Luật sư: Nguyễn Trinh Đức trả lời phỏng vấn trong chuyên mục tư vấn pháp luật của báo phapluatplus.vn, liên quan đến nội dung có nên đứng tên hộ người nước ngoài thành lập doanh nghiệp.
(PL+) - Việc nhờ người Việt Nam đứng tên thành lập công ty thay cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trên thực tế vẫn phát sinh nhiều.
Tư vấn pháp lý số 1: Thủ tục thành lập công ty 100% vốn nước ngoài
PV: Thưa luật sư, hiện nay Pháp luật Việt Nam có cho phép doanh nghiệp nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên để thành lập doanh nghiệp không?
LS Nguyễn Trinh Đức : Theo quy định tại khoản 4,điều 17 Luật doanh nghiệp quy định các hành vi bị cấm: “ kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp”.
Như vậy trong trường hợp này doanh nghiệp đứng tên thì người Việt Nam, còn người nước ngoài mới là chủ doanh nghiệp. Việc này rõ ràng là kê khai không trung thực nội dung đăng ký doanh nghiệp. Như vậy việc nhờ người Việt Nam đứng tên hộ là không được pháp luật cho phép.
PV: Thực tiển hiện nay thì những lĩnh vực đầu tư nào thường nhờ người Việt Nam đứng tên hộ và tại sao?
LS Nguyễn Trinh Đức: Có thể nói việc nhờ người Việt Nam đứng tên thành lập công ty thay cho nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành thành lập công ty tại Việt Nam trên thực tế vẫn phát sinh nhiều, trong đó chủ yếu rơi vào những lĩnh vực hoạt động dịch vụ và có vốn đầu tư quy mô nhỏ khoảng dưới 300.000 USD.
Những lĩnh vực thường nhờ người Việt Nam đứng tên hộ cụ thể như sau:
- Công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối, xuất khẩu, nhập khẩu;
- Công ty hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, karaoke, dịch vụ Massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ kinh doanh bất động sản như cho thuê, dịch vụ lưu trú, dịch vụ phòng khám.
- Dịch vụ cho thuê lại lao động, dịch vụ du lịch lữ hành trong nước.
- Lĩnh vực giáo dục mầm non, trung tâm đào tạo ngoại ngữ.
- Và các dịch vụ khác là lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Lý do nhà đầu tư nhờ người việt nam đứng tên hộ là:
Lĩnh vực đầu tư kinh doanh theo quy định hạn chế dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài khó tiếp cận được thị trường trong nước, do vậy nếu thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì không được phép cung cấp dịch vụ, hoặc sản phẩm cho thị trường là người tiêu dùng Việt Nam.
Ví dụ như trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài sẽ bị hạn chế không được nhận con em Việt Nam dưới 5 tuổi vào học trong trường. Lĩnh vực mà Việt Nam chưa mở cửa thị trường theo cam kết WTO hoặc các hiệp định song phương hoặc đa phương khác.
Do vậy nhà đầu tư nước ngoài không đủ điều kiện thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài nên họ buộc lựa chọn người đầu tư Việt Nam đứng tên hộ.
PV : Những rủi ro pháp lý khi đứng tên hộ thành lập công ty?
LS Nguyễn Trinh Đức: Về trách nhiệm tài sản thì công ty phải hoàn trả lại tài sản cho nhà đầu tư nước ngoài, hoặc thực hiện nghĩa vụ liên đới đối với bên thứ 3 bất kỳ trong trương hợp nhà đầu tư yêu cầu hoàn trả lại tài sản.
Về doanh nghiệp buộc phải đóng cửa hặc buộc khắc phục phù hợp với việc góp vốn, nếu không khắc phục sẽ bị đóng cửa trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền biết. Đối với các khoản nợ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp chịu trên cơ sở vốn góp và tài sản của doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật chịu trách nhiệm liên quan đến thẩm quyền của mình.
Về lợi nhuận thu về theo nguyên tắc thỏa thuận, không theo nguyên tắc vốn góp, trong trương hợp nếu theo nguyên tắc vốn góp thì người đứng tên hộ sẽ chỉ nhận lương như nhân viên bình thường. Đối với nhà đầu tư nước ngoài họ quản lý doanh nghiệp thông qua ủy quyền hoặc qua chức danh quản lý như giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Quyền sở hữu họ không có do vậy họ có thể bị thay thế nếu như có sự tranh chấp xảy ra.
Trong trường hợp công ty rơi vào tình trạnh vỡ nợ, phá sản thì nhà đầu tư cao chạy xa bay còn người Việt Nam đứng lại gánh chịu rủi ro đi kèm. Như vậy, đối với những trường hợp nhờ người Việt Nam đứng tên hộ thì rủi ro pháp lý rất cao cho cả hai bên, bên nào cũng có thể chịu hậu quả không mong muốn nếu một bên không thực hiện đúng cam kết hoặc cơ quan nhà nước phát hiện ra hành vi trên.
Do vậy theo quan điểm của chúng tôi nhà đầu tư và người Việt Nam nên cân nhắc kỹ giữa lợi ích và rủi ro, đặc biệt là phải lựa chọn đúng đối tác để hợp tác.
Xin cảm ơn Luật sư!