Tham nhũng trong lĩnh vực tư

05 /072019

Tham nhũng trong lĩnh vực tư

Tham nhũng trong lĩnh vực tư!

Người dẫn chương trình: Xin chào quý vị, mời quý vị cùng theo dõi chương trình tư vấn pháp lý của phapluatplus.vn. Ở số này chúng ta sẽ cùng lắng nghe những chia sẻ, tư vấn về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực tư từ vị luật sư Nguyễn Trinh Đức đến từ Công ty luật TNHH IPIC.

Luật sư: Xin chào toàn thể các quý vị khán giả.

Người dẫn chương trình: Thưa quý vị, theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng có hiệu lực vào ngày 01 tháng 7 năm 2019 thì tham nhũng đã được quy định trong lĩnh vực tư. Vậy luật sư có thể nói cụ thể chi tiết hơn về quy định pháp luật về vấn đề này?

Luật sư: Tham nhũng trong lĩnh vực tư là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn tham nhũng trong lĩnh vực liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Bao gồm các hành vi: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Đối tượng tham nhũng trong lĩnh vực tư gồm các loại hình doanh nghiệp: công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện.

Người dẫn chương trình: Luật sự có thể nói rõ hơn tại sao Luật phòng chống tham nhũng lại quy định chống tham nhũng trong lĩnh vực tư không?

Luật sư: Việc đưa chống tham nhũng trong lĩnh vực tư là một nhu cầu khách quan của xã hội, nội dung này thế giới họ đã quy định từ lâu chúng ta mới đưa vào cũng là muộn so với thông lệ trên thế giới. Việc đưa vào quy định tham nhũng trong lĩnh vực tư vào Luật chống tham nhũng vì những lý do cơ bản như sau:

Thứ nhất. hiện quy mô kinh tế của khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh tác động đến hàng ngàn người, các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực này có thể gây thiệt hại cho hàng tram, nghìn cổ đông cũng như tác động xấu đến quản trị công nên việc đưa vào trong luật phòng chống tham nhũng là nhu cầu thực tế cần đòi hỏi.

Thứ hai. Lĩnh vực công và lĩnh vực tư có mối quan hệ mật thiết với nhau nên việc phòng và chống tham nhũng trong hai lĩnh vực này cần thiết tiến hành song song với nhau.

Thứ ba. Việc quy định tham nhũng trong lĩnh vực tư phù hợp với công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng mà Việt Nam là một thành viên tham gia công ước này.

Người dẫn chương trình: Với quy định về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tư như trên, theo Luật sư thì nó sẽ tác động ảnh hưởng như thế nào đối với doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp? Rõ ràng sẽ có tác động lên các đối tượng công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện.

Về mặt tích cực sẽ bảo về lợi ích cho các tổ chức trên, và là cách thức ngăn ngừa hành vi tham nhũng trong các tổ chức đó. Đồng thời các tổ chức này phải thay đổi cách quản lý, quản trị tổ chức mình ngày càng minh bạch hơn đó cũng là cơ sở để các công ty đại chúng phát triển tốt hơn, là công cụ để bảo vệ các cổ đông được tốt hơn.

Về mặt tiêu cực: Đây là rũi ro đối với người quản lý và chính doanh nghiệp là công ty đại chúng. Nếu theo cách thức và thói quen điều hành cũng như sử dụng tài sản doanh nghiệp như hiện nay thì nguy cơ bị hình sự hóa các quan hệ trên là rất cao. Như chúng ta biết là nhiều doanh nghiệp trên sàn làm ăn thua lỗ nhưng chủ doanh nghiệp và người liên quan thì lại là đại gia siêu xe, du thuyển, máy bay….; nếu không có sự chấp hành  tốt về quản trị thì rất dể trở thành tham ô tài sản. Hay việc bố trí và sử dụng nhân sự như đưa người quen, anh em, bạn bè vào điều hành trên cơ sở tư lợi cá nhân, phe cách .. có thể phạm tội đưa và nhận hối lộ. Cần đặc biệt lưu ý vì nhiều chủ doanh nghiệp công ty đại chúng vẫn điều hành doanh nghiệp với tư duy dà doanh nghiệp gia đình đặc biệt khi họ nắm số lượng cổ phần chi phối thì tư tưởng và cách điều hành này càng phổ biến. Lấy tài sản tiền doanh nghiệp đi đầu tư ngoài và nhờ người than đứng tên, cán bộ nhân viên đứng tên, những hành vì này có thể trở thành hành vi tham ô tài sản mà hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn vẫn sử dụng cách thức này để kinh doanh như là lợi thế. Đặc biệt khi hành vi này có thể hình sự hóa trở thành cách thức đấu đá nội bộ gây mất đoàn kết trong công ty.

