cáo quan trọng của vụ án. Trong tình huống pháp lý dưới đây tôi chỉ trình bày một vấn đề trong quan điểm bảo chữa của mình liên quan vấn đề về áp dụng Công lý, lẽ công bằng của luật sư trong thực tiễn bảo vệ cho thân chủ. Cụ thể vụ việc như sau:
Theo nội dung vụ án, từ tháng 3.2020 đến tháng 2.2021, nhóm PHT và ĐNV cùng nhau góp vốn 54 tỷ đồng để buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam. Nhóm này thuê tàu vận chuyển 48 chuyến xăng lậu, tổng cộng gần 200 triệu lít, trị giá gần 2.600 tỷ đồng. Trong đó, các bị cáo đã tiêu thụ gần 197.824.853 lít triệu lít, thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng, riêng PHT hưởng hơn 150 tỉ đồng. PHT bán cho Bị cáo NHT là 162.079.994 lít và bán cho bị cáo TTV là 35.671.506 lít. Trong quá trình điều tra và xét xử đã làm rõ số lượng xăng mà NHT nhận từ năm con tàu vận chuyển từ Bị cáo PHT là 67.144.373 lít. Số lượng xăng còn lại 94.935.621 lít không có phương tiện vận chuyển (đây là điểm mâu thuẫn trong vụ án).
Phiên tòa sơ thẩm 12.2022, TAND tỉnh A xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo PHT 16 năm tù về tội buôn lậu và nộp số tiền thu lợi bất chính là 156.259.214.400 đồng; ĐNV 17 năm tù cùng về tội buôn lậu…. cac bị cáo khác có mức phạt tù bằng thời gian tạm giam cho đến 15 năm tù tùy theo vai trò khác nhau trong vụ án. Sau đó, 29 trong 74 bị cáo trong vụ án nộp đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt và 14 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị xem xét lại về phần dân sự. Bên cạnh đó, cấp phúc thẩm còn xem xét kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đề nghị tòa xử theo hướng tăng mức án đối với 28 bị cáo (tại phiên tòa đại diện VKS gần như rút toàn bộ kháng nghị). 
Sau khi được mời bào chữa cho PHT trong giai đoạn phúc thẩm tôi đã xem xét lại toàn bộ hồ sơ và đã nhận ra những điểm mâu thuẫn trong vụ án như sau.
Một là, tổng số xăng dầu nhập lậu và tiêu thụ mà các bị cáo nhóm đầu phải chịu trách nhiệm là khoảng gần 200 triệu lít (PHT chịu 197 triệu lít, NHT 162 triệu lít, TTV 36 triệu lít, ĐNV hơn 200 triệu lít). Tuy nhiên nhóm vận chuyển xăng lậu từ 5 con tàu lấy xăng từ PHT chỉ chịu trách nhiệm 67.144.373 lít. Số lượng còn lại 94.935.621 lít không có phương tiện vận chuyển chưa được làm rõ trong vụ án (VKS và CQĐT cho rằng tách ra vụ án khác để xem xét sau);
Hai là, Số tiền thu được từ việc bán xăng 1.310.185.000.000 trong vụ án không tương xứng số lượng xăng bán ra trong nước như cáo buộc là 197 triệu lít. Số lượng xăng này chỉ phù hợp số lượng xăng bán ra khoảng 127 triệu lít.
Ba là, Nếu xác định số tiền bán xăng thu được là 1.310.185.000.000 đồng trong khi số tiền nhập khẩu 1.337.691.132.016 đồng/197 triệu lít. Nếu như vậy có nghĩa là bị cáo Phan Thanh Hữu còn lỗ 27 tỷ đồng mâu thuẫn với thu lợi bất chính 156 tỷ đồng.
Như vậy, nếu xác định bị cáo PHT chịu trách nhiệm hành vi buôn lậu 197 triệu lít thì việc vận chuyển, tiền thu về từ bán xăng, tiền bỏ ra để mua xăng, tiền thu lợi bất chính đều không phù hợp, mâu thuẫn nhau.
Sau khi nghiên cứu xong hồ sơ vụ án để bảo vệ giai đoạn Phúc thẩm tôi đã vào trại tạm giam tỉnh A để trao đổi với bị cáo phương án bào chữa xin giảm nhẹ hình phạt và giảm số tiền thu lợi bất chính để Bị cáo có khả năng khắc phục. Tại trại tạm giam sau khi nghe tôi trình bày và phân tích phương án xong thì bị cáo xúc động và cảm ơn luật sư, bị cáo trao đổi. “anh tiếc quá nếu biết bên em sớm để mời bảo vệ từ giai đoạn điều tra và xét xử sơ thẩm thì tốt biết mấy, có lẽ anh không bị bất lợi như bản án sơ thẩm, trong giai đoạn phúc thẩm này rất mong luật sư cố gắng giúp anh” (có một lời khuyên cho những ai muốn mời luật sư thì nên tiến hành càng sớm càng tốt, nếu chúng tôi tham gia ngay từ giai đoạn đầu của vụ án thì việc bảo vệ sẽ thuận lợi hơn và hiệu quả hơn).
