Bản chất pháp lý của mua bán, sáp nhập doanh nghiệp

07 /082017

Bản chất pháp lý của mua bán, sáp nhập doanh nghiệp

Với mong muốn đưa đến cho các chủ doanh nghiệp có một nền tảng kiến thức vửng chắc liên quan pháp luật Hợp đồng và pháp luật Kinh doanh nói chung, chúng tôi công ty Luật IPIC xin giới thiệu bài Viết của ThS. Nguyễn Đức Phương là một trong chuyên gia hàng đầu trong pháp luật Kinh doanh. Chúng tôi xin giới thiệu chi tết nội dung bài viết rất mong nhận được sự ủng hộ của các bạn độc giả.

Tham khảo bài Viết: Dịch vụ tư vấn hợp đồng.

Bản chất pháp lý của mua bán, sáp nhập doanh nghiệp

Tóm tắt: Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp là các hành vi pháp lý được thực hiện khá phổ biến ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán, sáp nhập bao gồm nhiều loại quy phạm pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, hiểu biết của xã hội về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Bài viết cung cấp thông tin nhằm góp phần thống nhất nhận thức về khái niệm và bản chất pháp lý của hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Abstract: Merger and acquisition have become a quite common legal act in Vietnam in recent years. The legal document system regulating merger and acquisition consists of different types of legal normative documents[1]. However, the social understanding of such act is still limited. This article provides information to partly contribute to the consistent awareness of term and legal nature of merger and acquistion.
Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp là một thuật ngữ xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu, đặc biệt phổ biến là khi thị trường chứng khoán Việt Nam có những bước phát triển nhanh chóng. Thuật ngữ này được dịch từ thuật ngữ tiếng Anh “Merger & Acquisition” hay còn được viết tắt là M&A. Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam diễn ra hết sức sôi động trong thời gian gần đây, nó ngày càng phổ biến và trở thành xu thế của mọi doanh nghiệp, mọi lĩnh vực. Năm 2015, tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp của Việt Nam đạt mốc 5,2 tỉ tương đương với kỷ lục từ năm 2012. Sang đến 07 tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A ước tính đã vượt mốc 03 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015[2]. Mặc dù hoạt động M&A ở Việt Nam đã có sự phát triển nhất định, song những quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến M&A thì vẫn chưa được nhiều người biết đến.
1. Khái niệm về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp 
Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là hoạt động tích cực đối với cả bên mua và bên bán. So với việc thành lập một công ty con để mở rộng quy mô thì sáp nhập một doanh nghiệp phù hợp giảm thiểu tối đa các khoản chi và thời gian. Bên mua sẽ không mất chi phí tìm dự án, làm các thủ tục hành chính, đặc biệt là có sẵn thị trường tiêu thụ và nhân lực bản địa khi thực hiện M&A. Với bên bán, khi sáp nhập với một doanh nghiệp khác ngang bằng hoặc lớn hơn, giá trị và danh tiếng đều sẽ tăng lên. Một công ty mới mở cũng vậy, không ai biết đến họ cho tới khi công ty của họ đứng trên vai người khổng lồ nào đó và bỗng dưng trở nên nổi tiếng. Đặc biệt với những doanh nghiệp nhỏ hay đang bên bờ vực phá sản thì M&A là chiếc phao cứu hộ tốt nhất xoay chuyển tình thế. Nhìn chung, có ba loại sáp nhập chính bao gồm: (i) Sáp nhập hàng ngang (Horizontal Merger), sáp nhập hàng dọc (Vertical Merger) và sáp nhập tổ hợp (Conglomerate Merger). Sáp nhập hàng ngang thường xảy ra giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành nghề, điển hình tại Việt Nam là các thương vụ sáp nhập giữa các ngân hàng thương mại trong thời gian qua. (ii) Sáp nhập hàng dọc là sự sáp nhập giữa hai công ty nằm trên cùng một chuỗi giá trị dẫn tới sự mở rộng