Thư tư vấn: .../2015/Letter-Ipic
V/v:Tư vấn liên quan đến vấn đề khởi kiện về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công ty Luật TNHH IPIC ("IPIC GROUP") xin cảm ơn Bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.
Qua trao đổi chúng tôi hiểu rằng Bạn đang có nhu cầu tư vấn liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:
“Hiện tại tôi có người họ hàng vì muốn chạy việc cho con vào làm tại trường học. Theo như bác ấy kể thì đã đặt cọc trước 30 tr đồng cho người chạy việc. Và bên người nhận chạy việc có làm giấy ghi nhận số tiền là bao nhiêu, và lý do nhận để xin việc cho cháu A vào trường B làm việc. Và có ghi rõ trong vòng 1 tháng Cháu A không được đi làm thì sẽ hoàn lại tiền, và nếu cháu A được đi làm thì đóng nốt số tiền còn lại. Tuy nhiên trong giấy nhận tiền đó họ lại không cho số CMT ND mà chỉ cho địa chỉ. Đã 2 năm nay, gia đình bác ấy có liên lạc để lấy lại tiền đặt cọc vì người nhận chạy việc không xin được cho cháu B. Nhưng họ lại không trả tiền cho bác ấy. Vậy Xin hỏi luật sư: nếu bác ấy làm đơn kiện thì có đủ bằng chứng để kiện được không? Và đối tượng đó có bị truy cứu hình sự không ạ? Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư”
I.YÊU CẦU TƯ VẤN
- Liên quan đến vấn đề khởi kiện về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Hồ sơ và trình tự thực hiện.
II.VĂN BẢN PHÁP LUẬT
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, số 37/2009/QH12 của Quốc hội ngày 19 tháng 06 năm 2010;
- Bộ Luật Hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội ngày 21 tháng 12 năm 1999;
- Bộ Luật Tố tụng Hình sự số 19/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003.
>>> Tham khảo : Thành lập công ty xây dựng hàn quốc tại Việt Nam
III.Ý KIẾN TƯ VẤN
Dựa trên yêu cầu của Bạn cùng với các văn bản pháp luật liên quan được tra cứu, IPIC GROUP đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
1) Liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Tồn tại dấu hiệu về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
a) Về chủ thể:
Người thực hiện hành vi lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền là 30 triệu đồng đã vi phạm vào các trường hợp thuộc khoản 1, khoản 2 điều 139 bộ luật hình sự (sửa đổi bổ sung 2009) là người đã phải đủ 16 tuổi và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã thực hiện.
b) Về khách thể:
Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là quan hệ sở hữu. Trong trường hợp này thì khách thể của tội phạm là quan hệ sở hữu đối với số tiền 30 triệu đồng tiền đặt cọc sử dụng vào mục đích chạy việc cho A vào làm ở trường học.
c) Về mặt khách quan:
Người chiếm đoạt số tiền 30 triệu đồng đã thực hiện hành vi gian dối của mình, đưa ra thông tin giả nhằm hứa hẹn chắc chắn rằng sẽ chạy việc cho A vào làm tại trường học, đã tạo niềm tin cho Bác bạn và lấy đi số tiền đặt cọc là 30 triệu đồng và không trả lại.
d) Về mặt chủ quan:
Việc thực hiện hành vi gian dối của mình là do lỗi cố ý gây lên nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền đặt cọc từ phía Bác bạn.
- Từ những dấu hiệu nhận biết trên đã cho thấy hành vi của người nhận tiền từ Bác bạn đã đủ để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 139 Bộ Luật Hình sự (sửa đổi bổ sung năm 2009) theo đó: “ Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì phạm tội này”.
- Từ những ý kiến trên Công ty Luật TNHH IPIC GROUP chúng tôi xin đưa ra những ý kiến tư vấn như sau:
Đối với trường hợp của bạn thì người nhận tiền đã có dấu hiệu vi phạm vào điều 139 bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) khi mà đã chiếm đoạt số tiền đặt cọc của bác bạn là 30 triệu đồng. Bằng hành vi gian dối của mình, họ đã hứa hẹn chắc chắn rằng sẽ xin cho A (con của bác bạn) vào làm việc tại trường học, điều này đã tạo niềm tin cho bác bạn để rồi bác bạn đã đặt cọc 30 triệu đồng cho họ nhằm chắc chắn cho A được vào làm tại trường học như đã thỏa thuận. Hai bên có viết giấy nhận và ghi rõ trong vòng 1 tháng cháu A không được đi làm thì sẽ hoàn lại tiền, và nếu cháu A được đi làm thì đóng nốt số tiền còn lại. Nhưng đã 2 năm rồi mà cháu A vẫn chưa được đi làm. Gia đình bác bạn có liên lạc để lấy lại tiền đặt cọc vì người nhận chạy việc không xin được cho cháu A. Nhưng họ lại không trả tiền cho bác ấy. Như vậy, bằng hành vi gian dối của mình, người nhận tiền không thể làm được công việc chạy việc cho con bác bạn nhưng lại nhận số tiền đặt cọc và ký giấy hứa hẹn chắc chắn sẽ chạy việc cho A nhằm tạo niềm tin cho bác bạn giao số tiền đặt cọc. Và đã chiếm đoạt số tiền đó và không trả lại dù gia đình bác bạn đã liên lạc. Hành vi này đã vi phạm vào điều 139 bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
2) Hồ sơ và trình tự thực hiện
- Đối với trường hợp của Bác bạn bây giờ cần phải viết đơn tố cáo và đề nghị khởi tố gửi cơ quan cảnh sát hình sự/điều tra - Công an huyện nơi người đó sinh sống để được giải quyết theo đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho Bác bạn;
- Bác bạn cần kèm theo bằng chứng, chứng cứ (như: giấy nhận tiền, người làm chứng…) để quá trình điều tra về hành vi lừa đảo được làm rõ ràng và có sức thuyết phục hơn khi ra tòa án giải quyết theo đúng pháp luật.
- Mức án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng. Và người bị kết án chịu án phí hình sự sơ thẩm. Nhưng trong trường hợp, khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại mà Tòa án tuyên bị cáo không có tội, hoặc vụ án bị đình chỉ thì người yêu cầu khởi tố phải chịu án phí trừ trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí (theo pháp lệnh số10/2009/UBTVQH12 về án phí, lệ phí tòa án).
Trân trọng!
>>> Tham khảo : công ty cho thuê tài chính 100 vốn nước ngoài
Vui lòng liên hệ
Luật Sư Nguyễn Trinh Đức - Giám đốc điều hành.
Điện Thoại: (04) 73018886 - (04) 73028886; Mobile: 0936342668.
Mail: info@ipic.vn; trinhduclawyer@gmail.com.
Địa chỉ trụ sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Rất Hân hạnh được tư vấn pháp luật cho quý khách hàng!