Với nguyên lý chỉ cần làm rõ những điểm mâu thuẫn trong vụ án thì sự thật cũng sẽ được sáng tỏ, đối với luật sư phải nhận biết được những điểm mâu thuẫn trong vụ án để tập trung, khai thác qua đó làm sáng tỏ những tình tiết khách quan có lợi bảo vệ cho thân chủ (có những vụ án tôi đã khai thác những điểm mâu thuẫn trong vụ án và tòa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung đến lần thứ 3 nhưng cơ quan điều tra vẫn không thể giải quyết được những điểm mâu thuẫn nên phải đình chỉ điều tra đối với hành vi mâu thuẫn đó). Về lý thuyết là như vậy, nhưng phát hiện ra điểm mâu thuẫn và chứng minh điểm mâu thuẫn luôn là một thách thức đối với các luật sư. Khi tham dự tại phiên tòa luật sư phải chứng minh được những điểm mâu thuẫn của vụ án không chỉ hội đồng xét xử biết ngay cả những người dân bình thường khi tham dự phiên tòa đều có thể nhận thức được, đây là một trong những kỹ năng khó và nó cũng là tài năng của luật sư. Theo kinh nghiệm của tôi vấn đề mâu thuẫn trong vụ án phải được chứng minh ngay tại phần xét hỏi, luật sư cần có kế hoạch chi tiết cho việc xét hỏi đó. Thực tế khi tôi tham gia phiên tòa thì tôi thường làm rõ các điểm mâu thuẫn này tại phần xét hỏi và nhiều vụ án hội đồng xét xử đã trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung sau khi phần xét hỏi kết thúc mà không phải đợi đến phần trình bày bài bào chữa của luật sư. Tương tự như vậy tại phiên tòa Phúc thẩm sau khi tôi xét hỏi xong thì gần như các bị cáo, luật sư và người tham gia phiên tòa đều nhận thức được những điểm mâu thuẫn trên, trong phiên giải lao các luật sư đồng nghiệp đến chia sẻ và đánh giá cao phần xét hỏi của tôi, đặc biệt đánh giá việc lấy các con số để chứng minh các mâu thuẫn là rất thuyết phục (chúng tôi thường nói vui con số không biết nói dối). Và tiếp tục đến phần trình bày tôi đã sử dụng công lý và lẽ công bằng để bảo vệ cho thân chủ. Tôi đặt vấn đề “trong bản án sơ thẩm đã giải quyết một nội dung khách quan vụ án nhưng có hai kết quả trái ngược nhau dẫn đến mâu thuẫn, không đảm bảo lẽ công bằng cho thân chủ tôi, cụ thể cùng là số xăng dầu buôn lậu trong khi thân chủ tôi phải chịu trách nhiệm hình sự và lợi thu lợi bất chính cho 197 triệu lít trong khi các thuyền viên người trực tiếp vận chuyển xăng dầu lại phải chịu trách nhiệm hình sự cho 67 triệu lít dầu, như vậy còn hơn 94 triệu lít dầu không có phương tiện, người vận chuyển (tính trên tổng số 162 triệu bán cho NHT), làm thế nào xăng dầu trong vụ án có thể tự di chuyển để tiêu thụ trong nội địa nếu không có người vận chuyển và phương tiện vận chuyển. Như vậy, việc giải quyết vụ án không đảm bảo lẽ công bằng cho thân chủ tôi. Mặt khác trong vụ án này số tiền thu được từ bán xăng dầu thu được 1.310.185.000.000 đồng chỉ phù hợp số lượng xăng bán ra khoảng 127 triệu lít. Còn nếu tính trên số lượng xăng dầu 197 triệu lít thì so với giá nhập khẩu trừ đi số tiền thu về thì thân chủ tôi còn lỗ 27 tỷ đồng, việc này là mâu thuẫn với kết quả thu lợi bất chính 156 tỷ đồng như bản án sơ thẩm. Nên đề nghị hội đồng xét xử tuyên thân chủ tôi chịu trách nhiệm hình sự số lượng xăng dầu tiêu thụ là 127 triệu lít và số tiền hưởng lợi là 101 tỷ đồng trên cơ sở số tiền thu về và các tình tiết khách quan trong vụ án” (tại phiên tòa do có nhiều nội dung khác nhau cần được bảo vệ nên diễn biến thực tế có nhiều nội dung hơn tuy nhiên trong phạm vi bài viết này chỉ trình bày nội dung liên quan đến lẽ công bằng để cụ thể hóa việc áp dụng của luật sư trong thực tiễn xét xử). Sau khi tôi trình bày xong thì một diễn biến thú vị tại phiên tòa là Thẩm Phán Chủ tọa phiên tòa hỏi thân chủ tôi có đồng ý với ý kiến của luật sư không thì thân chủ tôi trả lời là đồng ý, Thẩm Phán chủ tọa phiên tòa gợi mở là nếu Bị cáo rút quan điểm bào chữa của luật sư thì Hội đồng xét xử sẽ xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo, bị cáo cứ suy nghĩ kỹ. Đây là một gợi ý hiếm thấy của chủ tọa tại một phiên tòa nhưng điều này là có lợi cho bị cáo. Phải trình bày thêm rằng đối với vấn đề mâu thuẫn tôi trình bày trong vụ án này, do đặc điểm án suy xét nên những vấn đề này vẫn thường xảy ra đồng thời cơ quan tố tụng họ có nhiều kỹ thuật để có thể né tránh việc giải quyết mâu thuẫn này. Trong vụ án này cơ quan tố tụng cho rằng sẽ tách riêng việc vận chuyển, tiêu thụ 94 triệu lít thành một vụ án khác để xem xét sau (cơ quan tố tụng thường né tránh giải quyết những vấn đề mâu thuẫn này bằng cách là tách để xử lý riêng bằng vụ án khác, tuy nhiên trong vụ án này sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực gần hai năm rồi nhưng những cam kết tại tòa vẫn không được điều tra như nội dung diễn biến của vụ án, bản chất là cơ quan tố tụng né tránh việc giải quyết mâu thuẫn của vụ án nên mới đưa ra giải pháp điều tra và xét xử riêng chứ không có chủ đích muốn thực hiện trên thực tế, đây là một tiền lệ được lặp lại nhiều lần trong các vụ án khi tòa án xét xử mà không có bất ký ràng buộc nào để đảm bảo những cam kết đó được thực hiện). 