về phía trước, ví dụ như công ty chế biến cà phê mua lại chuỗi cửa hàng, công ty sữa mua lại trang trại chăn nuôi bò sữa. Rất nhiều thương vụ M&A theo hàng dọc được diễn ra do các nhà quản trị chiến lược nhận thức được rằng một dây chuyền sản phẩm hay dịch vụ hoàn thiện, khép kín sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đầu ra của doanh nghiệp. Hình thức này được áp dụng chủ yếu trong ngành công nghiệp bán lẻ, thực phẩm, đồ uống, giải trí, dịch vụ tài chính... (iii) Sáp nhập tổ hợp là hoạt động sáp nhập giữa các công ty hoạt động trong những ngành không có quan hệ với nhau, nhằm làm đa dạng hóa hoạt động của doanh nghiệp.
Thuật ngữ “mua bán và sáp nhập” (Mergers and Acquisitions) xuất hiện khá nhiều trong các tài liệu trong nước và quốc tế. Trong lý luận về kinh tế chính trị của Karl Marx cũng có đề cập tới khái niệm này như một hình thức của tập trung tư bản. Đây là quá trình tăng thêm quy mô của tư bản cá biệt sẵn có trong xã hội để hình thành một tư bản cá biệt khác lớn hơn, thông qua việc kết hợp các tư bản riêng lẻ lại với nhau. Thêm vào đó, sự cạnh tranh và công cụ tín dụng là các đòn bẩy quan trọng thúc đẩy mạnh quá trình tập trung các tư bản cá biệt này. Tín dụng tư bản là phương tiện tập trung các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội vào tay các nhà tư bản. Do vậy, có thể hiểu rằng, sáp nhập chính là một hình thức của quá trình tập trung tư bản. Các tổ chức tài chính ngân hàng cũng là một loại hình doanh nghiệp, một thành phần cấu thành tư bản của nền kinh tế, do vậy, các khái niệm về hoạt động mua bán và sáp nhập đối với doanh nghiệp cũng sẽ được áp dụng tương tự đối với các doanh nghiệp tài chính ngân hàng. Theo quan điểm của Andrew J.Sherman và Milledge A.Hart, hoạt động mua bán và sáp nhập sẽ bao gồm hoạt động sáp nhập/hợp nhất và hoạt động mua lại/thâu tóm. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay, thuật ngữ M&A được nhắc tới khá nhiều với các quan điểm khác nhau.
Theo Từ điển Oxford, thì hoạt động sáp nhập là sự kết hợp của hai tổ chức, đặc biệt là các công ty, doanh nghiệp thành một tổ chức, trong khi hoạt động mua lại là việc một công ty tiến hành mua một phần doanh nghiệp khác và nhận được tài sản của đối tượng đó.
Andrew J.Sherman cho rằng, xem xét sáp nhập là một sự kết hợp của hai tổ chức có sự tương đồng với nhau, trong khi đó mua lại là một quá trình một công ty nhỏ hơn bị một công ty lớn hơn thâu tóm, chi phối.
Tác giả David L.Scott cũng đề cập tới thuật ngữ mua bán và sáp nhập như sau: “Sáp nhập hay hợp nhất công ty là khái niệm để chỉ hai hoặc một số công ty cùng thỏa thuận chia sẻ tài sản, thị phần, thương hiệu với nhau để hình thành một công ty hoàn toàn mới, với tên gọi mới (có thể gộp tên của hai công ty cũ), trong khi đó chấm dứt sự tồn tại của các công ty cũ”; “mua lại được hiểu là việc một công ty mua lại hoặc thôn tính một công ty khác và không hình thành nên một pháp nhân mới. Mua lại xảy ra khi công ty mua lại giành được quyền kiểm soát công ty mục tiêu. Đó có thể là quyền kiểm soát cổ phiếu của công ty mục tiêu, hoặc dành được quyền kinh doanh hoặc tài sản của công ty mục tiêu”.
Hình thức mua lại còn có thể được biết đến với một thuật ngữ chuyên môn tương đương là hoạt động thâu tóm. Thâu tóm xảy ra khi hai công ty kết hợp với nhau để tạo thành một công ty hoàn toàn mới. Nó là khái niệm được sử dụng để chỉ một công ty tìm cách nắm giữ quyền kiểm soát đối với một công ty khác thông qua thâu tóm toàn bộ hoặc một số lượng cổ phần hoặc tài sản của công ty mục tiêu đủ để có quyền khống chế toàn bộ quyết định của công ty đó. Tỷ lệ này có thể khác nhau theo quy định trong Luật Công ty của từng quốc gia. Sau khi bị thâu tóm, công ty mục tiêu sẽ chấm dứt hoạt động hoặc trở thành một công ty con của công ty thâu tóm. Thương hiệu của công ty mục tiêu nếu được đánh giá là vẫn còn giá trị để duy trì thị phần thì vẫn giữ lại như một thương hiệu độc lập, hoặc được gộp lại thành một thương hiệu chung.
