Ý kiến của công ty Luật IPIC liên quan đến việc lựa chọn chủ đầu tư mỏ vàng được đăng trên báo tuổi trẻ.
Bắc Kạn: Chọn chủ đầu tư mỏ vàng bằng quy định vượt thẩm quyền?
Sau khi UBND tỉnh Bắc Kạn có quyết định thay đổi tiêu chí lựa chọn các chủ đầu tư xin cấp phép thăm dò mỏ vàng Pác Lạng, hành động này đã gặp phải phản ứng từ phía doanh nghiệp tham gia, do có những dấu hiệu bất thường.
Chỉ hai đơn vị đủ điều kiện
Theo phản ánh của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn (Bắc Kạn) với PV, ngày 25.2.2016, UBND tỉnh này ban hành Quyết định số 231/QĐ-UBND về việc quy định việc lựa chọn tổ chức, cá nhân để cấp phép thăm dò mỏ vàng Pắc Lạng (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn). Tuy nhiên, theo đại diện Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn, Quyết định 231 có nhiều điểm bất hợp lý khiến công ty này gặp nhiều bất lợi trong quá trình nộp hồ sơ xin cấp phép thăm dò mỏ vàng.
Mỏ vàng Pác Lạng nằm trên địa bàn 2 xã Thượng Quan và Đức Vân (Ngân Sơn) có diện tích 370ha. Mỏ vàng này trước đây đã được cấp phép thăm dò cho một liên doanh ba bên gồm Tập đoàn Archipelago Resources Plc (ARP) của Anh, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn. Tuy vậy, sau khi thực hiện một số bước thăm dò, nhận thấy trữ lượng không đủ để khai thác ở quy mô công nghiệp, ARP rút lui và ủy thác cho Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn thực hiện tiếp dự án.
Đến năm 2013, Bộ TNMT có quyết định công bố mỏ vàng Pác Lạng là khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, không đấu giá và giao cho UBND tỉnh Bắc Kạn thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản.
Khu vực mỏ vàng Pác Lạng tại huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn).
Theo tìm hiểu của PV, ngày 16.4.2014, UBND tỉnh Bắc Kạn có thông báo số 43/TB-UBND đưa ra những tiêu chí để lựa chọn tổ chức, cá nhân cấp phép thăm dò mỏ vàng Pác Lạng, như: Doanh nghiệp phải có trụ sở tại tỉnh Bắc Kạn, có đăng ký hoạt động thăm dò và có kinh nghiệm hoạt động khoáng sản ít nhất 5 năm; ưu tiên tổ chức có đóng góp tài chính cho địa phương trong 2 năm gần nhất, chấp hành đầy đủ nghĩa vụ tài chính, có lợi nhuận sau thuế trong 5 năm gần nhất… Dựa theo những tiêu chí này, chỉ có hai đơn vị đủ điều kiện tham gia xin cấp phép là Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn và Công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico.
Đến tháng 8.2014, Công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico được UBND tỉnh Bắc Kạn lựa chọn để cấp phép thăm dò. Tuy nhiên, ngày 9.6.2015, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty này bị bắt do có hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” nên theo quy định, công ty này bị loại.
Vượt thẩm quyền?
Theo thông lệ, sau khi Công ty Na Rì Hamico bị loại, Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn đương nhiên trở thành lựa chọn duy nhất. Nhưng khá bất ngờ là ngày 25.2 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn lại hủy bỏ kết quả và đưa ra một bộ tiêu chí lựa chọn mới bằng Quyết định 231/QĐ-UBND.
Trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Mạnh Cường – Chánh văn phòng Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn – cho biết, Quyết định 231 có nhiều dấu hiệu bất thường, gây bất lợi cho công ty ông trong quá trình xin cấp phép thăm dò mỏ vàng.
Cụ thể, đại diện Công ty luật TNHH IPIC Group khẳng định, về căn cứ pháp lý và thẩm quyền ban hành văn bản, quyết định này có dấu hiệu vượt quá thẩm quyền.
“Quyết định 231 của UBND tỉnh Bắc Kạn căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19.6.2015, Luật Khoáng sản ngày 17.11.2010, Nghị định số 15/2012/NĐ-CP và Tờ trình số 29/TTr-STNMT ngày 18.2.2016 của Sở TNMT tỉnh Bắc Kạn. Nhưng tính tới thời điểm tháng 2.2016, tỉnh Bắc Kạn chưa tổ chức bầu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021, do vậy, trên địa bản tỉnh, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 chưa có hiệu lực, vẫn phải áp dụng Luật Tổ chức HĐND và UBND (luật số 11/2003/QH11)”, vị luật sư này khẳng định.
Không những thế, theo chuyên gia pháp lý của Công ty luật TNHH IPIC Group, Nghị định 15 của Chính phủ quy định chi tiết việc thực thi Điều 36 Luật Khoáng sản nói rằng nếu hết thời hạn thông báo mà có từ 2 nhà đầu tư trở lên thì nhà đầu tư nào đáp ứng nhiều tiêu chí hơn sẽ được lựa chọn.
Cũng theo đại diện Công ty luật TNHH IPIC Group, khi các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, HĐND cấp tỉnh được ban hành với các biện pháp quản lý tài nguyên trong lòng đất thì khi đó, UNBD tỉnh chỉ có thẩm quyền chỉ đạo, kiểm tra các tổ chức, cá nhân liên quan có thực hiện đúng các quy định đó hay không chứ không được tự ý ban hành các quy định để quản lý.
“Do vậy, Quyết định 231 do UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành ngày 25.2.2016 có dấu hiệu trái luật, vượt thẩm quyền”, đại diện Công ty luật TNHH IPIC Group khẳng định.
Sai thì sửa!
Đem những thắc mắc này tới Sở TNMT tỉnh Bắc Kạn để tìm câu giải đáp, ông Trần Nguyên – Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bắc Kạn – cho biết: UBND tỉnh đã chuyển cho sở đơn khiếu nại của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn. Về mặt nguyên tắc, khi có đơn khiếu nại quyết định của cơ quan nhà nước, các đơn vị có thẩm quyền sẽ phải xem xét lại quyết định đó.
Theo ông Nguyên, nếu kiểm tra và thấy người ta khiếu nại đúng thì phải hủy quyết định. “Không phải cơ quan chức năng lúc nào cũng đúng. Là con người, ai cũng có lúc đúng, lúc sai. Mà nếu sai thì sửa” – ông Nguyên nhấn mạnh.
Ông Trần Nguyên – Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bắc Kạn – trao đổi với PV.
Theo thông tin của ông Nguyên, mỏ vàng Pác Lạng vẫn tiến hành lựa chọn các đơn vị nộp hồ sơ xin cấp phép thăm dò. Hôm nay (27.3) là hạn chót.
Trả lời thắc mắc của PV rằng nếu Quyết định 231 của UBND tỉnh Bắc Kạn trái luật thì sẽ ảnh hưởng ra sao đến việc tham gia xin thăm dò mỏ vàng của các doanh nghiệp, vị Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bắc Kạn nói: “Nếu đúng là UBND tỉnh ban hành quyết định trái thẩm quyền thì UBND tỉnh sẽ sửa, sẽ làm lại chứ không có vấn đề gì. Quyết định không đúng thì sẽ không có căn cứ để lựa chọn đơn vị thăm dò mỏ vàng”
Đường link trên báo tuổi trẻ: