Thư tư vấn: 2014/Letter-Ipic
V/v: Tư vấn về thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
Công ty Luật TNHH IPIC (“IPIC GROUP”) cám ơn Ông đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của Công ty chúng tôi.
Qua trao đổi chúng tôi hiểu rằng Ông đang có nhu cầu thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa ngườilao động ra nước ngoài làm việc và cần sự tư vấn cũng như hỗ trợ của chúng tôi về mặt pháp lý.
I. YÊU CẦU TƯ VẤN
- Các khía cạnh pháp lý theo quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc;
- Quy trình pháp lý và hồ sơ cần thiết cần chuẩn bị để thực hiện việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụđưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
II. VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC TRA CỨU
(1) Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội;
(2) Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội;
(3) Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 06 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;
(4) Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 08 năm 2007 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hơp đồng;
(5) Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn chi tiết một số điều của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 08 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
>>> Tham khảo : công ty cho thuê tài chính 100 vốn nước ngoài
III. Ý KIẾN TƯ VẤN
Dựa trên yêu cầu của Ông cùng với các văn bản pháp luật liên quan được tra cứu, IPIC GROUP đưa ra nhận định như sau:
3.1 Ngành nghề kinh doanh
- Căn cứ Phụ lục III của Nghị định 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì hoạt động kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
- Sau khi thành viên sáng lập được cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục đăng ký cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành hoạt động kinh doanh.
3.2 Về vốn kinh doanh
- Vốn pháp định: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định. Căn cứ khoản 2 Điều 8 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số72/2006/QH1 của Quốc Hội và Điều 3 Nghị định số 126/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì mức vốn pháp định là 5 tỷ đồng;
- Vốn kinh doanh: Tổng số vốn của những thành viên sáng lập góp phải phù hợp với quy mô kinh doanh nhưng không được thấp hơn mức vốn pháp định là 5 tỷ đồng.
3.3 Về tiền ký quỹ
Căn cứ khoản 4 Điều 9 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số72/2006/QH1 của Quốc Hội và Điều 5 Nghị định số 126/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì công ty kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có tiền ký quỹ là một tỷ đồng.
Lưu ý:
- Việc ký quỹ được thực hiện sau khi thành viên sáng lập đã được cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp ký quỹ tại Ngân hàng Thương mại nới doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
3.4 Các quy định khác
- Căn cứ Điều 2 Nghị định 126/2007/NĐ-CP thì thành viên góp vốn phải là các tổ chức, cá nhân Việt Nam;
- Doanh nghiệp lần đầu kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế.
>>> Tham khảo : Thành lập công ty hoạt động phân phối có yếu tố nước ngoài
IV. TRÌNH TỰ THỦ TỤC
4.1 Trình tự thủ tục và Hồ sơ dự án
a) Trình tự thủ tục:
Bước 1: Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội;
Tiến hành thủ tục khắc dấu pháp nhân và đăng ký mã số thuế, đăng báo về việc thành lập công ty.
Bước 2: Đăng ký cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao đông đi làm việc tại nước ngoài tại Cục Quản lý lao động nước ngoài – Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.
b) Soạn thảo hồ sơ cần thiết để đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
- Đơn đề nghị Đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên (Nếu có đối với công ty TNHH 2 TV trở lên hoặc công ty cổ phần);
- Giấy ủy Quyền cho Công ty Luật TNHH IPIC GROUP.
c) Soạn thảo hồ sơ cần thiết để đăng ký cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Báo cáo về bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
- Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Bản thông tin chi tiết của các cán bộ chuyên trách trong bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
4.2 Tài liệu nhà đầu tư cung cấp
a) Hồ sơ của nhà đầu tư:
- 03 bản sao công chứng Chứng minh thư nhân dân (Đối với thành viên là cá nhân);
- 03 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (Đối với thành viên là tổ chức);
- 03 bản sao công chứng xác nhận số dư tài khoản của ngân hàng của các thành viên góp vốn(không nhỏ hơn số vốn pháp định là 5 tỷ đồng);
Lưu ý: Các thành viên góp vốn phải cung cấp đầy đủ xác nhận số dư tài khoản của từng thành viên theo đúng tỷ lệ góp vốn và tổng số dư tài khoản đó không được thấp hơn 5 tỷ đồng;
- 03 bản giới thiệu năng lực và kinh nghiệm của người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi nước ngoài;
- 02 bản sao công chứng Hợp đồng của nhà đầu tư thuê đất, hoặc hợp đồng nguyên tắc thuê địa điểm để thực hiện hoạt động kinh doanh.
b) Hồ sơ bên cho thuê đất phải cung cấp
- 03 bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bên cho thuê (Trong trường hợp bên cho thuê chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bắt buộc bên cho thuê phải cam kết là đất đủ điều kiện cho thuê);
- 03 bản sao chứng nhận Giấy chứng nhận đầu tư (Có ngành nghề kinh doanh Bất động sản);
- 03 bản sao chứng thực Giấy phép xây dựng;
- 03 bản vẽ mặt bằng cho thuê (nếu có).
4.3 Thời gian thực hiện.
- Soạn thảo hồ sơ theo quy định tại Khoản 4.1 thư tư vấn này trong thời gian 06 ngày làm việc kể từ ngày nhà đầu tư cung cấp đầy đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 4.2 của thư tư vấn này.
- Thời gian xin cấp Giấy chứng nhập đầu tư dự kiến trong vòng 30 ngày làm việc kể từ thời điểm nộp hồ sơ hợp lệ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Thời gian trên không bao gồm thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có) theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Thời gian tiến hành thủ tục khắc con dấu pháp nhân và xin cấp mã số thuế là 10 ngày làm việc.
Trên đây là nội dung tư vấn sơ bộ và đề xuất dịch vụ của chúng để Ông xem xét và quyết định. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc cần thêm bất thông tin gì, Ông vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi.
Rất hân hạnh được hợp tác với Ông!
Trân trọng!
>>> Tham khảo : Nhà đầu tư nước ngoài mua lại công ty may
Vui lòng liên hệ
Luật Sư Nguyễn Trinh Đức - Giám đốc điều hành.
Điện Thoại: (04) 73018886 - (04) 73028886; Mobile: 0936342668.
Mail: info@ipic.vn; trinhduclawyer@gmail.com.
Địa chỉ trụ sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Rất Hân hạnh được tư vấn pháp luật cho Quý khách hàng!