Mục tiêu của M&A là giành quyền kiểm soát doanh nghiệp, tham gia vào hoạt động điều hành, quản lý doanh nghiệp ở mức độ nhất định, không đơn thuần là sở hữu một phần vốn góp hay nắm giữ cổ phần như hoạt động đầu tư thông thường. Do vậy, khi nhà đầu tư đạt được mức sở hữu phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đủ để tham gia và có quyền đưa ra các quyết định liên quan tới các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì khi đó có thể coi đây là hoạt động M&A. Ngược lại, nếu nhà đầu tư chỉ sở hữu một lượng vốn góp, hoặc cổ phần rất nhỏ không đủ quyền đưa ra các quyết định liên quan tới vấn đề của doanh nghiệp thì đây chỉ được coi là hoạt động đầu tư thông thường.
Ở Việt Nam hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có khái niệm mua bán doanh nghiệp, chỉ có khái niệm hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp được quy định tại Điều 194 và Điều 195. Theo đó, hợp nhất doanh nghiệp được định nghĩa là hai hoặc một số công ty (công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất. Sáp nhập doanh nghiệp là một hoặc một số công ty (công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập[3].
Từ những quan điểm khác nhau như trên, có thể khái quát về hoạt động M&A như sau:
Sáp nhập - Hợp nhất (Merger) là hai hoặc một số doanh nghiệp cùng thỏa thuận với nhau nhằm chia sẻ tài sản, thị phần, thương hiệu để hình thành một doanh nghiệp mới, với tên gọi mới (có thể gộp tên của hai công ty cũ) và chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp cũ. Do vậy, sáp nhập, hợp nhất là xảy ra đối với các thương vụ M&A mang tính chất thân thiện.
Mua lại (Aquisition) chỉ một doanh nghiệp thực hiện mua lại hoặc thôn tính một doanh nghiệp khác và không hình thành nên một pháp nhân mới. Mua lại xảy ra khi doanh nghiệp mua lại giành được quyền kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu. Đó có thể là quyền kiểm soát cổ phiếu, quyền kinh doanh hoặc tài sản của doanh nghiệp mục tiêu. Mua lại thường xảy ra ở những thương vụ mang tính chất thù địch, thâu tóm lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, tổ chức.
2. Vai trò của hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp
M&A đưa lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên tham gia. Nó không chỉ giúp các doanh nghiệp lớn giảm chi phí đầu tư, giúp các doanh nghiệp yếu kém thoát khỏi nguy cơ phá sản mà còn giúp doanh nghiệp mới tạo ra sau M&A có đầy đủ các tiềm lực và thuận lợi để phát triển lớn mạnh và đạt được lợi thế cạnh tranh trên thương trường[4].
Đối với các doanh nghiệp, M&A góp phần cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp. Sau M&A, doanh nghiệp sẽ được tăng thêm nguồn vốn sử dụng và khả năng tiếp cận nguồn vốn, chia sẻ rủi ro, tăng cường tính minh bạch về tài chính. M&A còn giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả kinh doanh dựa vào quy mô khi doanh nghiệp có thể thâm nhập được vào thị trường mới, có thêm một dây chuyền sản phẩm mới hay mở rộng phạm vi phân phối, mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch, các dự án… Hơn nữa, quy mô lớn cũng giúp giảm thiểu chi phí trong kinh doanh như giảm thiểu sự trùng lặp trong mạng lưới phân phối, tiết kiệm chi phí hoạt động và chi phí quản lý... Sau khi thực hiện M&A, hai bên có thể khai thác được những lợi thế lẫn nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, khả năng bán chéo sản phẩm, dịch vụ, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới. Đối với các doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, bị suy thoái hoặc lợi thế cạnh tranh bị giảm sút, thiếu sự thích nghi đối với môi trường kinh doanh mới... thì M&A là lời giải giúp họ tránh thua lỗ triền miên.
Đối với các nhà đầu tư, M&A là một cách thức hiệu quả để họ bước vào thị trường một cách nhanh chóng mà không cần mất thời gian để tìm kiếm một dự án hay làm các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó M&A, cũng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí “bôi trơn” khi thành lập một doanh nghiệp mới, tạo ra một thị trường mới và các chi phí phát sinh khác.
Đối với các công ty mới tạo, M&A là cách để các doanh nghiệp bổ sung khiếm khuyết và cộng hưởng sức mạnh với nhau, tạo thành sức mạnh gấp nhiều lần. Doanh nghiệp có thể giảm chi phí bằng cách cắt bớt nhân viên thừa, yếu kém, nâng cao năng suất lao động. Hoặc thông qua việc chuyển giao và bổ sung công nghệ cho nhau, năng suất lao động của doanh nghiệp sẽ được tăng lên. Với quy mô lớn, doanh nghiệp mới cũng sẽ có một vị thế thuận lợi khi đàm phán với đối tác, mở rộng các kênh marketing, hệ thống phân phối cũng như tăng vị thế trong mắt cộng đồng[5].
3. Bản chất pháp lý của mua bán, sáp nhập doanh nghiệp 
Về bản chất pháp lý, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp là hai vấn đề khác nhau nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Điểm chung của hoạt động mua bán, sáp nhập, hợp nhất hay mua lại, sáp nhập, hợp nhất là tạo cho doanh nghiệp mới hình thành có giá trị lớn hơn nhiều lần giá trị riêng lẻ của một doanh nghiệp ban đầu. Đó chính là kết quả của sự thành công hay thất bại của một thương vụ M&A mang lại. Cũng bởi lợi ích chung đó nên hai thuật ngữ sáp nhập, mua lại hay mua bán và sáp nhập hay được gắn kết với nhau và có thể đại diện cho nhau.
Mặc dù mua bán và sáp nhập thường được đề cập cùng nhau với thuật ngữ quốc tế phổ biến là “M&A” nhưng hai thuật ngữ mua bán và sáp nhập vẫn có sự khác biệt nhất định. Khi một công ty mua lại hoặc thôn tính một công ty khác và đặt mình vào vị trí chủ sở hữu mới, thì thương vụ đó được gọi là mua bán. Dưới khía cạnh pháp lý, công ty bị mua lại không còn tồn tại, bên mua đã “nuốt chửng” bên bán và cổ phiếu của bên mua không bị ảnh hưởng. Theo nghĩa đen, sáp nhập diễn ra khi hai doanh nghiệp, thường có cùng quy mô, đồng thuận hợp nhất lại thành một công ty mới thay vì hoạt động và sở hữu riêng lẻ. Loại hình này thường được gọi là “sáp nhập ngang bằng”. Cổ phiếu của cả hai doanh nghiệp sẽ ngừng giao dịch và cổ phiếu của công ty mới sẽ được phát hành. Tuy nhiên, trên thực tế, hình thức “sáp nhập ngang bằng” không diễn ra thường xuyên vì nhiều lý do. Một trong những lý do chính là việc truyền tải thông tin ra công chúng cần có lợi cho cả doanh nghiệp bị mua và doanh nghiệp mới sau khi sáp nhập. Thông thường, một công ty mua một công ty khác và trong thỏa thuận đàm phán sẽ cho phép công ty bị mua tuyên bố với bên ngoài rằng, hoạt động này là “sáp nhập ngang bằng”, cho dù về bản chất là hoạt động mua bán. Một thương vụ mua bán cũng có thể được gọi là sáp nhập khi cả hai bên đồng thuận liên kết cùng nhau vì lợi ích chung. Nhưng khi bên bị mua không muốn bị thâu tóm thì sẽ được coi là một thương vụ mua bán. Một thương vụ được coi là mua bán hay sáp nhập hoàn toàn phụ thuộc vào việc, thương vụ đó có được diễn ra một cách thân thiện giữa hai bên hay bị ép buộc thâu tóm nhau. Do vậy, việc sử dụng các khái niệm mua bán, sáp nhập, hợp nhất chỉ mang tính tương đối và điều quan trọng là bản chất của các hoạt động M&A, đó là có sự thay đổi cơ bản về mặt sở hữu và cách thức điều hành và quản trị doanh nghiệp. Mua lại hay thâu tóm được hiểu là việc một doanh nghiệp (gọi là doanh nghiệp thâu tóm) tìm cách nắm giữ quyền kiểm soát đối với doanh nghiệp khác (gọi là doanh nghiệp mục tiêu) thông qua việc mua lại toàn bộ hoặc một tỷ lệ cổ phần hoặc tài sản của doanh nghiệp mục tiêu đủ để khống chế toàn bộ các quyết định của doanh nghiệp. Có hai cách mua lại, bao gồm: (i) Mua lại tài sản, nghĩa là mua lại toàn bộ hoặc một phần tài sản và/hoặc nợ của công ty mục tiêu; (ii) Mua lại cổ phiếu, khi đó, công ty mục tiêu tiếp tục tồn tại và các tài sản của nó không bị ảnh hưởng.
Về nguyên tắc, việc tiến hành mua lại và sáp nhập một doanh nghiệp phải tạo ra được những giá trị mới cho các cổ đông mà việc duy trì tình trạng cũ không đạt được; giá trị của doanh nghiệp sau khi tiến hành M&A phải lớn hơn tổng giá trị hiện tại của cả hai doanh nghiệp khi còn đứng riêng rẽ; những công ty mạnh mua lại doanh nghiệp khác thường nhằm tạo ra một doanh nghiệp mới với năng lực cạnh tranh cao hơn, đạt hiệu quả tốt về chi phí, chiếm lĩnh thị phần lớn hơn, hiệu quả kinh doanh cao hơn. Chính vì vậy, M&A có bản chất pháp lý khá phức tạp và chịu sự điều chỉnh của nhiều quy phạm pháp luật khác nhau như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, pháp luật tài chính - ngân hàng...
4. Các hình thức thực hiện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp
Cùng một tiêu chí mua bán và sáp nhập doanh nghiệp nhưng M&A được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như: Góp vốn trực tiếp vào doanh nghiệp; mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần; sáp nhập doanh nghiệp; hợp nhất doanh nghiệp và chia, tách doanh nghiệp. Trong đó, hình thức góp vốn vào doanh nghiệp và mua lại phần góp vốn hoặc cổ phần doanh nghiệp là những hoạt động chính và phổ biến nhất. Các hình thức M&A khác chỉ là những hình thức được áp dụng với những hoạt động đầu tư đặc thù. Hình thức bán công ty nhà nước sẽ giảm dần vì theo lộ trình quy định, các công ty nhà nước sẽ được chuyển hết sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Góp vốn trực tiếp vào doanh nghiệp thông qua việc góp vốn điều lệ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc mua cổ phần phát hành để tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần.
Mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần đã phát hành của thành viên hoặc cổ đông của công ty. Không giống như hình thức góp vốn trực tiếp vào doanh nghiệp, đây là hình thức đầu tư không làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp nhưng có thể làm thay đổi cơ cấu sở hữu vốn góp/cổ phần của doanh nghiệp.
Mua, bán doanh nghiệp chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp và một số doanh nghiệp nhà nước, bộ phận doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước.
Sáp nhập doanh nghiệp là hình thức kết hợp một hoặc một số công ty cùng loại (công ty bị sáp nhập) vào một công ty khác (công ty nhận sáp nhập) trên cơ sở chuyển toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty bị sáp nhập vào công ty nhận sáp nhập. Công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại, công ty nhận sáp nhập vẫn tồn tại và kế thừa toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty bị sáp nhập.
Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều công ty cùng loại (công ty bị hợp nhất) kết hợp thành một công ty mới (công ty hợp nhất). Các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại và hình thành mới một công ty trên cơ sở kế thừa toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của các công ty bị hợp nhất.
Chia, tách doanh nghiệp là hình thức M&A đặc thù bởi việc kiểm soát doanh nghiệp đạt được thông qua việc làm giảm quy mô doanh nghiệp, do vậy, việc kiểm soát doanh nghiệp chỉ thực hiện đối với từng phần doanh nghiệp nhất định. Chủ thể chính của hoạt động chia, tách doanh nghiệp là các thành viên hoặc cổ đông hiện tại của công ty. Chia, tách doanh nghiệp được áp dụng đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Mỗi một hình thức M&A đều có những quy định riêng của pháp luật điều chỉnh. Vì vậy, trước khi thực hiện bất cứ một hoạt động M&A nào, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật để xác định mục đích đầu tư có đạt được hay không và cần phải thực hiện đầu tư như thế nào để pháp luật bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của mình.