Trên cơ sở những diễn biến bất ngờ tại phiên tòa như vậy, sau hơn hai ngày suy nghĩ và xem xét tôi đưa ra quyết định và trao đổi với thân chủ là ta cần phải rút quan điểm bào chữa của mình và chỉ đề nghị xem xét giảm nhẹ mà không xem xét lại số xăng dầu và số tiền hưởng lợi bất chính trong vụ án và thân chủ đồng ý. Kết quả cuối cùng là thân chủ tôi được giảm 2 năm 6 tháng tù giam, so với các bị cáo khác thì thân chủ tôi thuộc nhóm được giảm nhiều nhất trong vụ án. Cũng phải khẳng định là việc giảm án còn liên quan đến việc nộp khắc phục thêm số tiền thu lợi bất chính tại giai đoạn phúc thẩm và các tình tiết giảm nhẹ mới chứ không phụ thuộc vào một tình tiết trên. 
Tình huống pháp lý trên là diễn biến tại một vụ án Buôn lậu lớn thuộc ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương chỉ đạo, rất được dư luận quan tâm. Tôi rất may mắn được tham gia bào chữa cho bị cáo PHT mặc dù các mục tiêu của việc bảo vệ không đạt được toàn bộ nhưng những nội dung bảo vệ tại phiên tòa được thân chủ, gia đình thân chủ đánh giá cao. 
Tư duy pháp lý của luật sư
Với tình tiết trong vụ án Buôn lậu như trên thì vấn đề pháp lý của luật sư cần giải quyết là. Cùng mặt khách quan của hành vi là số xăng buôn lậu nhưng PHT phải chịu trách nhiệm hình sự và nộp tiền thu lợi bất chính cao hơn nhiều lần so với trách nhiệm của các bị cáo vận chuyển số xăng lậu. Việc đánh giá mâu thuẫn như vậy có vi phạm lẽ công bằng hay không? Có nghĩa là cùng một số xăng buôn lậu nhưng bên buôn lậu chịu trách nhiệm là 197 triệu còn bên vận chuyển xăng lậu chỉ chịu trách nhiệm hình sự liên quan có 67 triệu lít. Điều này là không phù hợp trái lẽ công bằng vì có việc thiên vị trong đánh giá chứng cứ dẫn đến không bình đẳng về quyền và nghĩa vụ bên buôn lậu và bên vận chuyển, một việc tương tự nhưng kết quả giải quyết không tương tự nhau. Tôi đã tập trung khai thác điểm mâu thuẫn này để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ mình. Mặc dù tôi và thân chủ đều đồng ý rút quan điểm bào chữa tại phiên tòa theo diễn biến thực tế việc xử lý như trên được đánh giá tốt, có luật sư kinh nghiệm còn bảo “luật sư thật sự rất mềm dẻo mặc dù là người miền trung”.
Đây là một kỷ niệm đẹp trong việc áp dụng lẽ công bằng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích cho thân chủ của mình, thực tiễn làm luật sư tôi có một vài lần sử dụng lẽ công bằng để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ. Mỗi lần áp dụng nó là một lần cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng vì điều này có xung đột lớn trong việc đánh giá chứng cứ giữa luật sư và cơ quan tố tụng nên luật sư cũng cần linh hoạt áp dụng, đặc biệt không làm xấu đi tình trạng thân chủ trong việc áp dụng lẽ công bằng này.
Nghề luật sư với tôi luôn như vậy, công việc có thể đả trôi qua lâu rồi nhưng những diễn biến trong vụ án thì vẫn còn theo tôi mãi trong bước đường hành nghề của mình.
Câu chuyện nhỏ niềm vui lớn, rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này của tôi, nếu các bạn quan tâm đến dịch vụ của Công ty Luật IPIC vui lòng liên hệ với chúng tôi.

Trân trọng!

Luật sư, Nguyễn Trinh Đức

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • 0936342668
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.