Người dẫn chương trình: Tham nhũng trong lĩnh vực tư có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Luật sư: Theo luật phòng chống tham nhũng năm 2018, không có quy định tham nhũng trong lĩnh vực tư sẽ bị khởi tố trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo Bộ luật hình sự năm 2015, tham nhũng trong lĩnh vực tư có thể sẽ bị khởi tố trách nhiệm hình sự.

Theo điều 80 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định về áp dụng biện pháp về phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước :”Trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu quy định tại Điều 72, các điểm a, b và d khoản 3 Điều 73 của Luật này”

Dẫn chiếu theo quy định tại điều này, điều 72 luật phòng chống tham nhũng quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ; Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới”.

Điều 73 Luật phòng chống tham nhũng quy định: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét loại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng trách nhiệm pháp lý trong các trường hợp sau đây:

“Được xem xét loại trừ trách nhiệm trong trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng;

Được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc đã chủ động, kịp thời phát hiện, báo cáo và xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật;

Bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng mà không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc không kịp thời báo cáo, xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, trong luật phòng chống tham nhũng năm 2018 không quy định tham nhũng trong lĩnh vực tư bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên không đồng nghĩa với việc nhưng vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, tham nhũng trong lĩnh vực tư có bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, đối với tội tham ô tài sản :”Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng…”

Theo điểm d khoản 3 điều 3 luật phòng chống tham nhũng có quy định về người có chức vụ quyền hạn. Người có chức vụ quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm: Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

Như vậy, theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 thì tham nhũng trong lĩnh vực tư có bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến tử hình.

Hiện điều này đang giao cho chính phủ có hướng dẫn chi tiết, chúng ta cần chờ những hướng dẫn tiếp theo của chính phủ.

Người dẫn chương trình: Có thể thấy, tham nhũng trong lĩnh vực tư là một vấn đề gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với người quản lý doanh nghiệp, người có chức vụ quyền hạn trong doanh nghiệp. Vậy theo luật sư, chúng ta cần phải có những biện pháp như thế nào để hạn chế được tình trạng này?

Luật sư: Phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực tư là một trong những vấn đề quan trọng và cần thiết. Chính vì vậy, luật phòng chống tham nhũng năm 2018 đã đưa tham nhũng trong lĩnh vực tư vào quy định của pháp luật. Các quy định về biện pháp phòng ngừa tham nhũng cụ thể như sau:

Thứ nhất, công khai mình bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị:

Đây là biện pháp quan trọng đầu tiên nhằm ngăn ngừa tham nhũng, công khai minh bạch sẽ tạo điều kiện cho mọi người ngăn tham gia giám sát lẫn nhau.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch thông tin về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Việc công khai, minh bạch phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời theo trình tự, thủ tục do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quy định và phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ hai, xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong tổ chức, đơn vị:

-Xây dựng ban hành và thực hiện định mức, tiêu chuẩn chế độ:

Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, đơn vị khác có sử dụng tài chính công, hướng dẫn áp dụng hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, ban hành, công khai định mức, tiêu chuẩn, chế độ áp dụng trong tổ chức, đơn vị mình, thực hiện và công khai kết quả thực hiện quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ đó.

-Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ: Tổ chức, đơn vị, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ và xử lý kịp thời người có hành vi vi phạm.

Thứ ba, Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn trong tổ chức, đơn vị:

Người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội phải thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ…

Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho tổ chức, đơn vị đó.

Thứ tư, kiểm soát tài sản của người có chức vụ quyền hạn trong tổ chức, đơn vị:

Tài sản của người có chức vụ quyền hạn trong tổ chức đơn vị được công khai và được kiểm soát nhằm tránh tình trạng tham nhũng.

Người dẫn chương trình: Thưa quý vị, như những gì mà luật sư vừa chia sẻ thì quý vị có thể thấy rằng, việc phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tư là một vấn đề quan trọng và cần phải thực hiện các biện pháp phòng chống, hạn chế rủi ro trong lĩnh vực này. Một lần nữa xin được cảm ơn luật sư đã đến với chương trình ngày hôm nay. Cảm ơn quý vị đã theo dõi và quan tâm chương trình. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

  • Trụ Sở: Phòng 401, tòa nhà văn phòng 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Chi nhánh TP HCM: Số 279 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Hồ Chí Minh.
  • (84) 24.730.18886
  • info@ipic.vn ; trinhduclawyer@gmail.com
  • Mobile: 0936.342.668

Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí, nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào, chúng tôi sẽ sẵn sàng tư vấn và giải đáp.