5. Một số khuyến nghị nhằm phát triển hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới
Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để nhu cầu M&A của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Ngoài ra, cần tạo ra nhu cầu nội tại của thị trường, trong môi trường kinh doanh đó phải có sự cạnh tranh cao giữa các doanh nghiệp. Đó chính là động lực để doanh nghiệp vươn lên, phát triển cả chiều sâu, chiều rộng và đương nhiên khi đó sẽ có doanh nghiệp tồn tại, phát triển, có doanh nghiệp bị phá sản, thôn tính... Tất yếu, môi trường đó sẽ hình thành nhu cầu mua, bán, sáp nhập, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp để lớn mạnh hơn, phát triển hơn và hỗ trợ cho nhau tốt hơn.
Thứ hai, cần phải xây dựng được kênh kiểm soát thông tin, tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh nói chung, hoạt động M&A nói riêng. Bởi vì trong hoạt động M&A, thông tin về giá cả, thương hiệu, thị trường, thị phần, quản trị... là rất cần thiết cho cả bên mua, bên bán. Nếu thông tin không được kiểm soát, minh bạch thì có thể gây nhiều thiệt hại cho cả bên mua, bên bán, đồng thời ảnh hưởng nhiều đến các thị trường khác như hàng hóa, chứng khoán, ngân hàng. Cũng như các thị trường khác, thị trường M&A hoạt động có tính dây chuyền, nếu một vụ M&A lớn diễn ra không thành công hoặc có yếu tố lừa dối thì hậu quả cho nền kinh tế là rất lớn vì có thể cổ phiếu, trái phiếu, hoạt động kinh doanh, đầu tư... của doanh nghiệp đó nói riêng và các doanh nghiệp liên quan bị ảnh hưởng theo.
Thứ ba, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về M&A, tạo điều kiện để xác lập giao dịch, địa vị của bên mua, bên bán, hậu quả pháp lý sau khi kết thúc giao dịch. Hiện nay, các quy định liên quan đến hoạt động M&A để xác lập giao dịch đã được hình thành trong các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh... Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ dừng lại ở việc xác lập về mặt hình thức của hoạt động M&A, trong khi đó các vấn đề về mặt nội dung cần phải được quy định đầy đủ hơn nữa bởi vì hoạt động M&A còn có nhiều nội dung liên quan đến định giá doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề tài chính, cổ phần, cổ phiếu, người lao động, thuế, phí... của doanh nghiệp trong quá trình và sau khi M&A.
Thứ tư, thị trường M&A là một thị trường cần sự tham gia, tham vấn của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu về các lĩnh vực khác nhau như luật pháp, tài chính, thương hiệu... do đó, cần có những chương trình đào tạo để có được đội ngũ chuyên gia tốt, những người môi giới, tư vấn cho cả bên mua, bên bán, đồng thời là người cung cấp thông tin tốt nhất về thị trường. Có như vậy thị trường M&A Việt Nam mới hoạt động tốt và đi vào chuyên nghiệp[6]
ThS. Nguyễn Đức Phương
Tài liệu tham khảo:
[1]. “Legal normative documents” is not a commonly used terms in other countries’ legal system. Technically, the term delivers the same meaning as the term “legislation” does.
[2]. http://ivc.com.vn, cập nhật ngày 16/4/2017.
[3]. Xem thêm ThS. Chu Thị Lê Dung, “Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và những lợi ích mang lại”, Tạp chí tháng 4/2016.
[4].Xem:http://luattoanlong.vn/Doanh-nghiep/Ve-van-de-sap-nhap-va-mua-lai-doanh-nghiep-tai-Viet-Nam-313.html.
[5].Xem:http://luattoanlong.vn/Doanh-nghiep/Ve-van-de-sap-nhap-va-mua-lai-doanh-nghiep-tai-Viet-Nam-313.html.
[6]. Xem thêm: “Thị trường M&A ở Việt Nam”, http://www.lantabrand.com/cat1news3762.html.

Tham khảo thêm: 

Mẫu hợp đồng đại lý phân phối khu vực.

Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa mục đích kinh doanh.

Mẫu hợp đồng cung ứng dịch vụ quốc tế.

Mẫu hợp đồng thuê nhà mục đích kinh doanh.

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.