Các vấn đề pháp lý liên quan đến chủ tịch hội đồng thành viên trong công ty TNHH 2 Thành Viên, cần quan tâm trong hoạt động điều hành quản lý doanh nghiệp

13 /082021

Các vấn đề pháp lý liên quan đến chủ tịch hội đồng thành viên trong công ty TNHH 2 Thành Viên, cần quan tâm trong hoạt động điều hành quản lý doanh nghiệp

Công ty TNHH 2 thành viên là một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam hiện nay, đã và đang phát triển mạnh mẽ. Trong đó, chủ tịch Hội đồng thành viên đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý điều hành doanh nghiệp và đưa ra những quyết định quan trọng của doanh nghiệp. Do đó, một trong những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm là các vấn đề pháp lý cơ bản liên quan đến chủ tịch HĐTV cần quan tâm trong hoạt động điều hành quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Để doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này, IPIC xin tư vấn "các vấn đề pháp lý cơ bản liên quan đến chủ tịch Hội đồng thành viên trong Công ty TNHH 2 thành viên cần quan tâm trong hoạt động điều hành quản lý doanh nghiêp".
1.  Khái niệm chủ tịch HĐTV?
    Công ty TNHH 2 thành viên tổ chức quản lý theo mô hình : Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc.
    Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của công ty, bao gồm tất cả thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo ủy quyền của thành viên công ty là tổ chức. Hội đồng thành viên sẽ bầu ra một người làm chủ tịch HĐTV.
    Như vậy, Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đứng đầu Hội đồng thành viên do hội đồng thanh viên bầu ra. Chủ tịch Hội đồng thành viên là người nắm giữ quyền hành cao nhất trong HĐTV, là người quản lý công ty có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
2.   Điều kiện để trở thành chủ tịch HĐTV?
    Chủ tịch Hội đồng thành viên là một thành viên của Hội đồng thành viên, do đó Chủ tịch Hội đồng thành viên cần đáp ứng những điều kiện của thành viên Hội đồng thành viên.
    Theo quy định tại Điều 93 Luật doanh nghiệp 2020, để trở thành thành viên HĐTV cẩn phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
    Thứ nhất, không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp 2020. Cụ thể: Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác; Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân; Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh; Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
    Thứ hai, Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề hoạt động của doanh nghiệp. Khi có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hay trong lĩnh vực kinh doanh sẽ giúp cho thành viên Hội đồng quản trị am hiểu hơn về lĩnh vực kinh doanh của công ty và khi có vấn đề xảy ra sẽ giải quyết vấn đề được nhanh chóng, tối ưu nhất có thể.
    Thứ ba, Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu; thành viên Hội đồng thành viên; Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng của công ty; Kiểm soát viên công ty.
    Thứ tư, Không phải là người quản lý doanh nghiệp thành viên.
    Thứ năm, trừ Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc, Tổng giám đốc công ty đó hoặc công ty khác không phải là doanh nghiệp thành viên theo quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
    Thứ sáu, Chưa từng bị cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước;
    Thứ bảy, Chủ tịch Hội đồng thành viên không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty và doanh nghiệp khác.
    Ngoài đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn trên thì chủ tịch HĐTV phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty
3.  Trách nhiệm, vai trò của chủ tịch HĐTV?
    Theo quy định tại Điều 71 Luật doanh nghiệp 2020 thì chủ tịch HĐTV có những trách nhiệm sau đây:
    Thứ nhất, thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty. Các quyền và nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 điều 56 Luật doanh nghiệp 2020 như: chuẩn bị chương trình, nội dung, kế hoạch của Hội đồng thành viên hay như thay mặt Hội đồng thành viên ký các nghị quyết của Hội đồng thành viên. Những công việc trên Chủ tịch hội đồng thành viên phải hoàn thành trên phương diện trung thực, cẩn trọng để công ty được đảm bảo về nguồn lợi và theo đúng quy định pháp luật.
    Thứ hai, Trung thành với lợi ích của công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Mỗi công ty đều có những thông tin, bí quyết riêng để thành công, việc Hội đồng thành viên chia sẻ cho tổ chức cá nhân khác gây tiết lộ thông tin lợi ích mà công ty gây dựng hay là nguồn lợi lợi chính của công ty, gây dẫn đến thiệt hại tài sản và tinh thần cho các thành viên cho công ty.
    Thứ ba, Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối;
    Ngoài những trách nhiệm trên thì chủ tịch HĐTV còn phải có các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty
4.  Quyền và nghĩa vụ của chủ tịch HĐTV?
    Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật doanh nghiệp 2020, thì Chủ tịch HĐTV có các quyền và nghĩa vụ như sau: Chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng thành viên; Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp Hội đồng thành viên hoặc để lấy ý kiến các thành viên; Triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên; Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên; Thay mặt Hội đồng thành viên ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên; Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
    Qua các quyền và nhiệm vụ ở trên cho thấy Chủ tịch Hội đồng thành viên chủ yếu thực hiện những chức năng liên quan đến công việc của Hội đồng thành viên. Luật doanh nghiệp năm 2020 trao quyền cho toàn bộ thành viên trong Hội đồng thành viên mà không trao quyền cho Chủ tịch Hội đồng thành viên. Chủ tịch Hội đồng thành viên chỉ là một trong số các thành viên của Hội đồng thành viên.
    Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng thành viên do Điều lệ công ty quy định nhưng không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên vắng mặt hoặc không thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình thì phải ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp không có thành viên được ủy quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên chết, mất tích, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì một trong số các thành viên Hội đồng thành viên triệu tập họp các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên tạm thời làm Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên.
    Trên đây là nội dung tư vấn của IPIC về những Các vấn đề pháp lý liên quan đến Chủ tịch HĐTV trong công ty TNHH 2 thành viên cần quan tâm trong hoạt động quản lý điều hành doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Mọi thắc mắc, yêu cầu tư vấn pháp lý liên quan đến các vấn đề pháp lý trên xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.
    Trân trọng,
    Luật sư Nguyễn Trinh Đức
 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.